Saturday, 5 June 2021

COVID-19 : DÂN VIỆT NAM RẤT NGẠI VACCIN TRUNG QUỐC (RFI)

 



NỘI DUNG :

.

Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt vắc xin Trung Quốc, người dân có muốn tiêm? 

Giang Nguyễn
.

Covid-19: Dân Việt Nam rất nghi ngại vac-xin Trung Quốc.

Thanh Phương  -  RFI

.

Singapore có cho dùng vaccine Trung Quốc không, theo cách nào? 

BBC Tiếng Việt

.

===================================================

.

.

Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt vắc xin Trung Quốc, người dân có muốn tiêm? 

Giang Nguyễn
2021-06-04

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-ministry-of-health-approves-chinese-vaccine-but-will-people-want-to-get-it-06042021185848.html

 

Bộ Y tế Việt Nam vào hôm thứ năm ngày 3 tháng 6 đã phê duyệt vắc xin của hãng Sinopharm của Trung Quốc cho nhu cầu cấp bách phòng ngừa COVID-19 trong nước.

 

Sinopharm là vắc xin thứ ba được khẩn cấp phê duyệt tại Việt Nam sau AstraZeneca của Anh và Sputnik V của Nga. Tuy nhiên, việc phê duyệt vắc xin của Trung Quốc được nói “có điều kiện”. Theo Tuổi Trẻ Online hôm 4 tháng 6, vắc xin được đảm bảo về an toàn, nhưng thông tin về tỷ lệ miễn dịch, cũng như số lượng do Trung Quốc trao tặng cho Việt Nam chưa rõ và phía Hà Nội cũng chưa đặt mua vắc xin này.

 

Việt Nam đang phải nỗ lực rất lớn vì số ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng thuộc đợt bùng phát mới nhất từ ngày 27 tháng 4 đến nay khá nhiều. Cụ thể, số liệu do Bộ Y tế công bố vào tối ngày 4 tháng 6 cho thấy, trong đợt bùng phát thứ tư có 5.174 trường hợp lây nhiễm cộng đồng, trên tổng số 6.744 tính từ đầu mùa dịch, tức từ tháng 1/2020 đến nay.

 

Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Đức Long đặc biệt chú ý đến hai khía cạnh trong việc phê duyệt vắc xin Sinopharm:

“Tôi cũng mới được nghe thông tin sáng nay đọc thì nghe nói là Bộ Y tế đã có liên hệ và sẽ mua vắc xin của Trung Quốc nhưng thông báo là mua để tiêm chủng nếu có điều kiện. Tức là ít nhất về mặt pháp lý thì chuyện mua này không như đối với các loại vắc xin khác. Khác ở câu là ‘có điều kiện’. Mà điều kiện gì thì mình chưa nghiên cứu. Nên tôi không biết rõ ràng là có sự khác biệt gì. Đó là điều thứ nhất. Thứ hai, vắc xin Trung Quốc này đã được Tổ chức Y tế Thế giới cấp phép, nghĩa là thế giới đã công nhận. Tổ chức Y tế Thế giới là cơ quan y tế cao nhất rồi và cũng đã được dùng ở nhiều nước. Nhưng tất nhiên kết quả thì không được như của Mỹ, của Anh”.

 

Vắc xin Sinopharm đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp từ ngày 7/5/2021. Việt Nam đặt mục tiêu miễn dịch cộng đồng trong năm 2021 với 150 triệu liều vắc xin để tiêm chủng cho 75% dân số từ 18 tuổi trở lên. Theo số liệu của hãng tin Reuters, cho đến ngày 4 tháng 6 Việt Nam đã tiêm 1.156.056 liều. Nếu mỗi người phải có hai mũi tiêm thì con số này tương đương với 0,6% dân số.

 

Bác sĩ Đinh Đức Long cho biết, ông đã được tiêm một mũi AstraZeneca. Nhưng ông nhận định, trong bối cảnh hiện nay, có được vắc xin từ Trung Quốc là điều đáng mừng và cần thiết:

“Hiện nay, thứ nhất là đại dịch đang lan tràn. Thế thì tôi nghĩ là trong hoàn cảnh cụ thể này thì nếu có được cái gì trước mắt, lúc đói này thì có cái gì ăn còn hơn là nhịn đói. Thứ hai là người Trung Quốc họ đang vẫn dùng. 

Hơn nữa là về mặt ngoại giao, bao giờ Việt Nam làm điều gì cũng có yếu tố chính trị. Người ta thì không thể lường được, người ta sẽ đặt ra rằng vì sao anh chỉ mua vắc xin của Mỹ và của phương Tây mà không quan tâm vắc xin Trung Quốc? Thì đấy cũng là một sự cân bằng về ngoại giao”.

 

Nhà báo Lương Nguyễn An Điền bình luận trên tờ Nikkei Asia hôm 27/5/2021 rằng, Hà Nội đã liên tục phải đánh đu giữa việc xoa dịu định kiến của người dân Việt ngày càng chống Trung Quốc và nhu cầu duy trì quan hệ song phương lâu dài với Bắc Kinh. Dữ liệu công khai về vắc xin ngừa COVID-19 của Trung Quốc khiến nhiều người, đặc biệt tại Việt Nam, còn e ngại về sự an toàn của nó. Ông nói, có lẽ chính quyền Hà Nội không muốn đánh mất niềm tin của người dân sau khi đã thành công phòng chống dịch trong những đợt trước.

 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, vắc xin Sinopharm sau hai liều có hiệu quả 79% chống COVID-19.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2021-05-28t091601z_722530370_rc2xon9o8wm2_rtrmadp_3_health-coronavirus-thailand-sinopharm-1.jpg/@@images/d5d5e8f5-28b8-4fbe-9980-d1e3898f0c8d.jpeg

Bộ Y tế Việt Nam hôm 3/6/2021 phê duyệt khẩn cấp vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

 

Hà Nội trong những ngày qua đã tập trung tìm kiếm nguồn cung cấp vắc xin từ các quốc gia trên thế giới, mới nhất là được Nga đồng ý cung ứng 20 triệu liều vắc xin Sputnik V trong năm nay.

 

Nhà hoạt động Trần Bang nói, Nga hay Trung Quốc cũng đều là xã hội chủ nghĩa, không mấy tạo niềm tin ở nơi người dân:

“Người dân Việt Nam từ trước đây đã không thích dùng hàng của xã hội chủ nghĩa, đặc biệt của Trung Quốc và của Nga cũng vậy. Câu chuyện dùng thuốc của xã hội chủ nghĩa với thuốc phương Tây làm tôi lại nhớ câu chuyện khi tôi đi bộ đội về được phân công vào miền Nam công tác hồi năm 1986. Họ đồn là mang thuốc của Bulgaria, của Nga vào miền Nam tiêu thụ tốt lắm. Mình cũng nghĩ là mang vào để sống qua ngày. Tôi mang vào, người ta cười, họ nói trong Sài Gòn, trong miền Nam người ta không có dùng thuốc của Nga, không có dùng thuốc Bulgaria, không có dùng thuốc xã hội chủ nghĩa. Phải là thuốc gửi từ Pháp, Mỹ, Canada, Úc gửi về. Ông mang thuốc vào đây chỉ có vứt đi thôi. Bây giờ thì cũng vậy thôi. 

Đi chữa bệnh thì người ta đi Mỹ, đi Singapore. Hỏi ông Nguyễn Bá Thanh ông ấy đi chữa ở đâu? Ông Trần Đại Quang đi chữa ở đâu? Chữa ở Nhật, ở Pháp chứ không có ai đi chữa ở Trung Quốc, ở Nga”. 

 

Một số quốc gia đã sử dụng vắc xin Sinovac và Sinopharm phòng COVID-19 của Trung Quốc, và cho đến ngày 2 tháng 6, Bắc Kinh đã tiêm 704 triệu liều cho người dân Hoa Lục. Tuy vậy ông Trần Bang vẫn không tin tưởng vào vắc xin của Trung Quốc:

“Cũng giống như người Việt Nam, họ dùng cho họ hoặc dùng cho cán bộ cao cấp của họ thì có thể họ làm cẩn thận. Nhưng mà khi họ bán đại trà, nhất là bán qua các nước có tham nhũng hay phải lót tay mới bán được hàng hóa thì chất lượng nó không ra gì”.

 

Bà Ngọc Vũ, một người dân Sài Gòn nói cho dù bà lo ngại về sự lây lan của dịch trong cộng đồng nhưng bà nhất quyết sẽ không tiêm vắc xin của Trung Quốc, cho dù có được ngay:

“Với chị thì chị sẽ nói ‘Không’.

Ví dụ như hàng hóa, quần áo, giày dép mà không liên quan trực tiếp đến sức khỏe thì có thể người ta còn dùng. Bạn thân nhà chị vẫn dùng... Còn thuốc thì hoàn toàn là 100% với chị, với gia đình chị là không sử dụng thuốc của Trung Quốc và không sử dụng bất kỳ một cái loại thực phẩm chức năng nào của Trung Quốc, chứ đừng nói đến vắc xin. Tại sao? Bây giờ Việt Nam mình mới nhập về và chưa có thử vào ai. Chưa có thử vào người dân, chưa có một cái gọi là một giấy chứng nhận an toàn cho người dân. Đối với cá nhân chị thì chị sẽ nói không”.

 

Trong cuộc thăm dò ý kiến của Đài Á Châu Tự Do trên Fanpage từ ngày 2 tháng 6 thì chỉ có 44 người đồng ý tiêm vắc xin của Trung Quốc trên tổng số hơn 4.000 người tham gia khảo sát. Trong đó có 3.600 người phản đối việc tiêm vắc xin của nước láng giềng phương Bắc.

 

Bà Ngọc Vũ nói thêm, bà cũng sẽ thận trọng đối với những loại vắc xin khác:

Chị dám chắc chắn trả lời với em là chị sẽ không phải là người tiên phong. Chị và gia đình chị sẽ không phải là những người đầu tiên để trích những cái mũi đó. Chị sẽ chờ đợi trong thời gian nhất định xem người ta chích như thế nào. Chị xem là người dân Việt Nam, người Châu Á có thích hợp với vắc xin của Mỹ hay là của Anh không. Chị sẽ theo dõi. Còn so sánh giữa vắc xin của Mỹ hay Trung Quốc, thì chắc chắn chị sẽ chọn Mỹ chứ chị không nhận của Trung Quốc”.

 

Các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ phải phấn đấu để đảm bảo nguồn cung ứng vắc xin, hoặc là qua chương trình tiếp cận toàn cầu với vắc xin ngừa COVID-19 gọi tắt là COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới dẫn đầu, hoặc là qua đàm phán với các nơi cung ứng như Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc, đồng thời sẽ phải đương đầu với sự do dự tiêm chủng nơi người dân.

 

 

=========================================

 

Covid-19: Dân Việt Nam rất nghi ngại vac-xin Trung Quốc.

Thanh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 05/06/2021 - 10:53

https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20210605-dan-viet-nam-rat-nghi-ngai-vac-xin-trung-quoc

 

Hôm qua, 04/06/2021, bộ Y Tế Việt Nam đã phê duyệt “có điều kiện” vac-xin của tập đoàn Trung Quốc Sinopharm. Đây là loại vac-xin thứ 3 được phê duyệt ở Việt Nam, nhưng theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, chính phủ sẽ phải nỗ lực thuyết phục người dân chấp nhận cho chích loại vac-xin này, do tâm lý bài Trung Quốc trong công luận Việt Nam. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/ebd1861a-c5da-11eb-a831-005056a98db9/w:900/p:16x9/Chine_Vaccin.webp

Dân Việt Nam rất nghi ngại vac-xin Trung Quốc. Ảnh minh họa. © flickr

 

Hiện giờ, Việt Nam chích ngừa Covid-19 với hai loại vac-xin là AstraZeneca và Sputnik của Nga, nhưng trên tổng dân số hơn 97 triệu dân chỉ mới có khoảng hơn 1 triệu được tiêm phòng. Để có thể đẩy nhanh việc tiêm phòng, chính phủ đã ký hợp đồng mua 31 triệu liều vac-xin Pfizer/BioNTech, sẽ được giao cuối năm nay và đang thương lượng với Moderna để được cung cấp đủ thuốc tiêm ngừa cho 70% dân số.

 

Cũng nhằm « phục vụ nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch tại Việt Nam », bộ Y Tế hôm qua đã phê duyệt thuốc tiêm ngừa của Sinopharm, nhưng theo South China Morning Post, một nhà nhập khẩu thiết bị y tế ở Sài Gòn cho biết ông đã « ngay lập tức » nói « không » với vac-xin Trung Quốc. Ông khẳng định đây cũng là quan điểm phổ biến ở Việt Nam, dựa trên kinh nghiệm cung cấp thiết bị y tế ngoại quốc cho các bệnh viện ở miền nam.

 

Nhật báo Hồng Kông trích lời nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang, Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, có hai mối quan ngại về việc mua vac-xin Trung Quốc. Thứ nhất là vấn đề minh bạch, vì một số nước như Nepal khi ký hợp đồng mua vac-xin Trung Quốc đã buộc phải ký thỏa thuận về « bảo mật thông tin », cụ thể là không được tiết lộ những thông tin như giá vac-xin. Thứ hai, Trung Quốc có thể dùng vac-xin để gây áp lực với Việt Nam trên những vấn đề khác, ví dụ như vấn đề Biển Đông.

 

South China Morning Post nhắc lại là ngay cả trước khi được Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt, hàng trăm triệu liều vac-xin của Trung Quốc đã được bán hoặc được tặng cho các nước đang phát triển trong nỗ lực của Bắc Kinh thi hành chính sách « ngoại giao vac-xin ».

 

Cũng theo nhật báo Hồng Kông, một sinh viên ở Sài Gòn cho biết anh muốn chờ được chích vac-xin Pfizer/BioNTech. Trên báo mạng vnExpress, một người sử dụng Internet cũng nói : «  Nếu không có AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sputnik, tôi sẽ chờ được chích NanoCovax. » NanoCovax là loại vac-xin tiến xa nhất trong 3 vac-xin đang được phát triển ở Việt Nam, theo dự kiến có thể được đưa ra sử dụng trong quý 4 năm nay.

 

Tuy vậy, cũng có những người chấp nhận cho tiêm ngừa với bất cứ vac-xin nào, cho dù là vac-xin Trung Quốc, nếu được bảo đảm về độ an toàn, như ý kiến của một nhân viên công ty thiết bị nước ở Hà Nội được South China Morning Post trích dẫn.

 

Nhật sẽ tặng vac-xin cho Việt Nam

Theo hãng tin Kyodo News hôm nay, 05/06, trích lời một dân biểu Đảng Tự Do Dân Chủ LDP đang cầm quyền ở Nhật, Tokyo chuẩn bị tặng cho Việt Nam các liều vac-xin AstraZeneca mà Nhật đã mua về nhưng chưa đưa vào chương trình tiêm chủng ở nước này, do đã xảy một số ca đông máu ở các nước khác.

 

===================================================

.

.

Singapore có cho dùng vaccine Trung Quốc không, theo cách nào? 

BBC Tiếng Việt

5 tháng 6 2021

https://www.bbc.com/vietnamese/world-57369085

 

Cho đến ngày 5/6 này, Bộ y tế Singapore chỉ cấp phép cho vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna để sử dụng trong chương trình tiêm vaccine chống Covid-19 tại Singapore.

 

Tuy nhiên, vào ngày 2/6, Singapore thông báo vaccine Sinovac của Trung Quốc sẽ được phép cho dùng thông qua chương trình Tiếp cận đặc biệt, Special Access Route (SAR).

 

Vậy cụ thể là thế nào?

 

Đầu tiên, vaccine Sinovac vẫn không phải nằm trong chương trình vaccine quốc gia của Singapore, hiện chỉ cho dùng vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna.

Có nghĩa là những người nào ở Singapore nếu chọn tiêm Sinovac và gặp phản ứng phụ nặng thì sẽ không được chính phủ bồi thường theo chương trình Vaccine Injury Financial Assistance Programme (Vifap).

 

Thứ hai, việc Singapore cho phép dùng Sinovac là vì một số nguyên do.

Tiến sĩ Seow En Hao, người sáng lập EH Medical, cho biết có sự quan tâm dùng Sinovac ở Singapore.

Ông nói: "Đây có thể là những bệnh nhân không được phép sử dụng vaccine công nghệ mRNA vì lý do y tế hoặc có người đã chọn không sử dụng do lo ngại tác dụng phụ của các loại vaccine hiện có."

 

Một số lại muốn có vaccine Sinovac vì họ muốn đến Trung Quốc "vì Trung Quốc hiện chỉ công nhận các trường hợp tiêm chủng được thực hiện bằng vaccine của họ", ông nói.

 

 

Vaccine công nghệ mRNA có thể không hợp với một số ca

 

Như đã biết, vaccine Pfizer và Moderna đều dựa trên công nghệ mRNA.

Vaccine mRNA là một loại vaccine mới nhưng không theo cách thức giúp cơ thể tạo ra kháng thể chống lại các bệnh truyền nhiễm như các loại vaccine cổ điển.

Thay vào đó, loại vaccine này dạy các tế bào của cơ thể con người cách tạo ra một loại protein - hoặc thậm chí chỉ là một phần của protein. Và protein này sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể con người.

Phản ứng miễn dịch đó sẽ tạo ra kháng thể giúp bảo vệ cơ thể không bị nhiễm bệnh nếu virus thực sự xâm nhập vào cơ thể con người.

 

Theo báo Singapore The Straits Times, ngày 4/6 Bộ y tế nước này nói những người có tiền sử sốc phản vệ và phản ứng dị ứng với các loại thuốc khác, thực phẩm, côn trùng đốt hoặc không rõ tác nhân gây bệnh hiện có thể được tiêm vaccine mRNA.

Bộ Y tế Singapore cho biết, phần lớn trong số 32.000 người chưa thể tiêm vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna mRNA vì lý do y tế giờ đây sẽ có thể tiêm theo chương trình quốc gia.

Nhưng một số ít người có tiền sử sốc phản vệ hoặc phản ứng dị ứng với các loại vaccine khác vẫn sẽ không thể tiêm.

Singapore nói có khoảng 2.000 người đã xảy ra dị ứng sau khi tiêm liều đầu tiên của vaccine mRNA sẽ không được tiêm vaccine mRNA một lần nữa.

Bộ Y tế đang đánh giá và sẽ cung cấp vaccine không phải mRNA phù hợp hơn với những người này.

 

Đồng thời, tại Singapore, những ai không thể tiêm vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna do dị ứng và muốn tiêm Sinovac sẽ có thể tiêm miễn phí tại các phòng khám tư nhân.

Khoảng 20 trung tâm y tế tư nhân sẽ được lựa chọn để cung cấp vaccine Sinovac của Trung Quốc.

 

Singapore, từ tháng Hai, đã tiếp nhận khoảng 200.000 liều Sinovac.

Các nhà cung cấp sẽ được thu phí cho bệnh nhân tiêm Sinovac, nhưng chính phủ sẽ hoàn trả khoản phí này cho người tiêm.

 

Theo tờ The Straits Times, Bộ Y tế Singapore lưu ý rằng mặc dù chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu xếp việc sử dụng Sinovac thông qua các nhà cung cấp được cấp phép, nhưng đây vẫn là một thỏa thuận tư nhân.

 

"Tuy nhiên, vì vaccine này vẫn chưa được đăng ký nên nó không thể được Chương trình Hỗ trợ Tài chính Thương tật do vaccine chi trả. Những cá nhân muốn tiêm vaccine này theo chương trình SAR thì nên thảo luận với bác sĩ ở những nhà cung cấp được chỉ định về rủi ro và lợi ích của việc sử dụng", Bộ Y tế Singapore nói.

 

Trước câu hỏi vì sao WHO đã phê duyệt cho Sinovac mà Singapore không đưa vaccine này vào chương trình vaccine quốc gia, Bộ Y tế giải thích danh sách vaccine của WHO tập trung vào nhu cầu vaccine của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

 

Bộ này lưu ý rằng các cơ quan quản lý ở các nước phát triển, bao gồm cả Singapore, thường tiến hành các đánh giá nghiêm ngặt hơn Danh sách Sử dụng Khẩn cấp của WHO trước khi phê duyệt vaccine cho mục đích sử dụng chung.

 

Hiện có sáu loại vaccine nằm trong Danh sách Sử dụng Khẩn cấp của WHO - Moderna, Pfizer-BioNTech, Johnson & Johnson, AstraZeneca, Sinopharm và gần đây nhất là Sinovac.

 

Giáo sư Teo Yik Ying, đứng đầu Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock của Đại học Quốc gia Singapore, cho biết việc cho phép Sinovac thông qua chương trình tư nhân sẽ cho phép những người không đủ điều kiện về mặt y tế đối với các mũi tiêm Pfizer-BioNTech và Moderna có thể tiếp cận với vaccine sử dụng công nghệ khác.

 

Việc này cũng cho phép những người thích dùng các loại vaccine khác có quyền lựa chọn mà không ảnh hưởng đến các tiêu chuẩn mà Singapore đã đặt ra cho chương trình quốc gia.

 

Mặc dù vaccine Sinovac của Trung Quốc đáp ứng các tiêu chí của WHO về an toàn và có hiệu quả ít nhất 50%, nhưng dữ liệu được công bố cho đến nay đã chỉ ra rằng vaccine này có tỷ lệ hiệu quả khác nhau tùy nghiên cứu, dao động từ chỉ hơn 50% đến khoảng 90%, Giáo sư Teo nói.

 

Ngược lại, cả vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna đều cho thấy hiệu quả hơn 90%.

 

"Tôi nên nhấn mạnh rằng hiệu quả 50% đối với một loại vaccine thực sự rất tốt, vì vậy không có nghĩa là nó kém hơn nhưng sự nhất quán sẽ giúp ích cho toàn bộ quá trình đánh giá và cần phải làm rõ cẩn thận hơn về độ hiệu quả của vaccine Sinovac," Giáo sư Teo nói.

 

Sinovac đã không trực tiếp công bố kết quả nghiên cứu của mình.

 

Trong khi đó, các nhà sản xuất khác đã công bố chi tiết trên các tạp chí y tế học thuật.

Kết quả thử nghiệm của Sinovac phần lớn chỉ được công bố rộng rãi bởi các chính phủ đã phê duyệt và triển khai vaccine này.

 

Một số quốc gia đã báo cáo tỷ lệ hiệu quả cao hơn trong các thử nghiệm lâm sàng của họ với Sinovac - Thổ Nhĩ Kỳ là 83,5% và Indonesia 65%. Nhưng các kết quả này không hoàn toàn được tin tưởng do kích thước mẫu hạn chế. Thử nghiệm ở Indonesia có khoảng 1.620 người tham gia.

 

WHO đã cho biết rằng Sinovac đã ngăn ngừa bệnh có triệu chứng ở 51% những người được tiêm chủng, và ngăn ngừa nhiễm trùng nghiêm trọng và nhập viện cho tất cả những người trong nghiên cứu.

 

Một bản tin của báo Hong Kong South China Morning Post ngày 2/6 cho hay tại Đông Nam Á tới giờ, chỉ có Singapore và Việt Nam là không dùng Sinovac trong chương trình tiêm chủng chính thức.

 

Các nước xung quanh như Indonesia, Thái Lan và Philippines đã phải dùng nhiều vaccine của Trung Quốc để chống Covid-19.

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats