Monday, 30 October 2023

CHUYỆN LÊN PHỐ LÊN PHƯỜNG (VietTuSaiGon)

 



Chuyện lên phố lên phường

VietTuSaiGon

Chủ Nhật, 10/29/2023 - 10:24 — VietTuSaiGon

https://www.rfavietnam.com/node/7814

 

Thời gian sau dịch, mặc dù kinh tế người dân vẫn đang teo tóp, khó khăn chồng khó khăn, thế nhưng chính quyền một số nơi vẫn tổ chức “xã lên phường”, “thôn lên khu phố”... rình rang. Liền với  việc tổ chức này là các lễ hội ăn chơi nhảy múa, thỏa sức vui mừng. Vui mừng xong thì lại lèo nhèo với đời sống “vũ như cẩn”, lại ruộng đồng, lại công nhân, làm thuê tứ xứ... Nhưng gánh nặng thì có phần nặng hơn. Thế mới tức cười!

 

Tức cười nhất là anh em trong nhà, chung một mái ấm, sớm tối có nhau, cùng thuở cởi truồng tắm mưa, cùng lăn lộn trong đời sống kiếm chén cơm manh áo, cùng trưởng thành rồi cùng ấm lạnh với đời... Trong ngôi nhà ấy, từng có tiếng cười, tiếng thở dài, tiếng khóc trăn trở nhân sinh... Thế rồi, đùng cái lên phố, anh em quay ra giành giật, tranh chấp nhau từng tấc đất.

 

Tức cười lắm chứ, khu vườn xưa đầy tiếng chim, những trưa hè râm rang tiếng ve và bước chân trẻ nít đạp lá khô lạo xạo, cũng có những ngày lăn lộn với rơm khô, với lúa mùa trong khoảng sân nhỏ, cũng có mùa đông đạp phân trâu thành lớp và gieo cải ngồng đón Tết, có, có nhiều lắm... Thế nhưng đùng cái, lên phố, khoảng sân thành tâm điểm, mặt tiền trong cuộc phân chia, giành giật.

 

Lên phố, lên phường, từ chỗ những cánh đồng hàng trăm năm nay là vựa lúa, kế sinh nhai của nhiều gia đình, bỗng dưng nhà đầu tư mời dân tụm năm tụm bảy, chen chúc các hội trường để họp, mà chính xác là nghe nhà đầu tư phán về chính sách thu hồi, đền bù và giải tỏa ruộng. Nghĩa là từ nay, nông dân không cần phải ra ruộng nữa, có tiền đền bù rồi, buôn thúng bán mẹt hay đi làm thuê, làm công nhân gì đó đi, đổi đời rồi.

 

Lên phố, tiền đền bù nhận được ban đầu thấy cũng nhiều, cũng ngon lắm chứ, nhưng được nửa năm thì mọi thứ bắt đầu cạn, vật giá thì liên tục leo thang, thói quen ăn uống cũng bắt đầu thay đổi cho ra dáng phố, chẳng mấy chốc tiền cạn túi, lại loay hoay đi làm thuê, cuốc mướn, mà đâu phải ai cũng có đất đâu để mà mướn về cuốc, đời sống chưa thấy phố đã thấy lam lũ, lầm than, an ninh lương thực của gia đình  cũng không còn, bởi đám ruộng chính là cái kho của an ninh lương thực nhà nông.

 

Lên phố, nhà nào cũng nghĩ tới buôn bán, trờ ra mặt tiền mà buôn bán, tình hàng xóm láng giềng trước nay sớm tối qua lại, có miếng mít, cái bánh chưng cũng mang sang biếu nhau, tặng nhau thì bây giờ, cái vỉa hè để buôn bán trở thành rào cản, mắt lườm mắt nguýt, đời sống trở nên xa lạ.

 

Lên phố, việc làm thì không có nhưng tiền thuế đất nặng nề, mệt mỏi, cũng cái chỗ ở, cái chốn đi về hàng chục, hàng trăm năm nay của biết bao thế hệ sống tự nhiên như cỏ cây, bỗng dưng người ta đánh số và bắt đầu thời kỳ mới, đóng thuế chỗ ở, cứ theo mét vuông mà nhân ra để đóng thuế.

 

Lên phố, các khoản chi phí cho con cái học tập, chi phí y tế, dịch vụ điện nước, mọi thứ đều tăng giá, người già cũng phải lăn xả vào đời sống để tồn tại với phố.

 

Lên phố, chỉ có giá cả là lên, nhà giàu là lên, là có thêm nhiều tiện nghi của phố, nhưng tỉ lệ nhà giàu thì chỉ một nhóm nhỏ, cán bộ cũng lên hương, vì lương cán bộ phố phải cao hơn cán bộ thôn quê, tiêu chuẩn cán bộ phố cũng cao hơn cán bộ quê, chỗ làm việc, ghế ngồi cán bộ phố cũng cao hơn cán bộ quê, miếng hời kiếm được cũng cao hơn.

 

Lên phố, sáp nhập vào thành phố hay tách ra thành phố riêng, người dân chưa kịp mừng, mà cũng không thấy gì để mừng đã thấy mệt vì loay hoay làm lại giấy tờ, từ thẻ căn cước cho đến mọi thứ liên quan thủ tục hành chính, đều có những điều chỉnh và phải đi điều chỉnh nếu không muốn bị phạt hoặc bị thiệt thòi.

 

Lên phố, nông dân loay hoay với mấy cái nghe ra rất là phố nhưng kì thực chẳng có lợi gì cho họ, tiền đền bù đất đai dùng cũng chẳng được bao lâu thì ngồi nhớ mảnh vườn, nhớ những ngày xưa thân ái, nhớ những tháng năm yên bình, êm đềm, nhớ vườn hoa cải ngồng trước sân tháng chạp, nhớ mùi vạn thọ, mùi cúc, mùi ngò cải tháng giêng... Nhớ mông lung những thứ mà mới đó, dưới lớp bê tông phố là cả một trời kỉ niệm.

 

Nhìn chung, lên phố chẳng có gì hay ho với nhà nông, với dân quê. Thế sao người ta lại thích lên phố đến vậy? Và tại sao người ta nghe lên phố thì bắt đầu đổ xô chuẩn bị làm du lịch, chuẩn bị làm dịch vụ?

 

Do tuyên truyền cả thôi! Những đám đông tụm ba tụm bảy, những đám chật hội trường nghe nhà đầu tư thuyết trình về tương lai, mở ra một chân trời mới, thực ra là họ đang tuyên truyền về cái gọi là tương lai phố, tương lai xã hội chủ nghĩa, tương lai thiên đường... Mà trước đó, những tin hành lang có được cũng là một loại tuyên truyền nốt, toàn những tin tốt đẹp, mới nghe qua đã thấy háo hức.. được tung ra từ ban dân vận địa phương.

 

Và người dân cứ như vậy mà cắn câu, càng cắn thì ngạnh càng ăn sâu, đến khi nhận được tiền đền bù thì mừng đến run tay run chân, đâu biết rằng sau những đồng tiền đền bù ấy là cái bẫy tài chính đang chực chờ, từ lô đề, dịch vụ ăn chơi, quán nhậu, hớt tóc thanh nữ. Dường như nơi nào có đền bù đất thì nơi ấy, mọi thứ dịch vụ ăn chơi đổ xô về.

 

Với tâm lý quê mùa, xưa giờ chỉ biết làm ăn, tiền ba đồng ba cọc, đâu có dám ăn ngon hay hưởng thụ gì, giờ thấy một cọc tiền dày cộm, lại thèm ăn món này món khác cho bõ thèm, lại thử vào quán bia, coi thử mấy em tiếp thị nó trắng trẻo, mướt mắt ra sao... Chẳng mấy chốc, tiền lưng túi, lại nghĩ đến những giấc chiêm bao, lại luận đề đóm, lại đánh, ban đầu cũng có thắng chút đỉnh để đi chơi, dần dà, tiền bay sạch, lại vay mượn mà đánh, ma đề nhập tâm lúc nào không hay.

 

Biết rằng các dịch vụ ăn chơi, dịch vụ đen có thể gây khủng hoảng kinh tế địa phương, thế sao cán bộ, chính quyền địa phương vẫn để nó tồn tại?

 

Vì mới lên phố mà, phải ra dáng phố chút chứ. Hơn nữa, các dịch vụ này tồn tại thì cán bộ mới có tiền bảo hộ, công an mới có tiền bảo kê, rồi cán bộ, công an mới được chơi miễn phí, được nông dân mời mọc, đãi đằng. Vừa có tiền lại vừa được chơi miễn phí, dại gì không để nó tồn tại!

 

Lên phố thì cơ quan nnhà nước mới sáng sủa, ngân sách mới có cơ hội đầy đặn thêm, tiền thuế chỗ ở, thuế dịch vụ tăng cao, ngân sách thêm dày, dại gì không lên.

 

Chỉ cần chạy cho được tiêu chuẩn, lên phố một cái thì một mặt được trung ương rót kinh phí về, tỉnh rót kinh phí về, mặt khác rút được tiền trong dân, giá đất tăng, mọi thứ tranh chấp hình thành, cán bộ có cơ hội “giúp dân” giải quyết tranh chấp, lại có khoản biếu xén, hoa hồng, đủ các thứ để hưởng lợi.

 

Nói cho cùng, khi lên phố, người dân chỉ có còng lưng ra mà chi trả các khoản và đời sống đảo lộn, cơ chế tự nhiên bị chặn đứng, khoảng không thiên nhiên bị lấy mất, một đời sống ngột ngạt kéo đến, sự tranh chấp, vô cảm cũng lên ngôi trong từng gia đình, chỉ có chính quyền là được lợi.

 

Bởi việc lên phố chỉ cần thoắt một cái trên giấy tờ, thoắt một cái có các khoản để chấm mút, thoắt một cái điện đường trường trại trở nên hiện đại, tiện nghi... Và chính quyền được lợi từ nhỏ tới lớn. Còn nhân dân hả? Đất tăng giá vùn vụt rồi còn đòi gì nữa! Bán đất mà ăn, hết đất thì vào chung cư mà thuê, mà ở, hết tiền thuê chung cư hả, thì tự lo lấy thân, hỏi ai bây giờ!

 

 VietTuSaiGon's blog

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats