Hồ Quang Thiên Vũ có thể trở thành công tố viên gốc Việt đầu tiên ở Mỹ
Thiện
Lê/Người Việt
June 22, 2021
SACRAMENTO, California (NV) – Hoa Kỳ và Sacramento County có thể có chánh biện lý người Mỹ gốc
Việt đầu tiên, và người đó là ông Hồ Quang Thiên Vũ, đang giữ chức phụ tá biện lý của quận hạt
này.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/06/DP-Thien-Ho-chanh-bien-ly-1.jpg
Phụ Tá Biện Lý Hồ
Quang Thiên Vũ, hay Thiên Hồ, của Sacramento County. (Hình: Nhân vật cung cấp)
Ông Vũ, có tên chính thức ở Hoa Kỳ và tên trên
bảng tranh cử là Thiên Hồ, vì trong giấy tờ ông ghi là Thien Vu Quang Ho
theo kiểu tiếng Việt, là một công tố viên dày dặn kinh nghiệm, từng truy tố một
tội phạm giết người hàng loạt, gây chấn động Hoa Kỳ.
Hai đối thủ của ông là ông Paris Coleman và bà
Alana Matthews, hai người gốc Phi Châu. Vì vậy, cuộc bầu cử này sẽ tạo nên lịch
sử vì đây là lần đầu tiên Sacramento County có chánh biện lý người thiểu số.
Lý do ra ứng cử và
các chính sách
Chánh biện lý hiện tại của Sacramento County
là bà Anne Marie Schubert tuyên bố ứng cử chức bộ trưởng Tư Pháp California vào
năm 2022, và ông Vũ tuyên bố tranh cử chánh biện lý của quận hạt sau khi nghe
tin này.
Về lý do tranh cử, ông nói với phóng viên Người
Việt: “Tôi nghĩ mình là người có nhiều kinh nghiệm nhất trong tòa án và trong
lãnh vực điều hành, cũng như trong cộng đồng. Tôi tin rằng người dân cần có một
chánh biện lý chứng tỏ được khả năng của mình, có khả năng lãnh đạo để bảo vệ
công chúng và có thể kết nối được với cộng đồng.”
Theo ông, tình trạng người gốc Á bị thù ghét
đang gia tăng khắp Hoa Kỳ, nên các cộng đồng gốc Á cần có một lãnh đạo thuộc sắc
dân của họ, và có thể hiểu được những nhu cầu của họ.
“Hoa Kỳ có tổng cộng 2,400 chánh biện lý của
các quận hạt, nhưng chỉ có tám người là người gốc Á. Ở California thì không có
công tố viên gốc Á nào tại các thành phố lớn và các quận hạt lớn,” ông Vũ nói.
Ông Vũ cho biết một trong những chính sách
quan trọng nhất là bảo vệ cộng đồng khỏi tội phạm, đặc biệt là bảo vệ tiếng nói
của nạn nhân qua một hệ thống pháp lý bình đẳng cho mọi cộng đồng.
Nếu đắc cử, ông cho hay sẽ thành lập một ủy
ban cố vấn gồm các lãnh đạo của nhiều cộng đồng để có sự đa dạng và có thể thảo
luận với biện lý cuộc về nhiều vấn đề quan trọng, tạo sự tin tưởng và các mối
quan hệ thân thiết với các cộng đồng.
Nguyên tắc làm việc
ba chữ “E”
Ông bắt đầu làm công tố viên từ năm 1998, và đến
nay hành nghề được 23 năm. Trong suốt quãng thời gian đó, ông luôn làm việc
theo nguyên tắc ba chữ “E,” là kinh nghiệm (Experience); chuyên môn
(Expertise); và cảm thông (Empathy) để có thể hết sức bảo vệ công chúng và kết
nối với cộng đồng.
Về kinh nghiệm, ông từng truy tố rất nhiều tội
phạm từ băng đảng cho đến giết người. Điều làm ông được nhiều người biết nhất
là làm công tố viên chính cho vụ truy tố ông Joseph James DeAngelo hồi Tháng
Sáu, 2020.
Ông DeAngelo, được gọi là “Golden State
Killer,” là một kẻ giết người hàng loạt, sát hại 13 người và hãm hiếp hơn 50
người tại 11 quận hạt của tiểu bang California từ năm 1973 đến năm 1986, và đến
năm 2020 mới bị truy tố, và nhận nhiều án tù chung thân và không được khoan hồng.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/06/DP-Thien-Ho-chanh-bien-ly-2.jpg
Công tố viên Hồ
Quang Thiên Vũ, hay Thiên Hồ (giữa), phát biểu tại buổi tập hợp trước tòa nhà
Quốc Hội California, chống thù ghét người gốc Á. (Hình: Facebook Thien Ho)
Ông Vũ cho biết ông là một trong số ít công tố
viên gốc Á ở California truy tố tội thù ghét, và từng làm giám sát viên cho các
lực lượng chống băng đảng, ma túy, và tội thù ghét.
Về chữ “E” thứ hai là chuyên môn, ông Vũ cho
hay ông rất hiểu biết về tội thù ghét có nạn nhân là người gốc Á hay bất cứ các
sắc dân thiểu số khác. Không chỉ vậy, ông còn có nhiều hiểu biết về cách quản
trị nhân sự vì ông là thành viên ban điều hành của Biện Lý Cuộc Sacramento
County.
Về chữ “E” thứ ba là sự cảm thông, ông nói: “Sự
cảm thông có nghĩa là chúng ta phải đặt mình vào vị trí của người khác. Tôi là
một người Việt Nam tị nạn, chạy trốn cộng sản bằng thuyền đánh cá, và gia đình
đến Hoa Kỳ với bàn tay trắng, sau đó sống trong thiếu thốn ở San Jose. Vì vậy,
tôi nghĩ mình có thể hiểu được suy nghĩ của người nhập cư và người tị nạn để có
thể hết mình giúp đỡ nhiều cộng đồng.”
Tiểu sử và hành
trình đến Hoa Kỳ
Ông Vũ năm nay 47 tuổi, đến Mỹ năm 1976, tốt
nghiệp cử nhân khoa học chính trị đại học UC Davis năm 1995 và tốt nghiệp bằng
luật đại học McGeorge School of Law thuộc đại học University of the Pacific năm
1998.
Từ năm 1998, ông làm công tố viên ở Contra
Costa County, sau đó công tố viên ở Santa Clara County. Đến năm 2004, ông làm
công tố viên cho Sacramento County, rồi được bổ nhiệm làm phụ tá biện lý.
Ông từng được giải thưởng Công Tố Viên Xuất Sắc
Nhất của Sacramento County năm 2017, và giải thưởng tương tự của Hiệp Hội Các
Công Tố Viên Gốc Châu Á-Thái Bình Dương tại Hoa Kỳ cùng năm.
Cũng như nhiều người Việt Nam tị nạn khác,
hành trình đến Hoa Kỳ của ông Vũ và gia đình đầy khó khăn.
Gia đình ông vượt biên khỏi Sài Gòn bằng tàu
đánh cá vào năm 1976, và phần lớn nhờ vào sự táo bạo của người cha.
Ông kể: “Lúc đó, cha tôi lấy được bộ quân phục
của một sĩ quan cộng sản, sau đó ông lấy khẩu súng đồ chơi của tôi, sơn đen rồi
đeo ngay thắt lưng. Cha mẹ tôi và nhiều người khác gom tiền để mua một chiếc
thuyền đánh cá, rồi cho mọi người trốn ở dưới. Khi thuyền ra đến trạm kiểm
soát, một binh sĩ đòi lục soát chiếc thuyền để tìm người vượt biên, và cha tôi
phải can thiệp.”
“Cha tôi lúc đó sẵn sàng cho binh sĩ đó kiểm
tra thuyền, nhưng ông nói: ‘Tôi cho anh lục soát thoải mái, nhưng nếu trong
thuyền không có ai khác ngoài gia đình tôi thì anh nên nghĩ đến hậu quả vì tôi
là sĩ quan, chức vụ cao hơn anh.’ Sau đó, ông lấy khẩu súng đồ chơi sơn đen ra
và dọa bắn vào đầu binh sĩ kia. Nghe vậy, anh ta không lục soát thuyền và mời
cha tôi uống rượu,” ông kể thêm.
Sau khi qua được trạm kiểm soát, thuyền trưởng
nhảy xuống biển để bơi vào bờ vì gia đình ông bị kẹt lại, làm chiếc tàu nhỏ
không có ai lái. Lênh đênh giữa biển một thời gian thì họ được tàu của Pháp cứu,
và được đưa đến trại tị nạn ở Malaysia, cuối cùng được một nhà thờ ở Stockton bảo
trợ nhập cư vào Hoa Kỳ.
Ông cho biết lý do muốn theo đuổi con đường luật
pháp là vì sinh ra ở Việt Nam, một đất nước không có hệ thống luật pháp rõ
ràng, và muốn dùng luật pháp để giúp đỡ nhiều người ở Hoa Kỳ.
“Lúc mới qua, tôi không biết tiếng Anh, đi học
nghe người khác nói không hiểu gì hết. Sau nhiều năm, tôi sử dụng Anh Ngữ để học
về luật phát và nhờ ngôn ngữ đó để giúp đỡ nhiều người, trong đó có nhiều người
tị nạn và các cộng đồng thiểu số,” ông Vũ nói.
Là một công tố viên có hơn hai thập niên kinh
nghiệm, ông cho biết điều làm ông hãnh diện nhất là được làm một trong các công
tố viên chính truy tố bị cáo Joseph James DeAngelo.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/06/DP-Thien-Ho-chanh-bien-ly-3.jpg
Phụ Tá Biện Lý
Thiên Hồ (phải) tại phiên tòa trực tuyến truy tố kẻ giết người hàng loạt Joseph
James DeAngelo. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)
Ý nghĩa của cuộc bầu
cử chánh biện lý Sacramento County
Đây là lần đầu tiên Sacramento County có phụ
tá biện lý là người thiểu số, và dĩ nhiên điều đó rất có ý nghĩa với ông Vũ và
hai đối thủ.
Ông chia sẻ: “Nếu đắc cử, tôi sẽ là chánh biện
lý người Mỹ gốc Việt đầu tiên của Hoa Kỳ và của Sacramento County. Tôi nghĩ đây
là một cuộc bầu cử vô cùng quan trọng vì sẽ chọn được người đại diện cho người
dân nhiều nhất.”
Ông cho rằng ông xứng đáng được chọn vì đã nhiều
lần chứng minh được kinh nghiệm, chuyên môn và sự cảm thông vì chánh biện lý là
người đại diện cho nhiều người tại tòa án, từ nạn nhân đến các bị cáo.
“Hiện nay Hoa Kỳ không có chánh biện lý gốc Việt
nào cả, và có rất ít chánh biện lý gốc Á. Vì vậy, tôi nghĩ ngày mình đắc cử sẽ
là một ngày lịch sử,” ông nói. [đ.d.]
—
Liên lạc tác giả: le.thien@nguoi-viet.com
No comments:
Post a Comment