The
Economist
Đỗ Đặng Nhật Huy biên dịch
02/02/2021
http://nghiencuuquocte.org/2021/02/02/the-gioi-hom-nay-02-02-2021/
Các chính phủ trên khắp
thế giới, bao gồm Mỹ, đã lên án cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar và kêu
gọi thả bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo trên thực tế của đất nước, cùng các
thành viên khác trong đảng của bà. Biểu tình phản đối đảo chính cũng nổ ra ở một
số thành phố nước ngoài. Hôm qua, các tướng lĩnh Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn
cấp kéo dài một năm và cắt liên lạc ở các thành phố lớn, với lý do cáo buộc có
gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái.
Israel đã giao 2.000 liều vắc xin covid-19 của Moderna cho người Palestine ở
Bờ Tây bị chiếm đóng. Israel đang dẫn đầu trong vấn đề tiêm chủng khi gần 20%
dân số nước này đã được tiêm cả hai mũi Pfizer-BioNTech. Nhưng không có chương
trình tiêm chủng nào ở Bờ Tây hay ở Gaza. Israel đã hứa chia sẻ 5.000 liều, dù
lãnh thổ Palestine có dân số hơn 4 triệu người.
Bobi Wine, nhân vật đối lập
hàng đầu của Uganda, đã yêu cầu tòa án tối cao của đất nước hủy bỏ kết
quả bầu cử tổng thống hồi tháng trước. Đương kim tổng thống Yoweri Museveni,
người đã lãnh đạo Uganda từ năm 1986, thắng 59% số phiếu trong khi ông Wine
giành được 35%. Nhưng các thách thức pháp lý của ông Wine tuyên bố kết quả
không hợp lệ vì một số lý do, bao gồm cả việc sử dụng bạo lực trên diện rộng.
Jimmy Lai, một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ nổi tiếng, vừa ra hầu tòa ở Hồng
Kông để phản đối quyết định (của chính quyền) từ chối cho ông được bảo lãnh
tại ngoại. Ông đang chờ bị xét xử tội thông đồng với thế lực nước ngoài, một tội
danh theo luật an ninh quốc gia mới do cơ quan lập pháp Hồng Kông áp đặt theo lệnh
của chính phủ Trung Quốc. Ông Lai bị bắt vào tháng 12 vì vai trò trong các cuộc
biểu tình trong năm 2019.
Văn phòng ngân sách quốc
hội Mỹ cho biết kinh tế nước này sẽ khôi phục quy mô trước đại dịch vào
giữa năm 2021 ngay cả khi không có thêm gói kích thích mới nào. Dự báo này sáng
sủa hơn dự báo của mùa hè năm ngoái — nhiều lĩnh vực của nền kinh tế đã thích
nghi với đại dịch nhanh hơn dự đoán, một phần nhờ vào gói phục hồi 900 tỷ đô la
được Quốc hội thông qua vào tháng 12.
Các rào cản thương mại hậu
Brexit cũng như đại dịch đã ảnh hưởng xấu lên ngành chế tạo của Anh
trong tháng 1. Chỉ số nhà quản lý mua hàng Markit/CIPS có điều chỉnh theo mùa
đã giảm từ mức cao nhất trong ba năm là 57,5 vào tháng 12 xuống mức thấp nhất trong ba tháng là 54,1 vào tháng 1 (mặc dù
trên 50 nghĩa là có tăng trưởng). Số đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm, trong khi
các hạn chế vì covid-19 và chậm trễ trong vận chuyển, đặc biệt tại các cảng,
làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Doanh số bán chip bán
dẫn toàn cầu tăng 6,5% trong năm 2020, do lượng mua tăng vọt vào cuối năm để
bù đắp nhu cầu thấp trong làn sóng covid-19 đầu tiên. Các công ty Mỹ chiếm 47%
thị trường 439 tỷ đô la này, nhưng chỉ chiếm 12% tổng công suất sản xuất – nhiều
hãng Mỹ hiện đang cung cấp chip sản xuất từ các nhà máy châu Á.
TIÊU
ĐIỂM
Quân đội Myanmar đảo chính
Hôm qua, Aung San Suu
Kyi, nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar, bị bắt cùng với các nhân vật cấp
cao trong đảng của bà, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ. Vụ việc này đã khép lại
cuộc thử nghiệm mười năm của Myanmar về một hình thức dân chủ lai. Các tướng
lĩnh đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm và trao quyền lực cho Tổng
tư lệnh Min Aung Hlaing. Vị tư lệnh tuyên bố, mà không cần đưa ra lý do, rằng
cuộc bầu cử tháng 11, theo đó đảng của bà Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo, đã
bị gian lận tràn lan.
Quân đội hứa sẽ có các cuộc
bầu cử mới khi tình trạng khẩn cấp kết thúc. Nhưng họ cũng đã từng tuyên bố
tương tự khi nắm quyền vào năm 1988, để rồi không thừa nhận kết quả bầu cử năm
1990 khi họ bị thua. Quân đội tiếp tục giữ quyền lực bằng nắm đấm thép suốt 25
năm trước khi nhường chỗ cho một chính phủ dân sự. Hiện tại người dân đang xếp
hàng dài ở các máy ATM trong bối cảnh hệ thống liên lạc bị gián đoạn. Cư dân
Yangon, thành phố lớn nhất nước, đang tích trữ nhu yếu phẩm. Họ đang chuẩn bị
cho một chặng đường dài phía trước.
Tổng thống Biden sẽ ký loạt sắc
lệnh về nhập cư
Joe Biden tiếp tục ký một
loạt sắc lệnh hành pháp; chủ đề của ngày hôm nay là nhập cư. Ông được cho là sẽ
ký các biện pháp tăng số người tị nạn được vào Mỹ lên gấp 10 lần (chuyển từ mức
thấp nhất mọi thời đại dưới chính quyền Trump về mức trung bình thông thường),
lập một tổ chuyên trách đoàn tụ các gia đình bị chia tách ở biên giới, và đảo
ngược quy tắc cản trở người nhập cư nhập quốc tịch vì lạm dụng các phúc lợi như
hỗ trợ nhà ở.
Các động thái này báo trước
một cuộc chiến lập pháp rộng lớn hơn và phức tạp hơn. Ngay sau khi nhậm chức,
ông Biden đã gửi một đề xuất dự luật tới Quốc hội với mục tiêu xóa các tồn đọng
trong quá trình xử lý thị thực, giúp những người nhập cư đủ tiêu chuẩn dễ dàng
có thẻ xanh hơn, củng cố hệ thống tòa án nhập cư và tăng cường an ninh biên giới.
Nhiều biện pháp trong số này khó có khả năng thông qua thành công. Quốc hội có
kế hoạch khởi đầu khiêm tốn hơn — có thể là tìm cách hồi sinh Đạo luật DREAM,
theo đó mở ra con đường trở thành công dân cho những người nhập cư không giấy tờ
được đưa đến Mỹ từ khi còn nhỏ.
Alexei Navalny hầu tòa
Hôm nay Alexei Navalny,
lãnh đạo phe đối lập của Nga, sẽ đối mặt một phiên điều trần có thể biến án
treo ba năm rưỡi — được đưa ra vào năm 2014 trong một vụ kiện được thiết kế để
ngăn ông ứng cử— thành án tù thực sự. Việc bắt giữ ông Navalny vào ngày 17
tháng 1 đã gây ra các cuộc biểu tình trên khắp nước Nga. Và hơn 5.000 người đã
bị bắt trong một đợt biểu tình khác vào cuối tuần này.
Nghịch lý thay, tình trạng
bất ổn có thể đã được thúc đẩy bởi nỗ lực của Điện Kremlin trong việc ngăn chặn
một cuộc nổi dậy như ở Belarus, nơi biểu tình chống tổng thống bất hợp pháp đã
tiếp diễn trong nhiều tháng. Nhiều người cho rằng nỗi e ngại một điều tương tự
xảy ra ở Nga đã khiến cơ quan an ninh đầu độc ông Navalny bằng chất độc thần
kinh Novichok vào tháng 8. Tuy nhiên, ông Navalny vẫn sống sót. Việc ông bị bắt
giữ và việc nhóm của ông phát hành bộ phim tố cáo tổng thống Vladimir Putin
tham nhũng đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị toàn diện.
Philippines xem xét luật chống
khủng bố mới
Tòa án Tối cao
Philippines hôm nay sẽ nghe các tranh luận miệng ủng hộ và phản đối 37 kiến nghị yêu cầu đưa ra luật chống khủng bố mới. Bên phản đối nói làm vậy sẽ
trao quá nhiều quyền cho các nhà chức trách. Điều đó có vẻ đặc biệt nguy hiểm
khi xem xét người đứng đầu chính phủ: Tổng thống Rodrigo Duterte, người có chiến
dịch chống ma túy không màng luật lệ giết chết hơn 6.000 người.
Chính phủ ông lập luận họ
cần có luật để chống lại các nhóm cực đoan bao gồm cả Nhà nước Hồi giáo. Năm
2017, gần 1.000 chiến binh thánh chiến đã chiếm thành phố Marawi và bắt giữ
1.780 con tin. Trong trận chiến sau đó, 47 thường dân, 165 binh sĩ và gần như tất
cả quân thánh chiến đã thiệt mạng. Vào giữa cuộc giao tranh, chính phủ tuyên bố
thiết quân luật. Khi ấy các ý kiến phản đối chính phủ tự
trao quá nhiều quyền không có mấy sức nặng. Với mối đe dọa [khủng bố] giờ đây
dường như trở nên xa vời hơn, người ta xem ra bắt đầu e ngại động thái mở rộng
quyền lực của ông Duterte.
Đưa đa dạng sinh học vào mô
hình kinh tế
Kinh tế học nên đối xử với
thế giới tự nhiên như thế nào? Partha Dasgupta, giáo sư danh dự tại Đại học
Cambridge, sẽ tìm cách trả lời câu hỏi này trong một báo cáo xuất bản hôm nay về
tính kinh tế của đa dạng sinh học, do chính phủ Anh đặt hàng. Có thể dự đoán nội
dung của nó từ một báo cáo sơ bộ được công bố vào tháng 4 năm 2020. Trong đó,
ông Dasgupta cảnh báo rằng sự thịnh vượng chưa từng có của con người đã khiến sức
khỏe của sinh quyển xấu đi.
Để đưa phần chi phí này
vào các mô hình, ông gợi ý các nhà kinh tế có thể sử dụng bộ công cụ trí tuệ về
quản lý danh mục đầu tư. Duy trì “vốn tự nhiên” của thế giới là cần thiết để
tránh những thiệt hại không thể phục hồi. Xem xét tác động tới tự nhiên đồng
nghĩa phải điều chỉnh GDP để tính tới yếu tố “khấu hao tài sản”, bao gồm
cả sự xói mòn của vốn tự nhiên, chẳng hạn như khi các loài vật tuyệt chủng hoặc
đại dương bị ô nhiễm. Nhưng phân tích kinh tế “sẽ không đủ” để giải quyết vấn đề,
ông Dasgupta lập luận, đồng thời kêu gọi các trường học truyền bá tình yêu
thiên nhiên cho trẻ em.
No comments:
Post a Comment