Miến
Điện : ASEAN lên án bạo lực cảnh sát, Hội Đồng Bảo An sẽ họp
Thu Hằng
- RFI
Đăng ngày: 02/03/2021 - 11:26
Khủng hoảng chính trị tại Miến Điện là chủ đề nghị
sự của cuộc họp giữa ngoại trưởng các nước ASEAN với một đại diện của tập đoàn
quân sự ngày 02/03/2021. Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc cũng muốn tổ chức nhiều
cuộc thảo luận tại Hội Đồng Bảo An về các vụ cảnh sát Miến Điện bắn đạn thật
vào người biểu tình.
Cảnh sát chống bạo động bắn hơi cay vào người
biểu tình phản đối đảo chính quân sự ở Rangun, Miến Điện, ngày
28/02/2021. REUTERS - STRINGER
Một quan chức ngoại giao cho AFP biết, bộ trưởng
các nước ASEAN có thể sẽ « yêu cầu tập đoàn quân sự Miến Điện ngừng
sử dụng vũ lực, tấn công người biểu tình » và « đối
thoại với tất cả các chính đảng, kể cả với đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ
(LND) của bà Aung San Suu Kyi ».
Đây là hướng được Singapore, nhà đầu tư lớn nhất
của ASEAN vào Miến Điện, cũng như Indonesia, nền dân chủ lớn nhất trong khu
vực, ủng hộ. Phát biểu tại Quốc Hội Singapore ngày 01/03, ngoại trưởng Vivian Balakrishnan bày tỏ sự « kinh
hoàng vì cảnh sát sử dụng bạo lực chết người nhắm vào người dân ». Bà
cũng kêu gọi « chính quyền quân sự Miến Điện kềm chế »,
nhanh chóng « trở lại con đường chuyển tiếp dân sự ».
Trước đó, ngoại trưởng Indonesia đã đến Thái Lan hội đàm với đồng nhiệm nước
chủ nhà và một đại diện ngoại giao của tập đoàn quân sự Miến Điện.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia được AFP trích
dẫn, ASEAN khó có thể can thiệp vì tổ chức này vẫn tôn trọng nguyên tắc
không can thiệp chuyện nội bộ của nước thành viên. Ngoài ra, một số nước có
chính quyền được cho là « độc tài », như Thái Lan và Cam
Bốt, có thể sẽ ngăn cản mọi sự can thiệp.
Trong khi đó, theo các nguồn tin ngoại giao được
AFP trích dẫn, 15 thành viên Hội Đồng Bảo LHQ, kể cả Trung Quốc, sẽ họp lại
trong tuần này để bàn về tình hình Miến Điện.
Cảnh sát Miến Điện
vẫn bắn đạn thật vào người biểu tình
Chính quyền quân sự Miến Điện đã yêu cầu cảnh sát
không dùng đạn thật bắn vào người biểu tình sau ngày Chủ Nhật 28/02 đẫm máu với
18 người chết. Tuy nhiên, theo AFP, ngày 02/03 vẫn có 3 người biểu tình bị
thương nặng vì đạn thật tại thành phố Kalay (tây bắc) và khoảng 20 người khác
bị thương.
Lựu đạn gây choáng và hơi cay tiếp tục được
cảnh sát sử dụng để trấn áp người biểu tình tại thành phố Rangun. Người biểu
tình đội mũ bảo hiểm, dựng rào chắn ở nhiều nơi để ngăn cảnh
sát đến bắt. Các cuộc biểu tình có quy mô lớn diễn ra gần như hàng
ngày ở thành phố nhỏ Dawei, đông nam Miến Điện. Tối 01/03, nhiều nhà báo Miến
Điện đã bị cảnh sát bắt giam, trong đó có một phóng viên của Democratic Voice
of Burma (DVB), một trong những cơ quan ngôn luận nổi tiếng ở Miến Điện.
***
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Giới
trẻ Miến Điện thách thức tập đoàn quân sự
.
Miến
Điện : Cảnh sát bắn vào biểu tình chống đảo chính, nhiều người chết
.
Đại
sứ Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc lên án tập đoàn quân sự
==================================================
.
.
Quyền
lợi kinh tế của Trung Quốc tại Miến Điện
Thanh Hà - RFI
Đăng ngày: 09/02/2021 - 09:23
Sau cuộc đảo chính, nền kinh tế Miến Điện vốn đã
bấp bênh, lại càng lệ thuộc vào Trung Quốc : Đây là quan điểm của đa số
các nhà phân tích. Riêng với chuyên
gia về Đông Nam Á Sophie Boisseau du Rocher thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp
IFRI, chưa chắc Bắc Kinh thật sự « thoải mái » khi thấy giới
tướng lĩnh Miến Điện trở lại cầm quyền.
Ảnh tư liệu : Một đoạn đường tại thủ đô
Naypyitaw trong dịp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Miến Điện ngày
17/01/2020 . AP - Aung Shine Oo
Từ giữa thập
niên 1950, đầu những năm 1960 thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã 9 lần công du
Miến Điện. Quốc gia Đông Nam Á này là nước đầu tiên
ngoài khối Cộng Sản công nhận Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa sau thắng lợi của Mao
Trạch Đông. Quan tâm của Bắc Kinh với nước láng giềng sát cạnh với hơn
2.000 cây số đường biên giới chung trên bộ không phải là điều mới mẻ.
Từng bước Trung Quốc trở thành đối tác kinh tế quan
trọng nhất của Miến Điện và trong suốt những năm tháng tập đoàn quân sự nước
này bị quốc tế trừng phạt, thì Bắc Kinh là điểm tựa duy nhất của giới tướng
lĩnh tại Rangoon.
Do vậy Olivier
Guillard giám đốc cơ quan tư vấn Crisis24 trên báo Les Echos cho rằng cuộc
đảo chính hôm 01/02/2021 không làm Trung Quốc lo ngại bởi mối liện hệ giữa quân
đội Miến Điện và Bắc Kinh luôn vững chắc, cho tới khi tập đoàn quân sự bắt đầu
chia sẻ quyền lực với chính quyền dân sự của Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ
trong tay bà Aung San Suu Kyi.
Câu hỏi đầu tiên đặt ra là tại sao Trung Quốc lại
đặc biệt chiếu cố Miến Điện ? Trả lời RFI Tiếng Việt, chuyên gia về Đông
Nam Á, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, bà Sophie Boisseau du Rocher
trước hết nhấn mạnh đến yếu tố địa lý chiến lược của quốc gia là cửa ngõ mở ra
Ấn Độ Dương :
Sophie Boisseau du Rocher : « Nhìn một cách tuyệt đối, đầu tiên là yếu tố địa
lý. Miến Điện là bản lề giữa Nam Á và Đông Nam Á, là ngã tư giữa Ấn Độ Dương
với Thái Bình Dương, lại nằm ở cửa ngõ eo biển Malaka. Do vậy, Miến Điện đóng
một vai trò đặc biệt trên các tuyến giao thông hàng hải. Đó là yếu tố giải
thích vì sao Trung Quốc quan tâm đến quốc gia Đông Nam Á này. Ngoài ra còn phải
kể đến các nguồn tài nguyên phong phú của Miến Điện từ quặng mỏ đến năng lượng…
Tất cả những yếu tố nói trên khiến quốc gia này chiếm một vị trí quan trọng
trong tương quan lực lượng của thế giới ».
Là nguồn sản xuất cẩm thạch hàng đầu của thế giới,
Miến Điện lại nổi tiếng với những mỏ vàng bạc, đá quý và cả các nguồn dự trữ
dầu và khí đốt nên được từ Trung Quốc đến nước láng giềng sát cạnh là Thái
Lan hay những đối tác châu Á xa xôi hơn như Ấn Độ, Nhật Bản cùng ve vãn. Tuy
nhiên lợi thế vẫn thuộc về Bắc Kinh.
Sophie Boisseau du Rocher : « Trung Quốc từ lâu nay đánh cược vào Miến
Điện và trông đợi nhiều vào quốc gia này. Trung Quốc là một trong những đối tác
chính về thương mại : nhập 30 % xuất khẩu của Miến Điện và trao đổi thương
mại với Trung Quốc chiếm 40 % tổng kim ngạch nhập khẩu của Miến Điện. Về đầu tư
cũng vậy. Trung Quốc đứng hàng thứ nhì trong số các nhà đầu tư ngoại quốc vào
Miến Điện, chỉ thua có Singapore. Trên thực tế, có nhiều dấu hiệu cho thấy ngay
cả vốn đầu tư được cho là của Singapore đổ vào Miến Điện, thật ra là vốn của
Trung Quốc. Hạ tầng cơ sở của Miến Điện có phát triển được là nhờ tư bản của
Trung Quốc. Miến Điện rất cần vốn của Trung Quốc để phát triển công
nghiệp ».
Vài tuần lễ trước cuộc đảo chính hôm 01/02/2021,
ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã công du Miến Điện với hứa hẹn viện trợ
300.000 liều vac-xin chống Covid-19 nhưng chủ yếu, đây là cơ hội để chính khách
Trung Quốc này đánh giá tiến độ của khoảng trên dưới 20 dự án xây dựng cơ sở hạ
tầng trong khuôn khổ dự án Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc.
Mùa xuân 2020 vào lúc đang rối trí về đại dịch
virus corona, Trung Quốc vẫn dành thời gian ký một ngân phiếu 5 tỷ rưỡi euro
tài trợ cho nhiều dự án tại nước láng giềng Đông Nam Á này, trong đó có kế
hoạch xây dựng một cảng nước sâu, đường xe lửa, một đường ống dẫn dầu và một
trung tâm thủy điện …
Tất cả những dự án đó đều thuộc tầm kiểm soát của
quân đội cho dù về mặt chính thức, quyền lực tại Miến Điện thuộc về Đảng Liên
Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ. Cũng chính vì Bắc Kinh cảm nhận thấy điều gì
« không ổn » trên bàn cờ chính trị Miến Điện từ sau cuộc tuyển cử hồi
tháng 11/2020 với thắng lợi rõ rệt của đảng trong tay bà Aung San Suu Kyi, nên
ngoại trưởng Vương Nghị đã phải sang tận nơi để thăm dò tình hình và nhắc nhở
các bên rằng « trong mọi trường hợp », Trung Quốc
mong muốn « các dự án đầu tư vẫn phải được tiên triển ».
Bà Sophie Boisseau du Rocher nhắc lại vai trò then
chốt của giới tướng lãnh Miến Điện từ gần sáu thập niên qua :
Sophie Boisseau du Rocher : « Quá hiển nhiên là quân đội điều hành đất nước này từ
năm 1962 một cách trực tiếp hay là gián tiếp. Giới tướng lĩnh có một trọng
lượng rất lớn cả về kinh tế lẫn chính trị cũng như là an ninh. Tập đoàn quân sự
này đóng vai trò then chốt và vì vậy đã ép buộc bà Aung San Suu Kyi phải có
những biện pháp thỏa hiệp. Phương Tây không hiểu được điều đó. Thêm một điểm
chắc chắn nữa đó là quân đội điều hành đất nước với một bàn tay sắt, dùng những
thủ đoạn như là hù dọa, đàn áp thô bạo, giành cho giới tướng lĩnh những đặc
quyền đặc lợi … Công luận Miến Điện càng lúc càng chỉ trích gay gắt đường lối
lãnh đạo đó. Sẽ thú vị để đợi xem tương quan lực lượng chuyển biến như thế nào.
Liệu rằng sức mạnh đường phố có đủ khả năng cưỡng lại cuộc đảo chính của tập
đoàn quân sự hay không ? Hay đây là thời cơ để quân đội trở lại nắm quyền
và trở lại với mô hình như xưa, tức là lại thâu tóm hết tất cả, nhất là về mặt
kinh tế ».
Trả lời báo Les Echos của Pháp hôm 01/02/2021 giảo sư quan hệ quốc tế Htwe Htwe Thein giảng dậy tại đại
học Úc Curtin, Perth, nhắc lại : kinh tế Miến Điện đã phát triển mạnh từ
khi chính quyền dân sự lên điều hành đất nước. Khu vực tư nhân chiếm một vị trí
quan trọng hơn, đầu tư ngoại quốc đã mạnh mẽ đổ vào quốc gia Đông Nam Á này. Dù
vậy ảnh hưởng của quân đội vẫn còn rất lớn đặc biệt là qua trung gian hai tập
đoàn MEHL và MEC cả hai cùng đặt dưới sự điều hành của quân đội và kiểm soát
hàng chục doanh nghiệp khác. Đây là « một trở ngại » đối
với các hãng ngoại quốc muốn sang Miến Điện hoạt động.
Vậy tập đoàn quân sự Miến Điện tính sao trong
trường hợp bị cộng đồng quốc tế trừng phạt vì đã lật đổ một chế độ do dân bầu
ra ? Giáo sư đại học Úc trả lời : giới tướng lĩnh ở Naypyidaw thừa
biết rằng, nếu có bị trừng phạt thì dân chúng Miến Điện, những người lao động
sẽ là những nạn nhân đầu tiên và ngay cả trường hợp bị phương Tây trừng phạt,
Miến Điện vẫn có thể trông cậy vào những nhà đầu tư như Nhật Bản, vốn chưa bao
giờ bỏ rơi quốc gia Đông Nam Á này. Ngoài Nhật thì Bắc Kinh vẫn là một điểm tựa
chắc chắn của Naypyidaw đó là chưa kể đến các nhà đầu tư Đông Nam Á khác như
Malaysia, Thái Lan vẫn sẵn sàng tiếp tục giao thương với Miến Điện.
Chuyên gia Francoise Nicolas cũng thuộc Viện IFRI cho rằng, sau cuộc đảo chính lần này, kinh tế
Miến Điện có nguy cơ càng thêm phụ thuộc vào nước láng giềng sát cạnh là Trung
Quốc. Về điểm này, nhà nghiên cứu Sophie Boisseau du Rocher thận trọng
hơn. Không phủ nhận điểm tựa Trung Quốc nhưng đồng thời bà cho rằng, Bắc
Kinh cần Naypyidaw hơn là ở chiều ngược lại :
Sophie Boisseau du Rocher : « Điều khá ngạc nhiên là mặc dù Trung Quốc đóng
vai trò hàng đầu tại Miến Điện nhưng về mặt chính trị, thì tập đoàn quân sự
Miến Điện từ trước tới nay luôn luôn thận trọng với đối tác quá cồng kềnh này.
Một số nhà quan sát có cảm tưởng là trong mắt Bắc Kinh dường như bà Aung San
Suu Kyi là một đối tác dễ thuyết phục hơn là giới tướng lĩnh ở Naypyidaw. Hai
yếu tố giải thích cho điều này : thứ nhất, người ta nói một cách bóng gió
là quân đội Miến Điện « mắc bệnh đao », tức là bị rối loạn thần kinh,
không giao lưu, trao đổi gì với ai hết. Điểm thứ nhì là họ mang mặc cảm của
những người sống khép kín. Tập đoàn quân sự nước này không cần quan tâm đến
Trung Quốc như là Bắc Kinh quan tâm đến Miến Điện.
Chính
Bắc Kinh mới cần Miến Điện để thực hiện một số tham vọng chính trị và địa chính
trị . Trong mục đích đó Naypyidaw là một mắt xích then chốt. Cũng chính vì vậy
mà Trung Quốc đã năng động để can thiệp vào tiến trình hòa giải giữa một bên
chính quyền trung ương Miến Điện và bên kia là những sắc tộc thiểu số nhằm
vãn hồi hòa bình tại quốc gia Đông Nam Á này. Thực chất của vấn đề là quân đội
Miến Điện có thái độ hoài nghi với tất cả mọi người, tất cả mọi đối tác, kể cả
với Bắc Kinh. Phải hiểu rằng tập đoàn quân sự tự nhận là có trách nhiệm bảo vệ
quốc gia và họ trông thấy những tham vọng quá lớn của Trung Quốc, họ coi Bắc
Kinh là một mối đe dọa đối với an ninh và độc lập của Miến Điện. Phải công nhận
là Trung Quốc thường hành động vì quyền lợi của chính mình hơn là thiên về giải
pháp hợp tác. Naypyidaw đã nhiều lần phải đàm phán lại với Bắc Kinh về các dự
án đầu tư của Trung Quốc. Hồi năm 2011 giới tướng lĩnh Miến Điện đã đột ngột
ngừng kế hoạch xây đập Myitsone bởi đập thủy điện này đem lại những hậu quả vô
cùng to lớn về mặt kinh tế và xã hội đối với Miến Điện nhưng mà từ 80 đến 90 %
điện sản xuất ra thì lại được dành để phục vụ Trung Quốc ».
Từ 2017 khi chính quyền Naypyidaw trên danh nghĩa
là bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, đã bị quốc tế cô lập vì chính sách đàn áp cộng
đồng thiểu số Rohingya theo đạo Hồi thì đó cũng là cơ hội để Trung Quốc đẩy
mạnh những nước cờ, nhất là trong khuôn khổ dự án « Một vành đai một
con đường ». Có điều ngay cả với nước láng giềng sát cạnh này, Trung
Quốc không một mình một chợ.
Sophie Boisseau du Rocher : « Miến Điện được nhiều nước lớn khác trong khu vực quan
tâm. Tôi muốn nói đến Ấn Độ và nhất là Nhật Bản. Từ mấy thập niên qua, Tokyo
chưa bao giờ ngừng hợp tác với Miến Điện bất chấp chế độ chính trị tại quốc gia
này. Từ rất lâu nay ngay cả khi chính trường Miến Điện chao đảo, Nhật Bản vẫn
duy trì hợp tác và đầu tư. Đơn giản là do Miến Điện giàu tài nguyên thiên nhiên
và cũng là một mắt xích quan trọng trên bàn cờ địa chính trị. Tokyo quan niệm
không thể để Miến Điện rơi vào vòng tay của Bắc Kinh như là một số quốc gia
Đông Nam Á khác. Vì thế Nhật Bản luôn luôn hiện diện tại hiện trường ».
Chính vì thái độ thân thiện này, Tokyo bị chỉ trích
im lặng trước thảm cảnh của hàng trăm ngàn người Rohingya và đã chậm trễ lên
tiếng về cuộc đảo chính lần này.
No comments:
Post a Comment