Thursday, 24 June 2021

NHỮNG CÂU CHUYỆN GIÁO DỤC (Thái Hạo)

 



NHỮNG CÂU CHUYỆN GIÁO DỤC  

Thái Hạo

05:31  24/06/2021    

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1018658992276622&id=100023975920044

 

 

Một người bạn vong niên của tôi, nay đã ngoài 50, gọi điện. Chúng tôi nói về nghề, về người, về cái cuộc bể dâu này.

 

Ông kể, “Lúc cha mất, anh không có mặt được. Điều ấy ám ảnh anh suốt đời. Khi các em đưa cha từ bệnh viện về, trong cuộc họp ở trường anh đã đứng dậy xin ban giám hiệu cho anh được về đưa tiễn cha, vì sự sống của cha anh chỉ còn tính bằng giờ. Hiệu phó nói “Đã biết chết lúc nào đâu mà anh nói tính bằng giờ, tuần này còn có tiết thì vẫn phải dạy, không ai dạy thay cho anh được đâu”. Hôm sau cha anh mất, anh phóng xe từ trên núi xuống, chạy 50 cây số như người mộng du. Về đến nhà thấy cha nằm đó, mắt vẫn chưa nhắm hẳn, anh vuốt mắt cho cha, nhưng anh không khóc được. Không phải anh hèn, anh không hèn, nhưng nếu anh về đưa tiễn cha thì chúng sẽ lấy cớ anh bỏ việc vô tổ chức để đuổi anh. Mà anh thì đang còn phải làm xong vài việc nữa anh mới rời giáo dục được”. Tôi nghe tiếng ông nghẹn lại trong điện thoại.

 

Câu chuyện miên man. Ông nói, một hôm anh về nhà thăm mẹ, (mẹ anh đã hơn 80, già yếu) lúc trở lên trường thì vô tình thấy một xấp giấy trên bàn của người đồng nghiệp trong khu tập thể. Trong các tờ giấy ấy là chữ của những đứa học trò, chúng làm đơn tố cáo anh, và giáo viên đang tập hợp lại gửi lên trường. Có những lá đơn khiến anh bàng hoàng, vì 4 đứa nhỏ mà anh coi chúng như con ruột cũng có trong số đó. Khi cha mẹ chúng lấy nhau và sinh ra chúng, vì biết anh là dân Hán ngữ, nhiều chữ nghĩa, lại thân thiết như anh em ruột rà nên nhờ anh đặt tên cho chúng. Vậy mà giờ người ta xúi giục chúng, những đứa trẻ con non nớt; cha mẹ chúng cũng lảng tránh, quay lưng. Anh không hiểu.

 

Có một đứa học trò lớp 6, vừa mới từ lớp 5 lên, nó làm lớp trưởng; người ta mang đơn tố cáo anh cho nó ký. Nó nói nó chưa từng được học thầy, không biết thầy thế nào, làm sao mà ký được. Nó không ký. Hôm sau nó bị cách chức lớp trưởng.

 

Ông bảo tôi, “Em không tưởng tượng được đâu, không bao giờ tưởng tượng được những thủ đoạn đê hèn, táng tận lương tâm của họ. Việc gì họ cũng dám làm, cả những thứ mà người thường không bao giờ nghĩ ra được. Anh đi làm, hơn 20 năm, đến giờ đã qua 4 đời hiệu trưởng. Và anh đã chiến đấu gần như trọn vẹn khoảng thời gian ấy. Cái ác lừng lững trong giáo dục, cái ác nhơn nhơn, cái ác khiêu khích, cái ác hiên ngang đi lại. Chúng nó kiếm ăn trên thân xác học trò một cách ghê rợn, chúng giày vò những đứa trẻ và biết bao thầy cô giáo. Anh không cần bám giữ lấy giáo dục để sống, nhưng anh không thể phản bội những giá trị người để quay lưng lại với lương tâm của một người thầy. Rồi cũng chết thôi, nhưng cần phải sống cho ra sống chứ em…

 

Anh bỗng cao giọng, “Mà lạ, mười mấy năm trước đã làm gì có internet, làm gì có mạng XH, tại sao thủ đoạn của chúng lại giống nhau đến thế, ở đâu cũng một kiểu ấy, y như những gì chúng đang làm với cô Lịch, cô Tuất bây giờ. Những gì anh trải qua là y chang, không khác.

 

Ông bỗng quay sang hỏi, “Tại sao những kẻ bạo ngược độc ác thì luôn thống nhất thành một khối mà bao người lương thiện chính trực lại rời rạc không thể đứng cạnh nhau? Chúng ta bị đàn áp và hà hiếp là phải lắm, chúng ta sống như những hạt cơm nguội lã chã vô vị.

 

Câu chuyện còn dài, chúng tôi nói về lẽ sống chết, về giá trị người, về nhân phẩm, về dân tộc này và cả những niềm hi vọng – dù chỉ để an ủi nhau.

Thái Hạo

 

78 BÌNH LUẬN  

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats