Wednesday, 4 October 2023

THƯỢNG KARABAKH : KHÍ ĐỐT AZERBAIJAN và NGUYÊN TẮC TOÀN VẸN LÃNH THỔ, HAI XIỀNG TRÓI CHÂN CHÂU ÂU (Minh Anh | RFI)

 



Thượng Karabakh : Khí đốt Azerbaijan và nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ, hai xiềng trói chân Châu Âu

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 03/10/2023 - 14:18Sửa đổi ngày: 03/10/2023 - 14:19

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20231003-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-karabakh-kh%C3%AD-%C4%91%E1%BB%....A2n-ch%C3%A2u-%C3%A2u

 

Cuộc tấn công chớp nhoáng của Azerbaijan nhằm vào Thượng Karabakh đã dẫn đến việc tan rã nước cộng hòa tự phong và một làn sóng tị nạn. Trong thảm kịch này, cộng đồng quốc tế, nhất là Pháp và Liên Hiệp Châu Âu bị chỉ trích có thái độ « thờ ơ, thụ động », vào lúc người dân Armenia lo sợ một cuộc tấn công khác của Azerbaijan, đặt lại vấn đề đường biên giới của chính đất nước Armenia.  

 

https://s.rfi.fr/media/display/ed5a3730-61e5-11ee-8555-005056bf30b7/w:980/p:16x9/2023-10-01T165137Z_431338133_RC2AI3AJ428O_RTRMADP_3_ARMENIA-AZERBAIJAN.webp

Người Arrménia di tản từ Thượng Karabakh đến làng Kornidzor, vùng biên giới Armenia, ngày 29/09/2023. REUTERS - IRAKLI GEDENIDZE

 

Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna hôm nay, 03/10/2023 đến thăm Erevan, nhằm tái khẳng định « sự hậu thuẫn của nước Pháp về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Armenia ». Vì những lý do có mối liên hệ lịch sử - văn hóa lâu đời, kết nối Pháp và Armenia, đương nhiên, Paris là thủ đô châu Âu được trông đợi nhiều nhất trong hồ sơ Thượng Karabakh.   

 

Chính phủ Macron bị phe đối lập và một số nhà trí thức chỉ trích mạnh mẽ là không có phản ứng tương xứng với hành động quân sự của Azerbaijan. Theo báo Pháp Le Figaro, mối quan hệ tồi tệ mà tổng thống Pháp ông Emmanuel Macron duy trì với các đồng nhiệm Nga Vladimir Putin và Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan cũng đã hạn chế phần nào khả năng hành động của điện Elysée.   

 

Hai nguyên tắc đối lập  

 

Nhưng không chỉ có Pháp, Liên Hiệp Châu Âu cũng « vắng bóng » trong hồ sơ này. Thông cáo của Liên Âu cho thấy có một phản ứng rất chừng mực khi dẫn lời ngoại trưởng Pháp bày tỏ mong muốn có một « hành động ngoại giao quốc tế trước việc Nga bỏ rơi Armenia », đồng thời lên án « sự đồng lõa » của Nga mà không nêu đích danh Azerbaijan. Thông cáo của Liên Âu cũng không nêu lên những hành động đáp trả chống lại Baku do bị một số nước phản đối.  

 

Bà Marie Dumoulin, cựu ngoại giao Pháp, giám đốc chương trình Châu Âu mở rộng tại Hội Đồng Đối Ngoại Châu Âu trên nhật báo công giáo La Croix, giải thích : trái với Ukraina, tính chất phức tạp của hồ sơ Thượng Karabakh vấp phải hai nguyên tắc đối ngược nhau trong luật pháp quốc tế : Quyền tự quyết của một dân tộc và việc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia.  

 

Chính vì điều này mà không một nước nào trên thế giới dám công nhận nước cộng hòa tự phong Artsakh sau thắng lợi của người Armenia trong cuộc chiến với Azerbaijan hồi đầu thập niên 1990. Trong suốt ba thập niên, Azerbaijan luôn cho mình là nạn nhân của việc nước cộng hòa tự phong này chiếm đóng một phần lãnh thổ, ngoài vùng Thượng Karabakh, dẫn đến hệ quả là người dân Azerbaijan thời kỳ đó buộc phải di tản ồ ạt.   

 

Mọi ý đồ đạt được một thỏa thuận đàm phán đều bị Armenia – khi ấy trong thế thượng phong – bác bỏ. Đây thực sự là một sai lầm chính trị của người Armenia theo như đánh giá của nhà địa chính trị học Didier Billion, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS trên tờ Midi Libre ngày 03/10/2023.  

 

 

Khí đốt : Một chiếc xiềng khác của châu Âu  

 

Chỉ có điều việc Nga bận tâm với cuộc chiến ở Ukraina, bỏ bê đồng minh Armenia đã mang lại cho Azerbaijan một « thời cơ vàng » để thu hồi toàn bộ vùng lãnh thổ mà Baku cho là thuộc chủ quyền của họ, và đó cũng là một chủ đề nhậy cảm đối với nhiều nước châu Âu dù những nước này có bày tỏ sự đồng cảm đối với lý lẽ của người Armenia Thượng Karabakh.  

Tuy nhiên, cũng trên tờ La Croix, nhà nghiên cứu Francis Perrin, cộng tác viên cho Policy Center For The New South, và là giám đốc nghiên cứu Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược, chính sự phụ thuộc vào khí đốt của Liên Âu vào Azerbaijan là « một yếu tố » giải thích cho sự đáp trả yếu ớt của khối 27 nước.   

 

Nhằm đa dạng nguồn cung, tránh dùng khí đốt của Nga vì cuộc chiến Ukraina, Liên Hiệp Châu Âu mùa hè năm 2022 đã đúc kết một thỏa thuận với Baku. Tính đến hôm nay, EU đã nhập khẩu 12 tỷ mét khối khí đốt Azerbaijan và có thể sẽ đạt mức 20 tỷ mét khối vào năm 2027. Đương nhiên, con số này vẫn còn quá ít so với mức 150 – 160 tỷ mét khối khí đốt mà Nga cung cấp cho EU trước khi có chiến tranh.  

 

Đối với châu Âu lúc này, Azerbaijan là một phần giải pháp thay thế, tuy ít, nhưng không thể bỏ qua, nhất là trong bối cảnh những biến động của thị trường khí đốt có tác động mạnh lên mức giá điện trong khu vực. Do vậy, việc bỏ qua khí đốt của Azerbaijan để đi tìm từ 10-20 tỷ mét khối ở nơi khác có lẽ sẽ là điều không dễ.   

 

Cuối cùng, trong bối cảnh địa chính trị căng thẳng hiện nay, Liên Âu cũng khó mà trừng phạt Azerbaijan. Quốc gia này là một nước cựu thành viên Xô Viết. Điểm mặt Baku lúc này chẳng khác gì một lần nữa đẩy Azerbaijian vào vòng tay của Matxcơva.  

 

Dù vậy, giới chuyên gia đều có chung một kết luận, đối với châu Âu, đang bị cuộc chiến Ukraina đeo bám, rõ ràng tình hình ở Thượng Karabakh không hẳn là một ưu tiên !  

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

 

AZERBAIJAN - ARMENIA

Nước Cộng hòa ly khai Nagorny-Karabakh tuyên bố tự giải thể đầu năm 2024

 

THƯỢNG KARABAKH - LIÊN ÂU

Thượng Karabakh : Hàng nghìn người Armenia biểu tình ở Bruxelles tố cáo “sự đồng lõa” của châu Âu

 

THƯỢNG KARABAKH - THANH LỌC SẮC TỘC

Thượng Karabakh: Hơn 70% cư dân đã di tản qua Armenia bất chấp lời kêu gọi ở lại của Azerbaijan






No comments:

Post a Comment

View My Stats