Thursday, 18 March 2021

NGƯỜI GỐC Á CHÂU Ở HOA KỲ LO SỢ, TỨC GIẬN SAU VỤ THẢM SÁT Ở ATLANTA (Người Việt)

 



Người gốc Á Châu ở Mỹ lo sợ, tức giận sau vụ thảm sát ở Atlanta

Người Việt

March 18, 2021

https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/cong-dong/nguoi-goc-a-chau-o-my-lo-so-tuc-gian-sau-vu-tham-sat-o-atlanta/

 

LOS ANGELES, California (NV) – Anh Phil Yu không ngạc nhiên khi hay tin một người da trắng bắn chết tám người, gồm sáu phụ nữ Á Châu, tại ba tiệm massage ở Atlanta quảng cáo có thợ “Á Châu” hoặc “ngoại quốc.”

 

Hôm Thứ Tư, 17 Tháng Ba, một ngày sau vụ thảm sát, anh Yu nói đã nhìn thấy trước chuyện này, theo nhật báo The Los Angeles Times.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/03/TS-nguoi-goc-a-chau-o-my-1-1536x1150.jpg

Hôm Thứ Tư, 17 Tháng Ba, anh Jesus Estrella, cư dân Kennesaw, Georgia, biểu tình kêu gọi chấm dứt thù ghét người gốc Á Châu, bên ngoài Youngs Asian Massage, một trong ba tiệm massage bị tấn công. (Hình minh họa: Curtis Compton/Atlanta Journal-Constitution via AP)

 

“Là người Á Châu ở đất nước này, cho dù sinh sống ở đây bao lâu hoặc đến đây như thế nào, người ta cũng luôn cảm thấy không được hoan nghênh,” anh Yu, một blogger và nhà bình luận ở Nam California lấy tên trên mạng là “Angry Asian Man,” nhận xét.

 

Nhiều người Mỹ gốc Á Châu vừa lo sợ vừa tức giận, xem vụ giết người ở Atlanta là kết cục của nạn tấn công vì kỳ thị chủng tộc ngày càng tăng nhắm vào người gốc Á Châu.

 

Cảnh sát loan báo động lực của nghi can Robert Aaron Long, 21 tuổi, cư dân Woodstock, Georgia, là “nghiện tình dục,” và cho hay có lẽ vụ thảm sát không liên quan vấn đề chủng tộc.

 

Hôm Thứ Tư, nghi can Long bị truy tố tội giết người và tấn công nghiêm trọng.

 

Tuy nhiên, nhiều người Mỹ gốc Á Châu nghĩ khác. Theo họ, vụ tấn công mang tính kỳ thị chủng tộc vì phần lớn nạn nhân là người gốc Á Châu và doanh nghiệp bị tấn công cũng nổi tiếng là thuê nhân viên gốc Á Châu.

 

Họ lo sợ cho gia đình lẫn bản thân. Họ than van “giấc mơ Mỹ” khó nhọc của người nhập cư bị hoen ố vì nạn thù ghét. Vài phụ nữ Mỹ gốc Á Châu kể lại những lần bị đàn ông da trắng làm nhục.

 

Vụ thảm sát ở Atlanta xảy ra trong tuần mà tổ chức Stop AAPI Hate (Ngăn Chặn Nạn Thù Ghét Người Mỹ Gốc Á Châu và Người Pacific Islander) loan báo hàng ngàn người Mỹ gốc Á Châu và người Pacific Islander bị chửi bới và tấn công kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu hơn một năm trước.

 

Cũng trong tuần này, cựu Tổng Thống Donald Trump lại gọi COVID-19 là “virus Trung Quốc” trên truyền hình.

 

Dân Biểu Judy Chu (Dân Chủ-California) hôm Thứ Năm điều trần trước Quốc Hội về nạn tấn công vì thù ghét người gốc Á Châu ngày càng tăng.

 

Bà Chu là phụ nữ Mỹ gốc Hoa đầu tiên được bầu vào Quốc Hội. Bà hiện là chủ tịch Nhóm Người Mỹ Gốc Châu Á Thái Bình Dương Của Quốc Hội.

 

Cũng như một số người Mỹ gốc Á Châu khác, bà Chu quy cái chết của tám người ở Atlanta cho cựu Tổng Thống Trump.

 

“Cựu Tổng Thống Trump rõ ràng kích động nạn thù ghét người AAPI qua lời nói của ông,” bà Chu phát biểu ở Quốc Hội hôm Thứ Tư trong buổi họp báo hằng tuần của nhóm này, vì gọi COVID-19 là “kung flu” (cúm Tàu), “virus Vũ Hán,” và “virus Trung Quốc.”

 

“Chuyện xảy ra hôm qua (vụ thảm sát ở Atlanta) chính là hậu quả,” bà nói.

 

Ít nhất bốn phụ nữ bị sát hại ở Atlanta là người gốc Nam Hàn. Báo chí tiếng Hàn đăng đầy tin tức về vụ này.

 

Tại siêu thị H Mart của người Nam Hàn ở Garden Grove, California, một số khách hàng tranh luận về động lực của nghi can.

 

Có người thắc mắc tại sao các nhà điều tra không tập trung nhiều hơn vào “mục tiêu liên quan chủng tộc” của kẻ nổ súng.

 

Khi phóng viên LA Times hỏi họ nghĩ như thế nào về vụ thảm sát ở Atlanta, vài khách hàng cao niên quay đi.

 

“Chúng tôi không muốn cũng trở thành mục tiêu,” một người nói.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/03/TS-nguoi-goc-a-chau-o-my-2-1536x942.jpg

Nhiều dân cử và lãnh đạo tôn giáo vùng Little Saigon tập họp ở Garden Grove, California, hôm 17 Tháng Ba để phản đối nạn thù ghét người gốc Á Châu. (Hình minh họa: Đằng Giao/Người Việt)

 

Tại tiệm bánh Paris Baguette gần H Mart, bà Elizabeth Choi, người Mỹ gốc Hàn, đang mua bánh sinh nhật.

 

Bà cho hay thỉnh thoảng gia đình cũng nhắc đến những vụ tấn công vì thù ghét người gốc Á Châu, nhưng dường như “chỉ nói qua loa, cho đến khi chúng tôi nghe tin anh chàng đó bắn các nhân viên tiệm massage.”

 

“Ai lại muốn hãm hại nhân viên nghèo khổ? Dường như có gì đó căng thẳng hơn – đúng, chúng tôi đang lo sợ,” bà Choi nói thông qua người phiên dịch. “Sợ lắm. Kinh hãi.”

 

Bà Choi, 51 tuổi, cư dân Brea, cho hay con gái bà khuyên không đi “quá nhiều nơi bên ngoài khu vực của người gốc Á Châu.”

 

“Họ mà muốn tìm gương mặt Trung Quốc” để đổ lỗi cho COVID-19, “bất kỳ gương mặt Á Châu nào” cũng thích hợp, con gái bà Choi nói với bà.

 

Đầu năm 2020, khi tin tức về COVID-19 lây lan ở Á Châu và Âu Châu chứ chưa đến Mỹ, cô Christine Liwag Dixon đã chuẩn bị cho tình huống xấu.

 

Cô Dixon lai da trắng với Philippines, 31 tuổi, làm nhà văn ở New York. Ngay từ những ngày đầu đại dịch, bạn bè và người thân của cô kể họ nghe nhiều lời kỳ thị người Á Châu.

 

“Lúc đó, tôi sợ đến không dám ra khỏi nhà,” cô cho hay.

 

Sau đó, khi đánh liều ra ngoài đi bộ trong khu phố một lần hồi năm ngoái, cô tự hỏi: “Lỡ người ta nói gì đó? Lỡ người ta ném gì đó vào mình thì sao?”

 

Khi xem tin tức về vụ thảm sát ở Atlanta và biết về nạn tấn công người gốc Á Châu gia tăng ở New York, cô Dixon bật khóc.

 

Khi các giới chức nói vụ xả súng không có động lực kỳ thị chủng tộc, cô cười không tin.

“Tôi nghĩ nói như vậy là tào lao,” cô nhận xét. (Th.Long) [qd]

 

*

Nổ súng tại 3 tiệm massage ở Atlanta, 8 người chết, 1 nghi can bị bắt

Mar 16, 2021

 

---------------------

 

Xem Thêm

 

Tấn công cụ bà gốc Á Châu ở San Francisco, nghi can ‘lên cáng’

Mar 18, 2021

 

Little Saigon phản ứng vụ nổ súng giết người gốc Á ở Atlanta

Mar 17, 2021

 

Tuyên truyền thượng tôn da trắng tăng ‘báo động’ trong năm 2020

Mar 17, 2021

 

Họp mặt chống kỳ thị người Châu Á tại Garden Grove

Mar 18, 2021

 

========================================

.

.

Nhà lập pháp, chuyên gia kêu gọi sửa cách nói về COVID-19 nhằm tránh bạo lực chống người gốc Á

Người Việt

March 18, 2021

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/nha-lap-phap-chuyen-gia-keu-goi-sua-cach-noi-ve-covid-19-nham-tranh-bao-luc-chong-nguoi-goc-a/

 

WASHINGTON, DC (NV) – Các nhà lập pháp và chuyên gia kêu gọi thay đổi cách nói về COVID-19 và chính sách ngoại giao, cũng như ra luật mới về tội phạm thù ghét, nhằm giải quyết nạn kỳ thị và bạo lực gia tăng nhắm vào người Mỹ gốc Á Châu, theo CNBC.

 

Lời kêu gọi được đưa ra trong buổi điều trần trước tiểu ban Tư Pháp Hạ Viện hôm Thứ Năm, 18 Tháng Ba.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/03/TS-nha-lap-phap-chuyen-gia-1-1536x1024.jpg

Nailing It For America tổ chức buổi thắp nến ở Fountain Valley, California, hôm 4 Tháng Ba, để kêu gọi chấm dứt nạn thù ghét người Á Châu. (Hình minh họa: Patrick T. Fallon/AFP via Getty Images)

 

Buổi điều trần được tổ chức sau vụ xả súng ở Atlanta, Georgia, hôm Thứ Ba làm tám người chết, gồm sáu phụ nữ gốc Á Châu, khiến cộng đồng người Mỹ gốc Á Châu khắp nước Mỹ thêm lo sợ.

 

“Buổi thảo luận của chúng ta hôm nay đã quá hạn lâu rồi, và Quốc Hội phải nhất thiết làm rõ vấn đề này,” Dân Biểu Jerrold Nadler (Dân Chủ-New York), chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện, nói. “Buổi điều trần gần đây nhất của Quốc Hội về bạo lực đối với người Mỹ gốc Á Châu là hồi năm 1987, ở tiểu ban này.”

 

Ông Nadler cho biết thêm: “Quốc Hội không đề cập vấn đề này 34 năm là quá lâu. Chính phủ phải điều tra thấu đáo và nhanh chóng giải quyết tình trạng căng thẳng và bạo lực ngày càng tăng nhắm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á Châu, nhất là liên quan đại dịch COVID-19, vì mạng sống cũng như công việc làm ăn của họ đang thực sự lâm nguy.”

 

Trong buổi điều trần, giới chức dân cử, nhà nghiên cứu và nhà hoạt động người Mỹ gốc Á Châu đưa ra nhiều bằng chứng tóm lược cách đối xử với người gốc Á Châu suốt lịch sử Mỹ, đồng thời, kể lại chuyện bản thân bị kỳ thị. Họ kêu gọi chính phủ ra tay.

 

“Đấu tranh chống nạn thù ghét không phải là vấn đề của đảng phái,” Dân Biểu gốc Hàn Michelle Steel (Cộng Hòa-California) nhấn mạnh. “Ai ai cũng có thể đồng ý rằng bạo lực nhắm vào bất kỳ cộng đồng nào đều không thể tha thứ.”

 

Nhiều người tham dự buổi điều trần nêu rõ tác hại của việc các giới chức đổ lỗi cho Trung Quốc về COVID-19 và dùng từ ngữ xúc phạm như “Kung flu” (cúm Tàu) và “virus Trung Quốc” để nói về đại dịch này, đặc biệt là cựu Tổng Thống Donald Trump.

 

Dân Biểu gốc Hoa Judy Chu (Dân Chủ-California), chủ tịch Nhóm Người Mỹ Gốc Á Châu Thái Bình Dương Của Quốc Hội, cho rằng những kẻ thù ghét và tấn công người Mỹ gốc Á Châu “bị kích động do lời nói của cựu Tổng Thống Trump, vì ông Trump cố tránh bị người ta đổ lỗi và tức giận cách chống dịch thất bại của ông ấy.”

 

Các chuyên gia cho hay, theo nghiên cứu, giữa lời nói của nhà lãnh đạo với nạn thù ghét có mối liên hệ với nhau.

 

“Những lời nói này rất quan trọng, nhất là khi Tòa Bạch Ốc thời chính quyền trước liên tục đưa ra. Các nhà nghiên cứu nhận thấy lời nói chống người gốc Á của nhà lãnh đạo có liên hệ trực tiếp đến số vụ kỳ thị người Mỹ gốc Á Châu gia tăng,” theo bà Erika Lee, giáo sư lịch sử và nghiên cứu người Mỹ gốc Á Châu của University of Minnesota.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/03/TS-nha-lap-phap-chuyen-gia-2-1536x1024.jpg

Một số cư dân Philadelphia, Pennsylvania, hôm 17 Tháng Ba thắp nến kêu gọi chấm dứt nạn thù ghét người Á Châu. (Hình minh họa: Joe Lamberti/Camden Courier-Post via AP)

 

Các nhà lập pháp và nhà hoạt động còn thảo luận về việc chính sách ngoại giao của Mỹ ảnh hưởng ra sao đến cách đối xử với người Mỹ gốc Á Châu.

 

“Đúng là chúng ta có lo ngại chính đáng và khác biệt về địa chính trị với chính phủ và đảng Cộng Sản Trung Quốc, nhưng có thể còn lâu. Nhưng nếu chúng ta không cẩn thận, những khác biệt đó sẽ gây hậu quả cho cộng đồng người Mỹ gốc Á Châu của chúng ta,” ông John Yang, chủ tịch tổ chức dân quyền Bảo Vệ Công Lý Cho Người Mỹ Gốc Á Châu, nói.

 

Ông Yang và một số người khác nhắc lại chuyện xảy ra với người Mỹ gốc Nhật trong Đệ Nhị Thế Chiến, cũng như với người Mỹ gốc Ả Rập, Trung Đông, Hồi Giáo và Nam Á sau vụ khủng bố 11 Tháng Chín, 2001, để làm ví dụ chính sách ngoại giao của Mỹ ảnh hưởng trực tiếp đến các cộng đồng ở trong nước.

 

“Trong 24 giờ qua, chúng tôi nghe nhiều người nói nạn kỳ thị người gốc Á Châu và bạo lực chủng tộc là phi Mỹ. Rất tiếc, tệ nạn này rất Mỹ,” bà Lee nói.

 

Một số người tham dự buổi điều trần hối thúc Quốc Hội thông qua dự luật chống tội phạm thù ghét do Dân Biểu Grace Meng (Dân Chủ-New York) và Thượng Nghị Sĩ Mazie K. Hirono (Dân Chủ-Hawaii) đề nghị trước đây trong Tháng Ba.

 

Trong buổi họp báo ở Atlanta sáng Thứ Năm, bà Bee Nguyễn, dân biểu tiểu bang Georgia, cho rằng: “Luật chống thù ghét không mang tính phòng ngừa, mà chỉ dùng làm công cụ truy tố sau khi có chuyện xảy ra.”

 

“Đó là lý do chúng ta phải giải quyết nạn bài ngoại, nạn kỳ thị chủng tộc có hệ thống. Đó là lý do chúng ta phải lên án nạn sử dụng ngôn ngữ mang tính kỳ thị,” bà Bee nói.

 

Hôm Thứ Ba, tổ chức Stop AAPI Hate (Ngăn Chặn Nạn Thù Ghét Người Mỹ Gốc Á Châu và Người Pacific Islander) công bố kết quả nghiên cứu cho thấy có 3,795 vụ phạm tội thù ghét chống người Mỹ gốc Á Châu và người Pacific Islander được báo cáo từ ngày 19 Tháng Ba, 2020, đến 28 Tháng Hai, 2021.

 

Tổ chức này nhấn mạnh con số đó chỉ là một phần nhỏ so với số vụ người Mỹ gốc Á Châu bị tấn công thực tế trên cả nước. (Th.Long)

 

==============================================

.

.

Họp mặt chống kỳ thị người Châu Á tại Garden Grove

Người Việt

March 18,, 2021

https://www.nguoi-viet.com/nvtv-phong-su/nvtv-phong-su-cong-dong/hop-mat-chong-ky-thi-nguoi-chau-a-tai-garden-grove/

 

Phóng sự cộng đồng 18/3/2021

Nhiều dân cử và lãnh đạo tôn giáo vùng Little Saigon vừa tổ chức một buổi tập họp tại công viên Community Center Park ở Garden Grove, chiều Thứ Tư, 17 Tháng Ba, để phản đối tình trạng ngày càng có nhiều sự kiện mang tính thù ghét người Mỹ gốc Á Châu và Thái Bình Dương. Cuộc họp cũng là buổi tưởng niệm nạn nhân vụ nổ súng ở Atlanta, tiểu bang Georgia. Trong số các nạn nhân thiệt mạng, có sáu phụ nữ là người gốc Châu Á.

 

XEM TIẾP >>>>

 

===================================================

.

.

Tòa Bạch Ốc và các tòa nhà liên bang treo cờ rủ sau vụ bắn ở Atlanta

Người Việt

March 18, 2021

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/toa-bach-oc-va-cac-toa-nha-lien-bang-treo-co-ru-sau-vu-ban-o-atlanta/ 

 

WASHINGTON DC (NV) – Tổng Thống Joe Biden ra lệnh Tòa Bạch Ốc và các tòa nhà của liên bang treo cờ rủ hôm Thứ Năm, 18 Tháng Ba, sau vụ bắn chết tám người tại ba tiệm massage ở Atlanta, Georgia.

 

Theo đài CBS, Tổng Thống Biden ra lệnh treo cờ rủ cho đến lúc mặt trời lặn ngày Thứ Hai, 22 Tháng Ba, để “tưởng nhớ các nạn nhân của vụ bạo lực vô nghĩa này.”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/03/TS-Toa-Bach-Oc-co-ru-Atlanta-1536x1024.jpg

Tòa Bạch Ốc treo cờ rủ hôm Thứ Năm, 18 Tháng Ba. (Hình: AP Photo/Andrew Harnik)

 

Hôm Thứ Tư, ông Biden và Đệ Nhất Phu Nhân Jill Biden cho biết trên Twitter “đang cầu nguyện cho những người bị ảnh hưởng của vụ bắn ở Atlanta.”

 

 “Chúng tôi chưa biết được điều gì khiến nghi can làm chuyện đó, nhưng biết chắc chắn cộng đồng Á Châu đang phải chịu nhiều đau khổ. Những vụ tấn công cộng đồng này không phải là tinh thần của người Mỹ và phải dừng lại,” tổng thống viết trên Twitter.

 

Nghi can Robert Aaron Long, 21 tuổi, bị bắt sau khi nhận dạng được anh ta qua các video từ camera an ninh và liền báo cảnh sát. Nghi can bị truy tố tám tội danh giết người.

 

Nghi can nói với cảnh sát lý do mình giết người tại ba tiệm massage không liên quan đến phân biệt chủng tộc, mà là để “không nghiện tình dục nữa.”

 

Tổng Thống Biden và Phó Tổng Thống Kamala Harris dự định đến Atlanta để nói về gói cứu trợ COVID-19 $1,900 tỷ.

 

Tuy nhiên, họ sẽ hoãn loại chuyến đi đó để gặp gỡ các lãnh đạo gốc Á Châu để thảo luận về các vụ tấn công và các mối nguy hiểm mà cộng đồng Á Châu phải trải qua. (TL) [qd]

 

-----------------

Xem Thêm

 

Biden yêu cầu Mexico có thêm biện pháp chặn làn sóng di dân kéo tới Mỹ

Mar 18, 2021

 

Joe Biden và Kamala Harris sẽ gặp cộng đồng Mỹ gốc Á Châu ở Atlanta

Mar 18, 2021

 

Hải Quân Mỹ điều tra vụ thủy thủ tự sát trên tàu ngầm ở Pearl Harbor

Mar 18, 2021

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats