„Gia
Đình“ và câu chuyện người tử tế
https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/5383768004974562
Ngày Tết người ta hay nghĩ về sự tử tế, về cái
thiện. Nền văn minh loài người được như hôm nay vì cuối cùng cái thiện luôn
thắng cái ác. Nhưng thế giới của chúng ta bất công như hôm nay cũng chính vì
nhiều khi, nhiều nơi cái ác đã lấn át cái thiện.
Tác phẩm „Gia Đình“ của Phan Thúy Hà là bức tranh
rõ nét nhất, chân thực nhất về việc tội ác và sự man rợ đè bẹp tình người trong
Cải cách ruộng đất (CCRĐ) được xuất bản ở Việt Nam. Rõ nét và chân thực vì nó
không được viết theo kiểu văn học như „Ba Người Khác“ của Tô Hoài chẳng hạn, mà
là tập hợp lời kể mộc mạc của hàng chục nạn nhân ở Nghệ An, Hà Tĩnh trong thời
kỳ đó.
Phan Thúy Hà và tôi quen nhau qua Facebook, từ bạn
ảo thành bạn thật. Cha Hà cùng lứa tuổi tôi, anh đi bộ đội, vào Nam cùng đơn vị
với Phấn, bạn tôi. Có những chuyện đời, chuyện văn chỉ hai chú cháu biết với
nhau.
Hà không nhận mình là nhà văn và cũng không viết
theo kiểu nhà văn. Nhà văn phải biết hư cấu. Hà chỉ biết kể lại những gì nghe
được. Nói theo kiểu ngày nay là nghề „bóc băng“. Đã có lúc Hà phát khóc vì cái
smartphone bị hỏng, mất tiêu các lời kể đã ghi chép sau hàng ngàn cây số lặn
lội. Sau bóc băng lời kể của các cô chú bộ đội, thanh niên xung phong miền Bắc
trong „Đừng kế tên tôi“, rồi của các cô chú đi lính phía bên kia ở miền Nam trong
„Tôi là con của cha tôi“, cuốn „Gia đình“ là công việc nhọc nhằn từ tự thuật
của các gia đình nạn nhân CCRĐ.
Đối với tôi, „Cải cách ruộng đất“ không phải là
điều gì xa lạ.
Đầu năm 1956, ba tôi tập kết ra Bắc vào lúc Đảng
Lao động nhận sai lầm của CCRĐ và tổ chức chiến dịch „Sửa sai“. Cán bộ từ miền
Nam ra không dính đến các tội ác trong CCRĐ nên được tập trung đi giải quyết
hậu quả. Thế là ba tôi chỉ kịp ở với vợ con vài ngày rồi vác ba-lô, đeo súng
lục đi Hà Nam, Thái Bình để „cứu vớt“ lại những gì mà các loại „Đội“ đã gây ra.
Đất nước đã hòa bình được hơn một năm, nhưng mỗi
lần ông về Hà Nội với vợ con vẫn như đi trận về. Ông luôn u uất. Lúc đó ông
không kể gì về những điều ông chứng kiến, mà có kể cũng không ai hiểu nổi, tin
nổi.
Lớn lên nghe Ba kể với các bác đồng hương, các chú
đồng nghiệp về những gì ông được biết, tôi bắt đầu hiểu thế nào là bất lương.
Gia đình tôi may mắn sinh ra ở miền Nam nên không bị ảnh hưởng, trong khi bạn
bè người Bắc quanh tôi hầu như ai cũng có người nhà gần xa nếm mùi CCRĐ. Đến
khi tôi cưới vợ tôi, cháu ngoại ông Dương Thiệu Chinh, một người giàu nổi tiếng
trước Cách mạng Tháng 8 thì tôi lại được nghe thêm nhiều sự thật, khẳng định
những gì ba tôi kể.
Lòng hận thù, sự độc ác luôn có trong từng con
người chúng ta. Ở người lương thiện cái ngưỡng của lương tâm cao hơn nên sự độc
ác không vượt qua được. Tội ác trong CCRĐ không chỉ là các bản án oan, là sự
tàn bạo với người bị nạn, mà đáng sợ nhất là nó đã biến từ những người lương
thiện hàng xóm, từ bạn bè, người thân thành những kẻ ác quỷ, bất lương.
Ác quỷ không chỉ ở chỗ treo bà mẹ trước mắt đàn con
thơ, ở chỗ kéo xác hàng xóm bị hành quyết lê trên đá sỏi cho rách hết da thịt,
bởi đổ nước tiểu ở cái chum sành ra để cướp mang về nhà mình…
Bất lương không chỉ ở chỗ đánh chết „con chó địa
chủ“, chỉ vì nó thương chủ, theo chủ đến tận chỗ bị giam, mà còn là sự tận diệt
đến một, hai thế hệ sau.
Không thể kế hết những trường hợp con cháu „địa
chủ“ bị truy đuổi qua nhiều chặng lý lịch, không cho học hành, làm việc, kiếm
kế sinh nhai. Ngày đó không có internet, không khoa học dữ liệu, biết bao liệt
sỹ không được ghi công, nhưng cái „thành phần địa chủ, phú nông“ thì đi đến đâu
ai cũng tỏ.
Sau „Sửa sai“ 1956-1957, cái án này tiếp tục theo
đuổi số phận của hàng vạn thanh niên thành thị, con em „Tư sản“.
Trung lưu, trí thức luôn là cái xương sống của xã
hội ở mọi nơi, dù là nông thôn hay thành thị. Họ tạo công ăn việc làm, dạy chữ
cho trẻ em, xây dựng nếp sống văn minh cho người lớn…Sự tận diệt đó để lại hậu
quả cho đến hôm nay và còn lâu mới hết tác dụng.
Xin đừng nghĩ rằng: từ những việc đơn giản như:
khâu mắt chim mồi để bắt chim, mua cá bắt đi bắt lại để phóng sinh cầu may, đến
làm thực phẩm độc để bán cho người khác..., hoặc kết án oan người này để cứu
người kia không liên quan đến những tháng ngày đen tối nọ.
Ngày đầu Xuân, sao đem chuyện đó ra mà nói? Sẽ có
người đặt câu hỏi.
Tôi là kẻ luôn mong muốn những điều tốt đẹp cho quê
hương này. Tôi đã dám từ bỏ con đường quan lộ thênh thang dành cho con em „Cách
mạng“ để ra đi lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, chính vì hiểu được những gì ba
tôi kể. Giữa tôi và ba tôi, một đảng viên tin vào sự nghiệp cho đến lúc chết,
có những khác biệt về thế giới quan. Nhưng tôi luôn biết ơn ông vì đã cho tôi
biết rất nhiều sự thật. Vì thế tôi cũng cảm ơn Phan Thúy Hà và những nhân chứng
sống của cô.
Người ta chỉ có thể làm người lương thiện khi nhận
diện được tội ác. Cũng những sự việc đó trong CCRĐ đã được nhiều người ca ngợi
là „Cách mạng long trời lở đất“, là“ Đem lại cơm no áo ấm…“. Năm 2014 người ta
đã tổ chức một triển lãm về CCRĐ để nêu rõ sự cần thiết và thành quả của nó[1]
(để rồi phải đóng cửa sau vài ngày vì lý do „chỉnh sửa ánh sáng“).
Hình ảnh ai đó quỳ gối để bày tỏ trách nhiệm của họ
trước một tội ác nào đó xảy ra được nhiều người đồng cảm. Đó là sự tử tế. Nhưng
không ít người coi quỳ gối trước đau khổ là nhục nhã.
Đó là chính là sự khác biệt trước cái ác, ở đâu
cũng có. Xã hội chỉ văn minh được khi số người lương thiện lấn át số kia, khi
những người bình thường dám đứng ra bảo vệ người tử tế.
Tân Quy 14.02.2021 (mùng ba Tết Tân Sửu)
---
[1] https://dulich.tuoitre.vn/.../trien-lam-cai-cach-ruong...
No comments:
Post a Comment