Tuesday, 2 February 2021

VÌ SAO NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT CHỐNG DI DÂN và ỦNG HỘ TRUMP? (Joaquin Nguyễn Hòa)

 


Vì sao người Mỹ gốc Việt chống di dân và ủng hộ Trump?

Joaquin Nguyễn Hòa

02/02/2021

https://baotiengdan.com/2021/02/02/vi-sao-nguoi-my-goc-viet-chong-di-dan-va-ung-ho-trump/

 

Một bài viết của phóng viên Kimmy Yam, đăng trên NBC News hôm 1/2/2021, với nội dung, “làm cách nào Biden có thể xóa được sự chia rẽ trầm trọng mà Trump đã gây ra trong cộng đồng di dân. Mặc dù bài viết nói về di dân ở Mỹ, nhưng nội dung chú trọng đến cộng đồng người Mỹ gốc Việt, hơn là các cộng đồng Á châu khác. Chúng tôi xin tóm lược một số điểm trong bài.

 

                                                         ***

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/02/2-5.png

Người Việt ủng hộ ông Trump tại một buổi tụ họp hôm 12/10/2020 ở Falls Church, bang Virginia. Nguồn: Tyrone Turner/ DCist/ WAMU

 

Các nhà phân tích chính trị nói rằng, bốn năm làm tổng thống của ông Donald Trump đã làm chia rẽ sâu sắc các cộng đồng di dân ở Mỹ bằng chính sách chống nhập cư của ông ta.

 

Ông Karthick Ramakrishnan, giám đốc tổ chức phi lợi nhuận AAPI Data nói rằng, cộng đồng người Mỹ gốc Việt là một ví dụ cho thấy, cái kiểu tuyên truyền ‘chúng ta chống lại chúng nó’, có tác động chia rẽ cộng đồng như thế nào, bắt đầu từ đợt bầu cử năm 2016.

 

Số liệu cho thấy, vào lúc ấy, mặc dù đa số cử tri gốc Việt ủng hộ bà Clinton hơn là ông Trump, nhưng trong số người được thăm dò thì có đến 1/3 số người không chấp nhận người tị nạn gốc Syria, là con số cao nhất so với những cộng đồng Mỹ gốc Á khác.

 

Trong bốn năm sau đó, với chính sách di dân hà khắc, cộng với ngôn ngữ kỳ thị di dân đã ảnh hưởng rất mạnh lên cộng đồng người Việt. Con số rút ra từ cuộc bầu cử năm 2020 cho thấy, cộng đồng người Việt đã rời bỏ khuynh hướng nghiêng về đảng Dân chủ hồi năm 2016.

 

Có những điểm đáng nhớ về ngôn ngữ chống di dân của ông Trump, như hồi năm 2018, ông ta nói rằng, các quốc gia nghèo là các quốc gia “hố phân”. Hay như trong kỳ vận động tranh cử năm 2020, Trump nói rằng, nếu ông Biden thắng sẽ mở cửa để bọn Hồi giáo cực đoan tràn vào.

 

Nhưng tại sao cũng là người di dân, tị nạn, mà người Việt lại có thái độ kỳ thị, nghe theo những lời kỳ thị của ông Trump như vậy? Tại sao họ lại tách rời khỏi những người cùng cảnh ngộ để hùa về phía những gã côn đồ hiếp đáp người khác như bọn thượng đẳng da trắng?

 

Thi Bùi, một nhà hoạt động xã hội và là một nhà văn Mỹ gốc Việt, nói rằng, sở dĩ người Việt có tâm lý đó là vì sự sợ hãi và bất an của họ trên đất Mỹ, họ có nhu cầu gắn kết với những người có quyền lực và kiểm soát cuộc sống của họ.

 

Cô Thi nói rằng, người Việt sẽ dễ bị dụ dỗ bởi tâm lý rằng những lời nói như vậy không nhắm vào họ, chừa họ ra vì họ là người tốt, ở trên nước Mỹ tới lúc nào cũng được, còn bọn kia bị trục xuất, bị không cho vào Mỹ, chính là bọn xấu.

 

Cô Phi Nguyen, đứng đầu một tổ chức của người Á châu tại Atlanta, bang Georgia, cũng có ý kiến tương đồng, cho rằng kiểu tuyên truyền của Trump có hiệu quả lên cộng đồng người Việt, hay cả những cộng đồng khác, là dựa trên nỗi sợ của họ.

 

Cô Thi Bui nói rằng chính quyền ông Trump rất giỏi trong việc làm cho những người thiểu số lo sợ, và khi được ban cho các con dê tế thần, là những người “khác”, thì họ nắm lấy ngay.

 

Ông Paul Ong, một giáo sư Trường Công vụ Luskin, của đại học UCLA ở bang California nói rằng, đối với người Việt còn có màu sắc đảng phái nữa. Đại đa số di dân Việt là những người thuộc các nhóm chống Cộng, và họ nghĩ rằng họ nên đứng về phía đảng Cộng hòa và các nhóm cánh hữu của xã hội Mỹ. Ông Paul Ong nói, cuối cùng họ rơi vào hướng dư luận ấu trĩ về một loại chủ nghĩa dân tộc Hoa Kỳ.

 

Một nguyên nhân nữa mà cô Thi Bui nhấn mạnh là, cộng đồng Việt Nam thiếu nguồn thông tin chính xác. Họ dựa vào các nguồn tin vịt từ các blogger có tiếng trong cộng đồng, mà những người này lại có khuynh hướng ủng hộ ông Trump, dùng những lời lẽ chống di dân như ông ta. Các cơ quan truyền thông dòng chính của Mỹ không để ý đến cộng đồng người Việt, tiếng Việt, vì thế, họ dựa vào những nguồn kể trên bằng ngôn ngữ tiếng Việt.

 

Nhưng tình hình đã khá hơn. Cô Thi Bui cho biết, nhiều nhóm hoạt động xã hội đang rất tích cực hoạt động để đẩy lùi tin vịt trong cộng đồng. Cô nêu ra ví dụ về hoạt động của nhóm Viet Fact Check, của tổ chức PIVOT (tổ chức những người Mỹ gốc Việt cấp tiến).

 

Cô Phi Nguyen cho biết, trong cuộc bầu cử năm 2020, người Việt ở bang Georgia đã tạo thành một liên minh với các sắc dân thiểu số khác, đem lại chiến thắng cho ông Biden, biến bang này thuộc về đảng Dân chủ sau rất nhiều năm là thành trì của đảng Cộng hòa. Có đến 61% người Việt ở bang Georgia đã bầu cho ông Biden.

 

Cô Phi Nguyen nói rằng, ví dụ ở Georgia cho thấy, cần làm cho cộng đồng hiểu rằng, tất cả các chính sách chống di dân, dù rằng được biện hộ là chỉ chống những người xấu, nhưng sẽ ảnh hưởng chung tới cộng đồng.

 

Cô Thi Bui thì cho rằng, tình hình không phải là bi đát, chẳng qua do cộng đồng không được tiếp cận với dòng chính mà thôi.

 

Chúng ta nên nhớ rằng, chính sách di dân phân biệt kẻ tốt, người xấu như vậy đã có lâu đời ở Mỹ. Năm 1924, có đến 50 ngàn người Đức, 34 ngàn người Anh di cư đến Mỹ, trong khi mỗi quốc gia châu Á có khoảng 100 người.

 

Những lời lẽ kiểu ‘chúng ta tốt, chúng nó xấu’ không chỉ ảnh hưởng đến người Việt, mà còn ảnh hưởng đến các sắc dân châu Á khác, gây nhiều chia rẽ trong cộng đồng của họ. Có đến 1/3 người gốc Campuchia ủng hộ việc cấm người Hồi giáo nhập cư. Trong hai năm đầu tiên dưới chính quyền Trump, số người Campuchia bị trục xuất tăng đến 279%.

Đối với cộng đồng người gốc Ấn Độ, mặc dù đa số ủng hộ đảng Dân chủ, nhưng số ủng hộ Trump cũng tăng lên rất nhiều trong thời gian qua.

 

Trong một cuộc gặp gỡ cộng đồng người Ấn Độ ở Houston hồi tháng 9/2019, của ông Trump và ông Mohendra Modi, là người đồng nhiệm Ấn Độ có cùng quan điểm dân túy với Trump, đám đông đã rất hân hoan trước những lời lẽ cứng rắn chống di dân bất hợp pháp của Trump.

 

Những người Ấn ủng hộ ông Trump không biết rằng, có đến hơn 400 ngàn người Ấn sống bất hợp pháp trên đất Mỹ, là con số khá cao so với 2,7 triệu người Mỹ gốc Ấn.

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats