Việt
Nam trước chính sách ngoại giao vắc xin của Trung Quốc và Hoa Kỳ
Giang
Nguyễn
2021-06-07
Một nhân viên y tế
chuẩn bị một liều vắc xin AstraZeneca ngừa COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới
Hà Nội, Việt Nam hôm 8/3/2021. Ảnh minh họa.
AP
Trung Quốc đã nhiệt tình hưởng ứng nhu cầu tiếp
cận vắc xin phòng ngừa COVID-19 của các quốc gia Đông Nam Á từ nhiều tháng qua,
trong khi Hoa Kỳ mới bắt đầu gia tăng nỗ lực cung ứng vắc xin sau khi tiêm chủng
được ít nhất một mũi cho hơn phân nửa dân số của họ.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Simon Trần
Hudes của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại
Washington DC, vẫn chưa muộn cho Washington. Ông trao đổi với phóng viên Giang
Nguyễn về chọn lựa của Việt Nam trước chính sách ngoại giao vắc xin của Trung
Quốc và Hoa Kỳ.
*
Giang Nguyễn: Cảm
ơn ông Simon rất nhiều đã dành cho chúng tôi cuộc nói chuyện ngày hôm nay về chủ
đề vắc xin và COVID-19. Như chúng ta biết, Việt Nam đã đặt mục tiêu 150 triệu
liều vắc xin cho đến cuối năm nay để tiêm chủng cho công dân Việt Nam, và mới
đây đã phê duyệt vắc xin Sinopharm của Trung Quốc. Ông nhận định thế nào về động
thái này của Việt Nam, mà có thể nói là hơi chậm trễ, xét rằng Tổ chức Y tế Thế
giới (WHO) đã phê duyệt vắc xin này từ ngày 7 tháng 5 và trong bối cảnh Việt
Nam đang rất cần vắc xin? Đây có phải là trường hợp "người ăn xin thì
không có chọn lựa" hay đây là một hành động cân bằng chính trị?
Simon Trần Hudes: Tôi
nghĩ có lẽ đây chính là trường hợp “người ăn xin thì không có chọn lựa”. Việt
Nam đã được công nhận là xử lý khá tốt việc ngăn chặn COVID-19 cho đến giai đoạn
khi các loại vắc xin bắt đầu được tung ra thị trường. Việt Nam đã có tham vọng
lớn sản xuất vắc xin trong nước. Việc này đến bây giờ có vẻ vẫn diễn tiến tốt.
Tuy nhiên, Việt Nam bắt đầu chiến dịch tiêm chủng
hơi muộn, trong khi nhiều nguồn cung ứng vắc xin đã bị các nước khác tranh hết.
Vì vậy Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhiều nguồn vắc xin khác
nhau. Với lịch sử vốn đầy tranh chấp với Trung Quốc, đây có lẽ là quốc gia cuối
cùng mà các quan chức Việt Nam muốn tìm tới. Nhưng tại thời điểm này, có vẻ như
họ phải làm điều đó để đạt được mục tiêu của mình.
Vaccine ngừa
COVID-19 Sinopharm của Trung Quốc. Reuters
Giang Nguyễn: Trung
Quốc đã sử dụng ngoại giao vắc xin như một loại công cụ để tạo nên ảnh hưởng địa
chính trị. Ông đã phân tích về việc này. Ông có thể chia sẻ một chút về
cách Trung Quốc đã sử dụng công cụ ngoại giao qua việc cung ứng vắc xin như thế
nào và họ có thành công không?
Simon Trần Hudes: Tôi
nghĩ rằng Trung Quốc đã tận dụng chính sách ngoại giao vắc xin khá hiệu quả, đặc
biệt là khi họ bắt đầu từ rất sớm. Trung Quốc đã bắt đầu cung cấp vắc xin cho
các nước khác trước Hoa Kỳ khá lâu. Họ đã cung cấp vắc xin cho nhiều quốc gia
khác nhau ở Châu Phi và Châu Á, bao gồm cả Đông Nam Á, khu vực lân cận, nơi họ
có khá nhiều khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng và những dự án khác thông qua sáng
kiến Vành đai và Con đường của họ. Đây là điều lo ngại vì Trung Quốc có thể
đang tận dụng chính sách ngoại giao vắc xin này để có thể thúc đẩy một số dự án
cơ sở hạ tầng tại Đông Nam Á.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cách đây vài
tháng đã chỉ trích chính sách ngoại giao vắc xin của Trung Quốc là "có cột
dây ràng buộc”.
*
Giang Nguyen: Bên cạnh việc tận dụng khả năng cung ứng vắc xin của mình để thúc đẩy
các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực, Trung Quốc còn có mục tiêu gì khác trong
việc chia sẻ vắc xin trên khắp thế giới?
Simon Trần Hudes: Trong nhiều
năm, Trung Quốc đã tìm cách tăng cường quyền lực mềm và tiếng tăm của mình
trong khu vực đơn giản bằng cách chứng minh rằng họ đang hiện diện ở đây. Nói
cách khác là họ muốn cố gắng chứng minh rằng Hoa Kỳ không có mặt hoặc tầm ảnh
hưởng của Hoa Kỳ đang suy giảm ở đây. Ngoại giao vắc xin là một phần của chính
sách này và thực tế nó có lẽ đã có được phần nào hiệu quả mong muốn. Bạn thấy ở
Indonesia hầu như chỉ dùng vắc xin Trung Quốc, và một số nơi khác ở Đông Nam Á
cũng vậy. Các loại vắc xin của Mỹ như Pfizer, Moderna, đến sau này mới xuất hiện.
Như bạn đã thấy, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden mới chỉ
trong tuần qua tuyên bố rằng ông sẽ tài trợ ít nhất 80 triệu liều vắc xin phòng
virus corona trên toàn cầu và hầu hết số đó được phân phối thông qua chương
trình COVAX. 80 triệu liều là rất nhiều và nếu tôi không lầm là nhiều hơn những
gì Trung Quốc đã cung ứng cho đến nay. Tuy nhiên việc Trung Quốc đến trước, điều
đó củng cố cảm nhận rằng Trung Quốc là cường quốc đang lên và Hoa Kỳ là cường
quốc đang suy yếu, ít nhất là khi nói đến Đông Nam Á.
*
Giang Nguyễn: Riêng
tại Việt Nam, công chúng có thể hơi do dự về vắc xin đến từ Trung Quốc, và ưa
chuộng vắc xin của Hoa Kỳ hơn. Mỹ có quá muộn khi bây giờ mới bắt đầu tăng cường
những đóng góp cho chương trình COVAX? Liệu Hoa Kỳ vẫn có cách sử dụng vắc xin
như một công cụ ngoại giao?
Simon Trần Hudes: Tôi hoàn
toàn nghĩ vậy. Tôi không cho rằng đã quá muộn đối với Hoa Kỳ. Tại Đông Nam Á
hoàn cảnh của mỗi quốc gia có khác. Như tôi đã nói, Indonesia có khá nhiều vắc
xin từ Trung Quốc và do đó không có nhu cầu để đưa vắc xin của Mỹ vào. Nhưng với
một quốc gia như Việt Nam vốn đã không tin cậy đối với Trung Quốc, tôi nghĩ Việt
Nam sẽ rất hoan nghênh vắc xin của Mỹ. Thật không may, Tổng thống Biden mới chỉ
công bố bảy triệu vắc xin cho Việt Nam và Đông Nam Á thì rõ ràng là không đủ.
Tuy nhiên tôi tin rằng con số đó sẽ tăng lên. Nếu bạn
còn nhớ một tuyên bố của Bộ Tứ Kim cương (Quad), tức Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản và Ấn
Độ, khi họp lần đầu tiên, có cam kết rằng sẽ cung cấp tới một tỷ liều vắc xin
vào năm 2022. Vì vậy, còn nhiều cơ hội để Hoa Kỳ đóng góp nhiều hơn và nó cũng
tùy theo từng quốc gia.
Một nhân viên kiểm
tra các ống tiêm vắc-xin SARS CoV-2 ngừa COVID-19 do SinoVac sản xuất tại nhà
máy ở Bắc Kinh vào hôm 24/9/2020. Ảnh: AP/minh họa.
Giang Nguyễn: Đồng
thời, chúng ta cũng đã nói về nhu cầu hiện nay của Việt Nam và một số quốc gia
ít phát triển hơn. Việt Nam được nói đã thành công trong chiến dịch phòng chống
COVID-19 cho đến đầu năm nay. Những rủi ro với sự lây lan của dịch bệnh hiện
nay là gì và đâu là lựa chọn tốt nhất của Việt Nam về mặt y tế cũng như cân bằng
chính trị?
Simon Trần Hudes: Tôi nghĩ rằng
rủi ro lớn nhất hiện nay, khi quá trình triển khai vắc xin đã bắt đầu, ý chí giữ
kỷ luật về các biện pháp ngăn chặn COVID-19 đang tan biến đi trên toàn khu vực
Đông Nam Á.
*
Giang Nguyễn: Ông
đang nói đến ý chí của người dân hay của Chính phủ?
Simon Trần Hudes: Cả hai, nơi
người dân và trong cán bộ chính quyền, thật không may ý chí nghiêm ngặt thực
thi các biện pháp ngăn chặn COVID-19 đang suy giảm. Bạn đã thấy điều này ở những
nơi như Thái Lan và Malaysia.
Đối với Việt Nam thì tình hình ít rõ ràng hơn nhưng
ngay cả ở Việt Nam, nơi chỉ mới gần đây đã có những đợt bùng phát tại các khu
công nghiệp ở cả hai miền Nam, Bắc, như của Foxconn, Samsung, Canon, v.v.
...Chúng ta thấy sự lây lan trong các khu công nghiệp tấp nập và những người
thuộc tầng lớp lao động này thường lại là những người cuối cùng được chủng ngừa.
Vì vậy, tôi nghĩ bất cứ nơi nào có điều kiện làm việc đông đúc như thế, như khu
công nghiệp, nhà máy, cũng như các nhà tù, tất cả những nơi này đều có nguy cơ
rất cao xảy ra lây lan.
Mối đe dọa khác đối với sức khỏe cộng đồng mà tôi thấy,
và điều này đã được nói đến rất nhiều, là sự do dự tiêm chủng vắc xin. Bạn có đề
cập rằng công chúng Việt Nam có thể rất cảnh giác với vắc xin Trung Quốc. Tôi đồng
ý rằng điều đó có lẽ sẽ xảy ra.
*
Giang Nguyễn: Còn
điều gì mà ông đặc biệt để ý trong diễn tiến hiện nay tại Việt Nam?
Simon Trần Hudes: Một điều mà
tôi thực sự lạc quan là về mong muốn của Việt Nam trở thành trung tâm vắc xin của
khu vực. Như tôi đã đề cập, Việt Nam có nguyện vọng phát minh, sản xuất và chế
tạo vắc xin trong nước mà tôi nghĩ rằng sẽ giúp ích rất nhiều người dân. Bộ Y tế
Việt Nam chỉ vài ngày trước đã thông báo rằng họ đang muốn xây dựng một nhà máy
sản xuất vắc xin COVID-19 để cung ứng cho sáng kiến COVAX. Tôi cho đây là một
minh chứng thực tế cho sự lãnh đạo y tế cộng đồng của Việt Nam. Việt Nam không
ngồi chờ đợi vắc xin đến với mình. Tại thời điểm này, chúng tôi đã chứng kiến
những đợt tiếp cận vắc xin khá lớn. Trong những ngày qua tôi thấy là họ đã đàm
phán được vài triệu liều vắc xin Sputnik V của Nga. Tôi không nghĩ Việt Nam đang
gặp khó khăn nghiêm trọng như nhiều nước láng giềng, đặc biệt nếu xét về trình
độ phát triển của quốc gia này.
Tôi nghĩ Việt Nam nhìn chung đang khá xuất sắc trong
việc phòng chống COVID. Tuy nhiên rủi ro vẫn còn và chính phủ và người dân sẽ
phải cảnh giác trong thời gian trước mắt.
Giang Nguyễn: Cảm ơn
ông Simon Trần Hudes rất nhiều.
No comments:
Post a Comment