https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1013438162798705&id=100023975920044
Hôm qua tôi viết bài thứ nhất về chủ đề này,
có nhiều bạn vào bình luận, nói cùng một ý rằng, các bạn ấy không đọc vì toàn
sách định hướng, sách “lề phải”, các sách khai sáng bị kiểm duyệt và cấm đoán hết
rồi. Có bạn còn nói “Hai mươi năm rồi không đọc một cuốn nào”, cũng vì những lý
do như trên. Tôi thấy cần phải “đính chính” lại đôi chút nên quyết định viết mấy
dòng này.
Trước hết, nhìn nhận như trên là thiếu công bằng.
Đúng là sách vở ở VN bị kiểm duyệt, đôi khi thô bạo nữa, nhưng không phải vì thế
mà những cuốn sách giá trị không được in ra, nếu không muốn nói là được in ra rất
nhiều. Từ các sách văn học, văn hóa, giáo dục, xã hội học, nhân chủng, dân tộc
học đến triết học và triết học chính trị v.v.. đều được in rất nhiều. Trong đó
không ít cuốn rất “nhạy cảm”, tấn công thẳng vào các thể chế độc tài.
Tôi cảm nhận rằng, ở VN người ta kiểm duyệt chủ
yếu các sách liên quan trực tiếp tới thể chế hiện hành. Và họ đặc biệt nhạy cảm
với những cái tên tác giả, nhiều hơn là tác phẩm. Tuy nhiên, theo tôi những cuốn
sách bị cấm ấy có nhiều cuốn cũng chưa hẳn đã là quan trọng đối với dân chúng
VN bằng các sách nền tảng, vì chúng (sách nền tảng) cung cấp cho người đọc những
hiểu biết “vô tư” nhưng sâu sắc và tất yếu sẽ chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng,
thái độ và hành động. Tôi không nói rằng một số cuốn sách bị cấm hiện nay là
không cần thiết, nhưng ở một góc độ nào đó, nó không quan trọng bằng nhiều ấn bản
đang được lưu hành. Vì đọc nó (sách bị cấm) người ta phần nhiều chỉ biết được
“bộ mặt thật”, điều ấy tốt; tuy nhiên, nếu chỉ như thế thôi thì chưa đủ, thậm
chí nếu không được trang bị nền tảng tư duy và các hiểu biết căn bản về tri thức
văn hóa chính trị phổ quát trước đó, người ta có thể biến nó thành lòng thù hận
mà không cách gì cởi bỏ được nữa. Thực ra, để biết “bộ mặt thật” ấy, thì việc
quan sát thực tế hiện thời cũng đủ cho ta nhìn thấy mọi thứ xấu xa rồi. Những
sách ấy, có đọc sau một chút cũng không sao.
Sách ở VN tất nhiên là “nghèo” hơn thế giới rất
nhiều. Có những cuốn quan trọng Nhật Bản đã dịch ra cách đây 150 năm nhưng mới
xuất hiện khoảng mươi năm nay ở ta; Hàn Quốc, Thái Lan có muộn hơn Nhật nhưng
cũng sớm hơn ta cả nửa thế kỷ. Tuy thế, so với sức đọc của người Việt hiện thời,
sách đã được in khá nhiều, các loại sách điện tử lại cũng rất phổ biến; những
ai có thể đọc được ngoại ngữ thì nguồn lại càng vô tận hơn nữa. Nói cho thẳng thắn ra, không thiếu
sách (giá trị) cho ta đọc, vấn đề là ta có chịu đọc hay không mà thôi.
Chỉ cần đọc hết một nửa bộ sách Tinh hoa của NXB Tri Thức thôi cũng có thể đưa
ta lên hàng học giả uyên bác rồi .
Thiên kiến và ác cảm đang là bức tường mà nhiều
người tự dựng lên để chặn đứng con đường đến với ánh sáng của chính mình. Cái
đáng sợ hơn là, dần dần chính chúng ta sẽ tự lừa mình một cách ngoạn mục bởi những
lý do tưởng tưởng. Cái này gọi là ngụy tín.
Tôi nghĩ, trước tiên, cần phải dở bỏ bức tường
ấy trước đã, hoàn thiện bản thân rồi mới nói đến chuyện kiến tạo xã hội được. Bằng
không, nếu chỉ có những hờn oán thì có thể lịch sử sẽ lặp lại, một bạo lực mới
nhân danh những thứ tốt đẹp lại được dùng để thay thế cái bạo lực cũ. Nô lệ nối
tiếp nô lệ…
Thái Hạo
-------------------------------------------
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1013071366168718&id=100023975920044
Không đọc sách là nói hơi quá, đúng hơn là “gần
như không đọc sách”.
Một thống kê trên báo tuổi trẻ công bố năm
2019 cho biết, trung bình mỗi người Việt Nam chỉ đọc 0.8 quyển sách/năm, nghĩa
là chưa tới 1 quyển. Đó là tính tất cả, cả sách giáo khoa, giáo trình.
Trên báo Pháp luật cung cấp một thông tin
khác: Một cuộc khảo sát cho thấy 98% số người được hỏi không đọc sách tuần qua;
80% không đọc sách trong một năm qua; 70% cho biết chỉ học chứ không đọc. “Học
chứ không đọc sách”, đây có lẽ là điều kỳ lạ nhất mà một cư dân ở vùng lãnh thổ
khác có thể nghe thấy về xứ sở của ta.
Thực tế là người dân gần như không đọc sách.
Nhưng, học sinh cũng không đọc; đáng sợ hơn, giáo viên cũng không mấy ai đọc
sách. Trên báo Thanh Niên có bài “Sinh viên “quên” đọc sách”. Nghĩa là người Việt
gần như không đọc sách! Quốc gia không đọc sách, chúng ta đang đứng trước nguy
cơ vĩnh viễn bị bỏ lại phía sau về mọi mặt.
FB không thể thay cho sách. Vĩnh viễn không
bao giờ thay được. Tuy nhiên, ngày nay người trưởng thành gần như không ai
không dùng fb, mà dùng để đọc lại cũng chiếm một tỉ lệ quá nhỏ trong tổng số 60
triệu tài khoản đang hoạt động (đó là chưa nói tới việc “đọc cái gì”).
Có một điều chắc chắn, rằng không có cách gì
có thể chấn hưng được dân tộc nếu tình trạng đọc sách như hiện tại vẫn còn duy
trì, thậm chí có nguy cơ đi xuống (theo báo Tuổi trẻ, năm 2018 là 1.2 quyển/năm,
đến 2019 trong một bài báo khác là 0.8 quyển/năm). Một tình trạng “sa mạc hóa”
tinh thần đang hiện hình; chúng ta có thể phải chứng kiến một thời kỳ hoang dã
mới ngay trong thế kỷ 21 này khi ngày càng xa lạ với văn minh nhân loại và các
trải nghiệm tế vi mà chỉ có sách mới có thể chuyển tải được.
Tình trạng này trước hết là lỗi (tội) của bộ
Giáo dục; nhưng lớn hơn là thuộc về cách quản trị và điều hành quốc gia của những
cái “trên bộ”. Không tạo ra một động cơ đọc sách bằng cách kiến tạo những thang
bậc giá trị chân chính để sách trở thành một nhu cầu tự nhiên. Khi mà xã hội chỉ
còn biết chạy theo tiền và dùng đồng tiền làm thước đo cho tất cả thì sách trở
nên vô duyên và thừa thải.
Hãy hình dung, một ông hiệu trưởng suốt hàng
chục năm không hề đọc một cuốn sách, lúc ấy chúng ta sẽ hiểu cái thảm trạng của
một trường học “được” lãnh đạo bởi những vị như thế. Mà bây giờ đa số “lãnh đạo”
giáo dục gần như không đọc sách, họ đã quên từ lâu rồi. Nó là cơn ác mộng của
giáo dục và của xã hội nói chung. Các quan lại càng không đọc sách. Sách là thứ
xa xỉ bậc nhất. Nghĩa là, đất nước đang được lãnh đạo bởi những người không đọc
sách. Và nó sẽ đi về đâu thì chúng ta hoàn toàn có thể dự đoán được.
Thái Hạo
No comments:
Post a Comment