Hiếu
Chân / Người Việt
Feb 2, 2021
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/mien-dien-giua-duong-dut-ganh/
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/02/A1-Mien-Dien-giua-duong-dut-ganh-1.jpg
Người dân mang theo
hình bà Aung San Suu Kyi trong cuộc biểu tình trước Tòa Đại Sứ Miến Điện ở
Bangkok, Thái Lan, sau tin đảo chánh hôm 1 Tháng Hai. (Hình: Lauren
DeCicca/Getty Images)
Cuộc đảo chính quân sự ở
Miến Điện rạng sáng ngày 1 Tháng Hai không chỉ xóa sạch thành quả đổi mới chính
trị, mở cửa kinh tế suốt 10 năm qua ở đất nước Đông Nam Á mà còn bộc lộ nhiều vấn
đề đáng suy ngẫm về công cuộc xây dựng dân chủ từ một xã hội quân phiệt nhiều
mâu thuẫn nội tại và nằm kề nước Trung Quốc độc tài.
Dân chủ từ trên xuống
Có thể ghi nhận đặc điểm
đầu tiên của chế độ dân chủ Miến Điện (còn có tên là Burma, Myanmar) là tiến
trình từ trên xuống: tập đoàn quân sự cầm quyền (junta) chuyển giao quyền điều
hành cho chính phủ dân sự sau năm thập niên cai trị bằng chế độ quân phiệt. Cuộc
chuyển giao này không hoàn toàn tự nguyện mà xảy ra dưới sức ép của tình trạng
cô lập về chính trị, cấm vận về kinh tế và tình trạng bần cùng hóa mọi mặt đời
sống xã hội. Không giống như “Mùa Xuân Ả-rập” hoặc các cuộc “Cách mạng màu” ở
Đông Âu, trong đó người dân giành quyền lực sau những cuộc đấu tranh đường phố
hàng trăm ngàn người tham gia – tiến trình chuyển hóa dân chủ của Miến Điện là
“từ trên xuống”: chương trình cải cách được hoạch định và thực thi từ cấp cao
nhất của hệ thống cầm quyền.
Nói như thế không phải là
phủ nhận công lao đấu tranh của người dân Miến Điện. Cuộc nổi dậy năm 1988 – có
tên là “Phong Trào 8888” vì khởi phát ngày 8 Tháng Tám, 1988, trong sinh viên
các trường đại học ở Yangon rồi lan rộng thành hàng loạt cuộc biểu tình và bất
tuân dân sự khắp cả nước – tuy bị dập tắt nhưng đã dẫn tới sự thành lập Liên
Đoàn Dân Tộc Vì Dân Chủ (National League for Democracy, NLD) đối lập, đưa bà
Aung San Suu Kyi lên vũ đài chính trị.
Trong cuộc tổng tuyển cử
năm 1990 đảng NLD giành thắng lợi áp đảo nhưng bị phe quân đội cầm quyền phủ nhận
kết quả bầu cử, đảng NLD bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, lãnh tụ Aung San Suu
Kyi bị quản thúc tại gia suốt hai thập niên sau đó. Năm 2007, cuộc “Cách mạng
áo cà sa” (Saffron Revolution) của các tăng sĩ Phật Giáo Miến Điện cũng bị quân
đội đàn áp dã man. Phải đến năm 2011, những sự thay đổi từ bên trên mới thực sự
biến Miến Điện thành trường hợp hiếm hoi, tiêu biểu cho một chế độ độc tài tự lột
xác từ bên trong một cách hòa bình và đặt ra một kinh nghiệm quý để các nước
láng giềng tham khảo.
Do đâu có sự lột xác như
vậy? Tình trạng kiệt quệ về kinh tế – do tham nhũng và quản lý sai lầm của giới
quân nhân cầm quyền, cộng với tình trạng cô lập hoàn toàn với thế giới bên
ngoài và áp lực của các biện pháp cấm vận từ phương Tây – có thể là nguyên nhân
chủ yếu. Năm thập niên dưới chế độ quân phiệt đã đưa Miến Điện từ một quốc
gia thịnh vượng xuống cảnh cơ hàn.
Miến Điện giành được độc
lập từ thực dân Anh năm 1948 và bắt đầu công cuộc kiến thiết với nhiều thành quả
rực rỡ. Nhưng đến năm 1962, Tướng Ne Win làm cuộc đảo chính quân sự rồi đặt đất
nước dưới chế độ quân phiệt. Khi ấy Miến Điện là quốc gia giàu có nhất khu vực,
thu nhập bình quân đầu người đạt $670/năm, gấp ba lần Indonesia và gấp đôi Thái
Lan. Thế nhưng đến năm 2010, theo số liệu của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), thu nhập
đầu người của Miến Điện thấp nhất khu vực Đông Nam Á, kém cả Lào và Cambodia và
chỉ bằng 1/10 Thái Lan, theo dữ liệu của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB).
Sự tụt hậu khủng khiếp
này là một nỗi ô nhục không chỉ của người dân mà cả các nhà lãnh đạo. Phát triển
kinh tế để tiến kịp các nước lân bang là nhu cầu bức thiết. Vì lẽ đó, ngay từ
năm 2003, Thống Tướng Than Shwe – nhà lãnh đạo độc tài khét tiếng – đã vạch ra
“lộ trình bảy bước tới dân chủ” và chọn Tướng Thein Sein làm người kế vị, chịu
trách nhiệm thực thi lộ trình đó. Dù đã xa rời chính trường từ lâu, ông Than
Shwe vẫn được coi là “kiến trúc sư” của chế độ dân chủ Miến Điện.
Theo lộ trình, một đại hội
quốc gia được triệu tập để thảo ra bản Hiến Pháp mới, tuy còn nặng mùi quân phiệt,
nhưng vẫn được trưng cầu dân ý và thông qua năm 2008. Năm 2010, cuộc tổng tuyển
cử bầu Quốc Hội được tổ chức theo Hiến Pháp mới; Quốc Hội sau đó đã bầu Tướng
Thein Sein làm tổng thống đầu năm 2011 và phê chuẩn một nội các mà hầu hết là
các tướng lĩnh khoác áo dân sự.
Theo báo Economist, chế độ
dân chủ mà giới lãnh đạo Miến Điện hướng tới là “nền dân chủ có kỷ luật”
(disciplined democracy), không trùng khớp với những nguyên tắc dân chủ ở phương
Tây; trong đó quân đội vẫn nắm nhiều quyền lực và chi phối mọi mặt đời sống xã
hội. Hiến Pháp 2008 quy định quân đội được bổ nhiệm không qua bầu cử 25% số đại
biểu Quốc Hội, quân đội nắm các bộ quan trọng nhất như Nội Vụ, Quốc Phòng, Biên
Giới. Đáng chú ý là quân đội vẫn nắm yết hầu của nền kinh tế Miến Điện, các tập
đoàn kinh doanh thuộc quân đội giữ các vị trí độc quyền, có chân rết khắp nơi,
từ kinh doanh khách sạn, hàng không, khai thác gỗ và đá quý cho đến các trang
trại nuôi gia cầm. Hiến Pháp 2008 còn quy định mọi sự thay đổi dù nhỏ các điều
khoản của Hiến Pháp phải được sự chấp thuận của ít nhất 75% số đại biểu Quốc Hội,
điều mà các thế lực đối lập không thể nào có được.
Chỉ sau khi đặt được các
cơ sở pháp lý vững chắc như vậy bảo đảm cho việc nắm giữ quyền lực lâu dài,
quân đội Miến Điện mới từng bước nới lỏng quyền kiểm soát, trả lại cho dân một
số quyền dân chủ rất giới hạn.
Tổng Thống Thein
Sein đặt nền móng ban đầu
Thế nhưng, khi đã nắm được
quyền lãnh đạo tối cao, Tổng Thống Thein Sein đã mở rộng nền dân chủ ra
ngoài ý tưởng ban đầu của những người xướng ra nó. Ngay sau khi lên làm tổng thống,
ông Thein Sein đã quyết định xóa án quản thúc tại gia đối với bà Aung San Suu
Kyi, mời bà Suu Kyi cùng tham gia quản trị đất nước. Ông cũng đã quyết định trả
tự do cho toàn bộ tù nhân chính trị, cho phép thành lập nghiệp đoàn độc lập,
xóa bỏ chế độ kiểm duyệt, thực thi tự do ngôn luận, công nhận báo chí tư nhân,
tổ chức tuyển cử tự do và công bằng, ban hành luật về đầu tư nước ngoài và cải
cách hệ thống tỷ giá… Chính phủ Miến Điện cũng đã đàm phán và ký kết hiệp định
đình chiến với phiến quân thuộc các nhóm sắc tộc Kachin, Karen, Shan… đặt cơ sở
cho sự hòa hợp dân tộc.
Một thời được coi là hình
mẫu của chế độ chuyên chế quân phiệt, nhưng chỉ sau vài năm cải cách chính trị,
đến năm 2013 Miến Điện đã tốt hơn nhiều nước Châu Á khác về quyền dân sự và
chính trị, theo nhận định của báo The Economist.
Tự do chính trị kéo theo
sự thay đổi về kinh tế. Gần như mọi biện pháp cấm vận kinh tế mà Hoa Kỳ và
phương Tây áp đặt lên Miến Điện mấy thập niên qua đã lần lượt được dỡ bỏ; nhiều
khoản nợ công được các chính phủ Châu Âu, Nhật Bản xóa nợ; các định chế tài
chính quốc tế như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), Ngân Hàng Thế Giới (WB) chẳng những
hỗ trợ Miến Điện về tài chính mà cả về đào tạo, tư vấn, xây dựng hệ thống pháp
lý và hệ thống tổ chức tài chính theo hướng hiện đại.
Với nguồn tài nguyên
phong phú về dầu khí, nông sản, gỗ teak, đá quý và nhiều loại khoáng sản quý, với
vị trí nằm giữa hai thị trường đông dân nhất thế giới Ấn Độ và Trung Quốc, kinh
tế Miến Điện được kỳ vọng sẽ tăng gấp bốn lần, từ $45 tỷ năm 2013 lên $200 tỷ
vào năm 2030, theo báo cáo tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Đông Á lần đầu tiên tổ
chức ở Miến Điện Tháng Sáu, 2013.
Người có công đầu trong
công cuộc dân chủ hóa Miến Điện là Tổng Thống Thein Sein. Sinh trưởng trong một
gia đình nông dân ở một vùng quê nghèo đến nỗi ngôi trường trung học gần nhất
cũng cách nhà cả trăm cây số, mẹ mất sớm, cha vào chùa làm sư, ông Thein Sein
chọn binh nghiệp để tiến thân và lên đến cương vị đứng đầu nhà nước. Cuộc sống
cơ cực của người dân giúp ông nhận ra rằng chế độ độc tài quân phiệt chỉ có thể
đưa đất nước tới bờ vực sụp đổ, rằng tương lai đất nước không phụ thuộc vào phẩm
chất cá nhân của các nhà lãnh đạo mà vào việc xây dựng các thể chế, văn hóa dân
chủ. Nhưng để xây dựng thể chế dân chủ, ông Thein Sein chủ trương đi từng bước,
chậm rãi mà chắc chắn. “Ngay từ đầu, chúng tôi biết người dân mong muốn một chế
độ dân chủ, nhưng chúng tôi không muốn thay đổi đột ngột vì làm như vậy rất
nguy hiểm cho xã hội. Chúng tôi thay đổi vì nhân dân muốn như vậy,” ông nói trước
Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hồi Tháng Mười, 2012. Nhưng rất tiếc, con đường dân
chủ còn dài thì đến năm 2015, nhiệm kỳ tổng thống kết thúc, ông Thein Sein từ bỏ
danh vọng, vào chùa xuống tóc làm sư sau khi đã “cài cắm” được bà Aung San Suu
Kyi vào vị thế lãnh đạo công cuộc dân chủ hóa Miến Điện.
Thực tế khắc nghiệt
của dân chủ hóa
Ông Thein Sein rũ bỏ bụi
trần khi đất nước Miến Điện còn ngổn ngang trăm mối với nhiều mâu thuẫn khó có
thể giải quyết trọn vẹn, trước tiên là mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo giữa người
Burma đa số với hàng chục sắc dân thiểu số vùng biên địa, đặc biệt là các sắc tộc
thiểu số phía Bắc từ lâu đã tiến hành chiến tranh đòi tự trị với chính quyền trung
ương và người Rohingya gốc Ấn ở tỉnh Rakhine giáp Bangladesh. Rồi mâu thuẫn tôn
giáo giữa đa số dân theo Phật Giáo với thiểu số Hồi Giáo; mâu thuẫn giữa kinh tế
thị trường tự do mới manh nha với sự kiểm soát của quân đội thông qua mạng lưới
chân rết hàng trăm tập đoàn, công ty – của quân đội và của từng tướng lĩnh – độc
quyền trong mọi lĩnh vực kinh tế. Những mâu thuẫn này nhiều lúc bùng lên thành
bạo lực cướp đi sinh mạng hàng ngàn thường dân mà điển hình là vụ “thanh lọc sắc
tộc” đối với người Rohingya theo Hồi Giáo từ năm 2017 khiến hàng trăm ngàn người
Rohingya phải bỏ làng mạc đi tị nạn ở Bangladesh, làm dấy lên sự phẫn nộ của cộng
đồng thế giới.
Rồi bàn tay bí mật của
Trung Quốc, vốn không muốn thấy một nước láng giềng Miến Điện dân chủ, tự do và
thịnh vượng nằm ngay ở phía Nam. Trung Quốc có chung đường biên giới với Miến
Điện dài 1,300 cây số. Trước năm 2010, Trung Quốc vừa câu kết với tập đoàn quân
phiệt cầm quyền Miến Điện để thực hiện nhiều dự án lớn phục vụ cho lợi ích kinh
tế của Trung Quốc, vừa bí mật ủng hộ tài chính và vũ khí cho các đội phiến quân
của sắc tộc Shan, Kachin… quấy nhiễu ở vùng biên.
Khi Miến Điện bị quốc tế
cấm vận thì Trung Quốc gần như là bạn hàng duy nhất có quan hệ thương mại với
Miến Điện; họ tiêu thụ gỗ quý, đá quý và các mặt hàng xuất cảng mà quân đội Miến
Điện khai thác đồng thời họ bỏ vốn liên doanh với các công ty của quân đội Miến
Điện trong khai thác tài nguyên, sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ. Nhưng
việc Miến Điện chuyển sang chế độ dân chủ làm cho Trung Quốc mất đi một nguồn lợi
béo bở, thấy rõ sau khi Tổng Thống Thein Sein quyết định đình chỉ dự án xây dựng
đập thủy điện khổng lồ Myitsone trên sông Irrawaddy – quyết định đầu tiên và hợp
lòng dân của ông Thein Sein. Công trình thủy điện này do một công ty Trung Quốc
đầu tư với số vốn lên tới $3.7 tỷ nhằm cung cấp điện cho tỉnh Vân Nam của Trung
Quốc nhưng buộc hàng ngàn hộ gia đình Miến Điện phải rời bỏ làng mạc để chuyển
tới các khu tái định cư, nhiều di tích văn hóa-lịch sử bị xóa sổ.
Quyền lợi của Trung Quốc
phần nào đó thống nhất với quyền lợi của các tướng lĩnh cầm đầu quân đội Miến
Điện và trái ngược với tiến trình dân chủ hóa của đất nước. Hai thế lực này
không thể ngồi yên để quyền lợi của họ bị tước bỏ.
Aung San Suu Kyi:
thần thánh hay tội đồ?
Bà Aung San Suu Kyi lên cầm
quyền trong bối cảnh chính trị phức tạp như vậy và thực tế cho thấy bà không phải
là một nhà chính trị tài giỏi hay khôn khéo. Là con của Tướng Aung San, người
anh hùng giải phóng đất nước Miến Điện, bà học tập ở Đại Học Oxford danh tiếng,
đi nhiều nơi trên thế giới, thông thạo nhiều ngôn ngữ, và được giải thưởng
Nobel Hòa Bình. Sau 28 năm ở nước ngoài, bà trở về Miến Điện năm 1988 khi các
cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ diễn ra rầm rộ; chỉ vài tháng sau, bà trở thành
người lãnh đạo “Phong Trào 8888.” Mặc dù bị chế độ quân phiệt cầm tù tại gia suốt
từ năm 1989 đến năm 2011, bà vẫn là linh hồn của cuộc đấu tranh đòi dân chủ ở
Miến Điện trong cương vị người lãnh đạo đảng chính trị đối lập NLD. Người dân
Miến Điện trìu mến gọi bà là “Mẹ” (Daw), coi bà như một vị thánh sống
(godlike), chủ yếu vì lòng can đảm, đối đầu với cường quyền mà không hề run sợ
của bà.
Bà đắc cử vào Quốc Hội Miến
Điện trong cuộc bầu cử tự do năm 2015 nhưng không được cử làm tổng thống vì quy
định của hiến pháp không chấp nhận nguyên thủ quốc gia là người có vợ/chồng con
cái mang quốc tịch nước ngoài. Miến Điện phải đặt ra chức cố vấn nhà nước
(State Advisor) chỉ dành riêng cho bà, thực ra bà là người nắm quyền cao nhất của
bộ máy chính phủ, tổng thống cũng phải nghe lệnh của bà. Nhưng trong thực tế phức
tạp của Miến Điện, chính phủ dân sự do người dân bầu lên cũng chỉ là “bù nhìn,”
quyền lực thật sự vẫn nằm trong tay các tướng lĩnh quân đội.
Bà Suu Kyi quan niệm rằng,
để công cuộc cải cách không bị cản trở, cần phải làm cho giới quân sự cầm quyền
cảm thấy an toàn, không lo bị trả thù, không truy cứu tội trạng, không tịch thu
tài sản. Lâu dần, quan điểm hòa hoãn với quân đội đã biến thành sự tôn sùng quyền
lực của các tướng lĩnh, dung dưỡng các hành vi lạm quyền, thậm chí biện hộ cho
các tội ác chống lại dân chủ, nhân quyền của họ. “Tôi không làm bất cứ điều gì
chỉ để được ủng hộ. Các chính trị gia đôi khi phải làm những việc mà người dân
không thích,” bà nói với những người dân phản đối khi bà dẫn đầu đoàn quan chức
chính phủ đến thăm khu mỏ đồng Letpadaung gần thành phố Monywa ở miền Trung Miến
Điện năm 2013, nơi hàng ngàn nông dân đang biểu tình chống lại việc quân đội
thu hồi ruộng đất của họ để mở rộng dự án khu mỏ liên doanh với một tập đoàn
Trung Quốc.
Có thể bà suy nghĩ hãy nhẫn
nại chịu đựng sự lạm quyền của quân đội để nuôi dưỡng thế lực, miễn là duy trì
được chính quyền dân sự và một số quyền tự do hạn chế của người dân, đến ngày đủ
lông đủ cánh sẽ giành lại quyền lực và thực thi một chế độ dân chủ toàn diện mà
bà đã được đào tạo ở phương Tây. Dù sao, thái độ dung dưỡng, thậm chí đồng lõa
của bà đối với hành động “diệt chủng” của quân đội Miến Điện đối với người
Rohingya ở Rakhine, sự im lặng của bà trước vụ hàng trăm nhà báo, nghệ sĩ bị cầm
tù chỉ vì cất lên tiếng nói đòi dân chủ… đã làm hoen ố danh tiếng của bà, bị
các nước phương Tây lên án nặng nề, thậm chí bị đòi ra điều trần trước Tòa Công
Lý Quốc Tế vào cuối năm ngoái.
Với nhiều người ở ngoài
Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi là một thần tượng đã sụp đổ, một thiên thần biến
thành ác quỷ, một chính trị gia bị quyền lực làm cho tha hóa đến mức không ngờ.
Nhiều tổ chức nhân quyền đòi thu hồi những giải thưởng đã trao cho bà, thậm chí
giải Nobel Hòa Bình mà bà nhận được năm 1991 cũng có đề nghị thu lại.
Có điều khó giải thích là
ở trong nước Miến Điện, bà Suu Kyi vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều tầng
lớp dân chúng, nhất là người Burma đa số, theo Phật Giáo và các cộng đồng doanh
nghiệp tư nhân mới nở rộ trong thời kỳ mở cửa kinh tế. Trong cuộc tổng tuyển cử
ngày 8 Tháng Mười Một, 2020, đảng NLD của bà giành được 396 trong số 498 ghế
nghị sĩ Quốc Hội được bầu, nhiều hơn số ghế tối thiểu 322 ghế mà đảng này cần
có để đủ đa số thành lập chính phủ và cử ra tổng thống mới. Đảng Liên Minh Đoàn
Kết và Phát Triển (Union Solidarity and Development Party, USDP) – cánh chính
trị của quân đội Miến Điện chỉ giành được 33 ghế.
Hình chụp vào Tháng
Mười Một, 2010, cho thấy bà Aung San Suu Kyi gặp những người ủng hộ qua hàng
rào nhà bà ở Yangon, Myanmar. Bà từng bị quản thúc tại gia trong 15 năm, và được
trả tự do vào năm 2010. (Hình: STR/AFP via Getty Images)
Cuộc đảo chính đã
nhìn thấy trước
Dự đoán trước thắng lợi
áp đảo của đảng NLD, ngay từ Tháng Ba, 2020, bà Aung San Suu Kyi đã thúc đẩy cuộc
vận động sửa đổi Hiến Pháp theo hướng thu hẹp quyền của giới tướng lĩnh quân đội;
cụ thể là giảm số đại biểu Quốc Hội được quân đội cử ra không qua bầu phiếu, Quốc
Hội được giao quyền bổ nhiệm các bộ trưởng trong chính phủ theo đề nghị của tổng
thống… Nếu Hiến Pháp được sửa đổi theo hướng đó, chính phủ dân sự Miến Điện sẽ
có thực quyền nhiều hơn và công cuộc cải cách, dân chủ hóa đất nước có cơ may
được đẩy mạnh. Đề nghị của bà được đa số đại biểu Quốc Hội ủng hộ nhưng bị phía
quân đội dùng quyền phủ quyết bác bỏ.
Các tướng lĩnh quân đội
Miến Điện vẫn muốn cầm quyền một cách chính danh thông qua bầu cử hợp pháp.
Nhưng điều họ không ngờ là đảng chính trị của quân đội – đảng USDP, đạt kết quả
quá thảm hại trong cuộc bầu cử ngày 8 Tháng Mười Một nên quân đội phải có hướng
đi khác nếu không muốn quyền lực và quyền lợi của họ bị thu hẹp. Những ngày sau
bầu cử, phát ngôn viên của quân đội Miến đã nhiều lần lấp lửng rằng quân đội sẽ
hành động (take action) nhưng không nói đó là hành động gì.
Ngay sau khi kết quả bầu
cử được công bố ngày 15 Tháng Mười Một, 2020, đảng USDP và phe quân đội đã lên
tiếng cáo buộc bầu cử gian lận và không thừa nhận chiến thắng của đảng cầm quyền
NLD. Phía quân đội đề nghị tổ chức bầu cử lại, dưới sự giám sát của quân đội; họ
cũng đã nộp hơn 200 đơn kiện lên các cơ quan bầu cử địa phương, kiện lên cả Tối
Cao Pháp Viện nhưng không đảo ngược được kết quả bầu cử.
Theo lịch trình, Quốc Hội
Miến Điện họp phiên đầu tiên vào sáng Thứ Hai, 1 Tháng Hai, để phê chuẩn kết quả
bầu cử ngày 8 Tháng Mười Một, 2020, và lập chính phủ mới; sau đó thì không còn
tranh tụng gì nữa về bầu cử. Không để điều đó xảy ra, quân đội Miến Điện tổ chức
đảo chính lúc rạng sáng ngày 1 Tháng Hai, chỉ vài giờ trước khi Quốc Hội khai mạc
kỳ họp, bắt giữ bà Aung San Suu Kyi, Tổng Thống Win Myint và các nhà lãnh đạo cấp
cao khác của đảng NLD. Các nghị sĩ mới được bầu, đang tụ tập về thủ đô
Naypyitaw cũng bị khống chế và giam lỏng tại các khách sạn mà họ cư ngụ. Tình
trạng khẩn cấp được ban hành và sẽ kéo dài một năm, theo thông báo của quân đội.
Như vậy, tiến trình dân
chủ hóa của Miến Điện, sau khi đi được một thập niên, đã đột ngột bị chặn đứng
và đảo ngược. Đất nước 54 triệu dân lại rơi vào chế độ quân quản và chưa biết
tương lai sẽ như thế nào. Nếu Hoa Kỳ và phương Tây áp đặt trở lại các biện pháp
trừng phạt, cấm vận kinh tế, cô lập chính trị như các tuyên bố đầy đe dọa của Tổng
Thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo phương Tây khác, Miến Điện sẽ lại rơi trở lại
tình trạng đói nghèo và chế độ chuyên chế. Và sẽ lún sâu hơn vào vòng kiềm tỏa
của Trung Quốc.
***
Con đường dân chủ hóa ngắn
ngủi của Miến Điện cho thấy, xây dựng dân chủ từ một quốc gia độc tài hoặc quân
phiệt là chuyện thiên nan vạn nan, nhất là khi quốc gia đó chứa trong lòng nhiều
mâu thuẫn về sắc tộc, tôn giáo, vùng miền và có bàn tay ngoại bang câu kết với
guồng máy độc tài, bóp chết mọi mầm mống phản kháng. Miến Điện đã vậy, mà nhìn
về Việt Nam cũng vậy.
Chỉ hy vọng là người dân
Miến Điện vốn có truyền thống đấu tranh chống bạo quyền, sau một thập niên hít
thở không khí có phần tự do, sẽ không cam chịu quay lại với cuộc sống tăm tối
mà họ đã từng trải qua nhiều năm về trước. [qd]
No comments:
Post a Comment