Hội
thánh truyền giáo Phục Hưng: Nạn nhân hay thủ phạm lan truyền dịch COVID-19?
Diễm
Thi, RFA
01/06/2021
Mục sư Phương Văn
Tân và Mục sư Võ Xuân Loan tại đêm Thánh nhạc mừng Chúa Giáng sinh năm 2020. Photo:
facebook Vo Xuan Loan
Bộ Nội vụ Việt Nam vừa đề nghị Ủy ban nhân dân
TP.HCM tạm đình chỉ hoạt động của Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng để điều tra vụ
án. Đề nghị được đưa ra sau khi Công an Gò Vấp khởi tố vụ án, điều tra dấu hiệu
tội ‘Làm lây lan dịch bệnh’ từ Hội thánh này. Cơ quan điều tra cho biết sẽ làm
rõ hành vi sai phạm của những cá nhân cụ thể. Cá nhân nào có đầy đủ dấu hiệu vi
phạm thì sẽ khởi tố bị can.
Cổng Thông tin Chính phủ dẫn lời ông Vũ Chiến
Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, rằng: ‘Việc khởi
tố vụ án này là hoàn toàn đúng pháp luật, vì một số cá nhân liên quan đã không
thực hiện phòng ngừa dịch bệnh theo đúng quy định của Chính phủ, Bộ Y tế và
chính quyền địa phương như không đảm bảo giãn cách, không thực hiện 5K đầy đủ,
không hợp tác khai báo để truy vết, không tự giác trong việc đi xét nghiệm…’
Chúng tôi không may bị nhiễm bịnh. Tôi đang là
nạn nhân của Covid-19 mà lại bị chụp luôn cái tội là làm lây lan dịch bệnh thì
chúng tôi rất là ngạc nhiên. Tuy nhiên, trong chừng mực nào đó chúng tôi vẫn
cúi xuống chịu trách nhiệm về cái tổ chức nhỏ của mình. Tôi vẫn đang ở trên giường
bệnh và ao ước nếu có điều tra hay làm điều gì đó thì cũng rất cần để mọi việc
được sáng tỏ. - Bà Võ Xuân Loan
Từ Sài Gòn, bà Võ Xuân Loan - Mục sư của
Hội thánh truyền giáo Phục Hưng nói với RFA rằng, Hội thánh tuân thủ mọi khuyến
cáo y tế về phòng chống dịch; Mục sư của Hội thánh đã khuyến cáo tín hữu của
mình ở nhà, chỉ sinh hoạt online cả mấy tuần và bà hiện đang là nạn nhân của dịch
COVID-19. Bà nói về việc công an khởi tố vụ án liên quan đến Hội thánh:
“Tôi thấy nó rất lạ vì trên đất nước Việt Nam thì ổ
dịch nó bùng lên rất là nhiều nơi. Chúng tôi không may bị nhiễm bịnh. Tôi đang
là nạn nhân của COVID-19 mà lại bị chụp luôn cái tội là làm lây lan dịch bệnh
thì chúng tôi rất là ngạc nhiên. Tuy nhiên, trong chừng mực nào đó chúng tôi vẫn
cúi xuống chịu trách nhiệm về cái tổ chức nhỏ của mình. Tôi vẫn đang ở trên giường
bệnh và ao ước nếu có điều tra hay làm điều gì đó thì cũng rất cần để mọi việc
được sáng tỏ.
Tất cả những tin tức trên báo đài thì thú thật tôi
cũng không biết nó ở đâu ra. Con gái của tôi, tín hữu của tôi bị rượt đuổi, bị
nhắn tin vào điện thoại đòi giết, đòi chém, đòi đốt…làm chúng tôi bị tổn thương
rất là nặng nề. Mọi người cho tôi là F0, có nghĩa là người đầu tiên lây truyền
dịch bệnh nhưng tôi nghĩ mình là F1.
Có một số anh em bên ngoài cũng khuyên tôi
nên mời luật sư vào cuộc nhưng thật sự tôi cũng chưa biết phải làm
như thế nào vì cũng đang bị bịnh, nhưng nhà tôi thì lại suy nghĩ là luật sư có
thể làm gì được trên đất nước Việt Nam này. Ông cũng suy sụp. Tôi nói với nhà
tôi rằng cho dù thế nào đi nữa, nếu có một người biết luật đứng bên cạnh mình
thì vẫn tốt hơn là người ta cứ chụp hết cái mũ này đến cái mũ kia mà mình không
thể nói được lời nào hết.”
Theo Sở Y tế TP.HCM, tính đến sáng 1 tháng 6
đã có 211 ca nhiễm được cho là liên quan đến chuỗi lây nhiễm từ điểm sinh hoạt
tôn giáo này. Tổng số trường hợp tiếp xúc gần (F1) với các ca dương tính đã xác
định được là 3.028 người. Trong đó 2.057 mẫu đã có kết quả xét nghiệm âm tính,
còn lại đang chờ kết quả do mới phát hiện và lấy mẫu.
Ngoài ra, thành phố khoanh vùng 15.206 người
thuộc các diện liên quan khác; xét nghiệm mở rộng hơn 181.000 người trên toàn
khu phố, các tổ bầu cử, phường có ca nhiễm nhiều.
Một nhân viên dọn vệ
sinh tại sảnh đến của Sân bay Quốc tế Nội Bài, Hà Nội vào ngày 1 tháng 6 năm
2021. AFP
Một số người dân tỏ ra không đồng tình với việc
khởi tố vụ án ‘làm lây lan dịch bệnh’ liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục
Hưng vì không công bằng. Tiến sĩ Bác sĩ Đinh Đức Long nhận định:
“Người ta cho rằng cá nhân phát tán dịch bệnh, cụ thể
là hai vị mục sư đứng đầu, chứ không phải khởi tố cơ sở tôn giáo, nhưng vấn đề
là tại sao cũng cùng sự việc lại không khởi tố các cá nhân khác ở các tỉnh
khác? Nó không công bằng ở chỗ đó.
Nếu nói về pháp nhân, nếu cơ sở tôn giáo này gây ra
thì biết bao nhiêu cơ sở, doanh nghiệp khác, thậm chí có cả doanh nghiệp Nhà nước,
tại sao không khởi tố? Đó là điều mà họ chưa có lời giải thích thuyết phục.
Ngày 30 tháng 4 người ta đi tắm biển, hội họp rất
nhiều; rồi bầu cử Quốc Hội vừa qua cũng là tụ tập đông người, thực tế có tổ bầu
cử phải đi kiểm tra y tế, thì tại sao lại không khởi tố? Nói cho cùng, nếu truy
cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy tố hết những chỗ khác nữa.”
Luật sư Hà Huy Sơn từ Hà Nội nêu quan điểm của mình:
“Theo tôi thì bây giờ vẫn đang trong giai đoạn điều
tra. Nếu bị phát hiện hay có những tin tố giác nào đó có dấu hiệu vi phạm. Còn
chuyện người ta khởi tố đúng hay sai thì phải chờ kết quả điều tra hoặc có luật
sư tham gia thì mới xác định được.
Chuyện phạm tội hay vi phạm về tập trung đông người
thì vừa qua ai cũng trông thấy nhiều như những lễ hội, thậm chí do chính quyền
tổ chức như những dịp như đại hội, bầu cử…nhưng không ai có thể khẳng định có
hay không chuyện lây lan dịch bệnh. Nhưng dư luận thường hay so sánh sao người
khác vi phạm hay không xử lý mà mình thì xử lý. Theo tôi, hãy coi mình có sai
hay không, chẳng hạn hội thánh này phải xem mình có sai không, có vi phạm hay
không. Nếu thấy ai sai phạm thì cứ tố giác cho cơ quan pháp luật đi. Quan điểm
của tôi là như thế.”
Ngay sau khi công an khởi tố vụ án làm lây lan
dịch bệnh COVID-19 liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, ông Vũ Chiến
Thắng, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ nhấn mạnh, việc khởi tố này không cản trở
hay làm khó hoạt động của tổ chức tôn giáo. Trước pháp luật, mọi công dân đều
bình đẳng, từ cán bộ đảng viên, chức sắc tôn giáo hay công dân, không có chuyện
phân biệt tôn giáo hay ngăn cản tự do tín ngưỡng.
Trong khi đó, nhiều người trên mạng xã hội cho
rằng, chính quyền đã bất lực trong việc kiểm soát dịch bệnh do tổ chức bầu cử rầm
rộ nên phải tìm một ai đó làm dê tế thần để trốn tránh trách nhiệm. Cũng có người
bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội là có yếu tố tôn giáo ở đây.
Bà Võ Xuân Loan - Mục sư của Hội thánh truyền giáo
Phục Hưng nói với RFA:
“Nếu mình nói thẳng suy nghĩ của mình thì nó có nhiều
cái nhạy cảm lắm. Ví dụ chuyện chúng tôi bị bắt bớ vì đạo Chúa suốt bao nhiêu
năm tháng nay tại Việt Nam thì đây là cơ hội để sự bắt bớ lên đến tột cùng. Bao
nhiêu ổ dịch trong thành phố đâu có ai bị truy tố gì đâu mà một hội thánh nhỏ
bé, một cuộc đời giảng đạo của chúng tôi bị phơi ra giữa chợ chỉ trong một đêm.
Bao nhiêu người xỉ vả, nhục mạ từ đức tin cho đến cuộc đời chúng
tôi.
Nếu xét về phương diện tôn giáo, giả sử một vị sư
trên một ngôi chùa lớn như chùa Tam Chúc bị như vậy thì có bị rút giấy phép
không? Có truy tố vị sư trụ trì không? Một người vô thần có bị truy tố không?
Tôi nghĩ rằng khi đặt ra những câu hỏi như vậy thì
nhiều người cũng có ngay câu trả lời. Tôi bây giờ như cá nằm tên thớt, bị kết
cái án nào cũng phải chấp nhận, không nói được gì cả.”
Trao đổi với RFA qua ứng dụng Facebook
Messeger, nhà báo tự do Phạm Minh Vũ nhận xét, vấn đề ở đây là sự việc
cá nhân Mục sư Tân- Loan, không nên đem Hội thánh vào vì nó đã trở thành ý
nghĩa khác :
“Theo cá nhân tôi đánh giá, việc Vợ chồng này đã
tuân thủ các khuyến cáo y tế của Bộ Y tế. Tuy nhiên, có thể trong một lúc nào
đó vài cá nhân tiếp xúc trực tiếp rồi lây lan bệnh bùng phát mạnh thì vợ chồng
Mục sư đã xin lỗi về việc này. Song, cũng không thể trách họ hoàn toàn, phần
chính do Đảng nhà nước đã tạo tâm lý như cuộc bầu cử ngày 23/05 vừa qua, ai
nghĩ dịch bệnh cũng không nghiêm trọng theo hướng chủ quan của chính phủ ấy, rồi
từ đó họ lơ là và vô tình làm dịch bùng phát."
Cũng theo Nhà báo Phạm Minh Vũ, khi khởi tố vợ
chồng mục sư vì đã gây lây lan dịch bệnh, mà không khởi tố vợ chồng giám đốc
Doanh nghiệp Hanvico ở Hà Nội, cũng cùng mức độ lây lan như vậy, thì đây rõ
ràng không phải là vấn đề chống dịch, mà nhà nước Việt Nam cố gắng mượn lý do
chống dịch để đàn áp tôn giáo (ở đây là Nhánh Tin Lành).
No comments:
Post a Comment