Thursday, 11 March 2021

TẨY CHAY #BEIJING2022 (Vũ Hiến - Báo Trẻ Online)

 



Tẩy chay #Beijing2022

Vũ Hiến   

March 8th, 2021

https://baotreonline.com/tin-tuc/ghi-nhan-trong-tuan/tay-chay-beijing2022.baotre

 

Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh có thể còn một năm nữa mới diễn ra, nhưng các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa tin và hình ảnh cho thấy lãnh tụ Tập Cận Bình đội mũ lông, mặc áo khoác, đang đi thị sát các địa điểm tranh tài – từ dốc trượt tuyết cho tới sân trượt băng. Điều này cho thấy, đối với Trung Quốc, Thế vận hội Bắc kinh 2022 sẽ là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong năm để họ có dịp phô trương với thế giới về sức mạnh và sự phồn thịnh của đất nước họ.

 

https://baotreonline.com/tre_assets/uploads/2021/03/tay-chay-beijing2022.jpg

Tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh – nguồn Twitter 

 

Tuy nhiên, trên khắp thế giới, nhiều nhà hoạt động nhân quyền đang hy vọng là những cơ sở thể thao đó sẽ không được sử dụng trong khi họ đang kêu gọi các quốc gia hãy đồng thanh tẩy chay Thế vận hội 2022. Hạ viện Canada hôm thứ Hai 22/2 đã nhất loạt thông qua một kiến nghị cáo buộc Trung Quốc phạm tội “diệt chủng” đối với người Duy Ngô Nhĩ (Uyghurs) và các dân tộc thiểu số chủ yếu theo Hồi giáo khác sống ở khu vực phía tây của tỉnh Tân Cương, và đồng thời kêu gọi Uỷ ban Thế vận hội Quốc tế (IOC) nên dời Thế vận hội qua một quốc gia khác nếu Trung Quốc tiếp tục hành động nói trên. Các nhà lập pháp Hoa Kỳ trong tuần qua cũng đã lên tiếng kêu gọi mạnh hơn nữa việc tẩy chay để chống lại điều mà cả hai chính quyền Trump và Biden gọi đó là một cuộc diệt chủng tại Tân Cương. Hôm thứ Năm 25/2, Quốc hội Hoà Lan cũng đã ra tuyên bố nói rằng hành động của Trung Quốc trên nguyên tắc luật pháp quốc tế đã gây nên “tội ác diệt chủng”.

 

Ðương nhiên Bắc Kinh cực lực bác bỏ các cáo buộc diệt chủng và đàn áp tôn giáo tại Tân Cương chỉ là bịa đặt, đồng thời cảnh cáo họ sẽ trả đũa. Hôm thứ Ba 23/2, khi được các nhà báo đặt câu hỏi về bản tuyên bố của các nhà lập pháp Canada, phát ngôn nhân bộ ngoại giao Trung Quốc là Uông Văn Bân (Wang Wenbin) nói rằng Trung Quốc sẽ kiên quyết đáp trả bất kỳ hành động nào làm thiệt hại tới lợi ích của họ.

Hồi đầu tháng Hai, Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), tổng biên tập tờ báo quốc doanh Hoàn cầu Thời báo, đã gửi tweet: “Trung Quốc sẽ trừng phạt nghiêm khắc bất kỳ quốc gia nào chấp nhận lời kêu gọi [tẩy chay] trên”. Lời tweet này được gửi đi sau khi một liên minh gồm 180 nhóm vận động nhân quyền – rất nhiều trong số đó đang vận động ủng hộ cho nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác, cũng như cho người Tây Tạng, và cư dân Hồng Kông và Ðài Loan – đã lên tiếng kêu gọi tẩy chay “ngoại giao” đối với Thế vận hội Bắc Kinh, yêu cầu các chính phủ không gửi giới chức đại diện tới tham dự.

 

Chính quyền Joe Biden vẫn chưa đưa ra quyết định là Hoa Kỳ có tẩy chay Thế vận hội Mùa Ðông 2022 hay không trong khi ngày càng có nhiều áp lực từ nhiều phía muốn Hoa Kỳ huỷ bỏ tham gia tranh tài để phản đối chính sách phản nhân quyền của Trung Quốc.

 

https://baotreonline.com/tre_assets/uploads/2021/03/tay-chay-beijing2022a.jpg

Các nhà vận động nhân quyền biểu tình trước trụ sở IOC tại Lausanne, Thuỵ Sĩ – nguồn AP

 

Trong cuộc họp báo tuần qua, khi được hỏi lập trường của Tổng thống Biden về vấn đề này là sao, phát ngôn nhân Toà Bạch Ốc Jen Psaki cho biết: “Chưa có quyết định cuối cùng được đưa ra về điều đó, và tất nhiên chúng tôi sẽ chờ hướng dẫn từ Uỷ ban Thế vận hội Hoa Kỳ.”

 

Câu trả lời này đã đánh dấu một sự thay đổi nhỏ so với cuộc họp báo hồi đầu tháng khi Psaki ra dấu tỏ ý rằng Hoa Kỳ sẽ không thay đổi kế hoạch tham gia Thế vận hội Mùa Ðông được tổ chức mỗi bốn năm một lần.

 

Ngoài vấn đề nhân quyền, nhiều chính trị gia tại Washington còn chỉ ra trách nhiệm của Trung Quốc về trận đại dịch và một điều rõ ràng là con vi khuẩn corona đã xuất phát từ thành phố Vũ Hán, nhưng cho tới nay Bắc Kinh vẫn tìm cách lấp liếm.

 

Thế vận hội Mùa Ðông Bắc Kinh 2022 dự trù được khai mạc vào ngày 4 tháng Hai 2022.

Những lời cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền cho đến nay không hẳn là điều gì mới mẻ. Ngay từ mùa Hè năm 2018, một hội đồng gồm các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ quan ngại về những phúc trình rất đáng tin cậy rằng Trung Quốc đã giam giữ ít nhất khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung cải tạo, biến khu vực Tân Cương thành một trại tù khổng lồ với hàng loạt toà nhà kiên cố có hàng rào bao xung quanh được dựng lên khắp nơi.

Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet hôm thứ Sáu 26/2 đã lên tiếng kêu gọi thành lập một uỷ ban điều tra độc lập để đánh giá toàn diện về tình trạng nhân quyền tại Tân Cương, và bà nói thêm rằng văn phòng của bà đang xem xét các phúc trình về việc giam giữ tùy tiện, đối xử tồi tệ và bạo lực tình dục của các giới chức an ninh Trung Quốc đối với những người tù nói trên.

 

Ðể tìm cách lấp liếm cũng như bác bỏ những vi phạm nhân quyền của họ, trong mấy năm qua, Bắc Kinh cố tình đưa ra một định nghĩa khác về nhân quyền theo quan điểm của họ bằng cách khẳng định rằng các quyền của con người như phát triển và an ninh phải có trước quyền về tự do và dân chủ, và mỗi quốc gia phải thúc đẩy các quyền trên dựa trên tình hình đặc thù của họ. Theo nhận định của tiến sĩ Rosemary Foot, tác giả cuốn sách nghiên cứu “Trung Quốc, Liên Hiệp Quốc và vấn đề Bảo vệ Con người: Niềm tin, Quyền lực, Thể diện” (China, the UN, and Human Protection: Beliefs, Power, Image), Trung Quốc về cơ bản đang cho phát động “một cuộc tấn công vào tính phổ quát [về định nghĩa nhân quyền], bằng cách nói rằng các quốc gia khác nhau ở các cấp độ khác nhau của sự phát triển, và do đó chúng ta không thể mong đợi một sự tuân thủ mang tính cách chung đối với các quyền [của con người].”

 

https://baotreonline.com/tre_assets/uploads/2021/03/tay-chay-beijing2022b.jpg

Tháp Thế vận hội Mùa Đông tại Bắc Kinh – nguồn Reuters

 

Hiện nay Bắc Kinh đang ráo riết tập trung sự vận động của họ tại Liên Hiệp Quốc, nơi mà sức ảnh hưởng của Trung Quốc lên Hội đồng Nhân quyền ngày càng mạnh, đặc biệt là sau khi Hoa Kỳ rút ra khỏi hội đồng này vào năm 2018.

 

Chính quyền Biden dự tính sẽ gia nhập trở lại Hội đồng Nhân quyền và sẽ cạnh tranh với Trung Quốc và các nước độc tài khác trong việc thiết lập chương trình nghị sự về nhân quyền dựa trên tiêu chuẩn chung của quốc tế và đã được Liên Hiệp Quốc công nhận.

Phát biểu trước hội đồng hôm thứ Hai 22/2, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken kêu gọi phải đẩy lùi “những nỗ lực trắng trợn nhằm phá hoại các giá trị mà dựa trên đó Liên Hiệp Quốc được thành lập – bao gồm cả việc mỗi cá nhân chúng ta đều được ban tặng với các quyền con người và các quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ các quyền căn bản đó. Những quốc gia nào ẩn mình dưới lớp vỏ thúc đẩy phát triển kinh tế trong khi tìm cách phá hoại nhân quyền sẽ bị quy trách nhiệm.” Mặc dù không nói trắng ra nhưng ai cũng biết rõ ràng là ám chỉ Trung Quốc. Ông Blinken còn nói thêm: “Chúng tôi sẽ lên tiếng bảo vệ các giá trị phổ quát khi mà các hành động tàn bạo được thực hiện ở Tân Cương hoặc khi các quyền tự do căn bản bị hủy hoại ở Hồng Kông.”

 

Trong khi đó, những lời kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Mùa Ðông ngày càng gây được sự chú ý thì Bắc Kinh đang cố gắng giảm thiểu khả năng có thể bị mất mặt trên bình diện quốc tế bằng cách lên tiếng cảnh cáo về những hậu quả tai hại trong tương lai.

 

Các chuyên gia dự đoán kết quả có nhiều khả năng xảy ra nhất là những lời kêu gọi tẩy chay sẽ làm nổi bật lên những vụ ngược đãi nhân quyền và có thể khiến các nhà tài trợ cá nhân, các lực sĩ hoặc giới chức đại diện chính phủ trên thế giới sẽ rút lui không tham dự. Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm bịt miệng những tiếng nói chỉ trích có thể sẽ gây phản ứng ngược và khiến mọi người tìm cách lánh xa.

 

Khi mà quốc gia tổ chức Thế vận hội cũng chính là quốc gia phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và trắng trợn bắt buộc người ta phải tự hỏi là nếu tham gia thì phải chăng chính mình cũng đã chấp nhận và tạo điều kiện góp phần vào hành vi của chế độ đó? Tham dự Thế vận hội Mùa Ðông 2022 cũng chính là một cách gián tiếp đồng lõa với Bắc Kinh.

 

https://baotreonline.com/tre_assets/uploads/2021/03/tay-chay-beijing2022c.jpg

Người biểu tình gọi Thế vận hội Bắc Kinh là Thế vận hội Diệt chủng- nguồn South China Morning Post

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats