Wednesday, 2 June 2021

CÓ NÊN TẨY CHAY THẾ VẬN HỘI MÙA ĐÔNG BEIJING 2022? (Phạm Phú Khải)

 



Có nên tẩy chay Thế Vận hội Mùa Đông Beijing 2022?

Phạm Phú Khải

01/06/2021

https://www.voatiengviet.com/a/tay-chay-the-van-hoi-mua-dong-bac-kinh-2022/5912200.html

 

https://gdb.voanews.com/A5831A6D-FDDB-4CCD-B994-C354AC350DDE_cx0_cy6_cw0_w650_r1_s.jpg

Hiện tại, nhiều chính trị gia trên khắp thế giới đã ngày càng lên tiếng ủng hộ tẩy chay Beijing 2022 vì tình hình nhân quyền tại Trung Quốc, nhất là nạn diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ.

 

Chỉ còn chưa đầy hai tháng là đến Thế Vận hội Tokyo, và chưa đầy 9 tháng nữa là đến Thế Vận hội Mùa đông tổ chức tại Bắc Kinh, tháng Hai năm 2022.

 

Trước khi bàn về Thế Vận hội Bắc Kinh thì cũng nên nói chút về Thế Vận hội Tokyo 2020. Vì đại dịch Covid-19 bắt đầu lây lan vào đầu năm ngoái nên sau cùng nó đã được dời lại vào năm nay. Tuy nhiên cho đến hôm nay, vẫn chưa có gì bảo đảm là nó sẽ diễn ra. Hiện nay, chỉ có vận động viên được đến Nhật, còn khán giả người nước ngoài sẽ không được đến. Tùy tình trạng Covid-19 lúc đó mà người Nhật có được đến các sân vận động hay không, cho nên đây là Thế Vận hội đầu tiên mà rất có thể không có khán giả, ngoại trừ là các bộ môn ngoài trời như chạy đường trường (marathon), chẳng hạn. Gần 70% người dân Nhật không ủng hộ việc tiến hành tổ chức Thế Vận hội này. Nhưng cả hai phía, quốc gia tổ chức Nhật, lẫn International Olympic Committee (IOC), đều không muốn dời lại lần nữa hay hủy bỏ hẳn, vì quá nhiều tiền đã đầu tư cho đến nay. Cả hai bên đều chịu nhiều thiệt thòi về tài chánh nếu một trong hai quyết định hủy bỏ.

 

Vì những lý do trên, xác suất Thế Vận hội Tokyo vẫn diễn ra từ 23 tháng Bảy đến 8 tháng Tám là cao, trừ khi Nhật không kiểm soát được tình hình đại dịch Covid-19 vào lúc đó. Nhật đang nỗ lực chích ngừa/vaccine cho toàn dân trong hai thành phố Tokyo và Osaka, nơi diễn ra Thế Vận hội, từ tháng Năm đến cuối tháng Bảy. Khi nước Nhật quyết tâm, họ sẽ làm được điều này.

 

Sau Thế Vận hội Nhật 6 tháng thì đến Thế Vận hội Mùa đông Beijing, khai mạc vào ngày 4 tháng Hai năm 2022. Càng ngày càng có nhiều người lên tiếng kêu gọi tẩy chay Thế Vận hội Bắc Kinh 2022 này. Hiện tại, có hai xu hướng vận động tẩy chay Beijing 2022, một từ nguyên do nhân quyền là chủ yếu, hai từ nguyên do nguồn gốc đại dịch Covid-19. Tuy khác nhau nhưng cả hai đều có cùng mục tiêu nhắm vào cung cách lãnh đạo của Bắc Kinh/ĐCSTQ.

 

Xu hướng thứ nhất đến từ các tổ chức nhân quyền, đặc biệt từ nạn nhân trực tiếp của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Vào đầu tháng Hai năm nay, hơn 180 tổ chức đã kêu gọi chính quyền khắp nơi tẩy chay Beijing 2022 vì sự phi phạm nhân quyền trầm trọng của Bắc Kinh đối với các sắc tộc thiểu số. Họ nhận định:

 

“Chính quyền Trung Quốc đang thực hiện hành vi diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ và tiến hành một chiến dịch đàn áp chưa từng có ở Đông Turkistan, Tây Tạng và Nam Mông Cổ, cũng như một cuộc tấn công toàn diện vào nền dân chủ ở Hồng Kông. Đồng thời, Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành một cuộc đàn áp không thương tiếc đối với những người bảo vệ nhân quyền, nhà hoạt động, cộng đồng tín ngưỡng và nhà báo Trung Quốc, và thực hiện một chiến lược uy hiếp nặng nề và bắt nạt địa chính trị đối với Đài Loan.”

 

Các tổ chức nhân quyền này đã nỗ lực vận động IOC trong thời gian qua nhưng không hiệu quả. Vì không muốn can thiệp vào chuyện này, Chủ tịch IOC ông Thomas Bach biện luận rằng IOC nên đứng trung lập ngoài các vấn đề chính trị, và IOC không phải là siêu chính quyền thế giới. Trong bài viết đăng trên The Guardian cuối năm ngoái, Bach biện luận rằng: “Thế vận hội là về sự đa dạng và thống nhất, không phải chính trị và lợi nhuận. Tẩy chay không hữu hiệu”. Tuy biện luận như thế, IOC sẽ thất thoát nhiều về mặt tài chánh nếu can thiệp. Thu nhập của IOC chủ yếu đến từ bán quyền phát sóng cho các cơ quan truyền thông, chiếm 75% tổng thu nhập, và 18% đến từ các công ty/nhà bảo trợ cho Thế Vận hội.

 

Lhadon Tethong, thuộc Viện Hành động Tibet (the Tibet Action Institute), nhận định rằng, rõ ràng IOC hoàn toàn không quan tâm đến những tác động thực tiễn đối với con người. Tethong cho biết các tổ chức thành viên liên minh của mình đang vận động 15 tổ chức bảo trợ hàng đầu của IOC. Họ bao gồm Airbnb, Alibaba Group, Allianz, Atos, Bridgestone, Coca-Cola, Dow, GE, Intel, Omega, Panasonic, P&G, Samsung, Toyota, Visa. Các nhà hoạt động đang nhắm vào Airbnb để vận động. Họ cũng đang nhắm đến các mạng truyền thông NBC của Mỹ, tạo ra khoảng 40% tổng doanh thu của IOC, cũng như các liên đoàn thể thao, các nhóm xã hội dân sự “và bất kỳ ai sẽ lắng nghe”.

 

Hiện tại, nhiều chính trị gia trên khắp thế giới đã ngày càng lên tiếng ủng hộ tẩy chay Beijing 2022 vì tình hình nhân quyền tại Trung Quốc, nhất là nạn diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ. Thay vì tẩy chay trên bình diện quốc gia, các dân biểu tại Anh đã kêu gọi các vận động viên tự quyết định cho hành động của mình. Dân biểu Ed Davey biện luận: “Thế Vận hội Olympic và Paralympic mùa đông 2022 sẽ được sử dụng như một công cụ tuyên truyền cho một chế độ phạm tội diệt chủng. Đội GB (tức Great Britain), ParalympicsGB và chính phủ có trách nhiệm về mặt đạo đức để xem xét việc cử một đội tham dự Thế vận hội này thực sự là điều nên làm không”. Các chính giới Mỹ, đặc biệt là Đảng Cộng hòa, cũng mạnh mẽ lên tiếng kêu gọi tẩy chay Beijing 2022. Phát ngôn nhân Nhà Trắng Ned Price cho biết Mỹ cũng đang cân nhắc tẩy chay Beijing 2022 nếu các quốc gia khác cũng muốn tránh nó.

 

Một số chính giới Úc, điển hình là Thượng nghị sĩ Rex Patrick thuộc tiểu bang Nam Úc, cũng mạnh mẽ kêu gọi tẩy chay Beijing 2022. Patrick biện luận lập trường của mình như sau: “Giống như tất cả các tổ chức ở Trung Quốc, Ủy ban Thế Vận hội Trung Quốc hoàn toàn chịu sự kiểm soát của chế độ Cộng sản chịu trách nhiệm trực tiếp về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng (bao gồm cả việc bắt giữ con tin chính trị và giam giữ tùy tiện công dân Úc). Nếu IOC nghiêm túc trong việc thực thi các quy định của Hiến chương Thế Vận hội, thì Trung Quốc sẽ không phải là thành viên.” Patrick khẳng định: “Nhân quyền phải đi trước/ưu tiên so với thể thao”.

 

Xu hướng vận động tẩy chay Beijing 2022 thứ hai khởi nguồn từ nhân quyền, nhưng đang dùng nguồn gốc đại dịch Covid-19 như vũ khí. Quan điểm này được cổ võ mạnh mẽ bởi cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley. Trước đây, Haley cho rằng, nếu Mỹ tham gia Thế Vận hội ở Bắc Kinh, thì “Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tuyên bố đó là bằng chứng rõ ràng hơn nữa về vị thế tốt của họ trên toàn cầu và vai trò lãnh đạo thế giới của Trung Quốc”. Đầu tháng Ba 2021, Haley tiếp tục kêu gọi tẩy chay Thế Vận hội Mùa đông Beijing 2022, với lập luận: “Nó sẽ là một tổn thất khủng khiếp đối với các vận động viên của chúng ta, nhưng điều đó phải được cân nhắc trước nạn diệt chủng đang xảy ra ở Trung Quốc, và viễn cảnh rằng, việc ủy quyền cho Trung Quốc sẽ dẫn đến những nỗi kinh hoàng thậm chí còn lớn hơn trên con đường trước mặt.”

 

Trong những ngày qua, Haley tiếp tục mạnh mẽ lên tiếng kêu gọi chính quyền Mỹ chính thức tẩy chay Beijing 2022. Lần này Haley dùng nguồn gốc Covid-19 để khẳng định rằng không thể tin tưởng Trung Quốc hay các lời tuyên truyền của họ, bởi họ luôn dùng mọi biện pháp để đánh lạc hướng.

 

Haley biện luận: “[Mỹ nên] đến Nhật Bản, đến Ấn Độ và tất cả các đồng minh khác và nói hãy nhìn xem, cho đến khi chúng ta điều tra đầy đủ về phòng thí nghiệm đó, cho đến khi chúng ta biết có gì trong đó, những biện pháp phòng ngừa đang được thực hiện để đảm bảo không có gì xảy ra khỏi phòng thí nghiệm đó, và cho đến khi chúng ta biết Trung Quốc biết gì, khi nào họ biết điều đó, và họ đã làm gì với nó, chúng ta sẽ không ủng hộ Thế Vận hội.” Bởi 3.5 triệu người trên thế giới đã chết vì Covid-19.

 

Cũng cần nên nhớ rằng do sự phân cực, hay phân hóa, về chính trị từ xưa nay nên các cuộc vận động tẩy chay Thế Vận hội là điều bình thường diễn ra. Điển hình là các cuộc tẩy chay Thế Vận hội tại Đức Quốc xã năm 1936 hay tại Moscow/Liên Xô vào 1980 (và năm 1984 Liên Xô trả đũa bằng việc tẩy chay Thế Vận hội tại Los Angeles/Mỹ). Tuy nhiên một số người nhận định rằng, việc tẩy thay thế vận hội xưa nay không đạt được kết quả gì, trong khi sự thiệt hại lớn nhất là các vận động viên ngày đêm tập dợt nhưng rồi không được thi thố tài năng của mình. Cũng là lý do dễ hiểu khi IOC quyết định đứng ngoài các tranh chấp chính trị khi tuyên bố rằng IOC không có quyền hạn cũng như không có khả năng thay đổi luật pháp hoặc hệ thống chính trị của một quốc gia có chủ quyền. Tuy nhiên, lần này thì rủi ro quá lớn, mà Trung Quốc may mắn không bị ràng buộc bởi điều lệ mới liên quan đến nhân quyền do IOC ban hành cách đây vài năm, chỉ sau khi Trung Quốc được thắng tổ chức Thế Vận hội Beijing 2022 vào năm 2015. IOC bắt đầu đưa nhân quyền trở thành điều kiện để duyệt xét quốc gia tổ chức Thế Vận hội, nhưng nó chỉ bắt đầu áp dụng cho Paris 2024. Quy định nhân quyền này như sau:

 

"Bảo vệ và tôn trọng quyền con người và đảm bảo mọi vi phạm nhân quyền đều được khắc phục theo cách thức phù hợp với các thỏa thuận quốc tế, luật lệ và quy định áp dụng tại Nước sở tại và theo cách phù hợp với tất cả các tiêu chuẩn và nguyên tắc nhân quyền được quốc tế công nhận, bao gồm cả Các Nguyên tắc Hướng dẫn về Kinh doanh và Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, áp dụng tại Nước sở tại."

 

Hiện đang có nhiều người lên tiếng yêu cầu IOC cũng nên áp dụng quy định này cho Trung Quốc, nhưng đây không phải là điều dễ thực hiện. Nếy vậy thì quả là quá may mắn cho Trung Quốc kỳ này.

 

Liệu các quốc gia sẽ tham gia chiến dịch tẩy chay Thế Vận hội mùa đông Beijing 2022 hay không thì vẫn cần một thời gian nữa mới trả lời. Nó sẽ tác động nhiều đến Tập Cận Bình ra sao, với cung cách điều hành Trung Quốc ngày càng áp chế hơn, thì vẫn là đề tài gây nhiều tranh cãi. Nạn diệt chủng là một tội ác quá lớn để có thể làm lơ, hay coi thường, trong khi các xu hướng độc tài đang trổi lên trên khắp thế giới.

 

Điều rõ ràng là nếu không làm gì cả, nếu ngồi yên chờ Trung Quốc trở nên quá mạnh mẽ trong lúc họ uy hiếp bao nhiêu quốc gia trong vùng và trên thế giới, từ chính trị đến kinh tế và quân sự, đến lúc nhìn ra được thì rủi ro quá cao và giá phải trả quá lớn. Như cựu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull từng chia sẻ, đe dọa/nguy hiểm đến từ hai yếu tố: khả năng và ý đồ. Khả năng thì mất nhiều thời gian để xây dựng. Còn ý đồ thì chỉ cần trong tích tắc. Nếu ai hiểu rõ được bản chất cộng sản và lịch sử tranh giành quyền lực của các triều đại Trung Quốc thì sẽ không còn ảo tưởng về giới cầm quyền của Bắc Kinh hiện nay.

 

Hội đồng Liên minh Nạn nhân Cộng Sản người Hoa tại Úc cũng đang lên chương trình vận động tẩy chay Thế Vận hội Mùa đông Beijing 2022. Được biết luật sư Trần Kiều Ngọc đang được giao phó trách nhiệm lên chương trình hành động cho những ngày tháng tới để điều phối công việc với các tổ chức trong và ngoài Liên Minh. Chúng tôi sẽ liên lạc tìm hiểu các hoạt động này của Liên Minh trong một bài tới.

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats