Friday, 11 June 2021

CHỪNG NÀO ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC và VIỆT NAM SỤP ĐỔ? (Jackhammer Nguyễn)

 



Chừng nào đảng Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam sụp đổ?

Jackhammer Nguyễn

11/06/2021

https://baotiengdan.com/2021/06/11/chung-nao-dang-cong-san-trung-quoc-va-viet-nam-sup-do/

 

Ông Ngụy Kinh Sinh, một nhà hoạt động dân chủ đang sống lưu vong ở Mỹ, trong cuộc gặp cộng đồng người Việt miền Nam California, ngày 8/6/2021, ông Ngụy nói rằng, chế độ Tập Cận Bình ở Trung Quốc có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

 

Ngoài ra, ông cũng nói rằng ý thức chống cộng trong xã hội Mỹ đang gia tăng và nếu Cộng sản Trung Quốc sụp đổ, thì các chế độ độc tài dựa vào nó, cũng có nguy cơ sụp đổ theo.

 

Trước đó, tạp chí Foreign Affairs có bài phân tích của bà Elizabeth Economy về hiện trạng bất an của xã hội Trung Quốc hiện nay. Có thể tóm tắt vài ý chính mà bà Economy đưa ra như sau:

 

1/ Xã hội Trung Quốc đang bị chia rẽ nghiêm trọng, giữa giàu và nghèo, giữa người thiểu số và người Hán đa số, giữa phụ nữ và nam giới (thái độ chống các phong trào nữ quyền gia tăng).

 

2/ Những người có khả năng sáng tạo của Trung Quốc bị cho ra rìa vì những chính sách đàn áp tư tưởng, thanh lọc chính trị của Tập Cận Bình.

 

3/ Các quốc gia có công nghệ và vốn đầu tư của phương Tây bắt đầu rút khỏi Trung Quốc, hoặc ngần ngại, không muốn mở rộng hoạt động của mình ở Hoa Lục.

 

Những phân tích trên đây là tin xấu cho Hoa Lục cộng sản, và dĩ nhiên là tin tốt cho những người chống cộng sản Trung Quốc, cũng như Việt Nam.

 

Tuy nhiên, khoảng cách giữa những phân tích và dự đoán, với chuyện gì thật sự sẽ xảy ra không phải là ngắn, đôi khi còn rất dài, mà cũng có khi chuyện xảy ra không hề có dự báo, chẳng hạn như sự sụp đổ của những nhà nước cộng sản Liên Xô và Đông Âu, hơn 30 năm trước.

 

Cho nên những người chủ trương dân chủ hóa Việt Nam và Trung Quốc nên cẩn trọng, nếu không sẽ rơi vào những dự đoán kiểu ước muốn (wishful thinking) rất nguy hiểm.

 

Cộng sản Trung Quốc

 

Chúng ta hãy trở lại nguyên nhân sụp đổ của đế chế Xô Viết cùng các chư hầu Đông Âu. Đó là sự thất bại của mô hình kinh tế xã hội của những quốc gia đó không sản xuất ra được của cải để nuôi các xã hội đó. Nói một cách dễ hình dung là, Liên Xô, Đông Âu không sụp đổ vì vũ khí hạt nhân thua phương Tây, không phải vì những điệp vụ tình báo thành công của phương Tây,… mà là vì những người xếp hàng rồng rắn trong giá băng để mua… bánh mì ở các thành phố cộng sản.

 

Điều này chưa xảy ra đối với Trung Quốc, mặc dù theo như phân tích của tờ Foreign Affairs, số người nghèo khổ của Trung Quốc cũng rất cao. Nhưng phải nói cho đầy đủ là mức sống của người Trung Quốc hiện nay so với hơn 40 năm trước, là cao hơn rất nhiều. Hàng trăm triệu dân Trung Quốc thoát khỏi nghèo đói trong 40 năm ấy, sẵn sàng chịu đựng khoảng cách giàu nghèo đang tăng nhanh, chịu đựng sự bất công về chính trị, về giới tính, như họ đã từng chịu đựng hàng ngàn năm trong xã hội phong kiến Trung Quốc.

 

Hiện thời sự đàn áp hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là mối quan tâm hàng đầu của cả thế giới, nhưng liệu thế giới làm gì được Bắc Kinh? Liệu sẽ có một cuộc nổi dậy của người Duy Ngô Nhĩ? Mà nếu có cuộc nổi dậy đó thì một tỷ người Hán có đồng tình? Mỹ, Âu liệu có đưa quân vào để giúp người Tân Cương?

 

Chỉ mới có việc tẩy chay bông vải từ Tân Cương mà các công ty sản xuất và bán quần áo phương Tây đã gặp khó khăn rồi. Khó khăn không phải vì không kiếm được bông vải mà là vì bị thị trường quá lớn của Hoa lục tẩy chay. Các nhà tư bản duy lợi của phương Tây… bó tay là chính.

 

Khác với Đông Âu và Liên Xô, mô hình xã hội Trung Quốc ngày nay bình thường hơn, hơn nữa nó còn gắn chặt với phương Tây bằng chuỗi cung ứng hàng hóa, và thị trường khổng lồ của nó. Nếu Hoa Lục sụp đổ ngay bây giờ, nó sẽ không sụp một mình, mà phương Tây cũng lao đao, và dĩ nhiên phương Tây không muốn điều đó.

 

Phương Tây ý thức được hoàn toàn chuyện đó và đang có những nỗ lực tách khỏi Hoa lục, từ việc liên kết chống dịch, đến cố gắng sản xuất chip điện tử, cho đến kế hoạch hàng trăm tỷ đô la vừa được thượng viện Hoa Kỳ công bố dùng để cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng kết quả sẽ có không phải là ngày mai, mà là hàng năm, thậm chí hàng chục năm.

 

Ông Ngụy Kinh Sinh và các đồng chí đang sống lưu vong của ông rất nóng lòng mong chờ một cuộc thay đổi, nhưng điều đó không dễ dàng.

 

Đã có rất nhiều dự đoán rằng Trung Quốc sẽ sụp, dựa trên những phân tích cho thấy hệ thống kinh tế xã hội của Trung Quốc cộng sản hiện nay có nhiều lỗi, nhưng vẫn chưa thấy sự sụp đổ đó xảy ra. Mô hình cộng sản của Lenin đã được thí nghiệm và thất bại, nhưng mô hình độc tài kiểu tư bản nhà nước của Trung Quốc (và của cả Việt Nam), dựa trên cái nền xã hội chuyên chế kiểu phong kiến Đông Á, đều là những hiện tượng mới. Nói nó là những xã hội mất tự do là đúng, nhưng từ sự mất tự do đó để dẫn đến sự sụp đổ nay mai là không có gì chắc chắn.

 

Nếu ta cho rằng những phân tích của Foreign Affairs là đúng, những tin tức về Tập Cận Bình từ ông Ngụy Kinh Sinh là đúng, thì tôi cho rằng, kịch bản gần gũi nhất là Tập Cận Bình bị Đảng Cộng sản Trung Quốc loại bỏ, để duy trì sự sống còn của nó, chứ không phải là một cuộc cách mạng loại bỏ cộng sản Trung Quốc.

 

Cộng sản Việt Nam

 

Trong một bài viết của BBC Việt ngữ gần đây có trích lời ông Nguyễn Hữu Liêm, một giáo sư triết tại Mỹ. Ông Liêm có nói đại ý rằng, trong tình hình Việt Nam hiện nay, ông không thấy một cuộc cách mạng sẽ xảy ra trong tương lai gần.

 

Dù có nhiều quan điểm khác biệt với ông Liêm nói chung, nhưng tôi đồng ý với phán đoán này của ông. Việt Nam, khá giống Trung Quốc, nhưng với quy mô nhỏ hơn, có hàng chục triệu người nông dân đang thay đổi sang cuộc sống thị dân làm dịch vụ, hoặc công nhân trong các khu công nghiệp, không có nhu cầu về một cuộc cách mạng.

 

Một luận điểm nữa của ông Ngụy Kinh Sinh mà tôi không cho là đúng, đó là quan điểm nói rằng, nếu độc tài Trung Quốc sụp thì các nước độc tài nhỏ hơn sẽ sụp theo. Tôi nghĩ, điều đó có thể xảy ra với trường hợp Bắc Hàn, chứ còn những quốc gia khác là không đúng. Các quốc gia như Miến Điện, Việt Nam, Cambodia có nhiều quan hệ với Bắc Kinh, nhưng đó là những nước độc lập, khi Bắc Kinh sụp đổ, không chắc ảnh hưởng tới các chế độ độc tài của các nước kia.

 

Điều quan trọng hơn cả là, nếu các chế độ độc tài Bắc Kinh và Hà Nội sụp đổ, thì những người cổ vũ cho dân chủ của hai nước này sẽ làm gì? Không rõ những người Trung Quốc đang có gì trong tay; còn đối với người Việt, hiện thời không thấy có một tổ chức nào cả.

 

Một cuộc cách mạng, một sự thay đổi chế độ, không đơn giản như là những ước muốn.

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats