Đặc điểm của mô hình Trung Quốc độc đoán mà Việt Nam
không thể buông bỏ
Bài
phân tích của TS. Phạm Quý Thọ
RFA
/ 2021-06-21
Hình minh hoạ.
Trung Tâm hội nghị Quốc gia ở Hà Nội nhân Đại hội 13 Đảng Cộng sản Việt Nam hôm
27/1/2021. Reuters
Đảm bảo tăng trưởng kinh tế để duy trì tính
chính danh của đảng cộng sản và chế độ độc đoán là đặc điểm chủ yếu của mô hình
Trung Quốc. Nó được che đậy bởi ý thức hệ XHCN, mang tính thực dụng và xuyên suốt
trong các chính sách, bởi vậy nó giúp tăng GDP trong thời kỳ dài, nhưng không
làm thay đổi bản chất chuyên chế của chế độ. Tương đồng về chế độ chính trị khiến
Việt Nam không thể buông bỏ mô hình Trung Quốc, ngay cả khi hai nước có mâu thuẫn
về lãnh hải. Tuy nhiên, sự suy giảm tăng trưởng kinh tế được cảnh báo khiến người
ta quan tâm điều gì sẽ xảy ra?
Tính thực dụng
Tính thực dụng thể hiện rõ rệt trong chính
sách Cải cách và Mở cửa khi Đảng cộng sản Trung Quốc “gác sang bên” vấn đề cốt
lõi của nền tảng tư tưởng của chế độ là đấu tranh giai cấp để tranh thủ kinh tế
tư bản, “trải thảm đỏ” cho các nhà đầu tư nước ngoài, coi đó là sách lược “quá
độ lên CNXH”.
Chính sách này đã cứu chế độ toàn trị khỏi sụp
đổ sau sự cai trị bởi Mao Trạch Đông gần 30 năm (1949 – 1976). Ông ta đã tiến
hành nhiều cuộc thử nghiệm xã hội chủ nghĩa duy ý chí, trả giá đắt bằng hàng chục
triệu mạng người như Đại Nhảy vọt hay Cách mạng Văn hoá khiến đất nước kiệt quệ,
dân chúng đói khổ.
Chính sách được khởi xướng bởi cố Tổng Bí thư
Đặng Tiểu Bình (1904-1997) từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước đánh dấu sự
thay đổi bước ngoặt của đất nước hơn một tỷ dân. Còn nhiều ghi chép về di sản
do ông để lại thể hiện tính chất thực dụng của chính sách. Các cụm từ như “mèo
trắng mèo đen”, “ẩn mình chờ thời”, “hãy để một số người làm giàu trước”… thường
được nhắc đến, nhưng câu ông nói: “Tôi đã quan sát thế giới trong nhiều năm và
rút ra một kết luận: Các nước có quan hệ tốt với Mỹ đều trở nên giàu có” vẫn
gây ấn tượng mạnh.
Hình minh hoạ: Chân
dung Chủ tịch Mao Trạch Đông và Tập Cận Bình trong nhà một người nông dân Trung
Quốc. Reuters
Tính chất thực dụng đã xuyên suốt trong chính
sách qua các thế hệ lãnh đạo đảng tiếp nối tư tưởng của ông Đặng Tiểu Bình như
thuyết “Ba Đại Diện” thời TBT Giang Trạch Dân, làm rõ chức năng “đại diện”
chính trị mới của đảng Cộng sản Trung Quốc, học thuyết “Tầm nhìn khoa học về
phát triển” của TBT Hồ Cẩm Đào và, gần đây là học thuyết “Tư tưởng Tập Cận Bình
về chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc trong kỷ nguyên mới”. Mặc dù có
tên gọi khác nhau, nhưng các chính sách trên được biện minh bởi thuyết “chủ quyền
quốc gia” phiên bản mới, mà tác giả của nó được cho là “nhà lý luận cung đình”
Vương Hộ Ninh, một trong bảy Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị hiện nay của Đảng
CS Trung Quốc.
Chính sách Cải cách và Mở cửa đã thích ứng với
bối cảnh toàn cầu hoá, được thúc đẩy bởi thị trường dựa trên chủ nghĩa tân tự
do đã thống trị thế giới là nguyên nhân chủ yếu đã giúp Trung Quốc thành công về
kinh tế với mức tăng trưởng hai con số trong suốt hơn một phần ba thế kỷ kể từ
cuối những năm 1970 và trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, vượt qua
Nhật Bản từ năm 2011, đứng sau Hoa Kỳ.
Chính sách mang tính thực dụng dựa trên chủ
thuyết quyền lực quốc gia tạo ra thành công kinh tế đồng thời với sự biện
minh cho sự duy trì quyền lực đảng CS, thiên về sức mạnh bạo lực, đòi hỏi sự
tuân phục tuyệt đối và trật tự được che đậy bởi ý thức hệ CNXH theo học thuyết
Mác – Lênin chưa được kiểm chứng và từng thất bại trong thử nghiệm. Tăng trưởng
kinh tế ở Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng CS không tự dẫn đến chuyển đổi dân
chủ - đó là sự ngộ nhận mà Hoa Kỳ và các chế độ dân chủ Phương Tây đang thay đổi
để đối phó với một Trung Quốc trỗi dậy hung hăng dưới sự lãnh đạo của Tập Cận
Bình.
Không thể buông bỏ
Chế độ chính trị ở Việt Nam tương đồng, áp dụng
theo mô hình Trung Quốc là đương nhiên, nhưng có khác biệt trong vận hành chính
sách trong hoàn cảnh lịch sử phát triển cụ thể. Là nước nhỏ về kinh tế với quy
mô thu nhập trung bình thấp, vươn lên từ xuất phát điểm nông nghiệp lạc hậu
trong bối cảnh chiến tranh và hoà bình đan xen Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng
GDP bình quân năm gần 7% trong gần 30 năm tính từ khi Đổi mới là đáng được ghi
nhận.
Tuy nhiên, thiếu chủ thuyết phát triển, bị níu
kéo bởi ý thức hệ CNXH giáo điều là những nguyên nhân chủ yếu bỏ lỡ thời cơ hội
cải cách thể chế sâu rộng hơn để phát triển. Chính sách tăng trưởng nóng vội dựa
vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước là dẫn chứng điển hình. Ngoài ra, cách thức
“dò đá qua sông” đã loại trừ những chính sách đột phá như Đặc khu hành chính –
kinh tế mà Trung Quốc đã áp dụng thành công, nhưng đã không được ủng hộ ở
Việt Nam vì thời điểm và luận cứ một số nội dung của Đề án.
Khủng hoảng kinh tế và thể chế gây hậu quả nặng
nề, nguyên nhân sai lầm chủ trương chính sách đồng thời với sự yếu kém trong quản
lý hay thực thi. Sự bất ổn đã âm ỉ và bùng phát thành khủng hoảng trong nhiệm kỳ
Đại hội đảng CS lần thứ 11 (2011-2016), mà sự nghiêm trọng đến mức “đe doạ sự tồn
vong chế độ”, biểu hiện rõ rệt là bộ máy quan chức suy thoái và các đại dự án dở
dang, “đắp chiếu” đang loay hoay gỡ rối.
Cách thức khắc phục khủng hoảng cho thấy Việt
Nam không thể buông bỏ mô hình Trung Quốc khi tăng cường tập trung quyền lực,
chống tham nhũng và củng cố nội bộ thay vì cải cách đột phá. Thực trạng thể chế
được quan sát là “trên nóng, dưới lạnh”, các biện pháp điều hành thiên về hành
chính, tính kế thừa “Chính phủ kiến tạo” hay một chính sách khác biệt trong nhiệm
kỳ Đại hội 13 vẫn đang được theo dõi.
Hình minh hoạ.
Banner cổ động cho Đảng Cộng sản Việt Nam trên đường phố Hà Nội. Reuters
Bản chất không
thay đổi
Trung Quốc và Việt Nam đều tuyên truyền về
XHCN là tương lai, nhưng đi đến đó thế nào thì có sự khác biệt trong quan niệm.
Ông Tập Cận Bình, quyền lực tối cao ở Trung Quốc, đưa ra học thuyết “về chủ
nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc trong kỷ nguyên mới”. Theo đó, sự kiên định
về phục hưng dân tộc bao gồm các nguyên tắc cốt lõi, trong đó khẳng định “Đảng
trước hết, Quân đội thứ nhì”. Nguyên tắc này là cơ sở của các chính sách dùng sức
mạnh quân sự và ngoại giao “chiến lang” để “thống nhất lãnh thổ”, đe dọa các nước
nhỏ, lấn chiếm biển Đông và đối đầu với các giá trị dân chủ, nhân quyền phổ
quát. Giới phân tích cho rằng một khi tăng trưởng chậm lại, chủ nghĩa dân tộc
là thứ sẵn sàng thay thế cho thành tích kinh tế để bảo vệ tính chính danh của
chế độ.
Ở Việt Nam ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở
đỉnh cao quyền lực trong nhiệm kỳ thứ 3 (2021-2026), trong bài viết ngày
16/5/2021 khẳng định lại mô hình “kinh tế thị trường định hướng CNXH”. Ông quyết
tâm theo đuổi chủ trương tranh thủ kinh tế tư bản, sử dụng ưu thế của thị trường
và cho rằng chế độ XHCN có thể khắc phục những mặt trái của nó…
Trung Quốc và Việt Nam cùng chung “lối rẽ” khi
hệ thống XHCN Đông Âu sụp đổ, tuy có bất đồng về lãnh thổ, biển Đông, niềm tin
lịch sử về nhau, hình thức quan hệ và… những dự án kinh tế kém hiệu quả, nhưng
có điểm chung là duy trì sự lãnh đạo của đảng cộng sản và chức năng độc đoán.
Ngày 1/7 năm nay Đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ
niệm 100 năm ngày thành lập. Đây là một trong chuỗi các sự kiện được lên kế hoạch
để khuyếch trương sức mạnh để thực hiện Giấc mộng Trung hoa kể từ khi Tập Cận
Bình trở thành lãnh tụ đảng vào năm 2012. Sẽ không diễn ra lễ duyệt binh thường
được tổ chức để kỷ niệm lễ “trọng đại” làm dấy lên những nghi ngờ về những vấn
đề nội bộ. Dù thế nào chăng nữa, chờ đợi sự thay đổi về bản chất là hão huyền. Ở
Việt Nam cũng vậy, buông bỏ mô hình Trung Quốc là không thể. Tuy nhiên, sự suy
giảm tăng trưởng kinh tế được cảnh báo khiến người ta quan tâm điều tồi tệ có
thể xảy ra.
-----------------------------
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự
Do.
No comments:
Post a Comment