Saturday, 20 March 2021

DONALD TRUMP và LUẬT PHÁP MỸ / PHẦN 5 (Minh Phạm)

 



Donald Trump và luật pháp Mỹ (Phần 5)

Minh Phạm

20/03/2021

https://baotiengdan.com/2021/03/20/donald-trump-va-luat-phap-my-phan-5/

 

Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3  phần 4

 

Quyền Tư pháp là lực lượng chủ yếu, trực tiếp tạo ra luật pháp nước Mỹ bằng các án lệ cùng với các đạo luật của quyền Lập pháp. Các Sắc lệnh của Tổng thống, về bản chất, không phải là luật pháp. Nói như vậy để thấy sự tác động của cựu Tổng thống Donald Trump lên luật pháp Mỹ là rất quan trọng, đến mức mà luật pháp ĐÃ không làm gì được ông ta, dĩ nhiên có phần trợ giúp từ các nhà lập pháp cùng đảng.

 

                                                          ***

 

Tối cao Pháp viện không phải là một cấp tòa án xét xử. Pháp viện chỉ có chức năng như một cơ quan quản lý toàn bộ hoạt động xét xử của các Tòa án khắp nước.

 

Việc xét xử các vụ kiện được giao cho các tòa án cấp dưới, theo văn minh pháp lý, chiếu nguyên tắc “lưỡng cấp tài phán”; theo đó, một vụ kiện được xét xử theo hai cấp tòa: Sơ thẩm (xét xử lần đầu) và thượng thẩm (phúc thẩm lại bản án sơ thẩm nếu có ý kiến cho rằng việc xét xử lần đầu có sai lầm). Hậu quả của nguyên tắc “lưỡng cấp tài phán” là bản án phúc quyết của Tòa Thượng thẩm sẽ có hiệu lực ngay sau khi án được tuyên bố.

 

Chỉ trong trường hợp đặc biệt cần thiết, và vì quyền lợi của cả xã hội, mà Tối cao Pháp viện – một loại tòa án đặc biệt (Đặc biệt pháp viện) mới thụ lý để xét xử một vụ kiện nào đó mà thôi. Nói như vậy để biết một vụ kiện được Tối cao Pháp viện chấp nhận xét xử lại án phúc quyết từ Tòa Thượng thẩm là cực kỳ hiếm hoi, và phải có 4/9 thẩm phán của Pháp viện chấp nhận thì vụ kiện mới được thụ lý, bất chấp người thỉnh cầu là ai, kể cả tổng thống.

 

Phần lớn các vụ kiện lên đến Tối cao Pháp viện ít nhiều có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến Quốc hội và Tổng thống. Tuy nhiên, cũng không phải lúc nào Tối cao Pháp viện cũng chấp nhận xét xử trừ khi phải do chính các cơ quan này yêu cầu Pháp viện giải quyết vì tính cấp thiết của vụ án. Còn không thì Pháp viện có thể từ chối thụ lý vì Pháp viện tránh tham gia vào cuộc chiến quyền lực giữa Lập pháp và Hành pháp trên nguyên tắc “Kiềm chế Tư pháp” (Judicial Restraint), và cũng là sự kiềm chế của ngành Tư pháp “không được tham gia hoạt động chính trị”.

 

Nhờ những đặc tính vừa kể, Tối cao Pháp viện giữ được phẩm giá của mình, không phải vô cớ hoặc vì tùy hứng mà bị xướng danh. Ngoài những chuyên-san hoặc phúc trình đặc biệt, Tối cao Pháp viện chỉ được nhắc đến khi cần thiết với mọi sự dè dặt, tôn kính.

 

Tuy nhiên, ông Trump đã biến điều hiếm hoi ấy trở thành tầm-thường vì hầu hết những vụ kiện ông thất bại đều được ông đưa lên đến Tối cao Pháp viện, cá biệt có vụ ông thua kiện 2 lần ở các cấp tòa và cả hai lần đều được ông đưa lên Pháp viện (vụ Trump v. Vance, District Attorney of the County of New York, et al.). Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử.

 

Kết quả là tính oai nghiêm của Pháp viện Tối cao bị tầm-thường-hóa, và chưa có thời nào như ở thời Trump khi mà Pháp viện biến thành đối tượng bị “khinh khi” – thậm chí ô-nhục – bởi những lời buộc tội vô cớ rằng Pháp viện đã bị mua chuộc bởi ngoại bang. Đây quả là vết nhơ cho ngành Tư pháp mà Chánh thẩm John Roberts phải gánh vác, với thông lệ tên của Chánh thẩm gắn liền với Tối cao Pháp viện trong suốt thời gian tại nhiệm của vị pháp quan ấy (Roberts court).

 

Và cũng vì Trump là Tổng thống, Pháp viện đã ưu ái cho ông trong hầu hết các vụ kiện mà Pháp viện đã thụ lý, nhưng Pháp viện vẫn phải tỏ rõ là thành trì của công lý, chứ không thể thiện-tiện thay trắng đổi đen.

 

Như vậy, việc Pháp viện gần đây đã bác bỏ các đơn thỉnh cầu của cựu tổng thống Donald Trump là chuyện hết sức bình thường. (Xin nhắc lại là ĐƠN THỈNH CẦU chứ không phải là Đơn kháng cáo hay Đơn khởi kiện khi nó được đưa lên Tối cao Pháp viện, vì như đã nói rằng Tối cao Pháp viện không phải là một cấp tòa án xét xử thông thường. Do đó, ngôn ngữ “kiện lên đến Tối cao Pháp viện” được thay thế bởi cụm từ chuyên môn là “THƯỢNG TỐ”, tức theo một thủ tục tố tụng đặc biệt. Ở Việt Nam, thủ tục “Thượng tố” tương đương thủ tục “Giám đốc thẩm” hoặc “Tái thẩm”).

 

Tuy nhiên, điều bình thường đó đã biến thành nguyên cớ để Trump và những người ủng hộ ông ta khinh bỉ Pháp viện, vốn sự khinh bỉ ấy đã cấu thành một tội hình sự: Tội khinh thị Tòa án (contempt of court). Và vì bị khinh khi sẵn có, tội danh “khinh thị tòa án”, trong trường hợp này của Tòa Roberts, cũng biến mất!

 

Hôm thứ ba, 16/3/21, nói trên Fox News, ông Trump lại một lần nữa khinh khi Tối cao Pháp viện đã “hèn nhát”, không đáp ứng yêu cầu của ông để ngăn chặn điều mà ông cho là “cuộc bầu cử bị đánh cắp”, là câu cửa miệng của ông kể từ TRƯỚC ngày bầu cử 3/11/20, như một tiên tri ông sẽ thua cuộc trước ông Biden. Đây có thể là lần “khinh-thị tòa án” mới nhất của ông Trump đối với Tòa Roberts, chắc chắn chưa phải là lần cuối cùng. Và một tiền lệ xấu cho các phán quyết của Tối cao Pháp viện đã được bắt đầu.

 

                                                     ***

Bước chân vào Bạch cung (White House), Donald John Trump lập tức hành sử quyền đề cử một “Phụ thẩm Tối cao pháp viện” (Associated Justice of US. Supreme Court) thay thế chiếc ghế trống gần một năm của cố phụ thẩm “bảo thủ” (Conservative Justice) Antonin Scalia để lại nhờ sự “tiếp tay” của thủ lãnh khối đa số tại Thượng nghị viện lúc đó là Mitch McConnell. Thời điểm đó, cuộc xung đột lưỡng đảng qua đề cử thẩm phán cho Tối cao Pháp viện đưa tính chính đáng của Tòa án Tối cao đến bờ vực thẳm ngay trước thềm của năm bầu cử Tổng thống 2016.

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats