Sunday, 7 February 2021

TẾT CỦA GIÁO VIÊN (Thái Hạo)

 



TẾT CỦA GIÁO VIÊN

Thái Hạo

18:52  06/02/2012   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=930408677768321&id=100023975920044

 

Tết đến, nghĩ tới giáo viên, lại thấy vừa thương vừa xót xa. Ai cũng biết giáo viên lương thấp, thấp đến khó tin, lại sống trong lạm phát và vòng xoáy tiêu dùng cùng bao nhiêu tệ lậu của xã hội nên đã khó khăn lại chồng thêm khó khăn.

 

Và thế là, trước áp lực cuộc sống họ buộc phải tha hóa để tồn tại. Đầu tiên là dùng chính món nghề của mình - dạy thêm. Dạy thêm thì có trăm kiểu ngàn mánh, có cả những cách khốn nạn nhất cốt để ép học trò về nhà mình. Dần già, mọi thứ tiêu tan, trong đầu chỉ còn 1 ý niệm duy nhất là tiền mà tuyệt không còn chút gì của "sứ mệnh giáo dục" nữa.

 

Nhiều người không muốn hay không thể đi bằng con đường ấy, họ kiếm một lối khác để tồn tại và làm giàu: đi buôn. Thượng vàng hạ cám. Giáo viên livetream, đăng tin bán từ mỹ phẩm đến quần áo, đất đai... Nhiều người bán khoai, bán nước mắm, bán dao thớt... Có giáo viên sáng đi dạy thì mang cả cá khô mắm nhỉ lên trường giao cho đồng nghiệp, học trò...

 

Kiếm tiền chính đáng là không có gì đáng bị phê phán cả. Nhưng bản thân tôi vẫn thấy đó là một sự đánh đổi quá lớn, đặc biệt là ở những người làm thầy. Nó hiện lên hình ảnh của nghèo khó, và một cái gì trơ khấc, xám ngắt.

 

Nhớ, những ông giáo thời thực dân-phong kiến trong văn Nam Cao cách nay gần thế kỷ. Họ cũng nghèo khổ và sống lắt lay, nhưng trong khi sống như thế họ luôn bị giày vò và thấy nhục nhã. Đó là ý thức của nhân phẩm, của liêm sỉ; họ biết xấu hổ và luôn có cảm giác ê chề. Nó làm thành một tấn bi kịch tinh thần, hàng ngày nghiền nát người thầy. Nhưng nay, cái ý thức ấy đã dần vắng bóng và trở bên xa xỉ. Người ta không buồn khổ nữa, người ta chỉ lo lắng...

 

Đó, đó cũng là một "thành tựu" khủng khiếp mà nền giáo dục ưu việt của ta đã làm được. Thật khó có thể nói đến câu chuyện đổi mới, phục hưng, chấn hưng gì gì đó trong một vũng bùn như thế.

 

Thương thì thương mà giận thì giận. Họ khổ nhục như thế, nhưng họ đã chọn im lặng trước bất công bạo tàn. Cuộc sống chỉ còn thu lại trong những "tẹp nhẹp vô nghĩa lý", và cứ như thế một nền giáo dục được vận hành bởi những con người khổ mà dường như không biết mình khổ, hay không cần thiết phải thấy đó là nỗi khổ...

 

44 BÌNH LUẬN  

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats