Myanmar
– hận thù và tội ác – Kỳ 1: Che giấu
LEE
NGUYEN - LUẬT KHOA
03/02/2021
https://www.luatkhoa.org/2021/02/myanmar-han-thu-va-toi-ac-ky-1-che-giau/
Đối mặt với cáo buộc phạm tội ác chiến
tranh, quân đội và chính phủ Myanmar phủ nhận tất cả.
Một người Rohingya
bế trên tay đứa con trai đã qua đời. Giống như những người Roghinya khác, anh
đưa con chạy trốn khỏi Myanmar để sang Bangladesh lánh nạn. Ảnh chụp tháng
10/2017. Nguồn: Indranil Mukherjee/ AFP/ Getty Images
***
Trong nhiều năm, quân đội Myanmar đã bị cáo buộc thực
hiện các hành vi giết hại, hãm hiếp, tra tấn, cướp bóc, cùng các tội ác có tính
chất diệt chủng nhắm vào những sắc dân thiểu số, đặc biệt là người Rohingya.
Đáp lại vô số các cáo buộc, chính phủ Myanmar, quân
đội nước này, và cả nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, người từng được quốc tế vinh
danh vì các hoạt động đấu tranh nhân quyền, đều một mực phủ nhận và đổ hết tội
lỗi lên các lực lượng nổi dậy.
Qua loạt bài hai kỳ này, Luật Khoa mời bạn đọc cùng
tìm hiểu về bức tranh đầy máu, nước mắt, chất chứa hận thù và đến bây giờ vẫn
chưa có lối ra của Myanmar.
Kỳ một sẽ là câu chuyện về những tội ác bị che giấu.
***
Tội ác không bị trừng
trị
Shamila (không phải tên
thật) siết chặt tay cô con gái sáu tuổi đến mức bàn tay bé nhỏ trở nên trắng bệch.
Cô vừa khóc vừa kể lại việc binh lính Myanmar bất ngờ xông vào nhà của mình, cưỡng
hiếp tập thể cô trước mặt các con. “Cả ba tên lính đã hãm hiếp tôi. Khi chúng rời
đi, tôi đã chạy khỏi nhà cùng với hai đứa con của mình, theo đám đông đang tứ
tán bỏ chạy để giữ mạng.”
Chồng của Shamila đã ra
ngoài khi vụ tấn công xảy ra. Cô không gặp lại chồng kể từ đó. Shamila không biết
ba đứa con khác của mình đang ở đâu. Chúng đang chơi bên ngoài khi lính Myanmar
ập đến. Bọn trẻ đã mất tích vào thời điểm đám lính rời đi.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/02/image3.jpg
Một người phụ nữ
Rohingya ở lều tị nạn Leda, Bangladesh đang kể lại cách những người lính
Myanmar xông vào nhà và hãm hiếp cô. “Một kẻ lột đồ của tôi, kẻ còn lại cưỡng
hiếp tôi”. Ảnh: AFP TV.
Shamila đang sống tại một
trại tị nạn của người Rohingya ở Bangladesh. Câu chuyện của cô được đăng trên Dhaka Tribune, một tờ
nhật báo bằng tiếng Anh có trụ sở tại thủ đô Dhaka của Bangladesh.
Chuyện xảy ra vào tháng
8/2017, khi Lực lượng Vũ trang Myanmar (quân đội chính quy của Myanmar, tên
chính thức là Tatmadaw) mở một cuộc tấn công đẫm máu vào cộng đồng người
Rohingya ở bang Rakhine. Hơn 700.000 người Rohingya đã phải mạo hiểm bỏ trốn
sang nước láng giềng Bangladesh.
Cuộc tấn công, theo báo cáo của Zeid Ra’ad Al Hussein, Giám đốc Cao ủy
Liên Hợp Quốc về Nhân quyền, là “một ví dụ kinh điển về nạn thanh trừng sắc
tộc” (a textbook example of ethnic cleansing).
Trong những năm gần đây,
các cáo buộc rằng quân đội Myanmar thực hiện các hành vi đốt phá, hãm hiếp, giết
và tấn công nhắm vào cộng đồng người Rakhine, Mro, Daignet, Chin và đặc biệt là
Rohingya (được Liên Hợp Quốc mô tả là
một trong những dân tộc thiểu số bị ngược đãi nhất trên thế giới) không còn là
chuyện mới mẻ.
Vào tháng 09/2017, ông
Zeid Ra’ad Al Hussein tố cáo chính phủ Myanmar và quân đội đã tiến hành các
cuộc tấn công nhắm vào người Rohingya ở Myanmar, khiến hơn 300.000 người chạy
sang Bangladesh trong những tuần trước đó.
Ông kêu gọi chính phủ
Myanmar “chấm dứt hoạt động quân sự tàn ác hiện thời của họ, với trách nhiệm giải
trình về tất cả các vi phạm đã xảy ra, đồng thời đảo ngược lịch sử phân biệt đối
xử nghiêm trọng và phổ biến đối với người Rohingya”.
Chính phủ Myanmar nên “ngừng
ngay việc cáo buộc người Rohingya đang tự đốt nhà và tự cướp phá ngôi làng của
họ”, vị quan chức Liên Hợp Quốc này lên tiếng.
Trong một báo cáo đưa ra
vào tháng 4/2020 tại Geneva, Yanghee Lee, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc, cáo buộc “chiến thuật của Tatmadaw trong nhiều thập
niên qua cố ý khiến dân thường phải chịu đựng nỗi đau ở mức cao nhất” và “gây
ra đau khổ tột cùng” cho các dân tộc thiểu số của nước này.
“Trong khi thế giới đang
phải hứng chịu đại dịch COVID-19, quân đội Myanmar vẫn tiếp tục gia tăng các cuộc
tấn công ở bang Rakhine và nhắm vào dân thường,” Lee cho biết.
Những người
Rohingya cố gắng chạy thoát, tìm đường sang lánh nạn tại Bangladesh, sau các
chiến dịch tấn công của quân đội Myanmar. Ảnh: UNHCR/ Roger Arnold.
Cô cáo buộc quân đội
Myanmar “vi phạm một cách có hệ thống các nguyên tắc cơ bản nhất của luật nhân
đạo quốc tế và nhân quyền”, đồng thời cảnh báo hành vi của họ đối với dân thường
“có thể dẫn đến tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người”.
Ngoài ra, cuối tháng
12/2020, một bản báo cáo chi tiết dài 161 trang của tổ chức Justice For
Myanmar (Công lý cho Myanmar) được công bố. Điều tra của tổ chức nhân quyền này
cáo buộc các cá nhân và tổ chức trong quân đội Myanmar tham nhũng và phạm tội
ác chiến tranh nhắm vào các cộng đồng người thiểu số ở nước này.
Bản báo cáo chỉ đích danh
những doanh nghiệp quốc tế lớn trực tiếp hay gián tiếp hỗ trợ cho việc thực hiện
tội ác của quân đội Myanmar. Đáng
chú ý là Viettel (một
tập đoàn viễn thông quốc doanh do Quân đội Nhân dân Việt Nam trực tiếp quản lý
và điều hành) cũng nằm trong danh sách này.
Bằng chứng, tố cáo
và phủ nhận
Vào tháng 9/2020,
hai binh sĩ Tatmadaw bị đưa đến The Hague, nơi Tòa án Hình
sự Quốc tế (International Criminal Court – ICC) mở vụ án điều tra việc liệu các
thủ lĩnh Tatmadaw có phạm tội ác quy mô lớn chống lại người Rohingya hay không.
Trước đó, hai quân nhân này đã bị nhóm phiến quân Arakan bắt giữ và hỏi cung.
Các đoạn video thẩm vấn được tổ chức phi chính phủ Fortify Rights công bố, sau
khi họ phân tích và xác nhận độ tin cậy của các bằng chứng này.
Trong đoạn video, binh
nhì Myo Win Tun thừa nhận làm theo lệnh từ cấp trên, “bắn hết tất cả những gì
anh nhìn thấy và tất cả những gì anh nghe thấy”. Binh sĩ này xác nhận đã tham
gia vào vụ thảm sát 30 người Hồi giáo Rohingya và chôn họ trong một hố chôn tập
thể gần một tháp xà lim và một căn cứ quân sự.
Người còn lại, binh nhì
Zaw Naing Tun, thì cho biết anh ta và các đồng đội trong một tiểu đoàn khác đã
làm theo một chỉ thị gần như giống hệt: “Hãy giết tất cả những gì anh nhìn thấy,
bất kể trẻ em hay người lớn”. “Chúng tôi đã xóa sổ khoảng 20 ngôi làng”, Zaw
Naing Tun nói và cho biết thêm rằng anh ta cũng đã ném các xác chết vào một hố
chôn tập thể.
“Chỉ huy trưởng thứ hai của
MOC-15, Đại tá Than Htike, đã lệnh cho chúng tôi ‘giết tất cả kalar và chủng tộc
của họ sẽ bị hủy diệt’. Những người đàn ông Hồi giáo bị bắn vào trán và bị ném
xuống mồ”, theo lời khai của binh nhì Myo Win Tun. “Kalar” là một
từ ngữ xúc phạm được sử dụng ở Myanmar để chỉ người Rohingya.
Bên cạnh đó, hai cựu quân
nhân còn thừa nhận mình đã hiếp dâm phụ nữ, trẻ em gái và phá hủy các làng mạc
của họ.
Matthew Smith, giám đốc
điều hành của tổ chức bảo vệ nhân quyền Fortify Rights, nhận
xét: “Những lời thú nhận này chứng minh những gì chúng ta đã biết từ lâu, rằng
quân đội Myanmar là một lực lượng quân sự quốc gia hoạt động hiệu quả với cơ cấu
chỉ huy cụ thể và tập trung. Người chỉ huy kiểm soát, chỉ đạo và ra lệnh cho cấp
dưới của họ thực hiện mọi hành động. Trong trường hợp này, các chỉ huy đã ra lệnh
cho quân lính thực hiện các hành vi diệt chủng và tiêu diệt người Rohingya, và
đó chính xác là những gì họ đã làm.”
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/02/Screenshot-1.jpg
Các ngôi nhà tại
Maungdaw, bang Rakhine của Myanmar, bị đốt cháy. Quân đội Myanmar cho rằng
“100% các vụ đốt phá này là do quân phiến loạn thực hiện”. Ngôi nhà trong ảnh bị
đốt khi ngôi làng đã bị bỏ hoang. Ảnh chụp màn hình phóng sự trên BBC có tên
“Who is burning down Rohingya villages?” (Ai đang đốt phá các ngôi làng của người
Rohingya?).
Có rất nhiều lời tố cáo
tương tự về các tội ác của quân đội Myanmar, được Fortify Rights ghi nhận qua lời
của các nạn nhân.
Như trường hợp của cô
Rahana, 30 tuổi, người cùng với hai đứa con đã trốn
khỏi nhà ở Kyet Yoe Pyin, còn được gọi là Kiari Farang, ngôi làng mà
binh nhì Zaw Naing Tun xác nhận đã từng “đi càn”. Cô trốn đi vào ngày 26/8, đến
Bangladesh vào ngày 30/8/2017.
Rahana kể lại: “Quân đội
đến làng, họ chặt đầu, chém và phanh thây người sống. Chồng và cha tôi đã bị giết…Tiếng
súng nổ ầm ầm. Chúng tôi thấy quân đội bắn vào làng, và chúng tôi nhìn thấy các
xác người chết. Có phụ nữ, đàn ông, trẻ em. Khi chúng tôi trốn đi, chúng tôi thấy
một số mảnh thi thể, bị chặt thành nhiều mảnh, và chúng tôi thấy một số xác chết
nằm la liệt, nằm rải rác ở nhiều nơi khác nhau. Nó ở trên cánh đồng. Có khoảng
20 xác chết nằm rải khắp nơi.”
Một lời kể khác từ người
phụ nữ Rohingya 35 tuổi ở làng Kyet Yoe Pyin, nói về cách các binh sĩ quân đội
Myanmar thiêu sống đứa con gái hai tuổi của mình: “Chúng tôi
đang đứng gần đó, nhưng chúng tôi không được phép lấy [đứa bé] ra khỏi đám
cháy. Chúng tôi la hét, hy vọng quân đội sẽ không làm hại người khác. Chúng tôi
có thể cứu [con gái lớn của tôi] nhưng không cứu được [đứa nhỏ].”
Từ năm 2016, Myanmar bị
quốc tế lên án vì các hoạt động quân sự thù địch và diệt chủng nhắm vào các cộng
đồng người thiểu số. Công dân thuộc mọi sắc tộc sống trong các khu vực xung đột
hiện đang là mục tiêu của quân đội Myanmar.
Quân đội nước này không
chỉ giết và gây thương tích cho hàng loạt dân thường, bao gồm cả trẻ em, trong
các cuộc không kích và pháo binh gần đây. Họ còn ngăn chặn một số người bị
thương tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế khẩn cấp.
Điển hình là trường hợp một thiếu niên chết tại một trạm kiểm soát quân sự ở
Rakhine, sau khi các binh sĩ Tatmadaw buộc chiếc xe đưa cậu đến bệnh viện phải
dừng tại đó chờ.
Quân đội cũng đã thủ
tiêu, bắt giữ, tra tấn hoặc giết hàng chục người đàn ông, với cáo buộc rằng họ có liên hệ với nhóm phiến quân Arakan. Một ngôi
làng có tới 700 ngôi nhà đã bị phá hủy hoặc thiêu rụi. Toàn bộ người trong làng
đã phải di tản.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/02/ASSK.jpg
Nhà lãnh đạo
Myanmar Aung San Suu Kyi phát biểu tại tại Tòa án Công lý Quốc tế vào tháng
12/2019, bác bỏ các cáo buộc nhắm vào quân đội nước này. Ảnh: Peter Dejong/
Associated Press
Trước vô số các cáo buộc
về tội diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại, chính phủ
Myanmar phủ nhận bằng chứng về “ý định diệt chủng” trong các
hành vi của quân đội.
Quân đội Myanmar
thì khẳng
định chỉ đang chiến đấu với các tay súng Rohingya và phủ nhận nhắm vào
dân thường.
Nhà lãnh đạo đất nước
Aung San Suu Kyi, người được trao tặng giải Nobel Hòa bình vào năm 1991 và từng
được xem là biểu tượng của nhân quyền, cũng nhiều lần bác bỏ cáo buộc diệt chủng.
Trước Tòa án Công lý Quốc
tế, bà đổ lỗi cho các lực lượng nổi dậy, gọi các cáo buộc là “bức tranh thực tế không đầy đủ và
gây hiểu lầm về tình hình” (incomplete and misleading factual picture of the
situation).
.
.
Myanmar
– hận thù và tội ác – Kỳ 2: Nguồn cơn
LEE
NGUYEN - LUẬT KHOA
04/02/2021
https://www.luatkhoa.org/2021/02/myanmar-han-thu-va-toi-ac-ky-2-nguon-con/
Đi tìm câu trả lời cho vòng xoáy hận
thù và xung đột trong gần 80 năm qua tại Myanmar.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/02/42933299_101.jpg
Các nhà sư tại
Myanmar biểu tình phản đối người Rohingya. Ảnh: Getty/ Gratzer
***
Từ khi độc lập vào năm
1948, quân đội Myanmar đã tiến hành thanh trừng các sắc dân thiểu số trên đất
nước. Ngoài mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, một phần nguyên nhân còn đến từ các
tranh chấp tài nguyên và lợi ích mà các thế lực thống trị đang nắm giữ.
Cuộc nội chiến dài
nhất thế giới
Myanmar là một trong những
quốc gia đa sắc tộc nhất trên thế giới, với 135 sắc
tộc được công nhận. Nước này có 54 triệu dân (số liệu tổng hợp từ World Bank vào năm 2019) với hơn 100 ngôn
ngữ, chủ yếu từ các ngữ hệ Tây Tạng – Miến Điện.
Quốc gia này có chung
biên giới với năm nước (Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc, Lào và Thái Lan), chưa kể
đến vịnh Bengal rộng lớn và biển Andaman ở sườn phía Nam của nó. Vị trí địa lý
giúp Miến Điện thu hút dân cư từ nhiều nguồn gốc khác nhau trong suốt chiều dài
lịch sử.
Theo một báo cáo của Viện nghiên cứu TNI (The Transnational
Institute), vào thời điểm năm 2013, các sắc tộc thiểu số chiếm khoảng 30-40%
dân số và sinh sống trên khoảng 57% tổng diện tích đất tại Myanmar.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/02/abcUntitled.jpg
Bản đồ địa bàn kiểm
soát của các nhóm vũ trang ở Myanmar năm 2016. Nguồn: The Asia Foundation.
Một số sắc tộc, như người
Rohingya, không được chính phủ công nhận. Họ bị gạt ra ngoài lề, bị từ chối các
quyền công dân, quốc tịch, quyền bầu cử và các quyền cơ bản khác. Các sắc tộc
thống trị không muốn chia sẻ các lợi ích kinh tế và tài nguyên đang nắm giữ.
Trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11/2020, Đảng Liên đoàn Quốc gia
vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng. Tuy nhiên, các sắc tộc
thiểu số bị gạt ra khỏi tiến trình bầu cử. Phiếu bầu của khoảng 1,5 triệu người
thiểu số không được tính đến. Kết quả bỏ phiếu tại 56 thị trấn thuộc các bang
Kachin, Kayin, Mon, Rakhine và Shan bị hủy với lý do lo ngại về an ninh.
Từ những năm 1940, phẫn uất vì bị phân biệt đối xử, các tộc người thiểu số ở Myanmar đã
lập ra các nhóm vũ trang để đấu tranh cho quyền lợi của mình.
Một ngôi làng của
người Rohingya bị đốt trụi trong một vụ xung đột vào tháng 6/2012. Ảnh:
Reuters/ Staff.
Xung đột sắc tộc ở
Myanmar được xem là cuộc nội chiến dài nhất thế giới. Nó đã diễn ra trong hơn tám thập
niên kể từ những năm 1940 đến nay.
Trong các cuộc giao
tranh, quân đội chính phủ liên tục bị cáo buộc bắn
giết người tùy tiện, hãm hiếp và lạm dụng tình dục, tấn công bừa bãi, lấy thường
dân làm lá chắn sống.
Lợi dụng chiến sự với các
lực lượng nổi dậy, quân đội Myanmar thường tìm cách trả thù và mở các chiến dịch
quân sự nhắm vào cộng đồng các sắc tộc thiểu số.
Thù hận tôn giáo
Gần 90% người Myanmar theo đạo Phật. Các nhà sư Phật
giáo đã đi đầu trong cuộc đấu tranh chống lại chính phủ quân phiệt của tướng
Than Shwe (1992-2011). Trước đó, họ cũng tham gia đấu tranh chống thực dân Anh
để giành độc lập.
Các Phật tử có địa vị cao
quý trong xã hội Myanmar. Nhưng tình trạng bất ổn hiện nay bộc lộ một vấn đề:
Các nhà sư đã đóng vai trò trung tâm trong xung đột chống Hồi giáo trong nhiều
năm qua. Mặc dù đã có nhiều Phật tử bị bắt vì liên quan đến bạo lực, các nhà sư
vẫn tiếp tục rao giảng cho phong trào dân tộc chủ nghĩa Phật giáo, phát triển
nhanh chóng với tên gọi “phong trào 969”.
Một nhóm Phật tử cực
đoan theo chủ nghĩa dân tộc Phật giáo biểu tình tại Yangon, Myanmar vào tháng
2/2017, phản đối chuyến tàu từ Malaysia chở hàng viện trợ cho người Rohingya.
Các khẩu hiệu ghi: “Chúng tôi không cho phép gọi họ là người Rohingya”, “Họ không
cùng dân tộc với chúng tôi”, “Họ đến từ Bangladesh”. Ảnh: CNN.
Người Rohingya biểu
tình tại Kuala Lumpur, Malaysia vào tháng 3/2013, phản đối và kêu gọi “Hãy ngăn
chặn nhóm 969”. Ảnh: Mohd Rasfan.
Trong vòng vài giờ, đã có
25 người Hồi giáo bị giết chết. Đám đông kéo thi thể đẫm máu của họ lên ngọn đồi
có tên là Mingalarzay Yone rồi châm lửa đốt xác. Vào tối hôm đó, các Phật tử đã
thiêu rụi một nhà thờ Hồi giáo ở Mingalarzay Yone, một trại trẻ mồ côi và một số
ngôi nhà.
Những người Hồi giáo chạy
trốn qua một bên ngôi nhà bị đám đông truy đuổi. Một số nạn nhân đã bị phanh
thây trong một đầm lầy đầy cỏ lau gần đó.
Trong vòng bốn ngày, có
ít nhất 43 người thiệt mạng. Gần 13.000 người, chủ yếu là người Hồi giáo, đã phải
rời bỏ nhà cửa và cơ sở kinh doanh của họ.
Các nhà sư khủng bố
Các nhà sư cực đoan là
gương mặt đại diện cho chủ nghĩa dân tộc Phật giáo tại Myanmar.
Một trường hợp điển hình
là Ashin Wirathu, người được xem là “Bin Laden của Phật
giáo”. Ông là lãnh đạo của phong trào 969, từng bị giam giữ vì tội danh kích động
thù hận tôn giáo.
Wirathu kêu gọi các Phật
tử tẩy chay các cửa hàng và doanh nghiệp của người Hồi
giáo, đồng thời tránh các cuộc hôn nhân khác tôn giáo. Ông gọi các nhà thờ Hồi
giáo là “căn cứ của kẻ thù”. Trong số những người ngưỡng mộ ông còn có cả Bộ
trưởng Văn hóa và Sự vụ Tôn giáo của Myanmar.
Các nhà hoạt động nhân
quyền cáo buộc Wirathu và phong trào cực đoan mà ông lãnh đạo
đã gây ra các cuộc bạo động tôn giáo chết chóc trên đất nước.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/02/image1.jpg
Nhà sư Wirathu được
tạp chí Time mô tả là “Buddhist terror” (Phật tử khủng bố). Ảnh: Time/ Hannah
Beech.
Một nhà sư nổi tiếng khác
của phong trào 969, Wimala Biwuntha, ví người Hồi giáo như một con hổ đi
vào ngôi nhà không được bảo vệ và xơi tái những người cư ngụ bên trong. “Nếu
không có kỷ luật, chúng ta sẽ đánh mất tôn giáo và chủng tộc của mình”, ông nói
trong một bài thuyết pháp. “Chúng ta thậm chí có thể đánh mất đất nước mình.”
Các nhà sư cực đoan nuôi
dưỡng chủ nghĩa dân tộc Phật giáo chủ chiến qua những lời tuyên truyền mô tả
người Rohingya là dân nhập cảnh trái phép từ Bangladesh và lấn chiếm đất đai bản
địa.
Tuy nhiên, người Rohingya
khẳng định mình chính là tộc người bản địa đã sinh sống qua nhiều thế kỷ ở mảnh
đất phía Nam Myanmar. Họ là hậu duệ của những thương nhân Arab và các nhóm thương
nhân khác theo con đường tơ lụa đi qua nơi đây từ cách đây hơn 1.200 năm.
Chính quyền đồng
lõa
Trong những năm gần đây,
người Rohingya là mục tiêu của hàng loạt cuộc tấn công bạo lực. Các cuộc tấn
công này được tổ chức dân tộc Phật giáo Buddha Dhamma Parahita Foundation
và các phong trào dân tộc Phật giáo khác khuyến khích. Nhiều vụ việc xảy ra với sự đồng lõa trắng trợn
của các quan chức và lực lượng an ninh địa phương.
Chẳng hạn, sau vụ giết người ngày 21/03/2013 ở Meiktila, thị trưởng phụ
trách khu vực đã không làm gì để ngăn chặn bạo loạn bùng phát thêm trong ba
ngày sau đó. Ông cố ý nhường quyền kiểm soát thành phố cho các nhà sư Phật giáo
cực đoan, để họ chặn xe cứu hỏa, đe dọa các nhân viên cứu hộ và dẫn đầu những
cuộc nổi loạn phá nát cả khu phố. Bạo loạn lan rộng sang những thị trấn lân cận,
và đôi khi được cảnh sát cùng lực lượng an ninh địa phương làm ngơ.
Các Phật tử biểu
tình tại Yangon, Myanmar vào tháng 6/2012, yêu cầu trục xuất “những kẻ khủng bố”
người Rohingya ra khỏi đất nước. Ảnh: EPA/ Nyein Chan Naing.
Theo Reuters, nguồn gốc của phong trào 969 có liên quan với
một quan chức trong chế độ độc tài từng điều hành Myanmar. Phong trào hiện nhận
được sự ủng hộ từ các quan chức chính phủ cấp cao, các nhà sư và thậm chí một số
thành viên của Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của Aung San Suu Kyi.
Vào năm 2013, văn phòng của
Tổng thống Thein Sein từng công bố phát ngôn cho rằng 969 “chỉ là một biểu tượng
của hòa bình” và sư Wirathu là “một người con của Đức Phật”.
Chủ nghĩa sô-vanh
Phật giáo
Dưới sự hậu thuẫn ngầm,
nhiều lúc công khai, của chính phủ và quân đội, các nhà sư cực đoan và phong
trào dân tộc Phật giáo của họ nổi lên như một thế lực chính trị.
Tình cảm căm ghét Hồi
giáo mà những người này kích động có thể là liều thuốc giảm đau khiến người
Myanmar quên đi những bất bình đẳng và tình hình kinh tế tồi tệ trong nước. Nó
cũng góp phần tạo “tính chính danh” để quân đội càn quét các tộc người theo đạo
Hồi, nhằm bảo vệ các lợi ích kinh tế và tài nguyên mà họ đang nắm giữ (đất
đai, các mỏ ngọc bích, rừng và các khu khai thác ma túy .v.v).
Xã hội Myanmar đầy rẫy diễn
ngôn chống lại những sắc tộc theo đạo Hồi. Đa số mọi người đều nghĩ rằng Hồi
giáo là nguồn gốc của các cuộc xung đột lớn.
“Hãy nhìn khắp nơi trên
thế giới, tại Afghanistan, Indonesia, ai là thủ phạm chính khi nhắc đến khủng bố?”,
Htway Maung Kyaw, một người bán sách lớn tuổi ở thủ đô Yangon, đã đặt câu hỏi như vậy khi nói đến người Hồi giáo.
Ko Moe, một doanh nhân
kiêm nhà sáng lập một tổ chức từ thiện Phật giáo, nhắc lại một quan điểm thường
xuyên được bàn luận trong các quán trà ở Myanmar: “[..] Có một mối lo ngại lớn
là dân số Hồi giáo đang tăng nhanh hơn người Miến Điện, bởi vì họ có thể có nhiều
vợ và không sử dụng biện pháp tránh thai”. Moe cũng chỉ ra rằng người Hồi giáo
đang chiếm đa số tại Indonesia, Malaysia và miền Nam Thái Lan. Nhiều người
Myanmar lo sợ về một viễn cảnh tương tự ở nước mình.
Những người Hồi giáo Rohingya biểu tình trước một trụ
sở văn phòng của Liên Hợp Quốc tại Bangkok, Thái Lan vào tháng 6/2012, yêu cầu
quân đội Myanmar chấm dứt các “hành động diệt chủng” nhắm vào sắc tộc Rohingya.
Ảnh: Nicolas Asfouri/ AFP/ Getty Images.
Ở Myanmar, các thế lực
tôn giáo, quân đội và chính trị thúc đẩy sự sợ hãi cùng các cảm xúc thù hận cho
các mục đích của riêng mình. Cảm xúc thù hận đó, như một bình luận trên Japan
Times, đã biến thành thứ chủ nghĩa sô-vanh Phật giáo (Buddhist chauvinism).
Chủ nghĩa sô-vanh là niềm
tin thái quá và phi lý rằng đất nước, tôn giáo hoặc chủng tộc của mình là tốt
nhất và quan trọng nhất. Nó bắt nguồn từ điển tích về Nicolas Chauvin, một nhân vật được nhiều người cho là tưởng
tượng. Theo đó, Chauvin là một người lính chiến đấu trong quân đội Pháp vào thời
của Napoleon. Nhân vật này đại diện cho một bộ phận quân lính Pháp thời bấy giờ,
những người bất chấp tất cả, hâm mộ cuồng nhiệt Napoleon và tung hô sự ưu việt
của quân Pháp.
Trong nhiều thế kỷ, chủ
nghĩa sô-vanh dưới các hình dạng khác nhau đã gây thống khổ cho hàng triệu người.
Trong câu chuyện bi thương
của đất nước Myanmar, nó là nguồn cơn cho những vòng xoáy hận thù và tội ác mà
cho đến nay vẫn không thấy lối ra.
No comments:
Post a Comment