Về
chủ nghĩa xã hội của TBT Nguyễn Phú Trọng: “Biết rồi, Khổ lắm, Nói mãi!”
Lê Bá Vận
11/06/2021
Ngày 16/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài
viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con
đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Tất cả các báo Đảng
trong nước đều đăng lên trang nhất bài viết này, ký tên dưới bài: “Giáo sư, Tiến
sĩ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt
Nam”.
Học hàm, học vị, chức tước cao ngất được tác
giả trưng khoe, phô tính uyên bác, lời vàng ý ngọc. Tiếng latin Magister Dixit
có nghĩa là ông thầy nói thế (the teacher has said it), cấm bàn cãi.
Báo Công an Nhân dân ca tụng: “Bài viết đã nhận
được sự đánh giá cao của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân”. Báo này
còn dẫn lời GSTS Phạm Quang Minh, cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội
và Nhân văn, Hà Nội, rằng: “Bài viết rất hoàn chỉnh, toàn diện. Tính
định hướng cao và giá trị thực tiễn sâu sắc…”
Dẫn lời giáo sư, tiến sĩ trong nước chưa đủ, báo Quân đội Nhân dân còn dẫn lời chuyên viên
Nga Grigory Trofimchuk, nói: “Tôi đánh giá cao tính nền tảng trong bài viết
của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng… chính tính chất XHCN của nền kinh tế nhà
nước sẽ cho phép giải quyết mọi vấn đề hiện nay”.
***
I) Tóm tắt nội Dung:
Toàn văn bài viết dài khoảng 500 dòng, tuần tự
nêu lên những ý, phân tích và lý luận sau:
1- Khái niệm về CNXH, sự sụp đổ của Liên Xô và
Đông Âu làm dao động CNXH (36 dòng).
2- Chủ nghĩa tư bản đạt được nhiều thành tựu,
nhưng có nhiều khuyết tật (64 dòng)
3- Lý do chọn CNXH: Khát vọng của nhân dân, sự
lựa chọn đúng đắn của Bác, Đảng (45 dòng).
4- Nhận thức cải thiện: Phấn đấu dân giàu, nước
mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nhân dân làm chủ, Đảng tiếp tục lãnh đạo.
Thực hiện công nghiệp, văn hóa, con người, quốc phòng, an ninh trật tự, đối ngoại,
hội nhập, đoàn kết dân tộc, xây dựng nhà nước pháp quyền [toàn trị] (50 dòng).
5- Phân tích: Đổi mới, CNXH kinh tế thị trường
là bước đột phá xuất phát từ thực tiễn (43 dòng).
6- Nền tảng: Văn hóa, con người, thực hiện
nhân dân làm chủ. Phát huy dân chủ: Nhà nước pháp quyền XHCN của, do, vì dân. Đại
đoàn kết. Kiên trì chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng HCM. Xây dựng chỉnh đốn Đảng.
ĐCSVN đội tiên phong của… luôn tự đổi mới (75 dòng).
7- Những thành tựu đạt được: Đất nước ta chưa
bao giờ có được… như ngày nay (104 dòng).
8- Những khuyết điểm, hạn chế, các thế lực thù
địch (16 dòng).
9- Tích cực, tiêu cực đan xen, đấu tranh gian
khổ cần tầm nhìn mới: hội nhập, tăng cường, đẩy lùi, đẩy mạnh, phát huy, làm tốt,
nâng cao toàn diện, đồng bộ… dân nhiệt tình, kiên định Mác-Lê, học tập Bác, xây
dựng Đảng. Chọn lọc các thành tựu mới về tư tưởng và khoa học (60 dòng).
II) Lời Bàn:
Có bốn lời bàn về bài viết này của Tổng Bí
thư.
1) Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!
Đọc xong bài viết, cảm tưởng đầu tiên là tác
giả viết dài dòng văn tự, tràng giang đại hải mà toàn lặp lại những điều đã
nói, những điều mà ai cũng biết. Càng viết, tác giả càng rối, đạo văn trong các
văn kiện Đại hội Đảng, nhai lại những luận điệu cũ rích vòng vo, những sáo ngữ
vô hồn trên truyền thông từ hàng chục năm:
1.1 “Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân
ta”. “Kiên trì lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng
tư tưởng và kim chỉ nam…”
1.2 “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng
sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại
cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”.
1.3 “Đảng là đội tiên phong của giai cấp công
nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt
Nam”.
Cứ thế, nhắc đi nói lại, kéo dài. “Biết rồi,
khổ lắm, nói mãi!” Đó là câu gắt gỏng bực mình của cụ Hồng. Cụ cứ ho sù sụ,
thích phô trương đau yếu, bệnh hoạn, được Vũ Trọng Phụng mô tả trong cuốn tiểu
thuyết “Số Đỏ”.
Về kinh tế, tác giả không phải kinh tế gia,
phân tích lòng vòng, nói như vẹt, hình ảnh Xuân tóc đỏ trong Số Đỏ được thuê thổi
kèn, rao quảng cáo cao đơn hoàn tán, di tinh mộng tinh… Phải chăng tài trí giới
lãnh đạo nhà ta chỉ có thế? Trong nước ngày nào các ông cũng rao giảng chủ
nghĩa xã hội, ở nước ngoài quanh năm chẳng nghe ai nói đến chủ nghĩa tư bản.
2) Phúc thống phục nhân sâm tắc tử
2.1 “Xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh,
dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ có nền văn hóa tiên tiến, đậm
đà bản sắc dân tộc… do Đảng Cộng sản lãnh đạo”.
2.2 “Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền
văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc… chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ
Chí Minh giữ vai trò chủ đạo”.
Tương tự câu “Đau bụng uống nhân sâm… chết chắc”
được lưu truyền ngàn đời nay. “Chết chắc” là các câu “do Đảng Cộng sản lãnh đạo”,
“Mác-Lênin, tư tưởng HCM giữ vai trò chủ đạo”, phủ định tất cả những điều tốt đẹp
khác.
3) Nói người… thử sờ lên gáy
Dân gian có câu: “Nói người phải nghĩ đến ta/
thử sờ lên gáy xem xa hay gần”.
3.1 “Ở các nước tư bản người dân bị bóc lột,
khoảng cách giàu nghèo gia tăng…”. Thế ở ta không có khoảng cách giàu nghèo,
không có doanh nghiệp của các nước tư bản vào đầu tư, được đảng và nhà tạo điều
kiện để bóc lột công nhân mình à?
Ngược lại, các chương trình phúc lợi xã hội,
giúp dân nghèo ở các nước “tư bản bóc lột” có những thứ cần thiết như chi phí
ăn, ở, y tế… thì ta không có (1). Người già không có tiền già hay lương hưu, nếu
không làm ở các cơ quan nhà nước, trẻ em không được đi học miễn phí, trẻ em
nghèo phải nghỉ học, phụ cha mẹ kiếm sống.
3.2 Ông Trọng viết: “Không chờ đến khi kinh tế
đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”.
Thưa ông Tổng Bí thư, dường như ông đang sống trong mơ, không biết dân ông hiện
chịu hàng trăm thứ thuế, phí, bị buộc đóng góp quá nhiều cho chi phí y tế, giáo
dục, thu phí cao vút nhưng thiên nhiên bị hủy hoại, môi trường nhiễm độc nặng
toàn quốc (còn ông thì bô bô rằng “chúng ta cần sự phát triển bền
vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế
hệ hiện tại và tương lai…”).
Chưa kể công nhân trong các nhà máy sản xuất ở
Việt Nam, dù bị vắt kiệt sức mà lương thì không đủ sống, lao động nước ngoài cơ
cực, bán thân nuôi miệng, nông dân thì bị cướp đất, không còn đất làm ruộng,
ngư dân thì bị “tàu lạ” rượt đuổi tới bờ… trong khi ông Trọng nói như người bị
mộng du.
3.3 “Nhà nước ta là của nhân dân, do nhân dân
và vì nhân dân”. Thế ư?! Ông khoe mãi ngụ ý điều này là đặc trưng độc quyền của
nhà nước CNXH.
Có lẽ ông không biết rằng, năm 1863, trong bài
diễn văn nổi tiếng dài chưa tới 300 từ được gọi là “The Gettysburg Address”, tưởng nhớ các liệt sĩ, Tổng thống
Hoa Kỳ Abraham Lincoln đã nói câu “Nhiệm vụ để cho một chính quyền của dân, do
dân và vì dân sẽ không biến mất khỏi mặt đất này”.
Nay thì các chính trị gia thường phát biểu:
“Người dân Mỹ muốn, dân Mỹ có quyền…”
3.4 “Đặc biệt, tình trạng tham nhũng, lãng
phí, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống vẫn diễn ra
trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Trong khi đó, các thế lực xấu,
thù địch lại luôn tìm mọi thủ đoạn để can thiệp, chống phá, gây mất ổn định, thực
hiện âm mưu ‘diễn biến hoà bình’ nhằm xóa bỏ CNXH ở
Việt Nam”.
Nước ta không có đảng đối lập, được tôn trọng,
may thay chỉ có “thế lực thù địch”! Đảng phải tri ân các đóng góp to lớn của
“thế lực thù địch”. Không có các thế lực thù địch cảnh báo thì tình trạng tham
nhũng, lãng phí, đầu mối mọi vấn nạn, sẽ lan tỏa kinh khủng, dẫn đến đổ nát. Cỗ
xe nhà nước toàn trị cần lắp bộ thắng.
4) Danh bất chính, ngôn bất thuận
4.1 “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng
của nhân dân ta”. Câu này mâu thuẫn với tính khoa học của chủ nghĩa
Mác – Lênin tự cho hết sức hoàn chỉnh và chặt chẽ, logic, không thể nói khơi
khơi, kết luận bừa.
4.2 “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã
hội”. Ấy chết, bác Hồ chớ xúi dại ông nói bậy! Nước nào lớn bé hiện nay trên thế
giới mà chẳng độc lập? Cả trăm nước trên thế giới độc lập, mà có bao nhiêu nước
chọn CNXH như cái đảng của ông? Các ông chọn CNXH cho Việt Nam là chọn mất nước,
diệt nòi bởi “bạn vàng”, là các đồng chí Tàu Cộng của các ông.
4.3 Về bầu cử định hướng chủ nghĩa xã hội.
Sáng ngày 8/5/2021, ở đơn vị số 1 của TP Hà Nội, tiếp xúc cử tri khi vận động bầu
cử, ông Trọng tâm sự: “Bây giờ đã 77 tuổi, đại hội vừa rồi
tôi đã xin thôi, từ đại hội trước đã xin thôi, hôm họp báo bế mạc Đại hội XIII
tôi nói công khai rồi, là tôi tuổi cao, sức khỏe có hạn nhưng Trung ương quyết,
đại hội bầu, là đảng viên tôi phải chấp hành”.
Ông còn nói rằng: “Lần này được giới thiệu ứng
cử, nếu được trúng cử đại biểu Quốc hội thì rất vinh dự, tôi sẽ cố gắng
làm hết sức mình”.
Ba tháng trước dù than tuổi già, đau yếu, ông
vẫn cố nhận chức Tổng Bí thư Đảng vì không tìm được người thay thế (phải là “người
miền Bắc, biết lý luận” như ông). Nay ĐBQH địa vị kém quan trọng, ông luôn miệng
xin thôi là đúng, bởi già yếu, bệnh tật như ông, ôm nhiều chức mà có sức đâu để
làm?
Ông nói: “Nếu được trúng cử thì…” có nghĩa là
ông có thể không trúng cử. Biết thế, tại sao ông quy hoạch các tân chủ tịch nước,
thủ tướng, chủ tịch Quốc hội nhận nhiệm vụ trước, xem như cá đã vào rọ của quốc
hội sắp bầu, rồi lý giải lung tung, nhưng danh bất chính, ngôn bất thuận.
Ôi! Chủ nghĩa xã hội định hướng thị trường ắt
phải có “Bầu cử Quốc hội định hướng chủ nghĩa xã hội”. Đó là chính sách, là điều
kiện quyết định sự sống còn của chế độ.
***
Nhà Thần học người Brazil, Leonardo Boff kể lại,
ông hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng tôn giáo nào tốt nhất. Ngài Lạt Ma trả lời: “Tôn
giáo tốt nhất là tôn giáo đưa anh đến gần Đấng tối cao nhất. Là tôn giáo biến
anh thành con người tốt hơn”.
Cũng vậy, xin hỏi, đối với người dân Việt Nam,
hiện tại chế độ nào tốt nhất? Chế độ ưu việt, tất yếu lịch sử? Có lẽ không bàn
cãi làm gì.
Nếu dân làm chủ, thì người dân được bỏ phiếu
chọn lãnh đạo phục vụ dân. Còn chế độ “ưu việt” mà dân bỏ phiếu hết lần này tới
lần khác, vẫn không tìm được những người lãnh đạo phục vụ cho dân, đối với họ,
đó không phải là chế độ tốt nhất.
“Vẻ đẹp nằm trong mắt người xem”, ông Trọng
à… (2).
_______
Chú Thích:
(1) Chương trình phúc lợi xã hội ở Mỹ (Social
security programs) là các chương trình của chính phủ, được thiết kế để bảo vệ
công dân Mỹ khỏi những rủi ro kinh tế và bất an trong cuộc sống, như bảo vệ người
tàn tật, người già, trẻ em, vợ chồng sống sót sau khi người phối ngẫu qua đời,
những người bị thương trong công việc…
Thí dụ, một người già ở California từ 65 tuổi
trở lên, nếu không có lợi tức hoặc lợi tức thấp có thể được chính phủ gởi séc
hoặc chuyển ngân thẳng vào trương mục từ 1000 – 2000 đô mỗi tháng, mà không cần
biết con cái có thể là triệu phú, tỷ phú. Nhiều người gốc Việt ở Mỹ chi tiêu dè
sẻn, để dành tiền gửi về giúp đỡ người thân nơi quê nhà.
Chưa kể, họ còn được tự do ăn nói, phát biểu. Ở
nước người, chính phủ thật sự của dân, vì dân, nên họ lo chiều dân, còn nhà nước
ta thì bất cần dân, nhờ quái chiêu “Bầu cử định hướng chủ nghĩa xã hội” và
chiêu đãi hào phóng những cái bánh vẽ thật to.
(2) “Beauty is in the eye of the beholder”.
No comments:
Post a Comment