Wednesday, 2 June 2021

QUẢN LÝ CÁI BỤNG CÁC BÀ MẸ RẤT KHÓ (Ngô Nhân Dụng)

 



Quản lý cái bụng các bà mẹ rất khó

Ngô Nhân Dụng

01/06/2021

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-chinh-sach-3-con/5912206.html

 

https://gdb.voanews.com/772E484B-148D-4F2B-9504-7E8E34E5E35A_w650_r1_s.jpg

Cái thời chính sách 1 con của Trung Quốc đã qua. Dân Trung Quốc trên đà xuống trong thời gian tới, số người làm việc sẽ giảm và số người về hưu tăng lên rất nhanh.

 

Trong 40 năm, đảng Cộng sản Trung Quốc đã thay đổi chính sách ba lần nhằm quản lý chặt chẽ cái bụng của các bà mẹ. Bình thường, những quyết định lớn như thế đều được Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng thảo luận. Năm nay, ông Tập Cận Bình chỉ họp Bộ Chính Trị rồi ban hành ngay mệnh lệnh mới quy định việc sinh đẻ; cho thấy một tình trạng hơi khẩn cấp.

 

Năm 1980, Đặng Tiểu Bình, muốn giảm bớt sức gia tăng dân số, đã ra lệnh các bà mẹ chỉ được sanh một đứa con. Bà mẹ nào mang bầu đứa thứ hai sẽ bị phạt nặng, vợ chồng mất việc, bắt buộc phải phá thai. Chính sách “một con” khiến dân Trung Quốc phải quên các quy tắc đạo đức. Nhiều người biết trước sẽ sinh con gái đã tự động phá thai dù sắp đến ngày sanh. Những bà mẹ sanh con gái tìm cách đem bỏ, nhân từ hơn thì bí mật đặt trước cửa các viện mồ côi.

 

Một hậu quả là từ 20 năm nay Trung Quốc thừa đàn ông; nói đúng hơn là thiếu đàn bà. Năm 2020, cả nước có 733 triệu người nam và 688 triệu người nữ; với khoảng 30 triệu thanh niên không thể kiếm được vợ – một mối đe dọa cho các nước láng giềng! Nhưng Đảng Cộng sản tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Mao Trạch Đông không quan tâm vấn đề gia đình và đạo đức mà chỉ lo chuyện kinh tế.

 

Trong ba chục năm, kinh tế Trung Quốc phát triển rất nhanh nhờ một lực lượng lao động trẻ và nghèo cắm cúi làm việc với đồng lương chỉ cần đủ sống. Ưu thế đó từ từ biến mất khi những người 20 giờ sắp lên tuổi 50. Năm 2016, thấy trước mắt số lao động sẽ thiếu hụt, ông Bình Tập chấm dứt lệnh của ông Bình Đặng, nới lỏng cho cái bụng các bà, được phép sanh hai con. Sau hai năm đầu dân số có tăng lên từ 0.5 phần trăm lên 0.54 và 0,56 nhưng ba năm vừa qua lại giảm dần. Năm 2016 có 17.86 triệu trẻ em ra đời, năm 2020 chỉ còn 12 triệu, con số thấp nhất trong 60 năm.

 

Cuộc kiểm tra dân số 2020 cho thấy dân Trung Quốc trên đà xuống trong thời gian tới, số người làm việc sẽ giảm và số người về hưu tăng lên rất nhanh. Cho nên ngày Thứ Hai tuần này, ông Tập Cận Bình ban ra lệnh mới: Các bà mẹ có thể đẻ ba đứa con mà không bị trừng phạt.

 

Nhưng các bà mẹ trong lục địa có vui mừng sinh đẻ giúp Trung Quốc tăng dân số hay không? Không chắc. Các chính phủ Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Singapore và Nam Hàn đã tìm cách ngăn chặn không cho số trẻ em sơ sinh giảm sụt, nhưng chưa thành công.

 

Lý do quan trọng nhất là phụ nữ Trung Hoa đã thay đổi. Các bà các cô ở thành thị mong được học lên cao hơn, hoặc muốn lo cho tương lai, cần làm việc thêm trước khi lấy chồng. Năm 2013 trong một ngàn phụ nữ có 10 người kết hôn; năm 2018 chỉ còn 7 người. Nhưng dù lấy chồng, các bà các cô cũng không muốn sanh con cho nhiều! Tỷ lệ sinh sản (fertility rate) của phụ nữ Trung Quốc năm 1950 là mỗi bà bình quân sinh 6.1 đứa con! Hai chục năm sau, xuống chỉ còn 3 con. Đến năm 2016, tỷ lệ này rớt xuống tới 1.8, thấp hơn con số cân bằng nếu muốn dân số không giảm, là mỗi bà sanh 2.1 con. Năm 2020, fertility rate của phụ nữ lục địa chỉ còn là 1.3 con cho mỗi bà – bằng tỷ lệ của phụ nữ Nhật và Italy!

 

Quả đáng báo động! Đảng phải đổi chính sách! Tuy nhiên, quan có cần nhưng dân không vội; quan có vội quan lội quan đi!

 

Ngay trong ngày chính sách ba con được ban ra, bản tin của Tân Hoa Xã, báo tin mừng chính sách ba con, đã nhận được 180,000 lời bình luận trên mạng Weibo, một trang mạng giống như Twitter ở Mỹ.

 

Một công dân mạng viết chế nhạo: “Tôi không mua ba cái xe Rolls-Royces không phải vì có lệnh cấm, mà bởi vì giá đắt quá!” Rolls-Royces là nhãn hiệu xe “cực kỳ xịn” của Anh quốc. “Ai muốn có ba con?” một người hỏi, rồi tự trả lòi: “Giá sinh hoạt lên cao! Hai con đã là nhiều rồi.”

 

Việc nuôi, dạy một đứa trẻ tốn kém quá. Theo tài liệu của một viện nghiên cứu ở Bắc Kinh, năm 2005 nuôi một đứa con tốn 490,000 đồng nguyên, ($74,838 đô la); năm 2020 tốn gấp bốn lần, gần 2 triệu nguyên. Một người tính toán trên mạng: “Nếu bây giờ hai người (trong các gia đình đã theo chính sách một con) cưới nhau, họ sẽ phải lo nuôi bốn bậc cha mẹ cả hai bên, và (nếu chấp hành lệnh mới của Tập Cận Bình) lại phải lo nuôi ba đứa con, cho đến lúc 65 tuổi về hưu! Sống thế còn khổ hơn kiếp con lừa!”

 

Ngày xưa người ta muốn đông con để chúng lớn lên đi làm giúp cha mẹ. Bây giờ cuộc sống giới trung lưu khá giả hơn, nhu cầu đó không còn nữa. Ông Tập Cận Bình quên rằng đa số những người đang ở tuổi sinh con bây giờ đã lớn lên trong những căn hộ chỉ có một đứa con. Họ thấy một gia đình nho nhỏ là chuyện bình thường. Thà rằng sanh ít con nhưng nuôi dạy chúng đàng hoàng còn hơn sanh nhiều con mà không đứa nào được nuôi đầy đủ như mình muốn.

 

Quốc hội Trung Cộng cũng đã tính đến chuyện này. Tháng Ba vừa rồi, họ đã hứa, trong kế hoạch 5 năm thứ 14, sẽ mở thêm các nhà giữ trẻ; sẽ lập các khu công viên dành cho trẻ em và nơi giữ trẻ sau giờ học trước khi bố mẹ về nhà; cũng sẽ nghiên cứu việc cho người bố được nghỉ làm khi mới có con. Hiện nay Trung Cộng chỉ cho người mẹ được nghỉ việc ba tháng khi sanh con. Tại các nước Tây phương (không kể nước Mỹ) luật pháp cho các bà mẹ được nghỉ có lương, các ông bố cũng có thể nghỉ, có nước nhiều đến 4 tuần lễ.

 

Nhưng mối lo dân số của Trung Cộng không phải chỉ vì sợ thiếu trẻ con mà còn vì lớp người già tăng nhanh quá. Đầu thập niên 2000, 7 phần trăm người Trung Quốc trên 65 tuổi. Sang năm, tỷ lệ đó sẽ lên hơn 14%; bắt đầu được xếp loại là một “xã hội đang già.” Trong 21 năm Trung Quốc đã biến thành một “xã hội đang già,” theo định nghĩa của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới, World Health Organization). Quá trình đó, ở nước Nhật là 24 năm, nước Đức mất 40 năm, Anh quốc 46 năm và nước Pháp 126 năm.

 

Các nước Canada, Australia, giống như Mỹ, bước vào tình trạng xã hội già chậm hơn Nhật và Đức; vì nhờ di dân mới tới, đại đa số là người trẻ. Ở nước Mỹ, năm 1980 số người trên 65 tuổi chiếm 11.3%, năm 2000 lên 12.4%; năm 2020 lên 16.3% mới bắt đầu vào tuổi đang già!

 

Với tình trạng dân số giảm sụt, kinh tế Trung Quốc sẽ gặp khó khăn. Vì những người làm việc phải nuôi số người về hưu ngày càng đông hơn. Hiện nay tuổi về hưu ở Trung Quốc là đàn ông 60 tuổi và phụ nữ 50, các bà công chức hoặc nhân viên văn phòng sẽ được làm việc tới 55 tuổi. Năm 2010 có hơn 13% đàn ông Trung Quốc thuộc lóp tuổi 60 tuổi trở lên. Năm 2020 đã thành 19%. Cùng thời gian đó, lớp người đang làm việc, từ 15 đến 59 tuổi, đã từ hơn 70% giảm xuống chỉ còn 63%.

 

Vì vậy, khi công bố chính sách ba con mới, Bộ Chính Trị Trung Cộng cũng báo trước sẽ nâng tuổi về hưu lên cao hơn. Quyết định này sẽ gây nhiều phản ứng chống đối. Khi đã quen lệ đến 60 tuổi được nghỉ ăn hưu bổng thì nhiều người đã hoạch định cuộc sống của mình rồi, họ không muốn phải đi làm nữa! Nếu những người trên 50 hay trên 60 tuổi còn phải đi làm thì nhiều cặp vợ chồng trẻ sẽ mất ông bà nội, ngoại vẫn giúp trông nom con bé (một lý do nữa khiến họ không muốn sanh thêm con)!

 

Một điều đáng thắc mắc là tại sao đảng tiền phong của giai cấp công nhân lao động đã chấp nhận quản lý cái bụng các bà mẹ lỏng lẻo hơn mà vẫn đặt giới hạn ba đứa con? Tại sao không cho phép các bà đẻ bao nhiêu tùy ý thích? Hậu quả có khác gì đâu?

 

Có lẽ lý do chính là họ quen “quản lý” cả xã hội, thói quen nhiễm sâu trong máu rồi. Từ thời Tần Thủy Hoàng, các vua chúa Trung Quốc vẫn muốn chỉ tay ban lệnh. Trên ra lệnh, dưới răm rắp làm theo. Có thế mới gọi là hoàng đế chứ? Cho cái bụng các bà được tự do đẻ mấy con cũng được thì hoàng đế sẽ quản lý cái gì? Hơn nữa, Mao Chủ tịch đã nói, “Trong bụng phải có con số!” Đảng ta bèn chọn quản lý cái bụng của các bà mẹ bằng con số ba.

 

Trong thế kỷ này, tương lai kinh tế Trung Quốc, nhất là cuộc chạy đua nhằm qua mặt kinh tế Mỹ, tùy thuộc vào số người làm việc ở Trung Quốc cao hay thấp. Viễn ảnh không có gì sáng sủa.

 

Tiên đoán dân số các nước từ 2017 tới năm 2100, người ta thấy dân Nhật Bản sẽ giảm mạnh nhất, tụt 53% từ 128 xuống 60 triệu. Trung Quốc sẽ từ 1,413 triệu xuống 732 triệu, giảm bớt 48%; Nga bớt mất 27%, từ 146 xuống 106 triệu. Giảm nhẹ hơn chút là Brazil, 212 xuống 165 triệu (bớt 22%); rồi tới Ấn Độ, 1,381 xuống 1,093 triệu (bớt 21% nhưng sẽ còn đông nhất thế giới).

 

Trong số các nước giàu chỉ có Mỹ là hy vọng dân số tăng thêm 3% vào cuối thế kỷ, từ 325 triệu lên 336 triệu. Hiện giờ, hàng trăm ngàn người, cha và mẹ từ các nước Nam Mỹ, đang tìm cách đẩy con vào nước Mỹ – cũng giống như các bậc cha mẹ người Việt sau năm 1975 sẵn sàng cho con vượt biển. Trong nửa thế kỷ sắp tới, kinh tế Mỹ có thể sẽ nhờ đám trẻ em này tiếp tục chạy nhanh, khi dân được sống tự do, trí óc tha hồ cạnh tranh sáng tạo! Cả thế giới, kể cả các nước ở Phi châu, không thấy cha mẹ nào muốn đưa con cái qua làm di dân ở Trung Quốc! Chắc không bà mẹ nào muốn cái bụng của mình bị quản lý chặt chẽ kiểu Tần Thủy Hoàng.

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats