The
Economist
Đỗ Đặng Nhật
Huy biên dịch
16/06/2021
http://nghiencuuquocte.org/2021/06/16/the-gioi-hom-nay-16-06-2021/
Các đại diện thương mại Mỹ và EU
vừa khép lại tranh chấp kéo dài 17 năm qua về các khoản trợ cấp dành cho Boeing
và Airbus. Trước đây hai bên liên tục khiếu nại lên WTO về hành vi ưu ái
không công bằng cho hãng hàng không vũ trụ của bên kia. Giờ đây họ đồng ý tạm
hoãn 5 năm các mức thuế trừng phạt đối với các nhà sản xuất máy bay của bên
kia, và ra các tuyên bố làm rõ những “hỗ trợ có thể chấp nhận được.” Động thái
này được nhiều người coi là một phần của nỗ lực thắt chặt quan hệ hai bờ Đại
Tây Dương trước sức mạnh kinh tế của Trung Quốc.
Tòa án cao nhất EU tuyên bố các cơ quan
giám sát “trong một số điều kiện nhất định” ở bất kỳ nước thành viên nào cũng
có thể đưa Facebook ra tòa dựa trên các cáo buộc vi phạm quy định quyền riêng
tư của khối. Cho đến nay, các khiếu nại xuyên biên giới được xử lý bởi cơ quan
quyền riêng tư dữ liệu của nước đặt trụ sở công ty —mà trong trường hợp
Facebook là Ireland. Vì phán quyết khá hẹp nên chưa thật rõ tác động của
nó lên các công ty công nghệ.
EU đã cấm một số ngân hàng
lớn nhất thế giới — bao gồm Bank of America, Barclays, Citi và JPMorgan — tham
gia mua bán trái phiếu NextGenerationEU của khối, theo Financial Times.
Mười ngân hàng đã bị loại do các vi phạm trước đây về quy tắc chống độc quyền.
Trái phiếu kỳ hạn 10 năm của EU được bán từ 14 tháng 6 để góp phần tài trợ cho
quỹ hồi phục đại dịch 800 tỷ euro (970 tỷ USD) của khối.
Các quan chức Đài Loan cho biết Trung
Quốc đã điều 28 máy bay quân sự vào một vùng đệm xung quanh hòn đảo này. Đây là
vụ lớn nhất trong một loạt cuộc xâm nhập của Trung Quốc vào không phận Đài
Loan, và diễn ra chỉ ngay sau khi các lãnh đạo G7 nhấn mạnh tầm quan trọng của
“hòa bình và ổn định” trên eo biển Đài Loan.
Một tòa án Pháp yêu cầu IKEA Pháp nộp
phạt 1 triệu euro (1,2 triệu USD) vì tội theo dõi nhân viên. Chi nhánh Pháp của
chuỗi nội thất Thụy Điển đã thuê thám tử tư và thu thập các hồ sơ cảnh sát một
cách bất hợp pháp để lấy dữ liệu cá nhân, từ đó dùng để kiểm tra lý lịch người
xin việc và theo dõi nhân viên từ năm 2009 đến năm 2012. Hai cựu giám đốc điều
hành đã bị phạt và bị hưởng án tù treo. IKEA đã lên tiếng xin lỗi.
PricewaterhouseCoopers (PwC) có kế hoạch bổ sung 100.000 nhân viên mới trên toàn cầu trong 5
năm tới. Theo đó tổng số nhân viên của hãng tư vấn này sẽ tăng một phần ba,
trong bối cảnh công ty đã đẩy nhanh tiến độ tuyển người trong năm năm qua. Họ
có kế hoạch đầu tư mạnh để phát triển hoạt động kinh doanh ở châu Á, cũng như củng
cố chuyên môn về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Anh và Úc đồng ý về một
thỏa thuận thương mại — thỏa thuận đầu tiên Anh đàm phán từ đầu kể từ khi rời
EU vào năm ngoái. (Các thỏa thuận khác đều đã đàm phán từ khi còn là thành viên
EU.) Nó có thể mở đường cho Anh tham gia Hiệp định thương mại CPTPP, hiện bao gồm
11 quốc gia ở Vành đai Thái Bình Dương, bao gồm Australia.
TIÊU
ĐIỂM
Hai tổng thống
Biden và Putin họp thượng đỉnh lần đầu
Lần đầu tiên sau Chiến tranh Lạnh có một tổng
thống mới của Mỹ mất niềm tin vào Nga đến vậy. Joe Biden đã công khai chỉ trích
Vladimir Putin kể từ khi nhậm chức, và từng đồng ý với một người phỏng vấn gọi
tổng thống Nga là “kẻ giết người”. Song cuộc gặp giữa hai tổng thống ở Geneva
vào cuối ngày hôm nay sẽ khá tẻ nhạt. Ông Putin có thể dự đoán một tràng chỉ
trích vì các nỗ lực ngày càng táo bạo của ông để áp đặt trật tự lên các nước
láng giềng và gây rối ở những nơi khác. Vụ Ukraine, tội phạm mạng, và câu chuyện
Alexei Navalny chính là tâm điểm.
Nhưng ông Biden sẽ không quá gay gắt để không
làm thất bại các cuộc thảo luận nhằm cùng giải quyết các vấn đề lớn, từ kho dự
trữ hạt nhân cho đến Bắc Cực ấm lên. Một phần của nỗ lực chứng minh chính sách
ngoại giao Mỹ đã trở lại — mục tiêu trong chuyến công du châu Âu của ông Biden
— là cho thấy sự từ tốn và có thể đoán trước, tránh những bất ngờ khó chịu. Giống
như nhiều hành động khác trong thời hậu Trump của ông Biden, nhàm chán nhưng
yên tâm.
Fed họp thường kỳ
về chính sách tiền tệ
Hôm nay ngân hàng trung ương Mỹ sẽ khép lại cuộc
họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày. Có hai vấn đề lớn đặt ra cho Fed,
trong bối cảnh ngân hàng đã thực thi chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng để đối
phó đại dịch. Một, là liệu họ có chấp nhận “giảm dần” hay không – tức là giảm tốc
độ mua vào một số tài sản nhất định, chẳng hạn như trái phiếu chính phủ. Một số
thành viên cấp cao của Fed thừa nhận đã đến lúc làm vậy. Xét cho cùng, thì hiện
lạm phát giá tiêu dùng khá cao, khiến cần thiết phải cắt bớt một số hỗ trợ kinh
tế. Dù vậy, nhiều người vẫn coi lạm phát chỉ là nhất thời.
Câu hỏi lớn thứ hai, và quan trọng hơn với
kinh tế Mỹ, là khi nào các quan chức Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất. Sẽ là một
câu chuyện lớn nếu các lãnh đạo Fed rút ngắn thời điểm họ dự kiến tăng lãi suất
lên năm 2023, như một số nhà kinh tế dự đoán. Không thể loại trừ bất kỳ bất ngờ
lớn nào, đối với cả thị trường hay nền kinh tế thực.
Argentina chật vật
chống lạm phát
Hôm nay Argentina công bố báo cáo hàng tháng về
giá tiêu dùng. Lạm phát cao luôn ám ảnh đất nước này: giá tiêu dùng đã tăng
4,8% trong tháng 3, mức tăng theo tháng cao nhất kể từ cuối năm 2019; và đến
tháng 4 thì tăng tới 40,3% so với cùng kỳ năm trước.
Chi phí thực phẩm đóng vai trò lớn trong lạm
phát của Argentina, và những nỗ lực giảm giá thực phẩm đã đẩy chính phủ vào một
cuộc chiến gay gắt với các nông dân làm ra món thịt bò nổi tiếng của đất nước.
Tháng trước, tổng thống Alberto Fernández đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu thịt
trong 30 ngày, từ đó đóng cửa nước xuất khẩu thịt bò lớn thứ năm thế giới, với
hy vọng hạ nhiệt giá cả trong nước. Nhưng kế hoạch của ông tạm thời bị phản tác
dụng: nông dân đình công, giảm nguồn cung, khiến giá còn tăng cao hơn. Kể từ đó
giá đã bình ổn. Chính phủ giờ đây phải quyết định xem có nên gia hạn lệnh cấm
hay không, trong khi các nhà sản xuất cảnh báo hàng nghìn việc làm đang bị đe dọa
nếu ông Fernández không ngừng can thiệp vào thị trường thịt để phục vụ mục đích
riêng của ông.
No comments:
Post a Comment