Không đọc sách là nói hơi quá, đúng hơn là “gần
như không đọc sách”.
Một thống kê trên báo tuổi trẻ công bố năm
2019 cho biết, trung bình mỗi người Việt Nam chỉ đọc 0.8 quyển sách/năm, nghĩa
là chưa tới 1 quyển. Đó là tính tất cả, cả sách giáo khoa, giáo trình.
Trên báo Pháp luật cung cấp một thông tin
khác: Một cuộc khảo sát cho thấy 98% số người được hỏi không đọc sách tuần qua;
80% không đọc sách trong một năm qua; 70% cho biết chỉ học chứ không đọc. “Học
chứ không đọc sách”, đây có lẽ là điều kỳ lạ nhất mà một cư dân ở vùng lãnh thổ
khác có thể nghe thấy về xứ sở của ta.
Thực tế là người dân gần như không đọc sách.
Nhưng, học sinh cũng không đọc; đáng sợ hơn, giáo viên cũng không mấy ai đọc
sách. Trên báo Thanh Niên có bài “Sinh viên “quên” đọc sách”. Nghĩa là người Việt
gần như không đọc sách! Quốc gia không đọc sách, chúng ta đang đứng trước nguy
cơ vĩnh viễn bị bỏ lại phía sau về mọi mặt.
Facebook không thể thay cho sách. Vĩnh viễn
không bao giờ thay được. Tuy nhiên, ngày nay người trưởng thành gần như không
ai không dùng Facebook, mà dùng để đọc lại cũng chiếm một tỉ lệ quá nhỏ trong tổng
số 60 triệu tài khoản đang hoạt động (đó là chưa nói tới việc “đọc cái gì”).
Có một điều chắc chắn, rằng không có cách gì
có thể chấn hưng được dân tộc nếu tình trạng đọc sách như hiện tại vẫn còn duy
trì, thậm chí có nguy cơ đi xuống (theo báo Tuổi trẻ, năm 2018 là 1.2 quyển/năm,
đến 2019 trong một bài báo khác là 0.8 quyển/năm). Một tình trạng “sa mạc hóa”
tinh thần đang hiện hình; chúng ta có thể phải chứng kiến một thời kỳ hoang dã
mới ngay trong thế kỷ 21 này khi ngày càng xa lạ với văn minh nhân loại và các
trải nghiệm tế vi mà chỉ có sách mới có thể chuyển tải được.
Tình trạng này trước hết là lỗi (tội) của bộ
Giáo dục; nhưng lớn hơn là thuộc về cách quản trị và điều hành quốc gia của những
cái “trên bộ”. Không tạo ra một động cơ đọc sách bằng cách kiến tạo những thang
bậc giá trị chân chính để sách trở thành một nhu cầu tự nhiên. Khi mà xã hội chỉ
còn biết chạy theo tiền và dùng đồng tiền làm thước đo cho tất cả thì sách trở
nên vô duyên và thừa thải.
Hãy hình dung, một ông hiệu trưởng suốt hàng
chục năm không hề đọc một cuốn sách, lúc ấy chúng ta sẽ hiểu cái thảm trạng của
một trường học “được” lãnh đạo bởi những vị như thế. Mà bây giờ đa số “lãnh đạo”
giáo dục gần như không đọc sách, họ đã quên từ lâu rồi. Nó là cơn ác mộng của
giáo dục và của xã hội nói chung.
Các quan lại càng không đọc sách. Sách là thứ
xa xỉ bậc nhất. Nghĩa là, đất nước đang được lãnh đạo bởi những người không đọc
sách. Và nó sẽ đi về đâu thì chúng ta hoàn toàn có thể dự đoán được.
Thái Hạo
No comments:
Post a Comment