Nguyễn Thanh Việt
16/03/2021
https://www.diendan.org/dich-thuat/2018dan-than2019
trích
dịch chương 1 cuốn tiểu thuyết mới xuất bản THE COMMITTED
Trích
tiểu thuyết “The Committed”
Chương 1
Chắc tôi không còn là
điệp viên hay nằm vùng nữa, dứt khoát tôi đã thành ma. Sao không thành ma khi
trên đầu tôi có hai lỗ thủng, từ đó chảy ra dòng mực đen chấm vào đó tôi viết
ra những dòng này. Hoàn cảnh trớ trêu thay, chết rồi mà vẫn ngồi viết trong căn
phòng nhỏ bé nơi Thiên đường này. Chắc tôi là nhà văn ma, mà nhà văn ma thì đơn
giản lắm, tôi có thể chấm ngòi bút vào dòng mực chảy ra từ hai lỗ hổng song
đôi, một cái lỗ do tôi khoan ra, lỗ kia là do Bổn, người bạn thân, người anh em
kết nghĩa. Hạ súng xuống, Bổn ! Mày chỉ có thể giết tao một lần thôi.
Có thể không. Bởi vì tôi
vẫn còn đây, một con người hai mặt, hai cái đầu, một trong hai cái có lẽ vẫn
còn nguyên vẹn. Với hai cái đầu óc, tôi có thể nhìn từ hai phía bất cứ
một sự vật nào, trước đây tôi tự cao cho rằng đó là một biệt tài, nhưng bây giờ
tôi biết chỉ là nghiệp chướng. Một người mà có hai cái đầu óc thì khác nào một
loài dị nhân đột biến ? Thậm chí một quái vật. Đúng thế, tôi xin nhận. Vâng,
tôi không phải là một, mà hai. Không chỉ là tôi, mà còn là anh. Không chỉ là
tôi, mà là chúng tôi.
Bạn hỏi phải gọi chúng
tôi như thế nào, bao lâu rồi chúng tôi vô danh, không tên không tuổi. Tôi do dự
không dám trả lời dứt khoát, cái tật của tôi nó thế. Tôi là người có nhiều tật
xấu, và mỗi lần phải từ bỏ cái nào – tôi chưa bao giờ tự nguyện làm chuyện ấy –
tôi cứ quay trở lại, rên rỉ và ứa nước mắt.
Lấy mấy câu chữ này chẳng
hạn. Tôi đang viết ra, mà viết là cái cố tật xấu xa nhất. Trong khi số đông
người ta vắt kiệt từ cuộc sống, vật lộn với lương lậu, vừa uống vitamin D vừa
phơi nắng, săn tìm một cá nhân đồng loại để sinh con đẻ cái hay giải tỏa nỗi
động dục, và khăng khăng không chịu nghĩ tới cái chết, thì tôi lại mất thời giờ
với bút và mực thu lu trong một góc Thiên đường, nước da ngày càng trắng bệch,
thân xác thêm gầy còm, đầu tóc bốc hơi bực bội, da dẻ vã mồ hôi khổ não.
Tôi có thể nói trên hộ
chiếu, tôi mang tên là Vô Danh. Tôi mang cái tên gọi ấy để chuẩn bị tới đây,
Paris, mà các thầy giáo Pháp dạy chúng tôi gọi là Thành phố Ánh sáng. Bổn và
tôi, hạ cánh xuống phi trường vào ban đêm sau chuyến bay từ Jakarta. Bước ra
khỏi máy bay, chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm hẳn, bởi đã đặt chân tới nơi tị nạn,
giấc mơ mà mọi người tị nạn đều nung nấu, nhất là những người phải di cư không
phải một, mà hai ba lần : năm 1954, khi tôi lên chín : năm 1975 tôi thanh niên
và tương đối bảnh trai ; và năm 1979, nghĩa là mới cách đây hai năm. Lần thứ ba
phải chăng là cơ duyên, như người Mỹ thường nói ? Bổn thở dài rồi gỡ cái che
mắt do công ty hành không cung cấp. Mong rằng nước Pháp sẽ khá hơn nước Mỹ.
Mong ước ấy có vẻ thiếu
căn cứ nếu ta đánh giá mỗi nước qua nhân viên biên phòng. Viên chức xét hộ
chiếu của tôi mang một cái khẩu trang mới toanh như mọi nhân viên an ninh, anh
ta nhìn kỹ tấm ảnh căn cước của tôi rồi nhìn tôi chằm chặp. Khuôn mặt tai tái
của y có vẻ không hài lòng khi thấy tôi được ai đó cho phép đặt chân tới đất
nước yêu quý của y ta. Anh ta hình như không có môi trên và lấy bộ ria để che
lấp sự thiếu vắng ấy. Ông là người Việt Nam, y nói. Đó là những tiếng đầu tiên
người ta nói với tôi khi tôi đặt chân lần đầu tiên lên quê hương của cha đẻ.
Vâng ! Tôi là Vô Danh !
Tôi nói với viên công an biên phòng bằng giọng « tây » nhất, với nụ cười
tươi chát chúa. Cha tôi là người Pháp. Tôi cũng có thể là người Pháp chứ ?
Bộ óc quan liêu của y ta
xử lý câu nói của tôi một lúc rồi mỉm cười, tôi chắc mẩm, A, mình vừa nói được
câu pha trò đầu tiên bằng tiếng Pháp ! Hóa ra y nói : Không… ông …
không thể nào… người… Pháp… được. Tên… như vậy… mà… Pháp gì. Rồi đóng triện
trên hộ chiếu của tôi, với ngày nhập cảnh, 18/07/81, quăng hộ chiếu lên mặt
quầy, mắt nhìn qua vai tôi, hướng tới người đứng sau.
Ra khỏi quầy hộ chiếu,
tôi gặp lại Bổn. Thế là chúng tôi đã đặt chân lên xứ sở La Gaule,
như cha tôi đã dạy cách gọi tên nước Pháp ở trường giáo xứ. Cũng là điều bình
thường khi phi trường mang tên Charles de Gaulle, người Pháp vĩ đại nhất trong
trí nhớ cận đại. Đó là người anh hùng đã giải phóng nước Pháp khỏi nạn nazi
đồng thời vẫn duy trì ách nô lệ trên đầu trên cổ người Việt Nam. Ôi, mâu thuẫn
! Mùi vị muôn thuở trên thân xác của nhân loại ! Không ai thoát được điều đó,
kể cả người Mỹ cũng như người Việt tắm rửa mỗi ngày ít nhất một lần, hay người
Pháp ít tắm hơn. Bất luận người nước nào, tất thảy chúng ta đều quen thuộc với
cái mùi của những mâu thuẫn cố hữu.
Có chuyện gì vậy ? Bổn
hỏi. Lại khóc nữa ?
Tôi không khóc, chỉ rưng rức. Choáng ngợp về tới quê cha.
Giờ thì Bổn quá quen với
những cơn nức nở bất chợt của tôi. Anh thở dài, nắm lấy bàn tay tôi. Tay kia,
anh xách túi hành lý duy nhất, một cái tay nải rẻ tiền bằng vải, quà tặng của
Liên Hiệp Quốc. Cái túi của anh thua xa cái túi bằng da của tôi, mà Claude
người bảo trợ cũ của tôi đã mua tặng khi tôi tốt nghiệp trường cao đẳng
Occidental Nam California. Claude nói với tôi, mắt rơm rớm, ông già mình đã làm
quà cho mình một cái túi y hệt như vậy khi mình rời Exeter đi Yale học đại học.
Là một tay CIA, thẩm vấn và ám sát là chuyện thường ngày, nhưng Claude rất ư
tình cảm trong quan hệ bè bạn với tôi cũng như trong chuyện vật dụng hàng xịn
của nam giới. Tôi cũng gắn bó với cái túi da bằng sự hoài cảm tương tự. Cái túi
của tôi, cũng như của Bổn, không lớn gì cho cam, nhưng vẫn còn vơi. Như số đông
những người tị nạn, chúng tôi chẳng có gì mấy, dù trong túi chứa đầy ước mong
và mộng mị, chấn thương và nhọc nhằn, đau buồn và mất mát, và cả những bóng ma,
cố nhiên. Ma thì nhẹ tênh, chồng chất hằng hà sa số cũng vẫn còn chỗ.
Qua khu vực thảm quay
hành lý, chúng tôi là những hành khách duy nhất không kéo va ly có gắn bánh xe
hay đẩy những cái xe chồng chất hành lý và dự án du lịch. Chúng tôi không phải
là du khách, hay kiều dân, hay công dân hồi hương, nhà ngoại giao hay doanh
nhân, hay bất cứ loại du khách đàng hoàng nào. Không, chúng tôi là những người
tị nạn, và trải nghiệm qua cỗ máy thời gian là chiếc máy bay phản lực quốc
tế không đủ để xua tan một năm trời trần ai trong trại cải tạo hay hai
năm trường trong trại tị nạn trên một hòn đảo Indonesia tên là Galang. Thép
inox, kính và ngói và ánh sáng rực rỡ của phi trường làm lạc hướng chúng tôi
vốn quen với tre nứa, tranh sậy, đất bùn và ánh nến của trại. Chúng tôi đi từng
bước chầm chậm, lảo đảo, va đụng vào hành khách để tìm lối ra. Cuối cùng cũng
ra tới cổng, hai cánh cửa mở ra, và chúng tôi bước vào sảnh trần cao của khu
khách quốc tế đến. Trước mặt chúng tôi là đám đông nhìn chằm chằm vào chúng
tôi.
Một phụ nữ gọi to tên
tôi. Dì tôi đó, hay nói chính xác, người đàn bà mà tôi nhận là dì. Trong những
năm làm điệp viên ở Mỹ cho cộng sản, nằm vùng trong hàng ngũ cà tàng của quân
đội Nam Việt Nam lưu vong, tôi vẫn định kỳ viết thư cho bà, bề nổi là kể lể nỗi
truân chuyên của kiếp tị nạn, bề chìm là những báo cáo mã hóa viết bằng mực vô
hình, tường trình mưu đồ chống cộng phục quốc của một số người. Chúng tôi sử
dụng nguồn mật mã chung là cuốn sách của Richard Hedd, Cộng sản Á Châu
và Phương thức Hủy diệt kiểu Đông phương, nhiệm vụ của bà là chuyển báo cáo
của tôi về cho Mẫn, người anh em kết nghĩa của tôi cùng với Bổn. Tôi chào bà
trong lòng cảm thấy nhẹ nhõm và rộn ràng, bởi vì bà biết rằng Bổn không biết,
không thể nào biết rằng Mẫn là điệp báo, cũng như tôi đã từng làm điệp viên.
Mẫn là người quản lý tôi, và nếu rốt cuộc cũng là người đã tra tấn tôi trong
trại cải tạo, phải chăng cùng là ứng với tôi, con người hai mặt hai đầu ? Và
nếu dì thực ra không phải là dì của tôi, kẻ hai mặt hai đầu, thì đúng quá rồi
còn gì ?
Dì thực ra là dì của Mẫn,
dáng dấp y như bà đã mô tả trong lá thư cuối cùng : cao, gầy, tóc đen nhánh.
Tức là khác hẳn những điều tôi mường tượng : một người đàn bà trung niên, còng
lưng làm nghề thợ may, nhẫn nhục trung thành với cách mạng. Thay vì đó, người
thân gần gũi bà ấy là điếu thuốc lá, nếu căn cứ vào bộ dạng của bà, và điếu
thuốc bà cầm trong tay. Bà toát ra khói thuốc và tự tin, trong đôi giầy cao gót
ngạo nghễ, bà cao bằng tôi, nhưng có vẻ còn cao hơn với dáng người mảnh mai,
chiếc váy dệt kim màu xám vừa vặn và mái tóc được búi cao, bộ đồng phục mà bà
sẽ mặc hàng ngày. Tôi biết trạc tuổi bà khoảng ngũ tuần, nhưng trông như một
người ba mươi, tròm trèm bốn mươi, nhờ tác phong rất đầm và giòng máu nửa Á
khiến bà như không có tuổi.
Chúa tôi ! Dì nắm lấy hai
vai tôi rồi hôn chùn chụt lên hai má theo kiểu chào hỏi dễ thương của người
Pháp, điều mà không bao giờ người Pháp làm với tôi ở bên ta, kể cả cha tôi là
người Pháp. Cháu cần phải sắm mấy bộ đồ mới. Và phải đi cắt tóc đi !
Vâng, dì tôi đúng là
người Pháp !
Tôi giới thiệu dì với Bổn
bằng tiếng Pháp, nhưng nó đáp lời bằng tiếng Việt. Cũng như tôi, Bổn học lycée
Pháp, nhưng nó rất ghét tây, chỉ vì tôi mà nó chịu sang đây. Đúng là Pháp đã
cấp học bổng cho nó, ngoài ra tuyệt nhiên Bổn không mang ơn nào khác, nếu không
kể việc đi lại trên những con lộ mà người Pháp đã quy hoạch, mà điều này khó
gọi là ơn huệ, bởi vì đường xá là do nông dân, như gia đình Bổn, phải đi xâu
làm đường. Dì tôi chuyển sang nói tiếng Việt, hỏi thăm chúng tôi lộ trình ra
sao, gian khổ thế nào, bằng thứ tiếng Việt thuần chất, gần như cổ điển, ngôn
ngữ của trí thức Hà Nội. Bổn lặng im. Tiếng Việt của Bổn là ngôn ngữ của nông
dân Bắc Bộ, quê chúng tôi, và ngôn ngữ của nông dân vùng ven Sài Gòn. Cha mẹ
Bổn đã định cư ở vùng này sau cuộc di cư Công giáo năm 54, cuộc đầu tiên trong
ba cuộc di tản của chúng tôi. Có lẽ xấu hổ vì cách ăn nói quê mùa mà Bổn im
lặng, hay đúng hơn, vì giận dữ tràn hông. Bất cứ cái gì Hà Nội cũng có thể là
cộng sản, mà cái có thể là cộng sản thì chắc chắn là
cộng sản, ít nhất đối với một người chống cộng cuồng tín như Bổn. Ngay cả món
quà của cộng sản đã giam cầm chúng tôi, lẽ ra phải biết ơn chúng, là bài học
này : cái gì không giết được ta, nó làm cho ta mạnh mẽ hơn. Điều đó có nghĩa,
Bổn và tôi đã trở thành siêu nhân.
Dì làm công việc gì ?
cuối cùng Bổn mới hỏi, khi chúng tôi đã ngồi trong taxi, dì ngồi giữa chúng tôi
ở ghế sau xe.
Dì trách móc nhìn tôi,
hóa ra cháu không nói gì hết về dì cho bạn. Dì làm biên tập.
Biên tập ? Suýt nữa tôi
thốt ra, cũng may là kịp giữ miệng. Lẽ ra tôi phải biết dì làm nghề gì. Để ra
khỏi trại tị nạn, tôi phải kiếm ra người bảo lãnh. Thế là tôi viết thư cho dì –
lần này không dùng mật mã – bởi vì tôi chỉ quen có dì, người duy nhất không
phải là Mỹ. Chắc là bà đã báo cáo cho Mẫn, nhưng thà như vậy còn hơn là tôi
phải trở lại Mỹ, là nơi tôi đã gây ra những tội ác tuy không bị truy tố nhưng
không làm tôi tự hào chút nào.
Dì nói tên nhà xuất bản
mà tôi chưa hề nghe tới. Dì sống bằng sách, dì nói. Đa phần là truyện và sách
triết học.
Tiếng ực trong cuống họng
của Bổn cho thấy anh không đọc gì ngoài sách giáo khoa quân đội, những tờ báo
lá cải, và mấy mẩu giấy dặn dò mà tôi dán trên tủ lạnh. Có lẽ Bổn sẽ thoái mái
hơn nêu dì làm nghề thợ may. May sao tôi đã không nói gì với Bổn về dì cả.
Dì muốn các cháu kể cho
nghe những gì đã phải trải qua, dì nói. Trại cải tạo, trại tị nạn. Các cháu là
tù cải tạo đầu tiên mà dì gặp đấy !
Dì ơi, xin để bữa khác
đi, tôi nói. Tôi không nói với dì về bản tự kiểm điểm mà tôi đã viết
trong cảnh cải tạo khổ nhục, bản tự kiểm điểm mà tôi cất giấu trong lớp đáy bí
mật của cái túi da, cùng chỗ với cuốn sách Hedd rách mướp, giấy ngả màu vàng.
Tôi cũng không hiểu tại sao tôi cất giấu như vậy, vì Bổn là người cuối cùng
muốn đọc nó, anh hoàn toàn không thèm biết là có hay không. Cũng như tôi, Bổn
đã bị tra tấn, bắt buộc phải viết kiểm điểm nhiều lần trong trại cải tạo ; chỉ
khác là anh không biết rằng Mẫn, người anh em kết nghĩa, là chính ủy của trại
giam. Làm sao biết được khi chính ủy là người không mặt ? Bổn chỉ biết rằng,
anh nói, một lời thú tội do cưỡng bức chỉ đơn giản là lời dối trá. Như hầu như
mọi người, anh tin rằng những lời dối trá, dù có nhắc đi nhắc lại bao nhiều lần
đi nữa, cũng không bao giờ trở thành sự thật. Còn tôi, thì cũng như cha tôi,
ông linh mục, tôi thuộc loại người nghĩ ngược lại.
Nguyễn Thanh Việt
.
THE COMMITTED
By Viet Thanh Nguyen
345 pp. Grove Press. $27.
Copyright 2021 © by Viet Thanh Nguyen
Đoạn trích này dịch từ
nguyên tác đăng trên The New York Times ngày 2 tháng 3.2021
Bản dịch của Nguyễn Ngọc Giao
No comments:
Post a Comment