Với
những gì đang xảy ra ở Myanmar, cộng đồng quốc tế có làm được gì không?
YÊN KHẮC CHÍNH - LUẬT
KHOA
05/03/2021
Dù mọi chuyện rất phức tạp, câu trả lời là có, và
người Việt Nam cũng có thể góp phần.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/03/image5-1.jpg
Người biểu tình tại
Mandalay, Myanmar vào ngày 17/2/2021 trưng poster biểu ngữ kêu gọi sự can thiệp
hỗ trợ của Liên Hợp Quốc và Mỹ. Ảnh: AP
Kể từ khi quân đội
Myanmar tiến hành đảo chính vào ngày 1/2/2021, người dân nước này đã liên tục
biểu tình phản đối gần như mỗi ngày.
Nhiều người biểu tình
trông đợi sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế. Trong các cuộc tuần hành, họ cầm
theo những biểu ngữ yêu cầu Liên Hợp Quốc và Mỹ can thiệp.
Mỗi ngày trôi qua, sự
giúp đỡ từ bên ngoài thì chưa thấy, còn quân đội Myanmar càng lúc càng leo
thang vũ lực, sẵn sàng nã đạn thật vào người biểu tình ôn hòa.
Các tướng lĩnh Myanmar
thẳng thừng thách thức cộng đồng quốc tế, khi trả lời đặc phái viên của
Liên Hợp Quốc rằng họ “đã quen với việc bị quốc tế trừng phạt rồi”, và chỉ cần
“vài người bạn đồng hành” là đủ.
Trên đường phố, quân lính
và cảnh sát Myanmar săn đuổi người biểu tình, hùa nhau đánh đập những người tay
không tấc sắt, và bắn chết người dân ngay giữa ban ngày. Họ làm tất cả những
điều đó trước các ống kính máy quay.
Không chỉ người dân
Myanmar, những ai quan tâm đến nhân quyền trên thế giới đều cảm thấy thất vọng,
thậm chí tuyệt vọng. Lẽ nào không ai làm gì được những kẻ cầm súng đang thản
nhiên đàn áp dân lành?
Thực tế không bi quan đến
vậy, nhưng cũng không lạc quan như nhiều người tưởng.
Cấm vận có hiệu quả không?
Những người bi quan với
các biện pháp cấm vận của các nước phương Tây cho rằng chính sách này hoàn toàn
vô nghĩa với các tướng lĩnh quân đội Myanmar. Ở thái cực khác, nhiều người lại
cho rằng các hành động cô lập, cấm vận của quốc tế sẽ đủ sức khiến quân đội
Myanmar chùn bước, không dám leo thang hành động.
Thực tế nằm đâu đó ở
giữa.
Theo báo cáo mới nhất của
Reuters, chỉ vài ngày sau khi thực hiện đảo chính, các tướng lĩnh Myanmar
đã âm mưu rút một tỷ USD gửi trong Ngân hàng Dự trữ Liên
bang Mỹ. Đây là dự trữ đô-la Mỹ của Ngân hàng Trung ương Myanmar gửi tại New
York. Giao dịch ban đầu bị các giới chức ngân hàng chặn lại. Các quan chức Hoa
Kỳ sau đó trì hoãn cấp phép. Họ phong tỏa vô thời hạn tài khoản này khi nhận
được sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Joe Biden.
Diễn biến trên cho thấy,
khác với tuyên bố mạnh miệng, quân đội Myanmar ý thức được hậu quả từ những
biện pháp cấm vận của các nước phương Tây như Mỹ, Canada, Liên minh Châu Âu và
Anh. Họ chủ động tìm cách hạn chế thiệt hại từ trước.
Người biểu tình tại
Yangon, Myanmar tưởng niệm Mya Thwet Thwet Khine, cô gái 20 tuổi bị quân đội
bắn chết khi đang biểu tình. Ảnh chụp ngày 20/2/2021. Nguồn: Reuters.
Khi những hình ảnh đàn áp
tàn bạo của quân đội Myanmar được truyền đi khắp nơi trên thế giới, áp lực tẩy
chay, cô lập càng tăng cao, ngay cả với những đối tác mà Myanmar xưa nay xem là
“một số ít bạn bè”.
Cục quản lý Tiền tệ
Singapore vừa cảnh báo các tổ chức tài chính trong nước cẩn trọng
theo dõi các giao dịch có liên quan đến Myanmar, đề phòng rủi ro bị cáo buộc
thông đồng với các hành vi tội ác của quân đội Myanmar. Mọi giao dịch đáng ngờ
đều cần được báo cáo lại cho chính quyền. Singapore là một trong những nhà đầu
tư lớn nhất tại Myanmar.
Trong một diễn biến khác,
Ngân hàng Trung ương Na Uy, đơn vị quản lý quỹ đầu tư quốc gia của nước này, đã
đưa tập đoàn Kirin Holdings của Nhật vào danh sách theo dõi (watch list), bước đầu tiên để
quyết định xem có loại trừ Kirin ra khỏi danh sách hợp tác đầu tư hay không.
Na Uy có quỹ đầu tư quốc
gia trị giá 1.300 tỷ USD, lớn nhất thế giới vào thời điểm hiện tại. Áp lực của
những tổ chức như quỹ đầu tư của Na Uy là lý do khiến Kirin Holdings đã tuyên
bố từ bỏ hợp tác với Myanmar Economic Holdings Limited (MEHL), một công ty do
quân đội Myanmar sở hữu và quản lý.
Áp lực quốc tế sẽ càng
lúc càng tăng, khi người Myanmar quyết tâm không lùi bước, còn quân đội nước
này sẵn sàng dùng mọi biện pháp bạo lực để bóp chết ý chí kháng cự của người
dân.
Nhưng các biện pháp cấm
vận với Myanmar chưa bao giờ đạt được hiệu quả như ý muốn.
Có hai lý do chính: nước
này có “bạn bè” đỡ đầu và quân đội có nguồn thu khủng chảy vào túi riêng.
Bạn bè lớn nhất của
Myanmar không ai khác hơn là Trung Quốc và Nga, hai thành viên thường trực của
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Cảnh sát dựng rào
chắn trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Yangon, khi người biểu tình tuần hành qua
nơi này vào ngày 12/2. Ảnh: The New York Times.
Trong nhiều năm qua, hai
nước này đã cản trở mọi nỗ lực trừng phạt chung của Liên Hợp Quốc đối với các
hành động bị tố cáo là diệt chủng của quân đội Myanmar đối với người Rohingya.
Khi cuộc đảo chính nổ ra, Trung Quốc và Nga cũng ngăn cản không cho Hội đồng Bảo an ra được tuyên bố
chung lên án quân đội Myanmar.
Trong khi cộng đồng quốc
tế lên tiếng phản đối hành động đảo chính, Trung Quốc là một trong số ít
nước ủng
hộ. Họ giảm nhẹ vấn đề thành sự kiện “thay đổi nội các” của Myanmar. Trung
Quốc có chung đường biên giới, đồng thời là một trong những nhà đầu tư lớn nhất
của Myanmar.
Về phần mình, Nga hưởng lợi lớn từ các giao dịch buôn bán vũ khí với
quân đội Myanmar. Min Aung Hlaing, viên tướng đứng đầu lực lượng quân đội nước
này và là kiến trúc sư của cuộc đảo chính vừa qua, xem nước Nga là một “người
bạn trung thành”, luôn giúp đỡ họ trong những giờ phút khó khăn.
Khi phương Tây “nghỉ
chơi” với Myanmar, những nước như Trung Quốc và Nga sẵn sàng nhảy vào lấp chỗ
trống.
Ngoài ra, không thể không
kể đến những “hàng xóm tốt bụng” với Myanmar: các nước trong ASEAN.
Ngày 2/3 vừa qua, cuộc
họp ngoại trưởng của các nước Đông Nam Á đã không thể thống nhất trong việc giải quyết khủng hoảng
tại Myanmar. Chỉ có bốn nước Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore lên
tiếng kêu gọi quân đội nước này trả tự do cho hàng ngàn nhân vật đối lập đã bị
bắt kể từ cuộc đảo chính. Những nước còn lại, trong đó có Việt Nam, chỉ tuyên
bố “kêu gọi kiềm chế”.
ASEAN xưa nay luôn là một
tổ chức liên kết rời rạc. Nhiều chính phủ trong khối này lại còn xem thường các
giá trị nhân quyền và dân chủ – Việt Nam, Lào, Campuchia và chính quyền quân sự
Thái Lan là các điển hình. Điều đó khiến họ trở thành những hàng xóm và bạn bè hoàn
hảo cho các viên tướng nắm quyền ở Myanmar.
Quân đội Myanmar còn sống
tốt suốt nhiều thập niên qua nhờ vào việc nắm giữ hầu như mọi hoạt động kinh tế
béo bở của nước này. Từ viễn thông đến giải khát, từ kinh doanh giải trí đến
khai thác khoáng sản, đâu cũng có bàn tay của quân đội thò vào.
Những tập đoàn sân sau
của quân đội như MEHL và MEC (Myanmar Economic Corporation) gần như hoạt động
trong lỗ đen của thể chế – do các tướng lĩnh và người nhà của họ nắm quyền.
Không chịu sự giám sát của bất kỳ cơ quan hành pháp, lập pháp hay tư pháp nào,
doanh thu của các tập đoàn này đến từ đâu, đi về đâu hoàn toàn là điều bí mật.
Nhờ vào những tập đoàn
bình phong này, bất chấp các lệnh cấm vận của phương Tây nhiều năm qua, quân
đội Myanmar vẫn có thể giao dịch với các doanh nghiệp nước ngoài hoặc âm thầm
bí mật, hoặc công khai thông qua những trung gian.
Một trường hợp như thế là
các quan hệ làm ăn giữa quân đội Myanmar và tập đoàn viễn thông Viettel của
Việt Nam.
Ông Nguyễn Mạnh
Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel vào năm 2017, trao tặng “Bảng ghi nhận đặt
tên thương hiệu Mytel cho Công ty Liên doanh Viễn thông Myanmar” cho Thống
tướng Min Aung Hlaing, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar. Ảnh: Báo
Đầu tư.
Trong một báo cáo công bố
vào ngày 20/12/2020, tổ chức Justice for Myanmar đã cáo
buộc Viettel tiếp tay cho các hoạt động phạm tội của quân đội Myanmar,
thông qua việc hợp tác với các công ty sân sau của những tướng lĩnh. Luật Khoa
đã có bài viết phân
tích về khía cạnh pháp lý của những cáo buộc này.
Ngoài cấm vận ra còn làm được gì?
Đối với các nước bên
ngoài, câu trả lời là không có gì nhiều, ít nhất là trong ngắn hạn.
Can thiệp quân sự từ nước
ngoài là điều gần như sẽ không xảy ra, trừ phi quân đội Myanmar gây hấn với
nước khác, một điều họ đủ khôn ngoan để tránh.
Những biện pháp cô lập và
cấm vận, như trên đã phân tích, sẽ không có nhiều tác dụng tức thời đối với một
tổ chức đã quen với việc cai trị và đàn áp bằng bạo lực, có nguồn thu bí mật
khổng lồ, lại được “bạn bè” giúp sức.
Nhưng câu chuyện không
đến mức hoàn toàn tuyệt vọng.
Các biện pháp cấm vận
ngắn hạn có thể không đủ làm chùn bước những kẻ cầm súng khát máu tại Myanmar,
nhưng những chính sách viện trợ lâu nay của phương Tây dành cho các tổ chức xã
hội dân sự tại nước này lại đạt kết quả nhiều hơn trông đợi.
Người biểu tình ở
Yangon dán biểu ngữ “truy nã” Tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo của quân đội
Myanmar. Ảnh: The New York Times.
Đó là nhận định của hai
tác giả Sophie Boisseau du Rocher, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, và Felix
Heiduk, Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Đức, trong bài viết đăng trên tạp
chí The Diplomat vào ngày 26/2. Theo họ, vấn đề lớn nhất trong cách tiếp cận của châu Âu trong
nhiều thập niên qua với Myanmar là đặt quá nhiều kỳ vọng vào những lãnh đạo
chính trị đối lập như Aung San Suu Kyi. Khi các chính trị gia này không hành
động được như mong muốn (như Aung San Suu Kyi đã bảo vệ quân đội Myanmar trước
cáo buộc diệt chủng), phương Tây thất vọng buông xuôi.’
Điều may mắn là trong
khoảng thời gian mở cửa ngắn ngủi vừa qua, các nước châu Âu đã đóng vai trò
quan trọng trong các dự án viện trợ phát triển (ODA) tại Myanmar. Kể từ năm
2014 đến 2020, châu Âu đã viện trợ gần 700 triệu euro (khoảng 840 triệu USD)
cho các dự án ODA tại Myanmar. Nhờ vậy, các tổ chức phi chính phủ (NGOs) và
những tổ chức dân sự tại nước này nhanh chóng phát triển, góp phần quan trọng
trong việc nâng cao dân trí và ý thức về dân chủ, dân quyền.
Khi quân đội đảo chính,
chính các NGOs và các nhà hoạt động xã hội dân sự là những lực lượng tích cực
nhất trong việc tổ chức, điều phối các hoạt động biểu tình phản đối chính quyền
quân sự.
Các chuyên gia về quan hệ
quốc tế trên cho rằng trong dài hạn, phương Tây vẫn có thể đóng góp vào quá
trình phát triển dân chủ tại Myanmar bằng việc tiếp tục hỗ trợ phát triển mạng
lưới xã hội dân sự, thay vì quá tập trung vào những chính trị gia đối lập.
Xét cho cùng, chính người
dân mới nắm trong tay vận mệnh của mình, và của cả đất nước.
Người biểu tình tại
Mandalay, Myanmar kêu gọi tham gia phong trào bất tuân dân sự (CDM), ngày
22/2/2021. Ảnh: AP.
Những người Myanmar hiểu
rõ điều đó. Bất chấp rủi ro thiệt mạng, họ vẫn quyết tâm xuống đường.
Phong trào bất tuân dân
sự (Civil Disobedience Movement – CDM) lan rộng khắp nơi, khi người dân trong mọi lĩnh vực
ngành nghề đều tham gia tẩy chay chính quyền quân sự. Họ hiểu rằng quân đội phụ
thuộc vào mình chứ không phải chiều ngược lại. Khi người dân không còn muốn hợp
tác, quân đội – bất kể vũ khí dồi dào đến đâu – cũng không thể điều hành một
đất nước chết (failed state).
Về phần cộng đồng quốc
tế, vai trò của từng cá nhân cũng quan trọng không kém các tổ chức hay chính
phủ các nước lớn.
Các bài báo, các phóng sự
điều tra phanh phui những đường dây liên hệ giữa các tổ chức
nước ngoài với quân đội Myanmar là cơ sở để buộc các tổ chức này phải cắt đứt
quan hệ hợp tác với chính quyền quân sự.
Việc các tập đoàn lớn như
Kirin của Nhật hay các công ty tài chính của Singapore bắt đầu xem xét lại quan
hệ với quân đội Myanmar là kết quả từ những sức ép như vậy.
Mỗi cá nhân có thể góp
thêm sức nặng qua quyền lựa chọn tiêu dùng của mình: tẩy chay những sản phẩm,
dịch vụ của các công ty hợp tác với quân đội Myanmar, gây áp lực buộc họ phải
đứng về phía người dân thay vì bắt tay với những kẻ đàn áp.
Người Việt Nam có thể sử
dụng cùng thứ quyền lực đó với các sản phẩm dịch vụ của Viettel. Người tiêu
dùng có quyền yêu cầu Viettel phải công khai mối quan hệ với quân đội Myanmar,
cũng như lập trường của họ đối với các hành vi gây tội ác chiến tranh của quân
đội nước này.
No comments:
Post a Comment