Donald
Trump và luật pháp Mỹ (Phần 4)
Minh Phạm
16/03/2021
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3
Khả dĩ Donald Trump đã đi vào dĩ vãng bằng nhục thể
nhưng ông ta vẫn hiện diện trong hiện thực bằng những cái gọi là “di sản”
(legacy), đặc biệt là những “di sản” trong ngành quyền lực Tư pháp Mỹ, thông
qua những thẩm phán do ông đề cử và những vụ kiện mà ông vướng vào.
Quyền Tư pháp là lực lượng chủ yếu, trực tiếp tạo
ra luật pháp nước Mỹ bằng các án lệ cùng với các đạo luật của quyền Lập pháp.
Các Sắc lệnh của Tổng thống, về bản chất, không phải là luật pháp. Nói như vậy
để thấy sự tác động của cựu Tổng thống Donald Trump lên luật pháp Mỹ là rất
quan trọng.
***
Đã có một sự thay đổi lớn lao trong nội bộ Quyền Tư
pháp liên bang trong 4 năm Donald Trump làm tổng thống. Quyền Tư pháp, thông
qua hoạt động của các tòa án, chính là lực lượng thực hiện chức năng “thiết lập
chính sách” (making policy) bằng các bản án của Tòa, cũng giống như Quyền Lập
pháp với các đạo luật và Quyền Hành pháp với các Sắc lệnh.
Hơn thế nữa, các Tòa án liên bang có thể ra lệnh
chấm dứt thi hành một đạo luật của Quốc Hội, hoặc chấm dứt thi hành một Sắc
lệnh của Tổng thống, nếu cho rằng đạo luật hay sắc lệnh đó đã vi phạm Hiến pháp
(vi-Hiến hay bất-hợp-Hiến).
***
Mọi thứ đều sẽ qua đi nhưng những quyết định của
các thẩm phán (tức phán quyết của Tòa án) thì còn hiệu lực rất lâu dài (res
judicata pro veritate accipitur: “việc đã xử rồi thì được coi như là chân lý”,
đây vốn là tính chất tạo ra án lệ trong luật học) mà từ ngữ chuyên môn gọi là
“uy lực quyết tụng” (đối với phán quyết của tòa Sơ thẩm), hay “mãnh lực quyết
tụng” (đối với phán quyết của tòa Thượng thẩm).
Các quyết định của Tòa án còn áp dụng mãi cho đến
khi nào nó “bị lật ngược” (overturn) cũng bởi chính các thẩm phán, chỉ bằng
cách là không-áp-dụng nữa chứ không tuyên bố “vô hiệu” đối với phán quyết ấy để
tỏ lòng tôn kính các bậc trưởng-thượng.
***
Với sự đề cử thành công 3 phụ thẩm Tối cao Pháp
viện chỉ trong 1 nhiệm kỳ, gồm Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh và Amy Coney
Barrett, Trump lập lại kỷ lục sau gần 1 thế kỷ của Tổng thống Herbert Hoover.
(Richard Nixon cũng đề cử đến 4 Phụ thẩm trong nhiệm kỳ đầu nhưng tái đắc cử
nhiệm kỳ 2; song, cả 4 phụ thẩm này vẫn không cứu được ông vì một phán quyết
của Pháp viện là yếu tố quyết định buộc Nixon phải từ chức giữa nhiệm kỳ 2.
Tổng thống Ronald Reagan đề cử 4 phụ thẩm nhưng lại có 2 nhiệm kỳ trọn vẹn 8
năm).
Các phụ thẩm Gorsuch, Kavanaugh và Barrett đều dưới
55 tuổi. Một phân tích của trung tâm Pew Research Center năm 2017 cho biết,
những phụ thẩm Tối cao Pháp viện ở độ tuổi 55 trở xuống sẽ tại nhiệm trung bình
là 20 năm.
Nghĩa là những phán quyết của Tối cao Pháp viện từ
nay cho đến 20 năm nữa đều có phần “đóng góp” của Gorsuch, Kavanaugh và
Barrett; và liệu ai mà biết được những phán quyết trong năm 2040 của Pháp viện
sẽ tác động lên xã hội Mỹ bao nhiêu năm nữa sau đó!!!
No comments:
Post a Comment