Tuesday 1 June 2021

"QUYỀN LỰC CỦA NHỮNG NGƯỜI VÔ DANH" : SỐNG THẬT LÀ ĐỦ ĐỂ CHỐNG ĐỘC TÀI (Hứa Y Định - Luật Khoa)

 



“Quyền lực của những người vô danh”: Sống thật là đủ để chống độc tài

HỨA Y ĐỊNH  -  LUẬT KHOA

01/06/2021

https://www.luatkhoa.org/2021/06/quyen-luc-cua-nhung-nguoi-vo-danh-song-that-la-du-de-chong-doc-tai/

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/06/image-1024x536.jpeg

Minh họa: Luật Khoa. Nguồn: Reuters, Amazon

 

Giống như rất nhiều người Việt Nam sinh ra sau năm 1975, tôi có những trải nghiệm “ma trận” đầu tiên khi bước qua tuổi thiếu niên.

 

Đó là lúc những gì được học trên sách vở nhà trường, những gì được người lớn nhồi nhét vào đầu, và những gì mắt thấy tai nghe cùng với mũi ngửi hoàn toàn chỏi nhau chan chát.

 

Trong suốt hàng chục năm, đây là thế giới tôi được biết: nơi có lý tưởng cộng sản ngời ngợi, triết học Mác-Lênin thần thánh, dân tộc Việt Nam vô địch, lịch sử đầy những trang chói lọi, những nhà lãnh đạo siêu phàm đáng thờ phụng, nhân dân đâu đâu cũng một lòng tin tưởng đảng, cùng một tương lai chắc như bắp trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội.

 

Thế giới đó giống như một trò chơi giả lập trên vi tính: nhẹ nhàng và sảng khoái khi đắm mình trong đó, nhưng hụt hẫng và chao đảo khi dứt mắt khỏi màn hình.

 

Trong nhiều năm trời sau khi rời khỏi ghế nhà trường, tôi vẫn luôn tự hỏi chuyện gì xảy ra với đất nước này, vì sao mọi thứ và mọi người lại ngược ngạo như vậy, rồi tương lai nó sẽ ra sao.

 

Tôi hy vọng mình tìm thấy gì đó trong sách, nhưng đó là một hành trình khá thất vọng. Những quyển sách “hợp pháp” được lưu hành đều không khác mấy so với game giả lập đã học trong trường, có chăng chúng chỉ là phiên bản nâng cấp nhiều trò hơn. Sách “ngoài luồng” thì quá ít ỏi, và phần lớn lại kể những câu chuyện rất cá nhân khó có thể kiểm chứng. Ngay cả khi chấp nhận đó là thật, những lát cắt đó vẫn quá rời rạc để có thể giúp tôi hình dung được thế giới thực mình đang sống rốt cuộc là gì.

 

Cho đến khi tôi gặp “Quyền lực của những người vô danh”.

 

Tựa tiếng Anh của sách là “The power of the powerless” – quyền lực của những người không có quyền lực. [1] Nhưng tôi nghĩ nên dịch nó như trên, vì quyển sách này nói về những người như tôi: những kẻ vô danh tiểu tốt mắc kẹt trong một thể chế toàn trị có một không hai trong lịch sử nhân loại.

 

                                                     ***

 

Cuốn sách là bài xã luận của Václav Havel, một nhà biên kịch Tiệp Khắc, được viết vào tháng 10/1978. [2] Một năm sau đó, ông bị chính quyền bắt bỏ tù vì các hoạt động cổ xúy nhân quyền. Năm 1983, ra khỏi tù, ông ở lại trong nước và tiếp tục viết kịch. Năm 1989, Cách mạng Nhung nổ ra, chính quyền độc tài sụp đổ, ông được bầu làm tổng thống cuối cùng của Tiệp Khắc. Khi Tiệp Khắc tách ra làm hai quốc gia độc lập, Cộng hòa Séc và Slovakia (1992), Havel được bầu làm tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Séc (1993). Sau hai nhiệm kỳ tổng thống, đến năm 2003, Havel trở lại với công việc viết kịch cho đến khi ông mất (2011).

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/06/image-1.jpeg

Václav Havel. Ảnh: ods.sk.

 

Vào thời điểm viết “Quyền lực của những người vô danh”, Havel có lẽ không thể tưởng tượng ra được chuyện gì sẽ xảy ra với Tiệp Khắc và cả hệ thống xã hội chủ nghĩa 10 năm sau đó. Ông gần như chắc chắn không thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra với bản thân, ngoại trừ việc hiểu rõ khả năng bị chính quyền thời đó cầm tù.

 

Trong sách, ông cũng khẳng định việc dự báo tương lai là chuyện bất khả, và phần nào đó vô nghĩa. Thứ Havel chắc chắn nhất và có niềm tin gần như không suy chuyển là bản năng sống thật của con người (living in truth).

 

Người ta chỉ có thể hiểu tầm quan trọng của “sống thật” khi đặt nó trong bối cảnh của xã hội cộng sản tại Tiệp Khắc (hoặc bất kỳ xã hội độc tài toàn trị nào).

 

Havel dùng hình ảnh một người quản lý cửa hàng rau quả để mô tả xã hội. Người quản lý treo băng rôn đề dòng chữ “Vô sản toàn thế giới, đoàn kết lại!” trước cửa hàng. Anh ta làm việc ấy như một thao tác bản năng, gần như chắc chắn không suy nghĩ gì về ý nghĩa của nó.

 

Vô sản toàn thế giới là ai? Vì sao họ phải đoàn kết lại? Làm thế nào để tất cả đoàn kết? Đoàn kết rồi làm gì? Chuyện đó liên quan gì tới mình? Việc mình treo khẩu hiệu này lên có ảnh hưởng gì tới nó?

 

Anh quản lý có lẽ không có nhu cầu đầu tư suy nghĩ nhiều vậy. Anh chỉ biết cửa hàng đối diện, kế bên, các văn phòng, công sở, ngoài đường, đâu cũng treo khẩu hiệu tương tự. Anh sẽ không dừng lại suy tư khi gặp các khẩu hiệu ở chỗ khác, cũng như khách hàng ghé tiệm rau quả của anh sẽ không để tâm đến sự tồn tại của băng rôn trước tiệm.

 

Tất cả mọi người đều làm vì… tất cả mọi người đều làm vậy.

 

Nó không khỏi khiến tôi liên tưởng đến những băng rôn biểu ngữ treo khắp nơi ở Việt Nam, với các thông điệp kiểu “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm” hay “Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”.

 

Vì sao đảng lại tự khen mình quang vinh? Lại còn muốn muôn năm? Sự nghiệp của chúng ta là sự nghiệp gì? Vì sao Hồ Chí Minh lại sống mãi trong đó? Ông ấy có thật sự muốn bất tử kiểu như vậy không? Kiểu người gì lại luôn tự khen? Kiểu người gì muốn tồn tại mãi trong thế giới của người khác?

 

Không ai nghĩ về nó và đặt câu hỏi – ít nhất là một cách công khai.

 

Nếu thay các biểu ngữ vô nghĩa trên bằng câu “Tôi sợ và vì vậy hoàn toàn tuân phục mà không dám chất vấn gì”, như Havel phân tích, nó sẽ có ý nghĩa và phản ánh đúng thực tế hơn nhiều.

 

Nhưng rõ ràng sẽ không ai làm vậy. Một phần là nó khiến bản thân người đó thấy xấu hổ. Quan trọng hơn, nó xé bỏ ảo ảnh hài hòa giả tạo, vốn có tác dụng liên kết cả xã hội dưới một lý tưởng vĩ đại chung.

 

Để tiếp tục yên ổn tồn tại trong xã hội hài hòa đó, mọi người chấp nhận thỏa hiệp với lời nói dối, hay “ảo ảnh về một danh tính, phẩm giá và đạo đức chung”, từ đó trở thành một phần của nó.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/06/image-5.jpeg

Pano tuyên truyền trước cửa trụ sở Tập đoàn Bưu chính Việt Nam, tháng 5/2020. Ảnh: Hà Nội Mới.

 

                                                          ***

 

Václav Havel gọi xã hội cộng sản của các nước Đông Âu vào thời hậu Thế Chiến II là một thể chế “hậu toàn trị” (post-totalitarian system).

 

Ông muốn phân biệt nó với các chế độ độc tài truyền thống xưa nay (classical dictatorship). Theo Havel, trong xã hội hậu toàn trị, không có ranh giới giữa các đảng phái, nhóm quyền lực lẫn giai cấp thống trị/ bị trị.

 

Thay vào đó, với sự kiểm soát toàn diện xã hội, kinh tế và chính trị, thể chế này thành công trong việc biến mỗi cá nhân thành một phần của nó. Mỗi người vừa là nạn nhân bị trấn áp, vừa là công cụ đi trấn áp lại người khác.

 

Lằn ranh duy nhất tồn tại là ở bên trong mỗi người: một bên là nhu cầu sống thật, một bên là hệ thống đè bẹp hoàn toàn bản năng đó.

 

Ở những thể chế xưa nay, lực lượng đối lập (opposition force) là tập hợp các cá nhân cạnh tranh quyền lực chính trị với nhóm cầm quyền. Trong xã hội hậu toàn trị, lực lượng đối lập là bất kỳ ai dám sống thật với bản năng, khám phá thế giới theo cách riêng của mình, và phủ nhận mọi khuôn mẫu áp đặt.

 

Xã hội hậu toàn trị là nơi duy nhất tồn tại những người bất đồng chính kiến (dissident). Họ bị xem là lực lượng đối lập, mặc dù phần lớn những người này không có nhu cầu tranh giành quyền lực chính trị gì.

 

Havel cũng đặt ra vấn đề về cách gọi “dissident” và việc tập trung quá nhiều vào những nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng. Nó khiến người ta nghĩ rằng đây là một nhóm riêng biệt, có điều kiện đặc biệt, thậm chí còn có thể bị xem là một nghề.

 

Trên thực tế, “bất đồng chính kiến” chỉ là một cái nhãn được tự động chụp lên những ai, một cách tự nhiên và ngẫu nhiên, làm những gì mình muốn. Nó là một thái độ, một lựa chọn sống. Bất kỳ người nào, chỉ cần sống thật với chính mình, cũng đều sẽ trở thành “nhà bất đồng chính kiến” trong thể chế hậu toàn trị.

 

Trong xã hội, luôn có hàng triệu những người bất đồng chính kiến vô hình, vô danh, nhưng những việc họ làm thì không hề vô nghĩa.

 

Tung hê những nhà bất đồng nổi tiếng là một việc ngớ ngẩn và nguy hại cũng ngang với chuyện chê trách và chỉ trích những người bất đồng vô danh.

 

Những người vô danh sở hữu thứ quyền lực tối thượng và chết người đối với thể chế toàn trị: họ sống thật.

 

Đó có thể là thầy cô giáo dạy trẻ con những kiến thức không có trong sách. Đó có thể là nhạc sĩ sáng tác bài hát theo đúng ước muốn cho dù không ai chia sẻ. Đó có thể là nhà văn viết ra tác phẩm theo ý muốn dù không ai phát hành. Hoặc đó có thể là một công nhân cất công tìm đọc sách “ngoài luồng” cho dù bị chính quyền cấm cản. Hay chỉ đơn giản là một người chứng kiến hành vi gian trá và lên tiếng kể lại sự thật bất chấp việc bị đe dọa.

 

Họ là những người muốn sống theo đúng lương tâm của mình, và bị chính quyền xem là kẻ thù vì dám làm điều đó.

 

Trong một xã hội kìm hãm mọi thứ, chỉ nội việc những người như vậy tồn tại, như lời của Havel, đã là một điều quý giá và có ý nghĩa hết sức quan trọng.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/06/image-3.jpeg

Ban nhạc The Plastic People of the Universe làm nhà cầm quyền khó chịu với những sáng tác độc lập và táo bạo. Chính quyền Tiệp Khắc cấm đoán, sau đó bắt bớ và kết án tù bốn thành viên. Ảnh chụp năm 1974. Nguồn: Petr Prokeš.

 

                                                          ***

Havel không tin rằng một lực lượng đối lập truyền thống như trong các thể chế khác, cạnh tranh giành quyền lực với nhóm độc tài cầm quyền, là đủ để dẫn đến một sự thay đổi thực chất.

 

Nếu chỉ là một sự thay máu lãnh đạo, mà ông liên tưởng như việc giới thiệu một mẫu xe hơi khác, xã hội sẽ vẫn trở lại guồng quay như cũ: mỗi người vừa là nạn nhân vừa là công cụ để duy trì một hệ thống giả tạo.

 

Mọi thay đổi, theo ông, đều phải xuất phát từ từng cá nhân. Khi càng nhiều người sống thật, xã hội sẽ xuất hiện một đời sống độc lập riêng biệt so với thể chế (independent life of society), và từ đó sẽ tạo ra một cấu trúc hay nền văn hóa tồn tại song song (parallel structure/ culture).

 

Trong một hình ảnh so sánh có lẽ không hợp thời điểm hiện tại lắm, Havel gọi sống thật là một “con virus” có khả năng lây lan và đánh gục toàn bộ hệ thống giả tạo của chế độ hậu toàn trị.

 

Nhà cầm quyền có lẽ hiểu rõ điều đó, nên họ luôn trấn áp mạnh tay tất cả những ai có ý kiến bất đồng/ sống thật.

 

Không khó hiểu vì sao những nhà nước độc tài luôn đàn áp thẳng tay các nhân vật bất đồng chính kiến, cho dù đó chỉ là phụ nữ, người già, những trí thức trói gà không chặt, tay không tấc sắt, hoàn toàn không có vũ khí lẫn nguồn lực có thể trực tiếp đe dọa ngai vàng của họ.

 

Nỗi sợ của chính quyền chỉ càng chứng minh thể chế này cực kỳ yếu đuối và hoàn toàn có thể bị “virus sống thật” đánh sập.

 

Nuôi dưỡng văn hóa sống thật, với Havel, là cách tốt nhất và duy nhất để tạo ra một xã hội mới, thay vì nuôi hy vọng vào một thế lực bên ngoài giúp sức hay chờ đợi kích động một cuộc cách mạng bạo lực.

 

Thể chế độc tài hậu toàn trị được xây dựng trên những bệ đỡ dối trá, kể cả trong các văn bản pháp luật với các con chữ văn minh và đầy sáng sủa. Càng phải va chạm với sự thật, những bệ đỡ này càng lung lay. Càng nhiều người sống thật, gốc rễ của hệ thống này càng sớm bị bật.

 

Tiến trình của lịch sử cho thấy niềm tin của Václav Havel là có cơ sở. Tiệp Khắc không chỉ chuyển đổi thành công sang thể chế dân chủ trong một cuộc Cách mạng Nhung hòa bình không tiếng súng, mà còn tiếp tục, dưới hình hài của Cộng hòa Séc [3] và phần nào đó là Slovakia [4], lột xác thành những xã hội dân chủ văn minh ngày nay.

 

Havel viết xã luận này vào cuối năm 1978, đúng 10 năm sau sự kiện Mùa xuân Prague – giai đoạn ngắn ngủi Tiệp Khắc tiến hành cải tổ dân chủ để rồi bị khối Warsaw do Liên Xô đứng đầu đưa quân đội vào dập tắt. [5] Hơn 10 năm sau, toàn bộ khối xã hội chủ nghĩa sụp đổ. Cùng với những nước Đông Âu khác, lịch sử Tiệp Khắc sang trang mới.

 

Trong khi đó, tháng Sáu năm 2021 này là kỷ niệm 10 năm đợt biểu tình đầu tiên của những người Việt Nam yêu nước, chống lại chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/06/image-7-1024x576.jpeg

Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội vào tháng 7/2011. Ảnh: Reuters.

 

Sau 10 năm, hẳn rất nhiều người đang cảm thấy thất vọng về hiện trạng xã hội, phong trào đấu tranh lẫn tương lai dân chủ của đất nước.

 

“Quyền lực của những người vô danh” là một liều thuốc tĩnh tâm hoàn hảo vào lúc này, và mọi lúc khác, cho những người Việt Nam vẫn muốn đóng góp một phần công sức nào đó để xây dựng một tương lai khác biệt.

 

Khi đọc quyển sách lần đầu tiên qua bản dịch tiếng Anh, tôi đã hơn chục lần gật gù và thầm hy vọng ai đó sẽ chuyển ngữ sang tiếng Việt.

 

Hơn cả mong đợi, tôi tìm thấy quyển sách tiếng Việt, với tiêu đề “Quyền lực của kẻ không quyền lực”, do Nhà xuất bản Giấy Vụn phát hành vào năm 2013.

 

Cuốn sách ngoài bài xã luận như tiêu đề còn giới thiệu các bài viết khác của Václav Havel. Chịu trách nhiệm nội dung là dịch giả Phạm Nguyên Trường và Nhóm Văn Lang.

 

Nếu bạn muốn biết nhìn rõ chân dung về đất nước mình đang sống, qua lăng kính của một xã hội đã từng trải qua mọi thứ tương tự, quyển sách này chính là thứ bạn cần.

 

Bạn có thể click vào đây để đọc bản tiếng Việt online. [6]

 


Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

 

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

 

.

Tài liệu tham khảo

 

1. The Power of the Powerless (essay). (2021, May 25). ICNC. 

https://www.nonviolent-conflict.org/resource/the-power-of-the-powerless/

 

2. The Editors of Encyclopaedia Britannica. (2021, May 4). Vaclav Havel | Biography, Plays, & Facts. Encyclopedia Britannica. 

https://www.britannica.com/biography/Vaclav-Havel

 

3. Ngọc, T. (2021, May 24). Sau 40 năm sống dưới chế độ cộng sản, Tiệp Khắc đã sửa sai. Còn Việt Nam? Luật Khoa Tạp Chí. 

https://www.luatkhoa.org/2021/05/sau-40-nam-song-duoi-che-do-cong-san-tiep-khac-da-sua-sai-con-viet-nam/

 

4. Chan, Y. (2019, November 9). Slovakia thời hậu độc tài: Mafia, tham nhũng, người hùng và câu chuyện cổ tích còn dở dang. Luật Khoa Tạp Chí. 

https://www.luatkhoa.org/2019/04/slovakia-thoi-hau-doc-tai-mafia-tham-nhung-nguoi-hung-va-cau-chuyen-co-tich-con-do-dang/

 

5. The Editors of Encyclopaedia Britannica. (2021a). Prague Spring | Czechoslovak history. Encyclopedia Britannica. 

https://www.britannica.com/event/Prague-Spring

 

6. Nhóm Văn Lang (2013). Quyền lực của kẻ không quyền lực.  

http://www.vanlang.eu/docs/Havel.pdf

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats