Tuesday, 31 October 2023

VIỆT NAM ĐỐI ĐẦU TRUNG QUỐC KHAI THÁC ĐẤT HIẾM (Mai Vũ Phạm / Saigon Nhỏ)

 



Việt Nam đối đầu Trung Quốc khai thác đất hiếm

Mai Vũ Phạm   -   Saigon Nhỏ
29 tháng 10, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/viet-nam-doi-dau-trung-quoc-khai-thac-dat-hiem/

 

Theo ước tính của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, Việt Nam có trữ lượng khoáng sản đất hiếm lên tới 22 triệu tấn, lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, nhưng phần lớn vẫn chưa được khai thác. 

 

Đất hiếm là nguyên liệu không thể thiếu trong sản xuất nam châm vĩnh cửu, bộ chuyển đổi xúc tác cho ô tô, sản xuất pin, xe điện, tua-bin gió, và thậm chí trong các sản phẩm quốc phòng. Hầu như tất cả nhà sản xuất công nghệ cao, dù là điện thoại, xe điện, hay chất bán dẫn, đều cần đất hiếm được tinh chế tinh khiết, để sản xuất. Bởi thế, các mỏ đất hiếm được xem là nguồn tài nguyên thiên nhiên rất có giá trị và là “vũ khí bí mật” của các quốc gia.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/USA-VN-6-JPG-1694358374-1024x726.jpg

Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (ảnh: VNE)

 

Trong chuyến viếng thăm Việt Nam vào tháng trước, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ký thỏa thuận với Việt Nam nhằm tăng cường khả năng thu hút các nhà đầu tư khai thác đất hiếm. Theo Tòa Bạch Ốc, Hoa Kỳ đồng ý giúp Việt Nam khai thác đất hiếm hiệu quả hơn và “thu hút đầu tư chất lượng,” nhằm khuyến khích các nhà đầu tư Hoa Kỳ đấu thầu khai thác mỏ ở Việt Nam.

 

 

Tổng thống Joe Biden đặt vòng hoa tại bức phù điêu cố Thượng Nghị sĩ John McCain bên hồ Trúc Bạch ở Hà Nội. Ảnh: (SAUL LOEB/AFP via Getty Images)

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/GettyImages-1658872692-1280x853.jpg

 

Việc chính quyền Biden quan tâm đầu tư vào ngành đất hiếm Việt Nam không phải là ngẫu nhiên. Với nguồn cung đất hiếm đang thiếu hụt toàn cầu, Hoa Kỳ đang khẩn trương tái cơ cấu chuỗi cung ứng cụ thể, trong đó Việt Nam được cho là một nguồn cung ứng đất hiếm quan trọng. 

 

 

Trung Quốc: âm mưu thống trị đất hiếm

 

Đối mặt với sự phụ thuộc của các quốc gia vào đất hiếm, Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực mua thêm đất hiếm, bằng cách tăng cường sản xuất trong nước và đẩy mạnh đầu tư nước ngoài.

 

Thomas Krümmer, công ty Đầu tư và Thương mại Quốc tế Ginger có trụ sở tại Singapore cho biết, mục tiêu của Trung Quốc rất rõ ràng: “Chính phủ muốn tái lập nguồn cung cấp đất hiếm dồi dào, để có nguồn nguyên liệu rẻ nhất thế giới cho các ngành công nghiệp hạ nguồn của Trung Quốc.” 

 

Quan trọng hơn, Trung Quốc còn có ý định thống trị lĩnh vực đất hiếm, bằng cách thu thập nguyên liệu thô và đưa chúng vào các nhà máy Trung Quốc, “gây thiệt hại cho những ai muốn sản xuất đất hiếm.

 

Thực vậy. Các công ty nhà nước Trung Quốc đang đẩy mạnh khai thác đất hiếm ở MyanmarLào, và thậm chí Việt Nam. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam (VTRE), là công ty hàng đầu trong ngành công nghiệp đất hiếm ở Việt Nam, được sở hữu 90% bởi Shenghe Resources, là một tập đoàn đất hiếm khổng lồ được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn.

 

 

Việt Nam: kiểm soát quyền khai thác đất hiếm

 

Tháng trước, Reuters đã đưa tin chi tiết về kế hoạch đầy tham vọng của Việt Nam nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp đất hiếm, nâng sản lượng hàng năm từ 4.300 tấn năm 2022, lên tới 60.000 tấn đất hiếm vào năm 2030.

 

Kế hoạch khởi động lại mỏ đất hiếm lớn nhất của Việt Nam vào năm 2024 đã khiến Trung Quốc lo lắng. Kế hoạch này diễn ra ngay sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden, với mục tiêu làm giảm sự phụ thuộc của thế giới vào trữ lượng đất hiếm của Trung Quốc.

Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ tiến hành đấu thầu nhiều lô tại mỏ Đông Pao, tỉnh Lai Châu, vào cuối năm nay. Tháng Chín vừa qua, Công ty Blackstone, Úc, cho biết đã đồng ý hợp tác với Công ty VTRE để đấu thầu Đông Pao. Một giám đốc điều hành của Blackstone cho biết khoản đầu tư của họ vào dự án sẽ lên tới khoảng 100 triệu USD. 

 

Theo một quan chức của Công ty cổ phần đất hiếm Lai Châu (Lavreco), việc khai thác hiệu quả mỏ Đông Pao – vốn đã không hoạt động trong ít nhất 7 năm – sẽ đưa Việt Nam trở thành nhóm sản xuất đất hiếm hàng đầu. Tuy nhiên, việc tinh chế đất hiếm rất phức tạp, trong khi Trung Quốc kiểm soát nhiều công nghệ chế biến.

 

Đề xuất khởi động lại mỏ đất hiếm Đông Pao đã thắp lên tia hy vọng cho nhiều quốc gia lo ngại về khả năng bị gián đoạn nguồn cung, do sự thống trị của Trung Quốc đối với các loại đất hiếm và tranh chấp ngày càng leo thang giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam dự kiến bán đấu giá các nhượng quyền khai thác đất hiếm mới ở Đông Pao vào cuối năm nay. 

 

Tuy nhiên, Bộ Công an Việt Nam vừa ra lệnh bắt giữ các quan chức cấp cao của công ty khai thác đất hiếm hàng đầu Việt Nam, VTRE, có tham gia đấu thầu dự án Đông Pao. Cụ thể, truyền thông Việt Nam đồng loạt đưa tin, Chủ tịch Tập đoàn Thái Dương, Đoàn Văn Huân, và Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam (VTRE), đã bị công an bắt giữ.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/10/Dat-hiem-5571-1697777330.jpg

Các bị can Đặng Trần Chí, Phạm Thị Hà, Lưu Anh Tuấn, Nguyễn Thị Hiền (từ trái qua). Ảnh: Bộ Công an

 

Theo nguồn tin của chính phủ Việt Nam, Đoàn Văn Huấn bị buộc tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” và tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 2 Điều 227 và khoản 3 Điều 221 Bộ luật hình sự. Trong khi đó, Lưu Anh Tuấn bị buộc tội giả mạo biên lai thuế giá trị gia tăng khi mua bán đất hiếm với Tập đoàn Thái Dương. 

 

Đáng lưu ý, tuyên bố của nhà nước Việt Nam không cung cấp thông tin cụ thể điều gì khiến việc “mua bán đất hiếm” của Đoàn Văn Huấn và Lưu Anh Tuấn trở nên bất hợp pháp. Tuy nhiên, theo một nguồn tin giấu tên, nguyên nhân Huấn và Tuấn bị bắt giữ vì đã xuất khẩu đất hiếm sang Trung Quốc, để thu lợi vì chi phí tinh luyện trong nước không thu nhiều lợi nhuận.

 

Rõ ràng, các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng của đất hiếm, không chỉ đối với nền kinh tế, nhưng còn với quyền lực cai trị. Cho nên, Việt Nam gần đây đã tăng cường trấn áp hoạt động khai thác đất hiếm bất hợp pháp, và dường như sẵn sàng phơi bày sự cạnh tranh cứng rắn với Trung Quốc, nhằm duy trì “độc quyền” kiểm soát khai thác đất hiếm.  

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats