6
gương mặt ngoài đảng tự ứng cử đại biểu Quốc hội
Hồng Anh
- Luật Khoa
16/03/2021
https://www.luatkhoa.org/2021/03/6-guong-mat-ngoai-dang-tu-ung-cu-dai-bieu-quoc-hoi/
Đồ họa: Luật Khoa.
Ảnh nền: Quochoi.vn. Ảnh nhân vật: nhiều nguồn
Thời hạn nộp đơn tự ứng
cử đại biểu Quốc hội đã kết thúc. Một đường đua vào Quốc hội Việt Nam chuẩn bị
mở ra.
Từ trên khán đài, những
khán giả/ cử tri phần nào có thể dự đoán trước được kết quả. Cùng một đường
chạy nhưng các ứng cử viên tự do sẽ phải vượt qua những hàng rào cao chót vót
bằng đôi chân trần, còn các ứng cử viên của đảng, nhà nước thì yên vị trên xe ô
tô có người chở băng băng về đích.
Những gương mặt tự ứng cử
sau đây đã bắt lấy cơ hội đứng ngang hàng với những quan chức nhà nước được cử ra ứng cử.
Các ứng viên tự do có thể
đang lo về những bất trắc sẽ xảy ra. Họ cũng có thể đang rất tự tin vào việc
ứng cử của mình. Họ là ai?
Giáo sư
Nguyễn Đình Cống: “Vào được Quốc hội là đại thành công, nếu bị loại thì tôi
cũng thành công rồi”
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/03/image-10.png
Giáo sư Nguyễn Đình Cống. Ảnh: Facebook Nguyễn Đình
Cống.
Tuổi tác không thể buộc Giáo sư Nguyễn Đình
Cống trở thành khán giả cho cuộc bầu cử lần này.
“Tuổi tác chỉ là một phần của sức khỏe mà thôi. Tôi
hoàn toàn khỏe mạnh và minh mẫn, bằng chứng là bao năm qua tôi vẫn công bố
khoảng hơn 20 công trình khoa học”, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, 83 tuổi, nói với Luật Khoa.
Nếu trúng cử, ông cho
biết sẽ vận động Quốc hội thông qua nhiều luật đang rất cần thiết đối với công
chúng đang bị tắc ở nghị trường, trong đó có các luật về quyền tự do hiệp hội,
tụ tập ôn hòa của người dân.
Giáo sư Cống đang chuẩn
bị tinh thần để vượt hàng rào đầu tiên trong cuộc bầu cử của mình.
“Tôi chuẩn bị tâm thế vững vàng, tự tin cho hội nghị
cử tri nơi cư trú. Nếu người ta hỏi tôi thì tôi sẵn sàng trả lời, nếu người ta
vu cáo tôi thì tôi vẫn sẵn sàng đáp trả”, Giáo sư Cống cho biết.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống
sẽ ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội. Ông là tiến sĩ chuyên ngành xây dựng,
từng công tác nhiều năm tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, từng là trưởng bộ môn
tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Năm 1999, Giáo sư Cống về
hưu. Năm 2016, ông tuyên bố từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống
thường xuyên đăng bài trên mạng xã hội và được nhiều người theo dõi. Ông xuất
bản nhiều sách, công trình nghiên cứu khoa học với nhiều đề tài đa dạng. Năm
2013, ở tuổi 76, ông nhận giải thưởng KOVA cho một công trình khoa học ứng dụng về bê
tông cốt thép.
Giáo sư Cống cho rằng
ngay từ lúc nộp đơn ứng cử thì ông đã thành công rồi.
“Vào được Quốc hội là đại thành công, nếu bị loại
thì tôi cũng thành công rồi vì tôi đã chứng minh rằng một người ngoài đảng cũng
có thể ứng cử đại biểu Quốc hội”, Giáo sư Cống cho biết.
Lê Trọng
Hùng: “Quốc hội hiện nay
không hoàn thành đầy đủ bổn phận của mình”
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/03/image-11.png
Ông Lê Trọng Hùng. Ảnh: Facebook Hùng Gàn Lê.
Ông Lê Trọng Hùng,
42 tuổi, là một phóng viên độc lập của kênh thông tin Chấn Hưng TV. Ông sẽ ứng
cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội.
Ông Hùng cho biết ông sẽ
tranh cử chứ không chỉ ứng cử.
“Ứng cử chỉ đơn thuần là làm hồ sơ, nộp đơn vào Hội
đồng Bầu cử Quốc gia để xin ứng cử. Còn tôi thực hiện tranh cử. Tranh cử có
nghĩa là tôi sẽ quảng bá bản thân để các cử tri ở đơn vị bầu cử của tôi, cử tri
cả nước biết đến dự án tranh cử của tôi, những gì mà tôi sẽ mang đến cho họ”, ông Hùng nói với Luật Khoa.
Ông Hùng nói nếu trúng cử
ông sẽ vận động Quốc hội thực hiện phong trào thượng tôn Hiến pháp, trong đó có
việc tặng cho mỗi người dân một bản Hiến pháp. Ông cũng sẽ vận động Quốc hội
thành lập tòa bảo hiến để ngăn chặn những vụ việc vi hiến.
Ông tin rằng mình sẽ trở
thành một đại biểu có trách nhiệm với nhân dân.
“Tôi nhận thấy Quốc hội hiện nay không hoàn thành
đầy đủ bổn phận của mình. Các đại biểu Quốc hội nhiều khi không biết mình là
ai, không biết mình đang đại diện cho ai. Họ nhầm lẫn cái vị trí của mình trong
mối quan hệ với người dân và mối quan hệ với nhà nước. Là một công dân trưởng
thành, […] tôi phải có trách nhiệm đứng ra tranh cử để Quốc hội trở nên chuyên
nghiệp hơn, trưởng thành hơn”, ông Hùng cho biết lý do ông quyết định ra ứng cử.
Theo hồ sơ ứng cử, ông
Hùng tốt nghiệp đại học ngành luật kinh tế, cao đẳng sư phạm
ngành sinh hóa, đại học sư phạm ngành sinh.
Trần Quốc
Khánh: Bị bắt sau khi thông
báo sẽ tự ứng cử
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/03/image-12.png
Ông Trần Quốc Khánh. Ảnh: Facebook Hùng Gàn Lê.
Chưa tới được hội nghị cử
tri nơi cư trú, ứng cử viên Trần Quốc Khánh, 61 tuổi, đã bị bắt tạm giam.
Luật sư Lê Đình Việt,
luật sư bào chữa của ông Khánh, cho biết công an tỉnh Ninh Bình thông báo ông Khánh bị bắt
để điều tra về những chương trình phát trực tiếp của ông Khánh trên mạng xã
hội.
Ông Khánh bị bắt vào ngày
9/3/2021, một ngày sau khi tham gia phản biện trực tuyến với ông Lê Trọng Hùng
về chương trình tranh cử của ông Hùng.
Ngày 4/3/2021, ông Khánh
đăng đơn kiện Bộ Nội vụ trên Facebook. Lý do kiện là vào tháng 9/2019, Bộ Nội
vụ đã từ chối cấp đăng ký cho Hội Dân chủ Việt Nam của ông.
Trang Facebook cá nhân
của ông Khánh đã không còn truy cập được kể từ ngày 14/3.
Trang thông tin Tiếng nói
công dân do ông lập ra thì hiện nay vẫn có thể truy cập.
Hoàng Hữu
Phước: Cựu đại biểu Quốc hội
tự ứng cử lần hai
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/03/image-13.png
Ông Hoàng Hữu Phước. Ảnh: Ngọc Thắng/Thanh Niên.
Ông Hoàng Hữu
Phước, 63 tuổi, là ứng cử viên tự do ngoài đảng đáng chú ý trong đợt
bầu này. Ông Phước sẽ ứng cử đại biểu Quốc hội tại thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2011, ông đắc cử đại biểu Quốc hội khóa XIII. Năm 2016, ông tự ứng cử
vào Quốc hội thì bị loại ở hội nghị hiệp thương lần thứ ba.
Trong Quốc hội khóa XIII,
ông Phước là một trong những đại biểu Quốc hội hoạt động sôi nổi, gây nhiều
tranh cãi. Đến nay, người ta vẫn nhớ đến ông với lập trường không ủng hộ biểu
tình và phản đối hợp pháp hóa mại dâm. Ông còn nổi tiếng với cách phê phán kịch
liệt các đại biểu Quốc hội cùng khóa với mình.
Ông Phước hiện nay là Chủ
tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc công ty cổ phần thương mại dịch vụ tư vấn đầu
tư doanh thương Mỹ Á. Trên blog cá nhân, ông cho biết
mình tốt nghiệp thạc sĩ kinh doanh quốc tế tại Úc và từng là giảng viên Anh văn
ở TP. Hồ Chí Minh.
Lại Thu Trúc: Lần thứ hai tự ứng cử
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/03/image-14.png
Bà Lại Thu Trúc. Ảnh: Blog Hoàng Hữu Phước.
Làm việc cùng công ty,
cùng ứng cử đại biểu Quốc hội với ông Hoàng Hữu Phước còn có bà Lại Thu Trúc.
Bà Lại Thu Trúc hiện là
trưởng phòng tài chính của công ty cổ phần thương mại dịch vụ tư vấn đầu tư
doanh thương Mỹ Á. Bà nộp hồ sơ tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại TP. Hồ Chí Minh
cùng ngày với ông Hoàng Hữu Phước.
Bà Trúc có vẻ là người
khá kín tiếng. Báo chí không đưa tin chi tiết về việc ứng cử của bà Trúc. Bà
Trúc cũng không có kênh thông tin cá nhân nào.
Theo thông tin trên blog của ông Phước, bà Trúc là người thường gửi các kiến
nghị, phân tích về các vấn đề kinh tế đến các lãnh đạo nhà nước, tạp chí kinh
tế.
Bà Trúc tự ứng cử đại
biểu Quốc hội lần đầu vào năm 2016 cùng với ông Hoàng Hữu Phước, nhưng không
lọt vào danh sách ứng cử viên chính thức.
Luật Khoa đã liên lạc với
ông Phước và bà Trúc nhưng chưa được hồi đáp. Chúng tôi sẽ cập nhật thông tin
khi có thể.
Phạm Hồng
Thơm: Nông dân tự ứng cử
đại biểu Quốc hội
Bà Phạm Hồng Thơm. Ảnh: Facebook Phạm Hồng Thơm.
Bà Phạm Hồng Thơm, 46 tuổi, đã nộp đơn tự ứng cử đại biểu Quốc
hội tại xã Hồng Thái Tây, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Bà Hồng Thơm cho rằng
chính bà sẽ là người làm nên một đại biểu Quốc hội mà bà muốn thấy.
“Nếu được trúng cử, tôi sẽ là một đại biểu thực sự
đại diện cho người dân, lắng nghe tiếng nói người dân, và gần dân nhất”, bà Thơm cho biết trong chương trình phát trực tuyến của mình.
Trong những chương trình
phát trực tuyến trên Facebook, bà Hồng Thơm có một thông điệp về việc tự ứng cử
của mình.
“Nếu tôi là một nông dân, trình độ lớp 6/12, […] có
một lý lịch rất đơn giản như thế nhưng vẫn dám ra ứng cử đại biểu Quốc hội, thì
Hồng Thơm nghĩ ai cũng có thể ra ứng cử đại biểu Quốc hội để thể hiện trách
nhiệm của mình”, bà Hồng Thơm chia sẻ.
Theo bà Hồng Thơm, việc
làm hồ sơ ứng cử, nhất là việc xác nhận lý lịch cá nhân, thông tin nhân thân
của bố mẹ, chồng con thật sự là một việc rắc rối đối với các ứng viên tự ứng
cử.
Bà cũng cho biết chủ
tịch, phó chủ tịch xã nơi bà cư trú rất ủng hộ quyết định tự ứng cử của bà.
Thứ tự của các ứng cử viên trong bài được sắp xếp
theo chữ cái đầu tiên trong tên, theo bảng chữ cái. Danh sách này có thể chưa
bao gồm tất cả những người ngoài đảng tự ứng cử đại biểu Quốc hội.
Người ngoài đảng tự ứng cử đại biểu Quốc hội có thể
liên hệ với Luật Khoa qua email: bbt@luatkhoa.org.
Chúng tôi sẽ xác minh và liên hệ để tìm hiểu thêm thông tin. Luật Khoa giới
thiệu các ứng cử viên độc lập theo tiêu chí khách quan, không thiên vị.
No comments:
Post a Comment