Sunday, 20 June 2021

BĂN KHOĂN (Mạc Văn Trang)

 



Băn khoăn

Mạc Văn Trang

20/06/2021

https://baotiengdan.com/2021/06/20/ban-khoan/

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/06/2a-42-586x420.jpg

Bé Minh Anh cùng gia đình gửi tặng quỹ phòng chống dịch Covid-19 thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An số tiền 100 triệu đồng. Ảnh trên mạng

 

Có nhiều người băn khoăn về chuyện “Bé gái 5 tuổi ủng hộ 100 triệu đồng cho quỹ phòng dịch Covid-19: Đây là khoản tiền dành để du lịch, học hè của bé trong 2 năm”.

Đó là “Bé Nguyễn Trần Minh Anh, 5 tuổi, cùng gia đình ủng hộ 100 triệu đồng vào quỹ phòng chống dịch Covid-19 của thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An”.

 

“Ngày 18/6, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận 100 triệu đồng ủng hộ quỹ phòng chống dịch Covid-19, từ gia đình bé Nguyễn Trần Minh Anh, 5 tuổi, sống cùng bố mẹ tại TP.HCM” (nhân dịp về thăm quê ở Nghệ An).

 

“Chúng tôi rất xúc động trước tấm lòng của cháu Minh Anh và gia đình”, đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Vinh nói.

 

Bé Minh Anh cùng gia đình gửi tặng quỹ phòng chống dịch Covid-19 thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An số tiền 100 triệu đồng

 

Trao đổi với phóng viên, tối 18/6, chị T.T. (mẹ cháu Minh Anh) cho biết: “chứng kiến nhiều câu chuyện chống dịch xúc động, những em bé xa bố mẹ vào khu cách ly tập trung, nhân viên y tế làm việc dưới nắng nóng, Minh Anh từng hỏi mẹ sao lại như thế? Vì sao em bé lại khóc?”. “Sau khi được mẹ giải thích, bé gái bày tỏ mong muốn được giúp đỡ mọi người. 100 triệu đồng là khoản tiền dành để du lịch, học hè của Minh Anh trong 2 năm… Cô bé đã quyết định cùng bố mẹ giúp đỡ lực lượng tuyến đầu chống dịch”.

 

“Nghệ An vẫn là một tỉnh nghèo, bé cũng muốn đóng góp cho quê hương”, chị T. nói. “nghĩa cử này sẽ là cách dạy con biết sẻ chia với cộng đồng và mong muốn mọi người khắp cả nước cùng chung tay phòng chống dịch bệnh”.

 

Báo đài tuyên truyền về tấm gương này ghê quá, nên tôi càng thấy băn khoăn về nhiều lẽ:

 

1. Về phía bé gái: Phải chăng bé là THÁNH GIÓNG TÁI SINH? Chỉ có Thánh Gióng thì khi chưa đầy 5 tuổi đã thấy được đất nước đang nguy khốn bởi giặc ngoại xâm, và ý thức được trách nhiệm cứu nước. Nhưng bé Gióng cũng phải vươn vai thành người khổng lồ mới gánh trách nhiệm đánh tan giặc xâm lăng, cứu vua, cứu nước, rồi bay về Trời…

Nay bé gái mới 5 tuổi cũng đã sôi sục LÒNG YÊU NƯỚC và Ý THỨC trách nhiệm cao cả với đất nước nên đã “QUYẾT ĐỊNH” thực hiện nghĩa cử cao đẹp với đất nước, không cần “vươn vai” thành người lớn?

 

Vậy cháu gái hẳn là người phi thường kiểu như nhân vật truyền thuyết Thánh Gióng? Nếu không phải như vậy thì người lớn đã tạo dựng nên truyền thuyết, chứ tâm lý trẻ 5 tuổi bình thường mới có những xúc cảm nhất thời, chưa hình thành TÌNH CẢM sâu nặng với quê hương, đất nước, càng chưa có Ý THỨC trách nhiệm quốc gia, chưa đưa ra được những QUYẾT ĐỊNH lớn lao… Hơn nữa mọi sinh hoạt của cháu đều cần có người lớn chăm sóc, đã làm gì ra 100 triệu? Cháu cũng chẳng biết 100 triệu thì giá trị ra sao… Vậy là người lớn bắt bé phải thành “Thần tượng” chứ bé có biết, có muốn đâu!?

 

2. Về gia đình cháu: Tôi rất trân trọng tấm lòng muốn đóng góp cho quê hương đất nước và muốn giáo dục con lòng yêu nước thương dân của gia đình cháu bé. Nhưng không cần thiết phải bắt cháu sớm gánh vác sứ mệnh ngoài sức của cháu.

 

Hãy giáo dục cháu bằng những việc làm đúng với tâm lý lứa tuổi của cháu. Chẳng hạn như: Mẹ cùng với cháu giặt, ủi những quần áo cũ còn tốt, gấp lại để gửi cho các bạn thiếu thốn; gom những đồ chơi, sách truyện đã dùng đem tặng cho bạn nghèo; mổ “lợn” ra lấy vài chục ngàn góp vào quỹ cứu đồng bào bị bão lũ; cháu được cha mẹ hướng dẫn chăm sóc ông bà, thăm hỏi họ hàng; thăm hỏi mấy gia đình nghèo, cháu tặng mấy bạn trẻ nghèo những đồ chơi, quần áo, đôi dép, gói kẹo, quyển sách…; cha mẹ cùng cháu dọn vườn, chăm cây cho ông bà, đem mấy cây gì đó cho trái ngon về trồng ở vườn của ông bà rồi hàng năm về thăm, chăm chút chúng, vân vân…

 

Tình cảm được hình thành từ những trải nghiệm cụ thể, gần gũi, đơn sơ, tự nhiên, thấm dần vào tâm hồn trẻ thơ, chứ không phải ở những sự kiện tuyên truyền hoành tráng, xa lạ với trẻ…

 

Hãy để trẻ thơ được sống ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng, đừng bắt trẻ thành “thần tượng”, đừng bắt trẻ phải “diễn” như người lớn! Tội nghiệp con trẻ lắm!

 

3. Về người tiếp nhận 100 triệu của cháu bé 5 tuổi:

Trẻ vị thành niên (dưới 18 tuổi) vẫn phải có người giám hộ. Bé chưa đủ trưởng thành để có 100 triệu tặng cho bạn, thế mà bạn dám nhận ư? Bạn lại còn vui sướng, ca ngợi, không băn khoăn thắc mắc gì ư?

 

Đáng lẽ bạn phải nói, việc này để bố mẹ cháu bé tặng. Còn người lớn không muốn (không đáng) làm, để trẻ con tặng thì bạn phải nghĩ xem tại sao? Và như vậy có đáng nhận không?

 

Nói dại nhà bạn bị cháy, bà con xóm làng xúm đến thăm hỏi, người một, hai trăm ngàn giúp bạn, bạn cảm động, cảm ơn. Rồi có một nhà giàu trong làng sai con bé 5 tuổi đem 100 triệu đến tặng, còn họ không muốn lộ diện… Bạn cũng sung sướng đón nhận và khoe khắp cả làng, cả xã chứ?

 

4. Về tuyên truyền: Các bạn làm truyền thông không nên như Robot, như dư luận viên rẻ tiền. Các bạn có trình độ học hành, nói gì, viết gì cũng nên đặt mình vào hoàn cảnh đó để suy nghĩ, ứng xử và nói sao có lý, có tình, lọt tai được những người đứng đắn. Làm truyền thông để nâng cao nhận thức xã hội và truyền đạt những giá trị Chân, Thiện, Mỹ chứ đừng làm người dân thêm mê muội.

 

Ca ngợi em bé 5 tuổi biết đem 100 triệu tiết kiệm chi tiêu ra tặng Nhà nước thì sỉ nhục những người giàu tiêu xài hoang phí, nhất là các quan VIP đấy! Cái này thì các bạn rất thâm thuý.

 

2 COMMENTS

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats