Những
gương mặt Việt Nam nổi bật trên văn đàn người Mỹ gốc Á
Trọng Nghĩa
- RFI
Đăng ngày: 17/02/2021 - 12:56
Sau một thời gian dài chìm trong bóng tối, trong
những năm gần đây, các tiểu thuyết gia gốc châu Á đã ngày càng được công chúng
ở phương Tây biết đến nhiều hơn. Nổi bật trong số này là các nhà văn người Mỹ
gốc Á, mà bản sắc đã được tôi luyện trong các trại viết văn hoặc trong thế giới
thơ ca, lấy cảm hứng từ các tác giả người Mỹ gốc Phi. Và đặc biệt trong số các
tác giả Mỹ đó, có không ít văn thi sĩ người Việt đã thành danh.
Hiện tượng này đã được nhật báo Pháp Le Monde ngày
05/02/2021 nêu lên trong một phóng sự điều tra mang tựa đề “Từ Ocean Vương đến
Celeste Ng, qua Charles Yu, sức vươn lên của các nhà văn Mỹ gốc Á”.
Gương mặt tiêu biểu : Ocean Vương
Gương mặt tiêu biểu đầu tiên được Le Monde nêu bật
là nhà văn kiêm thi sĩ Ocean Vương, tên tiếng Việt là Vương Quốc Vinh, sinh năm
1988 tại Thành phố Hồ Chí Minh, qua Mỹ định cư từ năm 1990.
Theo Le Monde, chỉ bằng một tác phẩm duy nhất - “On
Earth We’re Briefly Gorgeous”, tạm dịch là “Trên Trái Đất này, chúng ta được
một khoảnh khắc huy hoàng ngắn ngủi” - Ocean Vuong đã gây được tiếng vang mạnh
mẽ. Ngay khi được phát hành lần đầu tiên tại Hoa Kỳ vào tháng 6 năm 2019, cuốn
tiểu thuyết đan xen những suy nghĩ về người Việt nhập cư, về sự đồng tính với
những mô tả về nỗi cô đơn và giới trẻ ngày nay, đã được xếp vào danh sách những
cuốn sách bán chạy nhất của tờ New York Times.
Bản dịch ra tiếng Pháp dưới tựa đề “Un bref instant
de splendeur” (“Một khoảnh khắc huy hoàng ngắn ngủi”) vừa được nhà xuất bản
Gallimard phát hành tại Pháp vào giữa tháng 1, đã gây được tiếng vang nhất
định, một kỳ tích đối với một tiểu thuyết gia mới vào nghề.
Tuy nhiên, đo là một thành công mà nhiều nhà quan
sát đã đoán trước được. Trước khi viết tiểu thuyết, Ocean Vương đã là một cái
tên nổi tiếng trong giới yêu thơ Anh Ngữ: Vào năm 2017, anh đã nhận được giải
thưởng T. S. Eliot cao quý của giới thi sĩ. Tên tuổi của anh được biết tới đến
mức mà cuốn tiểu thuyết của anh, ngay từ trước khi ra mắt, đã được các nhà xuất
bản tranh giành khốc liệt để rồi về tay nhà xuất bản Penguin Press (một công ty
con của tập đoàn khổng lồ Penguin Random House).
Là người dễ thu hút quần chúng, rất năng nổ trên
các mạng xã hội, Ocean Vương -theo Le Monde, quả là một hiện tượng văn học. Và,
nếu căn cứ vào vô số những lời bình luận dưới những bài mà nhà văn đăng trên
mạng Instagram, hoặc những ý kiến sôi nổi về tác phẩm Un bref instant de
splendeur, Ocean Vương có thể được xem là một hình mẫu cho những người trẻ gốc
châu Á.
Tiếng nói nhập cư trên văn đàn Bắc Mỹ
Đối với Le Monde, tương tự như Ocean Vương hay Charles
Yu (Du Triều Khải), nhà văn gốc Đài Loan mà tiểu thuyết “Interior Chinatown”
(tạm dịch là “Bên trong Phố Tàu”) đã được trao giải thưởng National Book Award
vào tháng 11 năm 2020, ngày càng nhiều nhân vật thuộc cộng đồng châu Á xuất
hiện trên văn đàn Bắc Mỹ.
Le Monde đã nhắc đến nào là nhà văn nữ Celeste Ng
(Ngũ Ỷ Ty), có cha mẹ người Hồng Kông, tác giả của những chuyện kinh dị tâm lý
- mà nổi tiếng nhất là truyện “Little Fires Everywhere” (được dịch ra tiếng
Pháp với tựa đề La Saison des feux) nào là Ling Ma, nữ tiểu thuyết gia người Mỹ
gốc Hoa, đã được ca ngợi nhờ tiểu thuyết đầu tay mang tính tiên tri Severance
(nhà xuất bản Mercure de France dịch ra tiếng Pháp dưới tựa Les Enfiévrés), bên
cạnh một số người khác như nhà văn trẻ của RO Kwon gốc Hàn Quốc, hay nhà báo
Jia Tolentino, có cha mẹ người Philippines.
Tất cả đều nhắc đến nhau, động viên nhau trên báo
chí và mạng xã hội, và tự khẳng định mình trong tư cách là người thừa kế của
những câu chuyện đặc biệt và thường bị lãng quên. Đó là câu chuyện của những
người Việt Nam, Hàn Quốc hay Nhật Bản mang đậm dấu ấn của các cuộc chiến chống
lại chàng khổng lồ Mỹ trong thế kỷ 20, hay của những lao động người Hoa từng ồ
ạt đến Mỹ vào thế kỷ 19 để rồi sau đó bị gạt bỏ vào năm 1882 do Đạo Luật Loại
Trừ Người Hoa - Chinese Exclusion Act - trước khi được chào đón trở lại vào nửa
sau của thế kỷ 20. Đó cũng là câu chuyện của người Indonesia, Philippines, Ấn
Độ…
Và, như thông lệ ở Mỹ, theo Le Monde, sự xuất hiện
của những tiếng nói nhập cư này là kết quả của một quá trình lâu dài liên quan
đến nỗ lực cá nhân, công việc của các hiệp hội hoặc tổ chức cộng đồng… Vào
những năm 1960 và 1970, thuật ngữ “Người Mỹ gốc Á”, được mô phỏng theo cụm từ
“Người Mỹ gốc Phi”, đã xuất hiện và ngay từ đầu, đã đi kèm với một phong trào
văn học, thoạt đầu còn rất kín đáo, trước khi được “thể chế hóa” trong những
đại học 2 thập kỷ sau, theo phân tích của Paul Nadal, giảng dạy văn học
tại đại học Princeton.
Cathy Linh Che
Cathy Linh Che, một nhà thơ người Mỹ gốc Việt, giám
đốc của Kundiman, một hiệp hội ở New York chuyên hỗ trợ các nhà văn Mỹ gốc Á,
nhấn mạnh về tính cách đấu tranh của cách gọi “Người Mỹ gốc Á”, phản ánh việc
“chấp nhận một bản sắc chính trị liên quan đến việc thách thức quyền tối thượng
của người da trắng, sát cánh cùng với phong trào Black Power của người da đen
và các phong trào phản chiến.”
Cathy Linh Che đến từ Los Angeles. Cô đã giành được
giải thưởng thi ca Kundiman, Giải thưởng Norma Farber First Book của Hiệp Hội
Thi Ca Mỹ và Giải thưởng Tập Thơ hay nhất của Hiệp hội Nghiên cứu người Mỹ gốc
Á cho tác phẩm Split.
Tiểu thuyết gia Việt Thanh Nguyễn
Theo Le Monde, hành trình của tiểu thuyết gia Việt
Thanh Nguyễn, 49 tuổi, người đoạt giải Pulitzer năm 2016 với tác phẩm The
Sympathizer, “Cảm tình viên” (được nhà xuất bản Belfond dịch ra tiếng Pháp dưới
tựa đề Le Sympathisant) - minh họa cho sự đột phá của những tiếng nói mới trong
giới nhà văn Mỹ gốc Á vào lãnh vực xuất bản.
"Tôi đã yêu sách từ khi còn rất trẻ", anh
nói qua điện thoại từ Los Angeles, nơi anh sống và giảng dạy tại Đại học Nam
California, nhưng mãi sau này, anh mới học tiếng Anh và "nghiên cứu dân
tộc học" tại Berkeley.
Anh giải thích : "Lần đầu tiên được tiếp xúc
với “chủ nghĩa đấu tranh”, đặc biệt là của người Mỹ gốc Châu Phi, tôi hiểu rằng
tôi có thể dung hòa giữa khát khao văn học và khát vọng ngày càng tăng của tôi
về công bằng chính trị và xã hội, đồng thời nói về gia đình và kinh nghiệm tị
nạn của tôi trong công việc của tôi. "
Vì vậy, viết lách trở thành một cách để Việt Thanh
Nguyễn "thực thi công lý cho lịch sử của những người tị nạn và dân tộc
Việt Nam", điều mà ông đã làm trong Le Sympathisant. Nhưng nếu cuốn sách,
xuất bản năm 2015, bán được một triệu bản trên toàn thế giới (trong đó có
700.000 bản ở Hoa Kỳ) và ngày nay được coi là tác phẩm kinh điển đương đại,
điều đã khiến tác giả trở thành một nhân vật của giới trí thức Mỹ, thì cuộc
chiến còn lâu mới thắng.
Dẫu sao thì theo Le Monde, trong bối cảnh các tác
giả người Mỹ gốc Á đã được biết đến đều đặn trong bốn mươi năm ở thế giới Anh –
Mỹ, giáo sư Paul Nadal đánh giá là Việt Thanh Nguyễn đã chiếm một vị trí đặc
biệt: "Cuốn tiểu thuyết của ông đã đưa văn học châu Á vào dòng
chính".
***
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Nguồn
sáng lạ Thiên Chúa Giáo và cách tân văn học Việt Nam
Tủ
sách Văn Học Việt Nam đương đại tại Pháp
Văn
Học Press : Thách thức của nhà xuất bản trong thời đại Internet
No comments:
Post a Comment