Tuesday, 31 October 2023

COC CHO BIỂN ĐÔNG - CON ĐƯỜNG CHƯA THẤY ĐÍCH ĐẾN (Trần Vũ Hoàng, RFA)

 



COC cho Biển Đông – con đường chưa thấy đích đến

Bình luận của Trần Vũ Hoàng
2023.10.31

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/scs-coc-road-to-nowhere-10302023114338.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/scs-coc-road-to-nowhere-10302023114338.html/@@images/f30474cc-8cac-4c23-ae7f-4fe06e42442b.jpeg

Tàu hải cảnh Trung Quốc (phải và trái) bao vây tàu dân sự Philippines do hải quân Philippines thuê để vận chuyển hàng tiếp tế cho tàu hải quân BRP Sierra Madre ở Biển Đông hôm 22/8/2023.  AFP

 

 

Sói đội lốt cừu

 

Trung Quốc có dấu hiệu đang leo thang hành động ở Biển Đông trong khi thế giới đang bị phân tâm bởi nhiều cuộc chiến và xung đột ở các khu vực khác.

 

Sau một thập kỷ các căng thẳng âm ỉ leo thang, những cơn sóng ngầm ở Biển Đông đang dần trở nên nguy hiểm hơn. Những động thái hung hăng của Trung Quốc với Philippines trên khu vực Biển Đông đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ có thể dẫn đến các xung đột quân sự. Vụ va chạm hôm 22/10 giữa hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc và tàu tiếp tế của Philippines đã khiến Manila phải triệu Đại sứ Trung Quốc để phản đối. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. cũng đã tiến hành một cuộc họp khẩn cấp của Bộ Quốc phòng để thảo luận về phản ứng trước hành động thù địch mới nhất của Trung Quốc.

 

Trong khi cuộc đối đầu giữa “David và Goliath” vẫn đang diễn ra trên Biển Đông, Chủ tịch Tập Cận Bình mới đây có đưa ra tuyên bố tầm nhìn của ông về một châu Á thống nhất. Phát biểu tại một hội nghị chuyên đề quốc tế có tiêu đề đầy tham vọng “Thân thiện, Chân thành, Cùng có lợi và Bao gồm: Tầm cỡ mới, Tiến bộ mới và Tầm nhìn mới”, nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh nhấn mạnh: “Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi các nguyên tắc thân thiện, chân thành, cùng có lợi và toàn diện”. Ông khẳng định Bắc Kinh sẽ “làm việc với các nước khác trong khu vực để xây dựng một châu Á hòa bình, yên bình, thịnh vượng, tươi đẹp, nơi người dân chung sống thân thiện, cùng nhau viết nên một chương mới trong việc thúc đẩy xây dựng một cộng đồng chung tương lai cho châu Á và cho cả nhân loại”.[1]

 

Những lời có cánh của nhà lãnh đạo Trung Quốc mâu thuẫn với thực tế tình hình Biển Đông lúc này.

 

Chuyên gia quân sự Úc Peter Layton còn đặc biệt chú ý đến việc một số phương tiện truyền thông Trung Quốc nổi tiếng về quan điểm cứng rắn, như Hoàn Cầu Thời Báo ấn bản Anh ngữ (Global Times), dự báo sẽ  Có‘‘những va chạm nghiêm trọng hơn’’. Theo Peter Layton, ‘‘trong thời gian tới, nguy cơ Trung Quốc làm hư hại tàu cảnh sát biển Philippines hoặc đánh chìm một tàu nhỏ của Philippines là rất cao’’. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc dường như tiếp dầu vào lửa với việc lưu ý “nhiều cư dân mạng Trung Quốc đang tức giận” và do đó sẽ ủng hộ việc ‘‘đánh chìm tàu Philippines’’.[2]

 

Chính vì vậy, Tổng thống Biden mới đây đã tuyên bố: “Tuần trước, các tàu Trung Quốc đã hành động nguy hiểm và bất hợp pháp khi những người bạn Philippines của chúng tôi thực hiện nhiệm vụ tiếp tế thường lệ trong Vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông. Tôi muốn nói rõ ràng rằng cam kết quốc phòng của Mỹ đối với Philippines là kiên định. Mọi cuộc tấn công vào máy bay, tàu chiến hoặc lực lượng vũ trang của Philippines đều sẽ kích hoạt Hiệp ước phòng thủ chung với Philippines”.[3]

 

 

COC sẽ là cứu cánh?

 

Trước những căng thẳng như vậy, Trung Quốc lại đang muốn tỏ ra xoa dịu và lái dư luận sang hướng kh

ác, đưa ra mồi nhử là tiếp tục đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Mới đây, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã đồng ý chính thức khởi động vòng đọc lần thứ ba văn kiện dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Quyết định trên được đưa ra tại Hội nghị quan chức cấp cao lần thứ 21 về Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) diễn ra tại Bắc Kinh vào ngày 26/10.[4]

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết đại diện các bên tham gia hội nghị đã có những trao đổi sâu sắc về tình hình Biển Đông, về việc thực hiện toàn diện và hiệu quả DOC, về hợp tác hàng hải thiết thực và tham vấn về COC. Tuy nhiên, thực tế thì COC sẽ khó có thể có các tiến bộ mới một khi tình trạng đối đầu giữa Philippines và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

 

DOC được ký kết năm 2002 và một trong những quy định theo tuyên bố là giữ nguyên hiện trạng ở Biển Đông. Tuy nhiên, từ đó đến nay, Trung Quốc đã liên tục có những hành động lấn lướt ngày càng tăng tại Biển Đông. Cụ thể là việc bồi lấp các thực thể hoặc đảo đá thành đảo nhân tạo và xây dựng trên đó nhiều công trình, từng bước tiến hành quân sự hóa thành các tiền đồn.

 

Trên tờ South China Morning Post cách đây vài ngày,[5] chuyên gia về quan hệ quốc tế của Philippines - Richard Heydarian đã mô tả về sự xấu đi bất ngờ trong quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines. Xâu chuỗi các sự cố leo thang gần đây giữa hai nước và việc Philippines mở rộng quan hệ quân sự với Mỹ, ông khẳng định rằng hai bên “có nguy cơ đối đầu trực tiếp trừ khi họ chủ động giảm leo thang căng thẳng thông qua một phương thức thương mại mới ở Biển Đông”. và đề xuất “ngoại giao chủ động, tinh tế” để ngăn chặn hai nước “mộng du đi vào một cuộc xung đột tàn khốc”. Ông lập luận rằng Philippines nên đưa ra những đảm bảo cho Trung Quốc chống lại việc Mỹ vũ khí hóa các căn cứ Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) mới ở Philippines, xem xét lại mối đe dọa của nước này trong việc đệ trình một trọng tài quốc tế mới chống lại Trung Quốc về việc phá hủy các rạn san hô, và bác bỏ “những đề xuất ngày càng tăng” về việc bổ sung các khu vực ở quần đảo Trường Sa vào danh sách căn cứ EDCA mới. Đổi lại, Trung Quốc nên ngừng can thiệp vào nỗ lực của Philippines nhằm khẳng định sự hiện diện của mình trong vùng đặc quyền kinh tế của mình (đặc biệt là Bãi Cỏ Mây), kiềm chế quấy rối ngư dân Philippines và đàm phán “về một thỏa thuận hợp đồng dịch vụ có thể có ở Bãi Cỏ Rong”, nơi Philippines hy vọng khai thác tài nguyên năng lượng, đổi lấy sự công nhận quyền chủ quyền của Philippines đối với khu vực.

 

Hồi tháng 8, Chuyên gia Batongbacal của Philippines phải cay đắng thốt lên rằng: “Tôi nghĩ đã đến lúc chấm dứt đàm phán COC giữa ASEAN-Trung Quốc. Không có ích gì khi nói về các cơ chế COC trong điều kiện bị đe dọa, cưỡng bức và hoàn toàn thiếu kiềm chế…”[6]

 

Trong Hội thảo Quốc tế Biển Đông tổ chức tại Sài Gòn ngày 25/10 vừa qua, GS Carl Thayer của Australia đã trình bày tham luận của ông với tựa đề “COC, con đường hay là đích đến?”, trong đó ông đã đưa ra nhận định COC vẫn đang chỉ là con đường mà chưa bao giờ mới biết đích đến. Với cách hành xử côn đồ của Trung Quốc cùng sự chia rẽ của ASEAN, có lẽ đích đến của COC còn xa lắm.

__________

 

Tham khảo:

 

[1] http://english.www.gov.cn/news/202310/24/content_WS6537476fc6d0868f4e8e0944.html

 

[2] https://www.lowyinstitute.org/the-interpreter/world-looks-elsewhere-china-stirs-trouble-south-china-sea

 

[3] https://www.bloomberg.com/news/articles/2023-10-26/biden-warns-china-not-to-attack-philippine-ships-after-incidents#xj4y7vzkg

 

[4] https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3239398/beijing-asean-start-third-reading-south-china-sea-code-conduct

 

[5] https://www.scmp.com/comment/opinion/article/3237309/south-china-sea-only-diplomacy-can-avert-open-china-philippines-conflict

 

[6] https://mb.com.ph/2023/8/6/time-to-walk-away-from-asean-china-code-of-conduct-negotiations#google_vignette

 

-------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

 

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats