6
điều cần biết về giới quân đội Myanmar
LEE NGUYEN
- LUẬT KHOA
19/03/2021
https://www.luatkhoa.org/2021/03/6-dieu-can-biet-ve-gioi-quan-doi-myanmar/
Điều gì đã tạo nên một lực lượng quân đội có thể
lũng đoạn cả đất nước như vậy?
Quân đội Myanmar.
Ảnh: Frontier Myanmar
Cuộc đảo chính của quân
đội Myanmar ngày 1/2/2021 khiến cả thế giới chú ý. Quân đội đã bắt giữ và khởi
tố các thành viên chính phủ dân cử, nắm toàn quyền cai quản đất nước, đàn áp
người biểu tình và áp đặt thiết quân luật ở nhiều nơi.
Điều gì đã tạo nên một
lực lượng quân đội có thể lũng đoạn cả đất nước Myanmar như vậy?
Bài viết cung cấp cho độc
giả những thông tin cơ bản về Lực lượng vũ trang Myanmar (Tatmadaw).
1. Do cha của bà Aung San Suu Kyi sáng lập
Quân đội Myanmar do tướng
Aung San, thân phụ của bà Aung San Suu Kyi, thành lập năm
1941 với sự giúp đỡ của Nhật Bản. Mặc dù tướng Aung San bị ám sát vào năm 1947,
di sản của ông vẫn tồn tại, và quân đội Myanmar vẫn tham gia nắm quyền điều
hành đất nước trong vài chục năm sau.
Tướng Aung San (thứ
hai từ trái qua), người sáng lập quân đội Myanmar, lực lượng hiện đang kiểm
soát đất nước và giam giữ con gái ông. Ảnh: Keystone/ Hulton Archive/ Getty
Images.
Trong những năm đầu từ
khi thành lập, quân đội Myanmar nhanh chóng nhận được sự ủng hộ mạnh
mẽ của quần chúng với lý tưởng chống áp bức thuộc địa và đấu tranh vì độc lập,
tự do, giải phóng dân tộc.
Tuy nhiên, 20 năm sau,
mọi chuyện hoàn toàn khác. Người dân quay lưng lại với một tổ chức quân đội tha
hóa, tham nhũng, cai trị theo đường lối hà khắc, tàn bạo.
Đáng chú ý, con gái của
tướng Aung San, bà Aung San Suu Kyi, đã đấu tranh chống lại di sản của cha mình
và bị quân đội giam giữ trong nhiều năm. Năm 1991, Aung San Suu Kyi được trao
giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực đấu tranh của bà cho nền dân chủ
và tự do.
2. Từng lèo lái đất nước theo con đường xã hội chủ
nghĩa
Sau cuộc đảo chính quân
sự năm 1962, quân đội do Tướng Ne Win lãnh đạo đã ngay lập tức cấm tất
cả các đảng phái đối lập và các tổ chức truyền thông độc lập hoạt động, đồng
thời tiến hành quốc hữu hóa các doanh nghiệp, nhà xưởng lớn. Họ áp đặt chế độ
xã hội chủ nghĩa qua việc giới thiệu “Con đường đi đến chủ nghĩa xã hội của
Miến Điện” (Burmese Way to Socialism).
Bưu thiếp tuyên truyền về
nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Miến Điện, với hình ảnh búa và liềm quen thuộc, vào
khoảng năm 1963. Ảnh: Chronicle / Alamy Stock Photo.
Hệ tư tưởng này gồm 21
điểm, do Hội đồng Cách mạng, đứng đầu là Tướng Ne Win, viết ra. Nó mô tả mô hình kinh tế xã hội chủ
nghĩa là phương tiện duy nhất để người dân Myanmar thoát khỏi những tệ nạn xã
hội, tận hưởng sự sung túc và tạo ra một xã hội thịnh vượng.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/03/image4-1.jpg
Bưu thiếp tuyên
truyền về nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Miến Điện, với hình ảnh búa và liềm quen
thuộc, vào khoảng năm 1963. Ảnh: Chronicle/ Alamy Stock Photo.
Trong thời gian xây dựng
chế độ xã hội chủ nghĩa, Ne Win đã cô lập Miến
Điện với thế giới bên ngoài và từ chối đứng về bất kỳ phe nào trong Chiến tranh
Lạnh. Ông áp dụng một hệ thống độc đảng do Đảng Cương lĩnh Xã hội Chủ nghĩa
Miến Điện (Burma Socialist Programme Party) lãnh đạo, trong đó quân đội
đóng vai trò thống trị.
Chính quyền của Tướng Ne
Win không ngừng in tiền để tài trợ cho các mục tiêu chính trị và các
dự án phô trương, nhưng không thiết lập được một hệ thống tài chính thích hợp.
Việc in tiền vô tội vạ khiến cung tiền và lạm phát tăng cao đến mức không kiểm
soát được.
Vào năm 1987, Ne Win
quyết định xóa sổ khoảng 80% lượng tiền ở Myanmar, gây ra tác động nghiêm trọng
đến đời sống vốn đã nghèo khó của người dân. Sự kiện này dẫn đến cuộc cách mạng
vào năm 1988, chấm dứt chế độ xã hội chủ nghĩa của Myanmar.
Đến năm 1987, sau 26 năm
đi lên chủ nghĩa xã hội, Myanmar trở thành một trong những nước nghèo nhất thế giới. Đất nước bị cô lập, nền kinh tế bị tàn
phá, trình độ kinh tế, giáo dục và xã hội bị hạ thấp đáng kể. Công nhân và sinh
viên phải xuống đường thường xuyên để biểu tình.
3. Tatmadaw đã từng thảm sát người biểu tình trong
cuộc cách mạng 1988
Các cuộc đàn áp bạo lực
của quân đội Myanmar trong gần hai tháng qua gợi nhớ đến cuộc cách mạng năm
1988.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/03/SS2240349.jpg
Đám đông lớn biểu
tình tại thủ đô Rangoon (tên gọi trước kia của Yangon) vào năm 1988, phản đối
chế độ độc tài và yêu cầu thực hiện cải cách dân chủ. Ảnh: Alain Evrard/
Science Source.
Năm 1988, khi Miến Điện
vẫn còn theo đuổi con đường xã hội chủ nghĩa, sinh viên và các nhà hoạt động đã
tổ chức các cuộc biểu tình trên toàn quốc, phản đối tình trạng quản lý
kinh tế yếu kém, yêu cầu thực hiện cải cách dân chủ.
Các cuộc đụng độ giữa người
biểu tình và quân đội leo thang với
tốc độ chóng mặt. Binh lính sử dụng vũ lực gây chết người ở mức độ ngày càng
tăng, đến mức khiến hàng nghìn người chết.
Những người thuộc “thế hệ
88” (88 Generation) đã bị quân đội bắt bớ,
giam giữ. Nhiều người phải chịu đựng thiếu thốn và bị ngược đãi suốt hai thập
niên trong tù. Một số người tiếp tục góp mặt trong các cuộc biểu tình hiện tại.
Vào năm 1988, quân đội đã
đàn áp thành công hàng trăm ngàn người biểu tình, bởi những sinh viên Miến Điện
chỉ có thể dựa vào những quyển sách nhỏ được in ấn thô sơ và
những lời truyền miệng để kết nối với nhau. Nhưng môi trường xã hội đã thay đổi đáng
kể. Ngày nay, người dân ở những vùng xa nhất của Myanmar cũng có thể ngay lập
tức nhận được tin tức trên Facebook và Twitter về các cuộc biểu tình và đàn áp.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/03/2800.jpg
Quân đội Myanmar
được huy động để đàn áp các cuộc biểu tình sau cuộc đảo chính vào tháng 2/2021
vừa qua. Ảnh: AFP/ Getty Images.
Với việc hầu như mỗi
người dân đều có smartphone, các vụ đụng độ chết người và các hành vi lạm dụng
của lực lượng an ninh đều được ghi hình và tải lên mạng. Các thủ lĩnh trẻ của Phong
trào Bất tuân Dân sự (CDM) ứng dụng công nghệ để kết nối và phối hợp với
nhau một cách tinh tế hơn. Họ còn đoàn kết với các sắc tộc thiểu số để cùng chống lại
chính quyền quân đội.
4. Tatmadaw đã từng đảo ngược kết quả bầu cử
Vụ đảo chính quân sự ngày
01/02/2021 ở Myanmar không phải là lần đầu tiên quân đội Myanmar đảo ngược kết
quả bầu cử. Lần trước đó là năm 1990.
Nó khởi đầu từ các cuộc biểu
tình vào năm 1988 như đã đề cập ở trên. Hàng ngàn sinh viên và nhân viên văn
phòng đổ ra đường đòi cải cách dân chủ cho đất nước.
Cùng năm đó, bà Aung San
Suu Kyi thành lập Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (National
League for Democracy – NLD), bắt đầu gây sức ép buộc chính phủ quân sự tổ chức
bầu cử. Đảng NLD tổ chức các cuộc mít tinh khắp đất nước, kêu gọi cải cách dân
chủ hòa bình và bầu cử tự do.
Trước các áp lực trong
nước và quốc tế, quân đội đã tổ chức một cuộc bầu cử vào năm 1990. NLD giành
chiến thắng vang dội. Tuy nhiên, chính quyền quân đội từ chối thừa nhận kết quả
bầu cử. Họ giam giữ bà Aung San Suu Kyi gần 15 năm.
5. Tatmadaw là cha đẻ của Hiến pháp Myanmar năm
2008
Gần hai thập niên sau
cuộc bầu cử năm 1988, quân đội đã tự tay soạn thảo Hiến pháp mới vào năm 2008.
Sau đó, họ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về bản Hiến pháp mà
không có sự tham gia của bất kỳ tổ chức đối lập nào. Cuộc trưng cầu được tổ
chức hai ngày sau khi cơn bão Nargis quét qua đất nước, gây khó khăn cho việc
bỏ phiếu.
Người dân xếp hàng
để lấy gạo sau khi cơn bão Nargis quét qua thị trấn Phyar Pon ngày 08/05/2008.
Hai ngày sau, 10/05/2008, chính quyền Myanmar kêu gọi công dân thực hiện nghĩa
vụ yêu nước và bỏ phiếu cho bản Hiến pháp do quân đội soạn thảo, không quan tâm
đến việc 1,5 triệu người bị ảnh hưởng vì bão. Ảnh: Reuters/ Stringer.
Bất chấp việc NLD tố cáo
cuộc trưng cầu dân ý là gian lận, Tatmadaw thông báo rằng dự thảo Hiến pháp đã được
công chúng công nhận và sẽ nhanh chóng đi vào hiệu lực.
Hiến pháp mới bảo toàn
quyền kiểm soát của quân đội đối với đất nước. Nó trao cho Tatmadaw một hạn
ngạch (không qua bầu cử) 25% tổng số ghế trong lưỡng viện Quốc hội và các cơ
quan lập pháp ở địa phương.
Cơ cấu này giúp quân đội
dễ dàng ngăn chặn bất kỳ ý định sửa đổi Hiến pháp nào do các nhà lập pháp dân
sự đưa ra, vốn đòi hỏi ¾ số phiếu đồng thuận trong Quốc hội.
6. Quân đội thống trị nền kinh tế, cũng nhờ Hiến
pháp
Bản Hiến pháp cũng trao cho quân đội quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên
thiên nhiên của đất nước, bao gồm dầu mỏ, khí đốt và các tài nguyên khai thác
khác.
Điều này giúp Tatmadaw
độc lập về tài chính, cho phép họ vươn chiếc vòi bạch tuộc đến mọi ngóc ngách
của nền kinh tế Myanmar. Phần lớn lợi nhuận của các công ty quân sự đều chảy
vào ngân sách của quân đội. Chiếc bóng của quân đội bao phủ từ bia, thuốc lá,
hàng tiêu dùng cho đến khai thác mỏ, nhà máy, du lịch, bất động sản và viễn
thông.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/03/image6.png
Biếm họa mô tả
những tướng lĩnh quân đội Myanmar – những ông trùm trong ngành khai thác ngọc
bích của đất nước. Ảnh: Global Witness.
Tatmadaw bắt đầu tham gia hoạt động kinh tế khi Tướng Ne Win quốc hữu
hóa các doanh nghiệp trong nước – một phần trong kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã
hội vào năm 1962.
Khi Myanmar từ bỏ chủ
nghĩa xã hội, giới quân đội đã xây dựng một hình thức chủ nghĩa tư bản thân hữu để có thể dễ dàng tiếp
cận vào nhiều lĩnh vực kinh tế. Ở một số lĩnh vực, chỉ có các công ty quân sự
và các chi nhánh của chúng mới được cấp phép hoạt động.
Thậm chí, khi Myanmar đang
trong tiến trình dân chủ và cải cách đất nước, các tướng lĩnh quân đội
vẫn thống trị nền kinh tế. Nhiều báo cáo còn cáo buộc quân đội tham gia sản
xuất ma túy và vơ vét các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước.
Trong quá trình mở cửa
nền kinh tế, hai tập đoàn lớn nhất của quân đội là Myanmar Economic Corporation
(MEC) và Myanmar Economic Holding Ltd (MEHL) đã lợi dụng chính sách tư nhân hóa để thâu tóm các doanh nghiệp công
với giá rẻ mạt.
Mặc dù đã có những cải cách kinh tế quan trọng trong thập niên qua, hiện
các tập đoàn quân đội vẫn đang kiểm soát các hoạt động kinh doanh và đầu tư
trong gần như mọi lĩnh vực ở Myanmar.
Tài liệu tham khảo
chính:
- Marco Bünte (2017), The NLD-Military Coalition in Myanmar: Military
Guardianship and Its Economic Foundations.
- Britannica, Myanmar
- Egreteau Renaud (2009) The repression of the August 8-12-1988 (8-8-88) uprising
in Burma/ Myanmar
No comments:
Post a Comment