Sunday, 22 October 2023

MỘT SỰ KIỆN VĂN HÓA BỊ HỦY VÌ SỰ LÊN ÁN ISRAEL CỦA NGUYỄN THANH VIỆT (Minh An / Saigon Nhỏ)

 



Một sự kiện văn hóa bị hủy vì sự lên án Israel của Nguyễn Thanh Việt

Minh An  -  Saigon Nhỏ
22 tháng 10, 2023

https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/mot-su-kien-van-hoa-bi-huy-vi-su-len-an-israel-cua-nguyen-thanh-viet/

 

The New York Times cho biết, 92NY, một trong những địa điểm văn hóa hàng đầu của New York City, đã quyết định đột ngột hủy bỏ một sự kiện có sự góp mặt của tiểu thuyết gia đoạt giải Pulitzer Nguyễn Thanh Việt (Viet Thanh Nguyen) sau khi ông ký một bức thư ngỏ chỉ trích Israel.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/10/GettyImages-1129600642.jpg

Tiểu thuyết gia Viet Thanh Nguyen (ảnh: Leonardo Cendamo/Getty Images)

 

Sự kiện diễn ra ở 92NY, trước đây gọi là 92nd Street Y, là dịp để Nguyễn Thanh Việt trò chuyện với tiểu thuyết gia Min Jin Lee về cuốn sách mới của mình, “A Man of Two Faces,” tại một khán phòng ở Upper East Side thuộc Manhattan. Tuy nhiên, vào chiều Thứ Sáu 20 Tháng Mười, 92NY loan báo sự kiện bị “hoãn”, và người tổ chức buổi nói chuyện, Bernard Schwartz, đã phải dời buổi nói chuyện đến một hiệu sách ở Lower Manhattan.

 

Trong một tuyên bố vào Thứ Bảy 21 Tháng Mười, 92NY lên tiếng: “Chúng tôi là một tổ chức Do Thái luôn chào đón những người có quan điểm đa dạng đến với sân khấu của chúng tôi. Vụ tấn công tàn bạo của Hamas ngày 7 Tháng Mười nhằm vào Israel và việc tiếp tục giam giữ các con tin, bao gồm cả người già và trẻ nhỏ, đã hoàn toàn tàn phá cộng đồng. Dựa trên những nhận xét công khai của tác giả được mời (Nguyễn Thanh Việt) về Israel trong bối cảnh này, chúng tôi cảm thấy hành động có trách nhiệm là hoãn sự kiện, để chúng tôi có thể dành chút thời gian để xác định cách tốt nhất trong việc sử dụng nền tảng của mình và hỗ trợ toàn bộ cộng đồng 92NY.”

 

Trong thực tế, sự kiện bị hủy chứ không phải được hoãn – như lời kể của những người trong cuộc. Nguyễn Thanh Việt cho biết, khoảng 2 giờ chiều hôm đó, ông được thông báo sự kiện sẽ không được tổ chức và không lời giải thích nào được đưa ra. Nguyễn Thanh Việt cho rằng đó là một phản ứng trước thực tế rằng ông nằm trong số 750 nhà văn và nghệ sĩ ký một bức thư ngỏ đăng trên The London Review of Books vào Thứ Tư 18 Tháng Mười với nội dung chỉ trích mạnh mẽ Israel.

 

Phần mình, Bernard Schwartz, người điều hành Unterberg Poetry Center từ năm 2005 đến nay, nói rằng quyết định của 92NY là “không thể chấp nhận được”. Bernard Schwartz nhấn mạnh rằng cả Nguyễn Thanh Việt và Min Jin Lee đều đề cập đến các câu hỏi về chiến tranh, ký ức, danh tính và chấn thương trong tác phẩm của họ.

 

Vụ 92NY là ví dụ mới nhất về cách ứng xử liên quan cuộc chiến Israel-Hamas, giữa việc chọn chỗ đứng thể hiện quan điểm ủng hộ hay lên án Hamas hoặc Israel, dẫn đến các cuộc tranh luận phức tạp giữa các trường đại học và nhiều tổ chức văn hóa về quyền tự do ngôn luận, và các giới hạn của tranh luận được phép về Israel lẫn Palestine. Những sự kiện có sự góp mặt của các nghệ sĩ hoặc giới hoạt động văn hóa Palestine đã bị hủy; một số tuyên bố ủng hộ Palestine cũng gây ra bão tranh cãi và lãnh đạo một số tổ chức đã bị chỉ trích vì không lên án đủ mạnh mẽ việc Hamas sát hại thường dân Israel hoặc cách Israel đối xử người Palestine.

 

Bernard Schwartz kể thêm, Seth Pinsky, giám đốc điều hành 92NY, đã triệu tập một cuộc họp với hội đồng quản trị. Sau đó, Schwartz được thông báo rằng sẽ có cuộc thảo luận sâu hơn về việc liệu sự kiện có tiếp tục hay không. Khoảng 2 giờ chiều Thứ Sáu, Bernard Schwartz được yêu cầu gọi cho Nguyễn Thanh Việt để nói về việc “hoãn” sự kiện. “Tôi từ chối làm điều đó,” Schwartz nói; và ông sắp xếp tổ chức sự kiện tại hiệu sách McNally Jackson trên phố Fulton.

 

Bức thư với 750 người ký mà Nguyễn Thanh Việt tham gia có tựa đề “Thư ngỏ về tình hình ở Palestine” (An Open Letter on the Situation in Palestine), kêu gọi chấm dứt “bạo lực bừa bãi và chưa từng có” của Israel ở Gaza.

 

________________

 

Cùng ký với Nguyễn Thanh Việt có:

 

Sally Rooney, Naomi Klein, Gillian Slovo, Kamila Shamsie, Kathleen Alcott, Kevin Barry, Sara Baume, Claire-Louise Bennett, Ronan Bennett, Fatima Bhutto, David Butler, June Caldwell, Seamus Cashman, Rachel Connolly, Selma Dabbagh, Margaretta D’Arcy, Edwidge Danticat, Natalie Diaz, Reni Eddo-Lodge, Yara El-Ghadban, Anne Enright, Caleb Femi, Esther Freud, Mia Gallagher, Francisco Goldman, Abdulrazak Gurnah, Isabella Hammad, Honor Heffernan,

 

Rita Ann Higgins, Louise Kennedy, Trevor Knight, Laila Lalami, Ben Lerner, Jonathan Lethem, Patricia Lockwood, Andrea Long Chu, Rosa Lyster, Carmen Maria Machado, Sophie Mackintosh, Niall MacMonagle, Lisa McInerney, Maaza Mengiste, China Miéville, Pankaj Mishra, Sepideh Moafi, Noor Naga, Megan Nolan, Iman Qureshi, Youssef Rakha, Yara Rodrigues Fowler, James Schamus, Olivia Sudjic, Susan Tomaselli, Eley Williams, Gary Younge ...

 

________________

 

Nội dung thư lên án “tội ác nghiêm trọng chống lại loài người” của Israel. Bức thư ngay lập tức bị một số người chỉ trích gay gắt vì không hề nêu tên Hamas, trong khi chỉ đề cập gián tiếp vụ tấn công ngày 7 Tháng Mười khiến khoảng 1,400 người Israel, chủ yếu là dân thường, thiệt mạng.

 

Theo trang web của hiệp hội, 92NY được thành lập năm 1874 với tên “Young Men’s Hebrew Association”, với sứ mạng phục vụ “nhu cầu xã hội và tinh thần của cộng đồng người Do Thái ở Mỹ”. Vào thế kỷ 20, họ đổi thành “92nd Street Y”, một tổ chức văn hóa và nghệ thuật được người dân New York biết đến rộng rãi với cái tên “The Y”. Năm ngoái, sau khi nâng cấp cơ sở vật chất trị giá $200 triệu, “92nd Street Y” đổi tên thành “92NY”. Seth Pinsky, giám đốc điều hành 92NY, cho biết vào thời điểm đó, họ đã thuê một giáo sĩ Do Thái để “khẳng định công khai hơn bản sắc Do Thái của chúng tôi” vào thời điểm chủ nghĩa bài Do Thái đang tăng.

 

Trung tâm Thơ Unterberg (Unterberg Poetry Center), được thành lập năm 1939, là một trong những địa điểm văn học nổi tiếng nhất nước Mỹ. Nhiều diễn giả tên tuổi từng đến nói chuyện ở đây gồm Dylan Thomas, Robert Frost, Langston Hughes, Philip Roth, Margaret Atwood và hàng loạt ngôi sao văn học khác.

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats