Tuesday, 8 June 2021

TRUNG QUỐC MỞ HỘI NGHỊ ĐẶC BIỆT TẠI TRÙNG KHÁNH VỚI CÁC NGOẠI TRƯỞNG ASEAN (Trọng Nghĩa - RFI)

 



Trung Quốc mở hội nghị đặc biệt tại Trùng Khánh với các ngoại trưởng ASEAN

Trọng Nghĩa  =  RFI

Đăng ngày: 07/06/2021 - 12:02

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210607-trung-qu%E1%BB%91c-m%E1%BB%9F-h%E1%BB%99i-ngh%E1%BB%8....B0%E1%BB%9Fng-asean

 

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN-Trung Quốc (1991-2021), trong một động thái được cho là nhằm ve vãn các nước Đông Nam Á và phải cạnh tranh gay gắt với Mỹ, Bắc Kinh đã mời các ngoại trưởng thuộc khối ASEAN đến thành phố Trùng Khánh tham dự một Hội Nghị Đặc Biệt của các Ngoại Trưởng ASEAN-Trung Quốc trong hai ngày 07-08/06/2021.

 

https://s.rfi.fr/media/display/f9773d94-c776-11eb-806d-005056bf87d6/w:900/p:16x9/AP20317271592426.webp

Ảnh tư liệu: Thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc, qua vidéo hội nghị, Hà Nội, Việt Nam, ngày 12/11/2020. AP

 

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 06/06/2021, đã nhiệt liệt ca ngợi tiến trình 30 năm hợp tác Trung Quốc - ASEAN, xem đấy là một ví dụ điển hình về công cuộc hợp tác thành công trong vùng Châu Á - Thái Bình Dương.

 

Theo hãng tin Mỹ AP, truyền thông Nhà nước Trung Quốc đã tiết lộ một loạt nội dung bắc Kinh muốn thảo luận với các nước Đông Nam Á, từ việc khôi phục du lịch và các trao đổi kinh tế vốn đã phải chịu tác hại từ dịch Covid-19, cho đến các nỗ lực nhằm phối hợp chặt chẽ hơn trong việc chống lại đại dịch, cũng như khả năng thiết lập một hộ chiếu vác-xin để cho phép du lịch tự do hơn.

 

Ngoài các cuộc họp chung, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị còn dự kiến gặp riêng từng đồng nhiệm bên lề hội nghị.

 

Theo ghi nhận của AP, Trung Quốc có mâu thuẫn với nhiều láng giềng như Việt Nam, Philippines hay Malaysia trên vấn đề yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông. Bắc Kinh thường xuyên cho tàu xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế và quấy nhiễu các hoạt động dầu khí của Việt Nam, trong lúc Philippines cũng nhiều lần phản đối sự hiện diện của cả trăm tàu Trung Quốc gần các thực thể ở Trường Sa mà Manila tuyên bố chủ quyền. Mới đây, vào tuần trước, Malaysia đã phản đối việc 16 máy bay quân sự Trung Quốc xâm nhập không phận của nước này.

 

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn cố tìm cách tăng cường ảnh hưởng đối với 10 thành viên ASEAN, dùng đến sức mạnh kinh tế và ngoại giao, làm cho khối Đông Nam Á không thể có được một lập trường thống nhất để đối phó do sự phản đối của các đồng minh Trung Quốc trong ASEAN, nhất là Cam Bốt.

 

Nỗ lực chiêu dụ các nước Đông Nam Á càng gia tăng trong bối cảnh Hoa Kỳ ngày càng năng nổ hơn tại Đông Nam Á, tích cực duy trì sự hiện diện hải quân ở Biển Đông, và không ngần ngại bày tỏ lo ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc.

 

Còn Bắc Kinh thì luôn luôn cho rằng sự hiện diện của hải quân Mỹ là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh trong khu vực, đồng thời đả kích các chiến dịch tuần tra của Mỹ tại Biển Đông được mệnh danh là chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải.

 

                                                 ***

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Đông Nam Á "không thể" chọn phe trong cuộc đọ sức Mỹ - Trung

Trung Quốc "lôi kéo" ASEAN phản công chiến lược vac-xin của Bộ Tứ - QUAD

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats