Tuesday, 31 October 2023

CẦN QUY HOẠCH, QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU PHỐI HOẠT ĐỘNG TỪ THIỆN

 


Cần quy hoạch, quản lý và điều phối hoạt động từ thiện

Chu Mộng Long

31/10/2023

https://baotiengdan.com/2023/10/31/can-quy-hoach-quan-ly-va-dieu-phoi-hoat-dong-tu-thien/

 

Hơn cả trăm tỷ đồng từ thiện hỗ trợ gia đình nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini đang ách tắc. Đa số gia đình nạn nhân chưa nhận được xu nào, mặc dù các tổ chức, cá nhân quyên góp tức thời.

 

Dân mạng phẫn nộ, bởi cái gì qua tay chính quyền đều rất chậm trễ. Chậm vì số tiền quá lớn, làm cho chính quyền khó xử? Có người đặt câu hỏi, phải chăng chính quyền cũng như anh hề Hoài Linh nhốt số tiền chục tỉ trong ngân hàng, sau cả năm do bị vạch trần, chỉ trích mới xì ra?

 

Nhiều người yêu cầu, số tiền từ thiện có bao nhiêu phải chi hết bấy nhiêu, còn do dự gì nữa?

 

Tôi có một quan điểm khác. Lòng thương của người Việt là vô hạn. Nhưng chính giới hạn của những người quyên góp từ thiện, trong đó có chính quyền, đã gây ra những ách tắc. Không ở đâu như Việt Nam, lợi dụng lòng tốt của người dân, từ chính quyền các cấp đến các tổ chức, cá nhân tự phát đua nhau làm từ thiện, vừa manh mún và vừa xô bồ hỗn độn, tất yếu phát sinh luôn cả sự lừa đảo, chiếm đoạt tài sản công dân. Tính chất manh mún, xô bồ, hỗn độn đó còn làm cho sự phân phối từ thiện trở nên bất công. Nơi và sự vụ này nhận được nhiều, nơi và sự vụ kia nhận được ít, kể cả nhiều nạn nhân cần sự giúp đỡ thì không bao giờ được giúp đỡ.

 

Số tiền từ thiện vụ nào buộc phải chi hết vụ nấy, cũng làm cho hoạt động từ thiện mang tính chất thời vụ. Đến khi cần một quỹ đảm bảo an sinh lâu dài, chi thường xuyên cho những người cần giúp đỡ thì không có và phải huy động, quyên góp nhiều lần.

 

Làm từ thiện (trong đó có chính sách hỗ trợ của nhà nước) không đúng, còn có thể tạo ra hiện tượng chây lì, không muốn thoát nghèo, hay thậm chí còn muốn rủi ro để hưởng từ thiện.

 

Xã hội nào cũng cần có hoạt động từ thiện, nhưng phải quy hoạch và có tổ chức quản lý, giám sát và điều phối. Điều này tôi đã viết vài lần, vào cái thời điểm Thủy Tiên quyên góp ào ạt hàng trăm tỉ cho đến khi bà Phương Hằng lên tiếng ầm ĩ đến rối loạn an ninh.

 

Nay nhắc lại ngắn gọn. Rằng Quốc hội nên bàn về quy hoạch và ra chế tài về hoạt động từ thiện. Dừng ngay các hoạt động cá nhân tự phát để đánh bóng tên tuổi, kể cả báo chí và doanh nghiệp lợi dụng từ thiện để trốn thuế, rửa tiền. Các tổ chức từ thiện phải thành lập công ty từ thiện, có đăng ký để quản lý, giám sát. Số tiền từ thiện quyên góp được thành quỹ, điều phối và chi thường xuyên cho mọi sự vụ, mọi hoàn cảnh.

 

Ví dụ, một hoàn cảnh nghèo khổ không đủ chi viện phí khi đau ốm hay học phí khi học hành, hoặc tổ chức từ thiện của chính phủ phải chi hoặc chỉ định một tổ chức từ thiện phải chi. Không để xảy ra chuyện đau lòng khi người bệnh phải chết vì không đủ nộp viện phí, trẻ em thất học vì nhà nghèo không đủ tiền nộp học phí. Để một người chồng phải dí điện cho vợ chết rồi tự sát vì không có tiền nộp viện phí là tội ác của nhà chức trách chứ không phải ông chồng khốn khổ đến cùng quẫn.

 

Ở nước văn minh, ngoài quỹ từ thiện của chính phủ là các tổ chức từ thiện phi chính phủ hoạt động thường xuyên. Tất cả đều được quản lý sát sao và được điều phối hợp lý cho mọi đối tượng cần sự giúp đỡ. Không có chuyện manh mún và hỗn độn như đất nước này. Đến mức làm từ thiện ào ạt mà bây giờ cứu người như cứu hỏa, nhưng số tiền lớn quá nên không biết chi thế nào cho hợp lý. Chi hết cũng không ổn mà không chi cũng không xong!

 

Quốc hội nên cấp tốc bàn bạc và ra luật về hoạt động và quản lý, điều phối từ thiện, hơn là bàn về quần áo đẹp, số điện thoại, số nhà, số xe đẹp cho mình!

 

______

 

Ảnh chụp màn hình các bài báo liên quan tới bài viết:

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/11/1-696x1007.png

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/10/1-70-1068x1340.png

 

 

12 BÌNH LUẬN






No comments:

Post a Comment

View My Stats