Sunday, 14 March 2021

VÌ SAO ĐÀN ÔNG LẠI SỐNG ÍT XANH HƠN PHỤ NỮ? (Nguyễn Sa - Luật Khoa)

 



 

Vì sao đàn ông lại sống ít xanh hơn phụ nữ?

NGUYÊN SA  -  LUẬT KHOA

12/03/2021

https://www.luatkhoa.org/2021/03/vi-sao-dan-ong-lai-song-it-xanh-hon-phu-nu/

 

Các hoạt động bảo vệ môi trường đang gắn liền với hình ảnh nữ nhi.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/03/pasted-image-0-2-1024x682.jpg

Nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg. Ảnh: Reuters.

 

Nam giới có xu hướng không thích cầm theo các loại túi có thể dùng lại được khi đi mua sắm, vì sợ bị cho là gay, hoặc nữ tính. Xu hướng tương tự cũng tồn tại đối với các hành động thân thiện với môi trường khác, như tái chế hay ăn chay.

 

Sống xanh được gắn liền với hình ảnh phụ nữ, và đó là một phần lý do khiến đàn ông từ chối trách nhiệm của mình.

 

Đó là kết luận của giáo sư Janet K. Swim và cộng sự thuộc khoa Tâm lý, Đại học Pennsylvania State, trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Sex Roles vào năm 2020.

 

Với cùng câu hỏi về mối quan hệ giữa bảo vệ môi trường và giới tính, một nghiên cứu khác đăng trên Journal of Consumer Research năm 2016 cũng có phát hiện tương tự. Theo đó, nam giới không chỉ tránh né, mà còn có xu hướng chống đối các hành vi bảo vệ môi trường để “giữ gìn bản sắc giới tính” (safeguard gender identity) của mình.

 

Hệ quả của cách nghĩ này là hiện tượng thiên lệch trong trách nhiệm với môi trường giữa hai giới. Công ty nghiên cứu thị trường Mintel (Anh) gọi đây là “eco gender gap” (khoảng cách sinh thái do giới tính).

 

Trong một báo cáo năm 2018, Mintel cho thấy nữ giới có tỷ lệ cam kết với lối sống xanh cao hơn so với nam giới. Theo khảo sát tại nước Anh, tỷ lệ phụ nữ có các thói quen tái chế, tiết kiệm nước hay tắt máy sưởi khi không sử dụng đều cao hơn so với nam. Chênh lệch ở mức khoảng 6 – 10%.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/03/pasted-image-0-1-1.jpg

Giới nào thân thiện với môi trường hơn? Kết quả nghiên cứu năm 2018. Nguồn: Mintel/ The Guardian

 

Vì sao lại có chuyện này?

 

Các nghiên cứu vào thập niên 90 thường cho rằng việc phụ nữ có xu hướng có trách nhiệm với môi trường hơn là do tính cách của họ. Theo đó, phụ nữ thì thường vị tha và có khả năng thấu cảm tốt, khiến họ muốn đóng góp cho xã hội nhiều hơn so với nam giới.

 

Rachel Howell, nhà nghiên cứu về phát triển bền vững thuộc Đại học Edinburgh cho rằng quan điểm đó có thể đúng một phần, nhưng các thảo luận về tính cách thường không dẫn chúng ta đến giải pháp nào đáng kể.

 

Bà mời gọi mọi người vượt qua các lằn ranh giới tính cá nhân để nhìn vấn đề từ góc độ xã hội.

 

Nguyên nhân truyền thống và quan trọng nhất là định kiến lâu đời cho rằng phụ nữ gắn với vai trò chăm sóc, bất kể là chăm sóc gia đình hay trái đất. Các thói quen sống xanh cũng xuất phát từ hoạt động hàng ngày trong gia đình, nơi mà phụ nữ đang phải gánh trách nhiệm nhiều hơn.

 

Bảo vệ môi trường là việc của phụ nữ cũng có logic giống như “việc nhà là việc của đàn bà”. Đàn ông đơn giản là ít được dạy chú tâm đến công việc gia đình.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/03/pasted-image-0-2-1.jpg

Phụ nữ thường được gán cho vai trò chăm sóc, bất kể là gia đình hay trái đất. Ảnh minh họa: Getty Images/ Rex Features/ Guardian.

 

Thị trường cũng xuôi theo định kiến này khi phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Nếu để ý, bạn sẽ thấy các sản phẩm theo trường phái sống xanh thường nhắm đến phụ nữ nhiều hơn đàn ông, từ túi vải, hóa chất gia dụng, mỹ phẩm có bao bì tái chế, cho đến những sáng kiến dành riêng cho phụ nữ như băng vệ sinh vải hay cốc nguyệt san.

 

Khi quảng cáo cho những sáng kiến như vậy, các công ty vô hình trung lại nhấn mạnh hình ảnh phụ nữ như những người bảo vệ môi trường, trong khi nam giới thì vắng bóng.

Từ góc độ quyền lực, giáo sư Howell cho rằng phụ nữ thường ít tin tưởng vào các thể chế sẵn có trong việc giải quyết các vấn đề hiện tại. Điều này khiến họ hành động nhiều hơn để tạo ra thay đổi.

 

Trong khi đó, nam giới, vốn xưa nay luôn được hưởng lợi từ các định chế (so với nữ), không có động lực gì để thay đổi cách sống của mình. “Họ thường có xu hướng tin rằng nếu như có vấn đề gì, ai đó hoặc công nghệ nào đó ắt sẽ có cách để giải quyết chúng”, giáo sư Howell nói.

 

 

Bảo vệ môi trường là một nhiệm vụ phi giới tính

 

Hiểu được các nguyên nhân của “eco gender gap” từ góc độ xã hội, ta có thể nghĩ về cách giải quyết chúng. Mấu chốt ở đây không phải là nói phụ nữ đừng có ham mê sống xanh nữa, mà là rủ rê nam giới cùng tham gia.

 

Cách bền vững nhất, và cũng mất nhiều thời gian nhất, là xóa bỏ các định kiến giới trong những việc đúng ra là cần sự chung tay của tất cả mọi người, bất kể giới nào. Việc nhà là một việc như vậy. Chăm sóc con cái là một việc như vậy. Bảo vệ môi trường cũng là một việc như vậy.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/03/manly.jpg

Cần xóa bỏ định kiến cho rằng thân thiện với môi trường = không nam tính. Ảnh minh họa: Shutterstock.

 

Định kiến lớn có thể thay đổi từ những điều chỉnh nhỏ trong giao tiếp. Chẳng hạn, khi kêu gọi mọi người giảm thiểu túi nilon, đừng chỉ kêu gọi các “các bà nội trợ”, mà phải kéo cả các ông vào.

 

Chúng ta nên làm quen với việc có nhiều người, đặc biệt là đàn ông lớn tuổi, sẽ không biết, không quan tâm, không hiểu vì sao lại cần thay đổi lối sống để bảo vệ môi trường.

Lần tới, nếu như nhìn thấy bố hay anh của bạn dùng túi nilon hay ly nhựa dùng một lần, hãy nói chuyện với họ về tác hại của những thứ đó. Đó có thể là lần đầu tiên họ nghe thấy những điều như vậy.

 

Chúng ta cũng cần các sản phẩm thân thiện với môi trường nhắm đến khách hàng là nam giới nhiều hơn.

 

Nếu như có mỹ phẩm đựng trong chai tái chế dành cho phụ nữ, vì sao lại không có dao cạo râu cán tre dành cho đàn ông? Nếu như có cốc nguyệt san để phụ nữ giảm rác thải ra môi trường trong mỗi kỳ kinh nguyệt, thì tại sao lại ít người quảng cáo về bao cao su có chất liệu thân thiện với môi trường đến thế?

Bạn có thể đang cười, nhưng sự thật là chẳng có lý do gì để đàn ông tránh né trách nhiệm của mình trong việc giảm thiểu rác thải của chính họ ra môi trường sống.

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats