Nhà
hàng của người Việt bị phá hoại lần thứ ba, và những chuyện kỳ thị chủng tộc
Kalynh Ngô/Người Việt
March 3, 2021
PORTLAND, Oregon (NV) – “Tôi rất sợ, không
biết họ sẽ làm gì tiếp theo nữa,”
ông Thu Nguyễn, 57 tuổi, chủ nhân nhà hàng Utopia Restaurant & Lounge ở
Portland, Oregon, đã phải lo sợ thốt lên như thế vào sáng Thứ Ba, 2 Tháng Ba.
Hôm đó là lần thứ ba, kể từ Tháng Mười Hai năm ngoái, nhà hàng của vợ chồng ông
bị ném đá bể cửa kính.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/03/DP-Ky-thi-chung-toc-Viet-1-1536x1074.jpg
“Cửa kính hai lớp ở ngay trước mặt tiền tiệm,
hướng của đường 82, may mắn là bị vỡ phần kính ngoài, không xuyên vào lớp kính
thứ hai,” ông Thu Nguyễn, chủ nhân nhà hàng Utopia Restaurant & Lounge ở
Portland, Oregon, nói việc nhà hàng bị ném đá. (Hình: Thu Nguyễn cung cấp)
Lần này, ông Thu càng có thêm niềm tin rằng hành
động phá hoại nhà hàng của mình là một phần của phân biệt chủng tộc mà người Mỹ
gốc Á phải đối mặt kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19.
“Tôi rất lo, không
biết phải làm sao”
Khoảng hai tuần trước, ông Thu Nguyễn đã lo lắng tự
hỏi liệu cửa tiệm mình có bị đập phá lần nữa hay không? Sáng sớm 2 Tháng Ba,
nỗi lo sợ đó đã thành sự thật khi ông nghe nhân viên báo lại rằng cửa kính nhà
hàng lại bị phá vỡ.
“Tôi
lo lắm. Ba lần rồi, tại sao họ lại phá mình như vậy? Rồi sẽ có chuyện gì nữa?
Nếu họ đập vào bên trong nhà hàng thì làm sao? Giờ tôi không biết phải làm sao
nữa,” ông Thu Nguyễn nói với phóng viên nhật báo Người
Việt ngay sau khi ông nhận được tin báo từ nhân viên của mình.
Vẫn như hai lần trước, theo lời ông kể, cửa kính có
dấu hiệu bị một vật nặng ném vào. Lần này, vì hệ thống camera ghi hình của nhà
hàng bị hỏng, nên không ghi lại được sự việc xảy ra như khoảng hai tuần trước.
“Cửa
kính hai lớp ở ngay trước mặt tiền tiệm, hướng của đường 82, may mắn là bị vỡ
phần kính ngoài, không xuyên vào lớp kính thứ hai,” ông Thu nói, và cho biết ông đã báo cảnh sát địa phương.
Hai lần trước, nhà hàng của ông bị ném đá vào cửa
kính hướng ra phía khu vực đậu xe của plaza. Khi xem lại đoạn camera ghi hình
được vào ngày 21 Tháng Mười Hai, ông Thu nói thấy một xe van màu trắng chạy vào
bãi đậu xe. Sau đó, có một người bước ra khỏi xe với cục đá trong tay, ném vào
cửa kính của nhà hàng và quay trở lại xe chạy đi.
“Lúc
đầu tôi nghĩ ai đó không hài lòng, không thích dịch vụ của chúng tôi. Nhưng sau
đó, ngày 29 Tháng Giêng lại xảy ra lần nữa, nên tôi nghĩ là ‘something wrong.’
Rồi khi biết có nhiều tiệm có chủ gốc Á gần đây cũng bị phá tương tự, thì tôi
nghĩ đây là hành động của ‘hate crimes,’” ông Thu nói.
Những lần nhà hàng bị ném đá, ông Thu đều báo với
cảnh sát địa phương và cung cấp hình ảnh từ camera ghi hình. Tuy nhiên, theo
ông nói, cho đến nay vẫn chưa tìm ra người ném đá.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/03/DP-Ky-thi-chung-toc-Viet-2-1536x1152.jpeg
Nhà
hàng Utopia Restaurant & Lounge ở Portland, Oregon, của ông Thu Nguyễn bị
ném đá. Cửa bên hông phải dùng ván đóng lại vì bị vỡ. (Hình: Thu Nguyễn cung
cấp)
Chỉ xảy ra từ khi có dịch COVID-19
Ông Thu Nguyễn là người tị nạn gốc Việt sang Mỹ năm
1986. Vợ của ông là bà Bích Vân Lê, sang Mỹ năm 1992. Năm 2006, ông bà mở nhà
hàng Utopia Restaurant & Lounge. Công việc kinh doanh thuận lợi. Nhà hàng
không gặp bất kỳ hành vi phá hoại nào, cho đến khi dịch virus Corona xảy ra.
Tuy không dám khẳng định đó là phản ứng của sự kỳ thị chủng tộc liên quan đến
dịch bệnh COVID-19 xuất phát từ Trung Quốc, nhưng theo ông Thu, ngoài lý do đó
ra, ông không thể nghĩ đến lý do nào khác.
Nhà hàng Utopia của vợ chồng ông Thu Nguyễn là một
trong ít nhất 13 cơ sở thương mại ở Jade District, khu buôn bán đa số do người
gốc Á Châu là chủ, đã bị đập cửa kính từ cuối Tháng Giêng, 2021.
Vào chiều Thứ Năm, 25 Tháng Hai, tổ chức Nailing It
For America đã tổ chức một cuộc họp báo ở Garden Grove kêu gọi các cộng đồng
chống lại các hành vi kỳ thị người Á Châu liên quan dịch COVID-19.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/03/DP-Ky-thi-chung-toc-Viet-3-1536x1526.jpg
Vợ chồng ông Thu Nguyễn. (Hình: Thu Nguyễn
cung cấp)
Trong buổi họp báo, bà Linda Nguyễn, người điều hành của nhóm y tế 360 clinic đã kể
lại câu chuyện bị kỳ thị mà chính bà là nạn nhân. Vào Tháng Ba năm ngoái, lúc
đại dịch khởi phát, bà Linda đi mua sắm trong một cửa hàng Target thì hai vợ
chồng đứng phía sau có thái độ kỳ lạ. Họ đã ho và nói nên tránh xa vợ chồng của
bà vì “bà Linda nhiễm virus Corona.” Thêm vào đó, khi đi làm, bà Linda nghe một
nhân viên đùa giỡn và gọi đại dịch này là “virus Trung Quốc,” làm nhiều nhân
viên khác cười theo.
Theo ghi nhận của tờ People, tội phạm do thù ghét
và nạn kỳ thị người gốc Á tăng lên từ đầu đại dịch COVID-19 đến nay. Nhiều người đã đồng ý nguyên nhân của việc này một phần là do cựu Tổng
Thống Donald Trump – người đã gọi COVID-19 là “virus Trung Quốc” và “Kung Flu”
– là nguyên nhân dẫn đến sự phân biệt và kỳ thị chủng tộc.
Bà Duncan Hwang, 39 tuổi, phó giám đốc Mạng
Lưới Người Mỹ Gốc Châu Á Thái Bình Dương ở Portland, cho biết: “Lời nói có
ảnh hưởng vô cùng và có thể được sử dụng để kích động bạo lực. Chúng ta đang
thấy điều đó ở đây. Mọi người cảm thấy đúng khi nhắm mục tiêu vào người Mỹ gốc
Hoa vì họ gây ra đại dịch.”
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/03/DP-Ky-thi-chung-toc-Viet-4-1536x1024.jpg
Camera ghi hình nhà hàng Utopia bị ném đá.
(Hình: Thu Nguyễn cung cấp)
Người Mỹ gốc Á là nạn nhân
Thật ra, kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện,
người Mỹ gốc Á nói chung đã phải hứng chịu sự kỳ thị chủng tộc.
Tháng Hai, 2020, cô Tori Võ, cư dân của San Jose, California, đã từng phải đối diện
với sự phân biệt đối xử trên một chuyến bay của hãng Volaris, chỉ vì cô là
“người gốc Á.”
Cô Tori kể với phóng viên nhật báo Người Việt, cô
đã gặp phải thái độ “không thiện cảm” của nhân viên hãng bay Volaris từ khi
đứng chờ ở cổng vào máy bay.
“Ở quầy check-in, họ hỏi tôi là trong 30 ngày vừa
qua bạn có đi Trung Quốc không. Tôi trả lời là không, thì họ lại cười nói với
nhau bằng tiếng của họ (Spanish). Rồi đến chờ boarding, ghế ngồi của tôi là 1A,
tôi vào máy bay chung với group 3. Một nam nhân viên ở cửa máy bay không lấy vé
của tôi, mà bảo tôi ‘No, you go over there.’ Tôi làm theo như thế. Khi đưa vé
máy bay cho một nữ nhân viên khác thì người này xem rồi bảo tôi có thể vào.
Nhưng người nam nhân viên khi nãy không cho, vẫn nói ‘No, you go over there.
You need to be checked,’” cô Tori kể lại.
Sự kỳ thị lên đến “đỉnh điểm” khi cô Tori vào trong
máy bay. Ghế ngồi 1A của cô “được” chuyển cho một hành khách khác. Một trong
những tiếp viên của phi hành đoàn hôm đó đề nghị cô Tori chuyển sang ghế 12B mà
không nêu được bất kỳ lý do nào. Cô đã phải chấp nhận ngồi vào chiếc ghế bất
đắc dĩ với dòng nước mắt tủi thân. Sự việc chưa dừng lại ở đó. Khoảng một tiếng
đồng hồ sau, là thời gian phục vụ nước uống cho hành khách. Chai nước suối thay
vì đưa tận tay cho khách thì được “quăng” lên ghế trống bên cạnh nữ hành khách
gốc Á này.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/03/DP-Ky-thi-chung-toc-Viet-5-1155x1536.jpg
Chai nước bị ném vào ghế bên cạnh cô Tori Võ,
cư dân của San Jose, California, trên một chuyến bay của hãng Volaris, chỉ vì
cô là “người gốc Á.” (Hình: Tori Võ cung cấp)
“Khi
đến phi trường San Jose, chuẩn bị ra khỏi máy bay, tôi dự tính sẽ đến tìm tiếp
viên trưởng của chuyến bay để nói chuyện. Nhưng lúc đó vì tôi rất tức giận, tôi
sợ không kềm chế được, và cũng là lần đầu tiên trong đời tôi gặp phải sự kỳ thị
như vậy, cho nên tôi đã thôi. Về đến nhà, tôi mới gửi email để khiếu nại hãng
bay Volaris,” cô Tori nói.
Một gia đình Mỹ gốc Á khác, vào ngày Lễ Độc Lập 4
Tháng Bảy, 2020, cũng là nạn nhân của tình trạng kỳ thị chủng tộc. Đó là gia
đình ông bà Raymond Orosa, ở Carmel
Valley, miền Bắc California.
Chuyện xảy ra ở nhà hàng Lucia Restaurant and Bar ở
Carmel Valley. Hôm đó, ngày 4 Tháng Bảy, 2020, Lễ Độc Lập của nước Mỹ, cũng là
sinh nhật của bà Mari Orosa, vợ ông Raymond Orosa, một gia đình người Mỹ gốc
Philippines. Không khí buổi tiệc vui nhanh chóng bị một người đàn ông da trắng
ngồi ở bàn đối diện cắt ngang. Người này có những lời nói thô tục, mang nặng sự
kỳ thị như: “F— Asians.”
Nói với phóng viên nhật báo Người Việt qua điện
thoại, ông Orosa cho biết: “Gia đình chúng tôi đang trò chuyện vui vẻ với nhau,
thì tôi nghe rất rõ tiếng nói từ bàn bên cạnh, là ‘F— Asians.’ Khi đó, Jordan
Chan, cháu của tôi, nhanh chóng ghi hình lại và yêu cầu ông ta lặp lại lời nói
khi nãy. Sau đó thì tất cả những gì xảy ra là như bạn thấy trong video.”
Đoạn ghi hình cho thấy khi cô Jordan yêu cầu người
đàn ông da trắng lặp lại lời nói, thì ông ta đưa ngón tay giữa lên, và nói:
“Trump sẽ f— mấy người. Các người f— phải rời khỏi (nước Mỹ?). Các người f—
Châu Á…”
Theo lời ông Orosa, biểu hiện của người đàn ông đó
rất giận dữ và đầy vẻ căm thù.
Trả lời về việc liệu có nguyên nhân nào dẫn đến
thái độ đó, ví dụ gia đình ông Orosa đã trò chuyện lớn tiếng làm cho người đàn
ông da trắng cảm thấy không thoải mái trong không gian nhà hàng, ông Orosa nói:
“Hoàn toàn không. Chúng tôi trao đổi với nhau vừa phải. Chúng tôi thật sự
không hiểu được vì sao ông ấy nổi giận và có lời lẽ như thế.”
Chuyện mới nhất liên quan kỳ thị chủng tộc xảy ra ở
Ladera Ranch, California. Ngay sau khi chuyển đến California vài tháng trước, gia đình của ông Haijun Si đã gặp phải
hàng loạt những phản ứng tiêu cực liên quan đến “hate crimes.”
Nhà của ông Si bị nhóm thanh niên liên tục kéo đến
mỗi đêm, bấm chuông, la hét, đập cửa. Có người nói ông Si rằng: “Go back to
your country.” Có người thì dùng những từ rất “thấp kém” để gọi vợ của ông Si,
một người Trung Quốc. Thậm chí, có những người đã ném đá vào nhà ông. Theo
tường thuật của nhật báo Los Angeles Times, gia đình ông Si phải thay phiên
nhau “làm bảo vệ” bên ngoài căn nhà của họ. Họ dựng hàng rào, gọi cảnh sát…
nhưng các hành động quấy phá vẫn không dừng lại. Sau đó, những ngôi nhà xung
quanh phải “vào cuộc.”
Mỗi tối, hàng xóm tụ tập về ngôi nhà hai tầng của
gia đình ông Si, đặt ghế ngồi trước lối đi vào nhà ông. Những người khác theo
dõi xe của họ hoặc “tuần tra” các công viên gần đó.
Cho dù ông Thu Nguyễn đã phải lấp những ván gỗ dày
để chắn kính, nhưng, như ông đã tự hỏi: “Nếu họ vào trong tiệm quấy phá thì
sao?” Rồi những hàng xóm tốt bụng của ông Si phải giúp ông ngồi canh cửa cho
đến bao giờ? Và, trong tương lai, khi vaccine đã ngăn chặn được COVID-19 ở Mỹ, thì
liệu sự kỳ thì chủng tộc nhắm vào người gốc Á Châu có được dừng lại và họ sẽ
không còn bị gọi là “virus Trung Quốc?” [qd]
No comments:
Post a Comment