Monday 7 June 2021

VỤ MUA VACCINE CHỐNG DỊCH : THIẾU TIỀN hay KHÔNG THIẾU TIỀN? (BTV Tiếng Dân)

 



Vụ mua vaccine chống dịch: Thiếu tiền hay không thiếu tiền?

BTV Tiếng Dân

07/06/2021

https://baotiengdan.com/2021/06/07/vu-mua-vaccine-chong-dich-thieu-tien-hay-khong-thieu-tien/

 

Bộ máy tuyên truyền tiếp tục cho thấy “cơn khát” của chế độ trong vụ mua vaccine. Zing dẫn lời Thủ tướng Phạm Minh Chính: ‘Chính phủ trân trọng mọi đóng góp cho quỹ vaccine, dù ít hay nhiều’. Thủ tướng Chính thừa nhận, “đất nước chúng ta còn khó khăn, Đảng và Nhà nước đã và đang cố gắng nhưng cần sự chung tay góp sức bằng tấm lòng và trái tim của cả cộng đồng, xã hội”. Ông Chính kêu gọi, mọi sự đóng góp “đều có ý nghĩa cho sự an toàn hơn cho bản thân, gia đình chúng ta, cho cộng đồng và cả xã hội”.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/06/Img1-3-1024x568.jpg

Đến lúc cần kêu gọi hỗ trợ tài chính để mua vaccine, thì “thế lực thù địch” trở thành “kiều bào ta ở nước ngoài”. Ảnh: Zing

 

Bỏ qua mấy từ ngữ hoa mỹ, thì ý chính của Thủ tướng đương nghiệm đã rõ. “Đất nước chúng ta còn khó khăn”, nghĩa là chế độ đang thiếu tiền mua vaccine, người dân chấp nhận góp tiền thì Chính phủ mới có hy vọng đủ nguồn tài chính mà mua vaccine. Điều này trái ngược với những lời tuyên truyền trước đó đến từ các thuộc cấp của ông Chính.

 

Ngày 4/6, trong cuộc họp kêu gọi hỗ trợ cho “Quỹ Vaccine phòng COVID-19” của VN, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Vaccine về chưa nhiều không phải vì chúng ta thiếu tiền”. Ông Đam cho rằng, chỉ vì nguồn cung khan hiếm, VN mới không mua được nhiều vaccine. Trước đó nữa, trong cuộc họp chiều 2/6 với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói “như đinh đóng cột”, không thiếu tiền để bảo vệ sản xuất, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

 

Thế nhưng, từ ngày 4/6 tới nay, rất nhiều người dân Việt Nam liên tục bị gửi tin nhắn làm phiền. Theo nội dung các tin nhắn, Chính phủ và MTTQ kêu gọi người dân góp tiền mua vaccine. Một người bạn của chúng tôi đồng ý chia sẻ ảnh chụp màn hình loạt tin nhắn làm phiền. Các tin nhắn được gửi liên tục đến mức ứng dụng quản lý tin nhắn trong điện thoại của người này đưa ra cảnh báo, tin nhắn rác.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/06/Img1-2-1033x2048.png

Ảnh chụp màn hình điện thoại của một người bạn bị làm phiền liên tục bởi các tin nhắn có nội dung tương tự nhau: Chính phủ và MTTQ kêu gọi người dân góp tiền mua vaccine Covid-19. Ảnh: CTV Tiếng Dân

 

Chỉ có 2 khả năng:

 

1. Loạt tin nhắn kêu gọi gây quỹ vaccine Covid-19 đã mạo danh Chính phủ và MTTQ;

 

2. Không có ai bị mạo danh cả, chỉ có những người vì quen thói mị dân lâu ngày, nên giờ trong lúc nguy cấp vẫn tiếp tục nói xạo với dân. Miệng thì tuyên truyền “không thiếu tiền”, nhưng tay thì chìa ra xin tiền dân, ngay cả “thế lực thù địch” ở hải ngoại, khi cần thì trở thành “kiều bào ta ở nước ngoài”.

 

Nhiều cư dân mạng bày tỏ chuyện họ bị làm phiền khi liên tục nhận được tin nhắn kêu gọi đóng góp tiền vào quỹ vaccine. Người dân ở các nước xung quanh họ, dù không sống ở “thiên đường XHCN” như dân Việt, nhưng không bị làm phiền như vậy. Ngoài ra, nhiều người VN bày tỏ, họ không muốn góp tiền để được chích vaccine Trung Quốc.

 

BBC đặt câu hỏi về vụ Chính phủ VN kêu gọi người dân góp quỹ mua vaccine Covid-19: Dân góp quỹ chống Covid có phải là phép lạ của Việt Nam? Một người dân bình luận về vụ “quỹ” vaccine Covid-19 ở VN, lấy cả tiền tích lũy từ lương hưu của người già hoặc tiền ăn sáng của trẻ em: “Việc kêu gọi hay ca ngợi cả những người già cả nghèo khó đóng góp thì thật lố bịch, thiếu nhân văn. Hình như không mấy nước nào làm như vậy”.

 

                                                     ***

 

Sau một thời gian lãnh đạo TP Hà Nội huy động triệt để các lực lượng công an, an ninh, dân phòng, thủ đô chống dịch, Hà Nội trải qua 10 ngày không có ca nhiễm cộng đồng. Nhưng hôm nay, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) TP Hà Nội thông báo, một người bán rau ở Hà Nội tháng 5 không đi đâu, rát họng đi khám phát hiện mắc COVID-19, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Lại thêm trường hợp phát hiện nhiễm Covid-19 là do người bệnh tự đi khám.

 

Kết quả điều tra dịch tễ bước đầu cho thấy, người bán rau ở thị trấn Đông Anh, suốt tháng 5/2021 không rời địa phương, không tiếp xúc với bất cứ chuỗi lây nhiễm hay vùng dịch nào đã được ghi nhận. Ngày 30/5, người này có triệu chứng rát họng, sổ mũi nên tự mua thuốc uống. Đến chiều 4/6, bệnh càng trầm trọng, người này đến BV khám sàng lọc, được lấy mẫu xét nghiệm ngày 5/6, thì hôm nay 6/6, được xác nhận dương tính với Covid-19.

 

Trong 92 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng mới được Bộ Y tế cập nhật trưa nay, TP HCM phát hiện 4 ca nhiễm qua sàng lọc tại bệnh viện, theo báo Người Lao Động. Tại thủ phủ miền Nam, có 4 ca dương tính được phát hiện do khám sàng lọc tại các bệnh viện, nghĩa là 4 ca này đều không rõ nguồn lây, người bệnh chủ động đi khám thì mới phát hiện, tương tự như trường hợp người bán rau ở thị trấn Đông Anh.

 

Một tháng là khoảng thời gian trung bình để cơ quan chức năng VN “dập dịch” mỗi đợt, trong 3 đợt bùng phát dịch trước đó. Lần này, kết thúc tháng 5/2021, các lãnh đạo lại quen thói “ru ngủ” dân, khẳng định đã kiểm soát được dịch. Nhưng các ca nhiễm không rõ nguồn lây vừa được ghi nhận ở Hà Nội và Sài Gon cho thấy, tình hình không đơn giản như lời nói của các quan chức.

 

 

Vaccine Trung Quốc: Số ca nhiễm tăng dù đã chích ngừa

 

Về vấn đề vaccine, hiện đã có nhiều loại vaccine chống Covid-19 đang được các nước trên thế giới sử dụng, nhưng Bộ Y tế đã vội vã phê duyệt vaccine của tập đoàn dược Sinopharm, TQ. Vụ phê duyệt diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi thư cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, đề nghị hỗ trợ vaccine Covid-19 cho VN và chỉ 4 ngày sau khi Chủ tịch nước VN gửi thư cho Tổng thống Mỹ Joe Biden, cũng để “cầu cứu” được trợ giúp vaccine Covid-19.

 

Ngày 4/6 là ngày VN đột ngột phê duyệt cho vaccine TQ, cũng là ngày báo Washington Post có bài về vaccine TQ, cho thấy dịch Covid-19 càng bùng phát mạnh ở những quốc gia sử dụng nhiều vaccine của tập đoàn dược Sinopharm.  Bahrain là một trong các quốc gia đầu tiên công khai ủng hộ vaccine của TQ trong năm 2020. Hiện tại, hơn 61% dân số Bahrain đã được chích ngừa, nhưng đất nước này lại vừa chứng kiến đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/06/1-15-696x880.png

Ảnh chụp màn hình tỉ lệ chích ngừa cho dân Bahrain khá cao, trong khi số ca nhiễm vẫn tăng mạnh

 

Cũng theo Washington Post, 3 nước Seychelles, Chile và Uruguay đều sử dụng vaccine của 2 tập đoàn dược Sinopharm và Sinovac của TQ và đều gặp tình cảnh tương tự như Bahrain. Riêng với đợt bùng dịch ở Seychelles, ông Yanzhong Huang, thành viên của Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Council on Foreign Relations), tổ chức NGO có trụ sở ở TP New York, nhận định với Washington Post, đó là “trường hợp nghiêm trọng cần được xem xét về tính hiệu quả của một số loại vaccine, cũng như phạm vi tiêm chủng mà chúng ta phải đạt được để có miễn dịch cộng đồng”.

 

______

 

Mời đọc thêm: Sáng 7/6: Thêm 44 ca mắc COVID-19 trong nước, có 12 ca liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng (SKĐS). – Trưa 7-6: 92 ca mắc COVID-19 mới, Bắc Giang và TP.HCM tiếp tục nhiều nhất (TT). – Thêm 100 bệnh nhân Covid-19, một ca dương tính sau 30 ngày nhập cảnh, cách ly (TN). – Làn sóng COVID-19 thứ tư, y tế Việt Nam vẫn lúng túng rối rắm (RFA).

 

– Quay cuồng các kiểu với vacxin (NNVN). – Vaccine phòng Covid-19 cho toàn cầu: Chuyện không đơn giản! (TG&VN). Mời đọc lại: “Đối với phòng chống dịch bệnh, Chính phủ không thiếu tiền để bảo vệ sản xuất, sức khoẻ nhân dân” (NB&CL). – ‘Vaccine Covid-19 về Việt Nam chưa nhiều không phải vì thiếu tiền’ (VNE).

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats