Kinh
tế hồi phục nhanh, nhưng khác trước
07/06/2021
https://www.voatiengviet.com/a/kinh-te-hoi-phuc-khac-truoc/5919309.html
Cuộc suy thoái kinh tế vừa qua do bệnh dịch
Covid-19 gây nên khác hẳn các cuộc suy thoái trước. Cho nên cảnh tượng kinh tế
hồi phục cũng khác. Điểm nổi bật nhất là kinh tế sẽ hồi phục nhanh hơn tất cả
các lần suy thoái trước. Quan trọng hơn nữa, Covid-19 thay đổi chính sách điều
hợp nền kinh tế nước Mỹ từ nay trở về sau.
Những lần trước, lý do khiến kinh tế suy thoái
là do tình trạng mất thăng bằng tự bên trong. Thí dụ, do lạm phát lên cao khiến
Ngân Hàng Trung Ương phải tăng lãi suất. Hoặc do các ngân hàng thương mại cho
vay quá nhiều rồi không đòi nợ được, họ phải thắt chặt túi tiền lại. Những phản
ứng đó gây hậu quả tai hại. Trong trường hợp tăng lãi suất, các xí nghiệp khó
vay tiền, tức là giới sản xuất phải giảm hoạt động.Trong trường hợp thứ hai,
người tiêu thụ phải bớt chi tiêu. Cả hai đều khiến cả nền kinh tế càng đi xuống
sâu hơn.
Ba lần suy thoái gần đây, những năm 1990-1991,
năm 2001, rồi 2007-2009, khi kinh tế hồi phục nạn thất nghiệp tiếp tục kéo dài
vì nhiều người tìm việc trong khi số việc làm tăng rất chậm. Các xí nghiệp mở cửa
hoạt động trở lại từ từ để nghe ngóng tình hình; trong khi rất nhiều công nhân
muốn tìm việc lại ngay. Tình trạng đó kéo dài, những người thất nghiệp vẫn chưa
dám chi tiêu. Số tiêu thụ không lên sẽ khiến các nhà sản xuất càng mở cửa chậm
chạp.
Ngược lại, lần này các xí nghiệp sẵn sàng mở cửa
lại nhưng gặp khó khăn khi cần tuyển người làm. Nhiều cơ sở kinh doanh mới ra đời
ngay trong khi còn bệnh dịch, họ đã thu hút công nhân. Nhiều người làm cho các
công ty bán trên mạng, từ việc trong nhà kho cho tới lái xe giao hàng. Họ được
trả lương cao hơn, không muốn trở về làm trong các cửa hàng hay xí nghiệp cũ.
Cho tới tháng 5 vừa qua, các cơ sở kinh doanh mới đã tuyển dụng hơn 830,000
công nhân, cao hơn con số kỷ lục 686,000 vào năm 2006. Ngày Thứ Năm 3 tháng 6,
Bộ Lao Động báo tin chỉ có 385,000 người Mỹ khai hưởng bảo hiểm thất nghiệp, giảm
5% so với tuần lễ trước, cho thấy các xí nghiệp bớt sa thải.
Cơn suy thoái kinh tế năm 2020 không do một
nguyên nhân nội tại nào gây ra. Covid-19 tới như một thiên tai từ bên ngoài đập
xuống. Kinh tế phải chạy chậm hơn vì mọi người bị “cấm cung,” ngưng hoạt động.
Nhưng tất cả tiềm năng cung và cầu vẫn còn đó, sẵn sàng bật lên khi bệnh dịch
thuyên giảm.
Kinh tế sẽ lên nhanh, cũng vì chính phủ và
Ngân Hàng Trung Ương đã nhanh tay nâng đỡ. Chính phủ và Quốc hội Mỹ đã “cấp cứu,”
ngăn không cho kinh tế sụp đổ. Tổng số tiền cứu trợ, trong bốn năm, sẽ lên tới
$5,100 tỷ đô la. Nghĩa là gấp gần ba lần số tiền cấp cứu $1,800 tỷ trong lần
suy thoái trước, từ năm 2008 đến 2012.
Chính phủ và Ngân Hàng Trung Ương (Fed) in tiền
đổ vào nền kinh tế trong khi mọi người giảm bớt tiêu thụ vì bị cấm cung. Số tiền
tiết kiệm tích lũy, bây giờ sẵn sàng cho mọi người chi tiêu. Vào tháng Sáu năm
2009 khi kinh tế bắt đầu hồi phục, số tiền tiết kiệm trong dân chúng Mỹ chỉ có
$734 tỷ đô la, tương đương với $909 tỷ bây giờ. Năm nay, tới tháng Tư, số tiền
tiết kiệm tích lũy đã lên tới $2,800 tỷ đô la, lớn gấp gần bốn lần.
Năm 2009, các ngân hàng thương mại thua lỗ vì
nợ không đòi được. Nhưng năm nay các ngân hàng đều “dư tiền,” chỉ muốn có người
đến vay. Khả năng vay nợ của người dân cũng cao hơn, vì rất nhiều người không
có cơ hội chi tiêu đã trả các món nợ tồn đọng, từ nợ thẻ tín dụng đến nợ mua
nhà, mua xe. Đa số có sẵn tiền để dành, cho nên dân Mỹ sẽ tiêu tiền ào ạt trong
thời gian sắp tới.
Sau những lần suy thoái trước, khi kinh tế hồi
phục thì giá cả vẫn không tăng, vì số tiêu thụ còn trì trệ. Người ta chỉ lo lạm
phát sau một thời gian tăng trưởng liên tục. Năm nay, ngay khi kinh tế bắt đầu
mở cửa thì giá sinh hoạt đã tăng vọt! Giữa Tháng Ba và tháng Tư, 2021, chỉ số
giá cả tăng gần 1 phần trăm (0.9%), số gia tăng lớn nhất trong một tháng, kể từ
năm 1982 đến giờ.
Lý do, cũng vì Covid-19. Các xí nghiệp mở cửa
bị chậm trễ vì khó kiếm người vào làm, trong khi nhiều người đầy tiền trong túi
đang chờ cơ hội chi tiêu. Chỉ coi trường hợp các tiệm ăn cũng thấy. Cửa hàng
nào cũng treo bảng tuyển người hoài không đủ, trong khi khách đến xếp hàng chờ.
Nhưng Ngân Hàng Trung Ương Mỹ vẫn bình tĩnh
không lo, coi tăng giá là một hiện tượng ngắn hạn, và tiên đoán rằng tới năm
2024 lạm phát mới lên thật. Họ tự tin, vì họ có rất nhiều cách giảm bớt số tiền
lưu hành. Trong năm qua mỗi tháng Fed đã đưa thêm $120 tỷ đô la vào thị trường
cho công chúng sử dụng. Nếu thấy dấu hiệu lạm phát đáng lo, họ chỉ cần ngưng
thì trong một năm cũng giảm bớt được số tiền $1,440 tỷ trong nền kinh tế, trước
khi tăng lãi suất.
Từ tháng Ba năm 2020 đến tháng Năm 2021, Fed
đã đứng ra mua trái phiếu và công trái của chính phủ. Đó là một cách in tiền
đưa vào thị trường. Trong một năm, số tiền bơm vào đó trị giá $2,900 tỷ đô la,
chỉ cần so sánh kho trái phiếu Fed cất giữ từ $4,200 tỷ năm ngoái giờ lên đến
$7,100 tỷ. Trong lần suy thoái 2008-2009, Ngân Hàng Trung Ương chỉ đổ $1,300 tỷ
vào nền kinh tế.
Số tiền nhỏ nhoi $1,300 tỷ đô la đó khiến cho
năm 2009 kinh tế hồi phục rất chậm. Nhưng nguyên nhân chính là phương pháp điều
hợp kinh tế còn chưa đúng. Năm đó, khi các ngân hàng thua lỗ nặng vì cho vay
quá nhiều, vượt trên các tiêu chuẩn thận trọng, mọi người chỉ lo cứu cấp cho
các ngân hàng đứng vững lại. Cấp cứu hệ thống tài chánh là cần gấp, nhưng sau
đó không có một biện pháp nào để giúp người dân tiêu thụ, kể cả những người đã
vỡ nợ vì không trả được tiền vay để mua nhà. Năm ngoái, các chính sách cấp cứu
nhắm thẳng vào những người dân bình thường, họ là người tiêu thụ, đóng góp 70%
vào kinh tế Mỹ.
Có thể nói cơn bệnh dịch Covid-19 đã thay đổi
chính sách điều hợp kinh tế ở nước Mỹ. Từ thập niên 1980, người ta đặt ưu tiên
vào việc chống lạm phát. Để kinh tế hoạt động đúng mức, Ngân Hàng Trung Ương điều
chỉnh lãi suất, hoặc bơm tiền vào, hoặc rút tiền ra khỏi thị trường.
Trước đây, không ai thấy cần dùng tiền của
chính phủ chi tiêu để dập tắt cơn suy thoái. Trong năm qua thì ngược lại. Chính
sách chi tiêu là khí cụ quan trọng nhất được sử dụng, bắt đầu từ thời Tổng thống
Donald Trump, giờ Tổng thống Joe Biden tiếp tục. Chính sách này thấy hiệu quả,
đang giúp cho kinh tế Mỹ hồi phục nhanh hơn.
Kinh nghiệm chính trị cũng là một lý do chính
phủ Biden tiếp tục chính sách mới. Năm 2009 Tổng thống Barack Obama dè dặt
không dám đem tiền nhà nước ra chi, mặc dù hai viện quốc hội đều do đảng Dân chủ
kiểm soát. Hậu quả là kinh tế không hồi phục được, năm 2010 đảng Cộng Hòa đã
chiếm lãnh cả quốc hội và cứ tiếp tục cho đến năm ngoái.
Rút kinh nghiệm đó, ông Biden áp dụng chính
sách mới mạnh hơn. Không những phát tiền cứu trợ Covid cho các cá nhân ($1,400,
thấp hơn con số $2,000 mà ông Trump đề nghị) và các cơ sở kinh doanh, ông Biden
còn đề nghị thêm các chương trình xây dựng hạ tầng cơ sở, trợ cấp cho các bà mẹ
và các trẻ em còn nhỏ. Tựu chung, đều là chuyển tiền của chính phủ vào túi người
dân để giữ vững khả năng tiêu thụ. Sẽ tạo ra nhiều công việc làm, nhiều bà mẹ
cũng bắt đầu đi làm, họ cũng sẽ tiêu thụ nhiều hơn.
Chính sách mới đang thi hành ở Mỹ đang được
các nước khác làm theo. Các nước Âu châu cũng gia tăng số tiền trợ cấp cho bệnh
Covid-19. Ngay cả Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (International Monetary Fund), xưa nay
khi cho nước nào vay nợ vẫn đặt tiêu chuẩn phải tiết giảm ngân sách chi tiêu của
nhà nước; bây giờ cũng công khai khích lệ việc dùng công quỹ để kích thích kinh
tế.
Trong lịch sử, sau mỗi lần đại dịch, thế giới
đều thay đổi. Có thể nói Covid-19 đã khiến các nhà chính trị cũng thay đổi cách
điều hành kinh tế!
No comments:
Post a Comment