Afghanistan:
‘Nghĩa địa các đế chế’ và cạm bẫy đối với Trung Quốc
Trần
Hùng biên dịch
17/06/2021
Không phải ngẫu nhiên mà Afghanistan được gọi
là nghĩa địa của các đế chế. Alexander Đại đế, đế chế Anh, Liên Xô và bây giờ
là nước Mỹ hùng mạnh, tất cả đều đã thất bại trong nỗ lực chinh phục đất nước
khốc liệt này. Giờ đây, Trung Quốc, siêu cường mới nổi của thế giới, có nguy cơ
rơi vào cái bẫy tương tự ngay khi họ thậm chí chưa bắt đầu dự án tân đế quốc của
riêng mình.
Khi cuộc chiến dài nhất của Mỹ dần kết thúc
trước ngày mang tính biểu tượng là 11 tháng 9 năm 2021, các nhà lãnh đạo và nhà
hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc đang phải vật lộn với những suy
nghĩ mâu thuẫn nhau. Một mặt, Bắc Kinh luôn cảm thấy các chiến dịch của Mỹ ở
Afghanistan là một phần của “Âm mưu vĩ đại” mới nhằm bao vây, kiềm chế và có khả
năng gây bất ổn cho Trung Quốc, quốc gia có chung một dải biên giới nhỏ với nước
này. Vì vậy, sự rút lui nhục nhã cuối cùng của Mỹ và khả năng tái lập quyền kiểm
soát của Taliban ở nước này được Trung Quốc hoan nghênh trên khía cạnh đó.
Mặt khác, khoảng trống quyền lực sắp xuất hiện
có khả năng tạo ra hỗn loạn trong một quốc gia vốn có thể gây bất ổn toàn khu vực.
Một cuộc nội chiến mới có thể thu hút các lực lượng thánh chiến vốn đang chuyển
sự chú ý của họ sang những gì mà một số chính phủ phương Tây mô tả là “cuộc diệt
chủng” đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi của Trung Quốc ngay bên
kia biên giới. Bắc Kinh đặc biệt lo lắng về việc các chiến binh Duy Ngô Nhĩ trở
về từ Syria, nơi một số đã chiến đấu bên cạnh Tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Đầu tháng này, các bộ trưởng ngoại giao Trung
Quốc, Afghanistan và Pakistan đã gặp nhau để thảo luận về các dàn xếp an ninh
sau khi Mỹ rút khỏi nước này. Trung Quốc cũng đã tán tỉnh Taliban và thậm chí
còn đề nghị cung cấp cơ sở hạ tầng và các dự án tái thiết cho nhóm này. Bắc
Kinh đang hy vọng sẽ mở rộng dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường
của mình từ dự án chính ở Pakistan nối lên Afghanistan và lạc quan rằng điều
này có thể giúp mang lại sự ổn định cho đất nước vốn đã bị chiến tranh tàn phá.
Chứng kiến và vui mừng trước sự dàn trải quá mức của Mỹ trong “các cuộc chiến không
hồi kết” trong hai thập niên qua và vẫn còn nhớ rõ những trải nghiệm của Liên
Xô ở Afghanistan trong những năm 1980, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không muốn
sa vào vũng lầy Afghanistan của chính họ. Bắc Kinh coi việc Mỹ vướng vào
Afghanistan và Iraq sau vụ khủng bố 11/9 chủ yếu như là một sự phân tâm trong
chính sách đối ngoại Mỹ, mang lại cơ hội giúp Trung Quốc vươn lên xác quyết
hơn.
Giờ đây, Nhà Trắng đã công khai cho biết họ
đang kết thúc chiến tranh một phần là để giải phóng các nguồn lực nhằm ứng phó
với các thách thức từ Trung Quốc. Việc kỳ vọng Bắc Kinh sẽ bị hút vào
Afghanistan có thể là một phần lý do dẫn tới quyết định rút khỏi Afghanistan của
Tổng thống Biden.
Kế hoạch của Bắc Kinh nhằm đưa Sáng kiến Vành
đai và Con đường vào Afghanistan chứa đầy rủi ro. Ở hầu hết các quốc gia khác,
các dự án này thường được thực hiện với các khoản vay từ Trung Quốc để trả
lương cho công nhân Trung Quốc nhằm xây dựng các dự án đường bộ, đường sắt, bến
cảng và cầu. Nhưng một phần vì cách Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở
Tân Cương, các nhà thầu Trung Quốc đã bị nhắm đến trong các cuộc tấn công ở một
số nơi của Pakistan. Với việc nguy cơ này ở Afghanistan là lớn hơn nhiều và cái
giá chính trị đối với Tập Cận Bình là rất lớn nếu các công nhân trở về nhà
trong các túi đựng xác, rất có thể bất kỳ dự án Vành đai và Con đường nào ở nước
này đều sẽ phải đi kèm với một sự hiện diện an ninh đáng kể.
Các cố vấn của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã
khuyến nghị Trung Quốc gửi lực lượng gìn giữ hòa bình đến nước này dưới sự bảo
trợ của Liên Hợp Quốc để bảo vệ “an toàn và lợi ích” của công dân và các công
ty Trung Quốc ở đó. Những sứ mạng như vậy thường dần dần dẫn tới các can dự sâu
rộng hơn nhiều. Chủ tịch Tập nên chú ý đến các bài học lịch sử và tránh lặp lại
số phận của các đế chế khác từ trước tới nay.
***
NGUÔN :
“The
graveyard of empires calls to China”, Financial Times, 16/06/2021.
No comments:
Post a Comment