Wednesday, 25 October 2023

HÀ NỘI MẾN YÊU! (Tùng Phong / Saigon Nhỏ)

 



Hà Nội mến yêu!

Tùng Phong  -  Saigon Nhỏ
24 tháng 10, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/ha-noi-men-yeu/

 

Hà Nội khát bên những dòng sông chết!

 

Hàng loạt các tờ báo mạng trong nước ngày 22 Tháng Mười đăng một tin bài nghe rất nực cười: “Sau hàng loạt chỉ đạo, cư dân khu đô thị Thanh Hà vẫn rồng rắn xếp hàng xin nước sạch”; “Sau hàng loạt chỉ đạo, hành trình tìm nước sạch dân cư khu đô thị Thanh Hà vẫn nhiều gian nan”…

 

Dù chính quyền Hà Nội chỉ đạo “Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống tiếp tục phối hợp với Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty Cổ phần Viwaco điều tiết nguồn cho Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông để điều tiết tối đa nguồn cấp cho Khu đô thị Thanh Hà...”,

thế nhưng, đơn vị cấp nước cho khu dân cư này vẫn không có biện pháp khắc phục. 30,000 dân vẫn khát, vẫn phải xếp hàng thâu đêm hứng từng thùng nước.

 

Đến chiều tối ngày 22, nước cấp lại nhỏ giọt nhưng nguồn nước lại nhiễm Ecoli, khiến nhiều người bị đau mắt, da mẩn ngứa, váng đầu khi sử dụng thứ nước mà công ty “nước sạch” Hà Đông cung cấp qua trạm bơm Thanh Hà. Báo Tuổi Trẻ đã có bài khảo sát về trạm bơm Thanh Hà. Đó là một trạm bơm nhỏ, nằm ở cuối đường ống cấp nước công ty cổ phần nước sông Đuống cách đó 40km. Do áp lực và lượng nước không đủ nên trạm bơm thường khai thác nước ngầm để cấp bù vào lượng thiếu hụt. Trạm bơm này cách một nghĩa trang 500m và một xưởng bê tông, bên cạnh một con mương nước đen đặc, hôi thối…

 

Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội gặp những sự cố tương tự. Việc cúp nước, cúp điện ở thủ đô đã trở thành “chuyện thường ngày”. Riêng Tổng công ty cấp nước Sông Đà Viwasupco – một trong những đơn vị cấp nước máy cho 1/3 dân cư nội thành Hà Nội, trong sáu năm đã để xảy ra 22 lần vỡ đường ống nước. Nguyên nhân do Viwasupco sử dụng đường ống nước mua từ Trung Quốc, có chất liệu bằng gang dẻo.

 

Hình :

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/10/Picture2-2.jpg

 

Tháng Mười 2019, một sự cố nghiêm trọng xảy ra khi nguồn nước do Viwasupco cung cấp bị phát hiện nhiễm styren – một hợp chất thuộc nhóm benzen có thể gây ung thư. Khi bị dân cư phản ánh, Viwasupco ngừng cấp nước các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm để xử lý; hậu quả, gần triệu dân cư bị đảo lộn sinh hoạt. Công an cho biết nguyên nhân sự cố là do việc đổ trộm chất thải trên đầu nguồn. Nếu như chất thải không phải là styren mà là cyanua thì hậu quả khủng khiếp như thế nào! Sự cố cho thấy lỗ hổng nghiêm trọng về an ninh môi trường ở Việt Nam. Ấy thế mà chẳng có quan chức hay cơ quan chủ quản nào bị xử lý hay chịu trách nhiệm gì.

 

Là thành phố được đầu tư hạ tầng lớn nhất trong 63 tỉnh thành, đô thị Hà Nội mở rộng chóng mặt với hệ thống cao tốc qui mô nhất toàn quốc. Hà Nội có tới 600km đường cao tốc. Trong khi đó, cả miền Đông Nam Bộ chỉ có chưa tới 100km cao tốc (không tính 99km đoạn Phan Thiết – Dầu Giây chỉ được coi là đường đồng bằng cấp 1, mới khánh thành năm 2023). Hệ thống điện đường, cấp thoát nước, các hạ tầng công cộng của Hà Nội luôn được ưu tiên một và tiêu tốn nguồn ngân sách khổng lồ, gấp nhiều lần vốn đầu tư cho cả ĐBSCL cộng lại. Thế nhưng, khó có thể tưởng tượng Hà Nội có tới gần ba triệu người không có nước sạch sử dụng.

 

Mặc dù mỗi năm Hà Nội chi hàng trăm tỷ chỉ để lát lại vỉa hè, chặt cây cổ thụ và trồng cây mới… nhưng chưa có nhà máy thu gom, xử lý nước thải công nghiệp. Những trung tâm làng nghề ở Bắc Ninh, Thạch Thất, Hà Tây, Hà Đông, các cụm xưởng sản xuất, nhà máy nằm ngay trong nội thành ngày đêm xả thải trực tiếp ra sông ngòi, biến tất cả các con sông chảy qua nội thành Hà Nội thành những rãnh nước thải hôi thối, ô nhiễm.

 

Sau đó, người ta hút nước ngầm bên dưới những dòng sông chết để cung cấp “nước sạch” cho dân sử dụng. Thậm chí, người Hà Nội sử dụng thứ nước đen đặc này để sản xuất nông nghiệp. Nông dân ở Đại Kim, Thịnh Liệt, Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì vẫn trồng rau cung cấp cho các chợ lớn nhỏ ở Hà Nội. Không phải ngẫu nhiên Hà Nội là địa phương có tỉ lệ ung thư cao nhất toàn quốc.

 

Tháng Sáu 2020, giới chức Hà Nội tự hào rằng Hà Nội, thủ đô “lương tri và phẩm giá”, với những cái nhất: “Hạ tầng mạnh nhất, nhiều trung tâm khoa học, nghiên cứu và nhiều giáo sư, tiến sĩ nhất, đóng góp tỷ lệ cao nhất trong tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia… cũng như các nguồn tài nguyên lịch sử, văn hóa, truyền thống to lớn khác.” Đó là phát biểu của Thứ trưởng khoa học công nghệ Lê Xuân Định.

 

Chết ngộp giữa thủ đô

 

Hà Nội thường xuyên có chỉ số ô nhiễm không khí top đầu thế giới. Bất kỳ thời điểm nào những ngày Thu-Đông, kiểm tra chỉ số Air Quality Index trên trang aqicn.org, người ta cũng sẽ thấy các chỉ dấu ô nhiễm (đỏ, nâu, tím) dày đặc ở địa bàn Hà Nội, Bắc Ninh. Mức ô nhiễm nguy hại cho sức khỏe (tím và nâu) đã trở thành “bình thường” và thậm chí giờ đây giới chức chính quyền đã ngó lơ, không thèm cảnh báo hay nhắc nhở người dân.

 

Giới chức Hà Nội đổ lỗi ô nhiễm bởi giao thông và do việc nông dân ngoại thành đốt rơm rạ. Kỳ thực, nguyên nhân chính là do qui hoạch đô thị và quản lý ô nhiễm các khu công nghiệp. Hà Nội có địa hình thấp lòng chảo, trong khi đó, các khu vực ngoại thành cũng như các tỉnh giáp với Hà Nội phát triển công nghiệp nặng.

 

Những tỉnh như Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng có số lượng lớn các doanh nghiệp công nghiệp nặng (luyện kim, nhiệt điện, xi măng, nhựa, cao su, hóa chất, điện tử, da giày…), nằm ở đầu hướng gió mùa Đông Bắc. Nguồn ô nhiễm công nghiệp này theo gió tràn xuống Hà Nội nằm ở phía cuối hướng gió, quẩn quanh trong địa hình đô thị ken đặc bởi cao ốc.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats