“Bỗng
hôm rồi”, đọc lại báo cũ Sài Gòn
MẠNH
KIM
Jun 22, 2021
https://saigonnhonews.com/article-can-promote/bong-hom-roi-doc-lai-bao-cu-sai-gon/
Đã có khá nhiều bài viết về báo chí miền Nam trước
1975, về các chủ bút, ký giả; về cách tổ chức và vận hành một tờ báo. Tuy
nhiên, những tờ báo ấy đăng cụ thể những thông tin gì thì hiếm khi được đề cập
vì ít ai còn lưu giữ được báo cũ. Đọc lại báo cũ giúp thấy lại cách hành văn và
ngôn phong của báo chí trước 1975, cũng như cách báo chí thời đó khai thác tin
tức như thế nào. Đọc lại báo cũ cũng cho thấy sinh hoạt miền Nam nói chung và
Sài Gòn nói riêng thời đó…
Một trong những chi tiết đáng chú ý là hầu hết
tờ báo miền Nam trước 1975 đều có slogan kèm theo:
– Đại Dân Tộc (Chủ Nhiệm: Võ Long Triều) ghi
là “Cơ Quan Tranh Đấu Cho Một Xã Hội Mới”;
– Sống Mới (Chủ nhiệm: Ngô Công Minh) – “Nhựt-Báo
Thông-Tin Nghị-Luận”;
– Sài Gòn Mai (Chủ nhiệm: Ngô Quân) – “Nhật-Báo
Thông-Tin Nghị-Luận Của Dân-Chúng”;
– Điện Tín (Chủ nhiệm: Hồng Sơn Đông) –
“Tranh-Thủ Hòa-Bình Dân-Tộc”;
– Tiến (Chủ bút: Đặng Văn Nhâm) – “Tiếng Nói Bất
Khuất Của Nhân Dân”;
– Trắng Đen (Chủ nhiệm: Đinh Việt Phương) –
“Nhựt Báo Tranh Đấu Chống Bất Công Xã Hội”;
– Tin Sáng (Chủ nhiệm: Lý Đại Nguyên) – “Nhật
Báo Phát Huy Văn Hóa Bảo Vệ Tự Do Điều Hợp Xã Hội”;
– Tiền Tuyến (Chủ nhiệm: Phạm Xuân Ninh) – “Tiếng
Nói Của Quân Dân Miền Nam Tự Do”;
– Bút Thép (Chủ nhiệm: Lê Hiền) – “Tờ Báo Của
Những Người Xâm Mình”
– Thách Đố – “Tiếng Hét Của Người Dân Nổi Giận”
…………
Báo chí muôn thuở vẫn là những chuyện gần gũi
đời sống. Trên tờ Đồng Nai (chủ nhiệm Huỳnh Thành Vị; chủ bút
Hoài Sơn; tòa soạn tại số 40 Nguyễn An Ninh) số ra ngày 21-9-1969, ngoài những
tin như “TC (Trung Cộng) sẽ ngăn chận mọi nỗ lực của Nga nhằm gây ảnh
hưởng BV (Bắc Việt)”; “TT Thiệu trả lời báo chí trên vô tuyến
truyền hình tối 19-9: “Có giải pháp toàn bộ cho chiến cuộc rồi mới có ngưng bắn
nếu không sẽ bị CS (cộng sản) lợi dụng ngay”…, còn có bài phóng sự
điều tra “EVN, ẸVN”, với cách chơi chữ (“air” thành “ẹ”) khi viết về “những
tệ đoan dài dài” của hãng hàng không Air Vietnam… Ngoài ra, còn có chuyên mục
“Nói hay đừng” do “Hồng Thất Công” phụ trách. Trong bài Mưa dầm sùi sụt,
“Hồng Thất Công” không tung ra “Hàng long thập bát chưởng” hay “Đả cẩu bổng
pháp” mà than thở:
“Lúc này chẳng biết bị kẹt cái đuôi bão gì mà
cứ mưa dầm sùi sụt liên tu bất tận, khiến cho đồng bào miền Tây đêm ngày lo sợ
khi nước cứ ngóc đầu lên mãi, kẻ già càng lạnh teo mà đám trẻ cũng rầu thúi ruột,
mà rầu nhứt là… các cô cậu tú 1 hụt (Tú tài một). Bao nhiêu hy vọng ở
các chú các bác kêu nài, nay đã tan theo mây khói. Vì ông nhà nước đã tuyên bố
vài câu gió thảm mưa sầu: không tổ chức thi khóa 2 mà cũng không vớt điểm! Có
những kẻ “ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu” và cũng có một số chuẩn bị hớt
tóc ngắn chờ tháng 11 để có dịp hát bài “Chiều nay em ơi một chăm phần chăm”…
Trên tờ Dân Chúng số phát
hành ngày 25-8-1959, có bài Bị gia đình ép duyên, một nữ sinh tú tài suốt
5 ngày liền hát bản Que Sera Sera khiến cha mẹ khi rõ qua động
lòng khóc ròng khăn gói đi hồi hôn. Chuyện nói về “một thiếu nữ có học bị
gia đình ép duyên”… nên “từ mấy tháng nay”, cô “không khi nào vui vẻ nở trên
môi một nụ cười” rồi “bỗng hôm rồi”, cô “luôn mồm ca hát bài ‘Que Sera Sera’ tối
ngày. Và liên tiếp trong 5 ngày như thế”. Ba mẹ cô còn la rầy “sao ca hát gì tầm
xàm quá!” nhưng cô “vẫn réo rắt luôn mồm”… Cuối cùng, ba mẹ cô mới hiểu bài hát
nói rằng “ngày mai tương lai con sẽ ra sao mẹ ơi”; và “động lòng khóc ròng” đến
nỗi phải xin hồi hôn với nhà trai. Sự việc đã khiến “người lối xóm… kéo nhau đến
(nhà cô nữ sinh) xem rất đông”…
No comments:
Post a Comment