https://www.facebook.com/thuyman.tran.54/posts/1387417968262971
INDIVIDUAL ACCOUNTABILITY
Khoảng ngày này tháng trước, chúng ta thấy lá cờ
vàng ba sọc đỏ bị những kẻ đảo chính bạo loạn cắm trên sân thượng điện Capitol,
và cùng ngày một diễn tiến khác được đám phiến loạn ghi lại trong một video sau
đó được lan truyền trên Youtube: những con người cuồng điên đến mất trí mình
quấn lá cờ vàng, nhảy tưng tưng như bị kinh giật, làm những hành động như đang
treo cổ các vị lãnh đạo đảng Dân chủ, cùng với Tổng thống và phó Tổng thống
đương nhiệm. Cái video tai tiếng đó, cùng với hình ảnh lá cờ vàng và vị trí sai
trái của nó đã làm cho đa số người dân Việt định cư ở đất nước này đau đớn, xấu
hổ, và phẫn nộ. Và cũng dễ hiểu tại sao chúng ta cảm thấy như vậy.
Nhưng có một điều về văn hóa xứ này mà chúng ta
phải hiểu, đó là cách nghĩ dựa trên individual accountability, nói nôm na tiếng
Việt là "ai làm nấy chịu". Nói cho cùng, những con người mê muội xấu
xí, sùng sục căm hận ấy có đại diện cho tất cả chúng ta không?
Không, họ không đại diện cho tất cả người Việt trên
đất nước này. Cộng đồng người Việt đã đóng góp công sức vào nơi đây, và chúng
ta sẽ tiếp tục làm nhiều hơn nữa. Ngoài một việc làm để kiếm sống, chúng ta hãy
nhìn rộng hơn ra ngoài xã hội. Có rất nhiều việc để chúng ta có thể tham gia:
adopt một công viên, một khúc đường trong khu vực bạn sinh sống, tham gia các
đội tình nguyện để giúp người già, người vô gia cư, tham gia những ngày Coastal
Cleanup, tham gia phục vụ bữa ăn cho Y tá, Bác sĩ, lính cứu hỏa khi cần thiết
...
Chúng ta có rất nhiều cơ hội để trở thành một phần
của đất nước này, chúng ta sẽ không để người Mỹ bản xứ và những người di dân
đến trước nghĩ về chúng ta như những người ngoài cuộc. Không có "HỌ "
và "MÌNH", mà phải là "CHÚNG TA".
Ngày lễ nhậm chức của Tổng thống Biden và phó Tổng
thống Harris vẫn xảy ra đúng như dự định hôm 20/1. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy
mọi thứ ở điện Capitol từ trong ra ngoài, cho đến đường phố xung quanh đều tươm
tất, ngăn nắp, chỉn chu như chưa từng có một chuyện động trời đã xảy ra hai
tuần trước đó.
Bài báo dưới đây kể lại việc làm của một nhóm cựu
quân nhân có tên "Tiếp tục Phục Vụ - Continue to Serve" đã đóng góp.
Thụy Mân dịch từ báo The Washington Post
*************
Khi khu vực Capitol Hill hỗn loạn vào ngày 6 tháng
1, David Smith có mặt ở đó.
Smith (40 tuổi) đang phân phát những túi sưởi ấm cho tay đến những người vô
gia cư gần đó thì cuộc bao vây bắt đầu. Anh ta không tin nổi mắt mình khi nhìn
thấy một đám đông uy hiếp xông vào điện Capitol.
Smith nghỉ hưu cách đây chưa đầy một tháng sau khi
phục vụ trong Hải quân được 13 năm, anh cho biết: “Thật là đau xót khi chứng
kiến cảnh đó."
Là một cựu chiến binh, anh thật sự kinh hoàng khi
biết rằng nhiều người bạn cựu chiến binh như mình đã tham gia vào cuộc nổi dậy,
bao gồm Jake Angeli, còn được gọi là
“QAnon Shaman,” và Ashli Babbitt,
người đã bị bắn chết ở Capitol.
Smith, một bác sĩ đã chiến đấu ở Afghanistan cho
biết: “Đó là một nhát dao đâm vào tim. Không đơn giản chỉ vì bạn đã từng phục
vụ trong quân đội mà bạn lại được phép xông vào tòa nhà Capitol.”
Trên đường đi về nhà ở Germantown, tiểu bang
Maryand, Smith nhận ra tàn tích của cuộc bạo động hôm thứ Tư 6/1 rải rác khắp
các đường phố. Anh nhớ lại: "Rác thải ngổn ngang Đại lộ Pennsylvania và
các khu vực lân cận, các biển báo và nhãn với biểu tượng và thông điệp về phân
biệt chủng tộc và phát xít có ở khắp nơi.
Quyết định phải làm một điều gì đó, Smith kêu gọi
một nhóm cựu chiến binh và những người tình nguyện thực hiện việc dọn dẹp rác
rưới toàn bộ khu vực xung quanh Điện Capitol và trung tâm thành phố DC. Ngoài
việc loại bỏ những dấu tích thù hận ra khỏi khu vực này, Smith hy vọng sẽ củng
cố niềm tin rằng những cựu chiến binh đã tham gia trong cuộc vây hãm không đại
diện cho mọi cựu chiến binh.
Bốn ngày sau đó, ngày 10/1, gần 200 người tình
nguyện đã tập trung tại Quảng trường McPherson, trên tay họ là những túi rác.
Mọi người tản ra và làm việc trong suốt hai giờ để thu thập những biểu ngữ
"Hãy ngăn chặn việc cướp đoạt kết quả bầu cử" và các loại cờ xí linh
tinh khác được dùng cho việc ủng hộ Trump đã bị vứt như rác trong cuộc đảo
chính bạo loạn, đồng thời họ cũng dùng các dụng cụ để nạo và chất tẩy keo để
bóc các huy hiệu và nhãn dán trên các trụ dọc đường, và các biểu tượng khác của
các nhóm Tân phát xít và các nhóm cực hữu cực đoan.
Smith nói: “Nguồn năng lượng tích cực được tỏa ra, đặc biệt
có ích trong sự bùng phát của một khuynh hướng quá tiêu cực."
Họ chia nhóm người tình nguyện ra làm năm nhóm nhỏ,
mỗi nhóm có một cựu chiến binh dẫn đầu, người này sẽ hướng dẫn họ dọc theo một
tuyến đường đã được đánh dấu trên một bản đồ dẫn đến Điện Capitol.
Smith nói: “Nó giống như một cuộc quét dọn lớn cho đường phố.
“Chúng tôi dọn gọn gàng đến mức từng viên đá nhỏ cũng được xếp lại chỗ cũ. Thật
tuyệt vời."
Smith đã chuẩn bị kế hoạch hoạt động dọn dẹp trên
mạng xã hội qua một tổ chức anh đã thành lập tháng 6 vừa qua có tên là “Tiếp Tục Phục Vụ” (Continue To Serve!). Mục tiêu của anh là tạo ra một cộng đồng
các cựu chiến binh đứng lên đấu tranh cho công lý và bình đẳng.
Anh nói: “Chúng tôi muốn mang các cựu chiến binh cùng chí
hướng lại với nhau, giúp họ có thể tham gia nhiều hơn vào các hoạt động tích
cực và phục vụ cộng đồng."
Smith nói anh đã cảm thấy sự thôi thúc thành lập
nhóm “Tiếp Tục Phục Vụ” để đối phó với tình trạng căng thẳng về chủng tộc sau
cái chết của George Floyd.
“Khi thấy Quảng trường Lafayette bị cảnh sát giải
tán, tôi đã bật khóc. Tôi không thể tin điều này đang xảy ra ở Mỹ và cơ quan
thực thi pháp luật lại đi tấn công những người biểu tình ôn hòa,” anh kể (về
cuộc biểu tình ôn hòa ở Quảng trường Lafayette đã bị cựu Tổng thống Trump ra
lệnh cảnh sát đàn áp hôm ngày 1 tháng 6, 2020*).
Anh đã nhanh chóng đăng “một bài viết dài về việc
các cựu chiến binh cần đứng lên” trên trang Reddit của Washington D.C.
Các tin nhắn bày tỏ cảm xúc tương tự từ các cựu
chiến binh ở D.C., Maryland và Virginia đã ồ ạt tràn về. Một nhóm nhỏ quyết
định tham gia vào các cuộc biểu tình Black Lives Matter, với mục đích mang lại
cảm giác an toàn cho người biểu tình, đồng thời hỗ trợ y tế và hậu cần.
“Chúng tôi chỉ muốn ra nơi đó, cùng lên tiếng và
ủng hộ tiếng nói của họ để đảm bảo rằng chúng tôi giữ lời thề của mình, đó là
bảo vệ Hiến pháp, do đó bảo đảm quyền của tất cả công dân đất nước chúng ta,”
Smith nói và thêm rằng anh và các cựu chiến binh khác đôi khi đóng vai trò
trung gian giữa cảnh sát và người biểu tình trong suốt mùa hè để chắc chắn
người dân cảm thấy an toàn khi đi diễu hành trong các cuộc biểu tình.
Hans Palmer, 35 tuổi, một cựu quân nhân của binh chủng Thủy quân lục chiến, đã đến
gặp nhóm “Tiếp Tục Phục vụ” tại Black Lives Matter Plaza vào tháng 7 năm ngoái.
“Họ mặc áo có hàng chữ ”Cựu chiến Binh ủng hộ BLM ’, và tôi đã gọi họ:
"Này các bạn, tôi cũng là một cựu chiến binh đây", Palmer nhớ lại lần
gặp nhau đầu tiên, anh muốn tham gia cùng với họ.
“Không phải ai (trong hàng ngũ quân đội) chúng ta
cũng đều là người bảo thủ, đó là định kiến mà tôi thực sự muốn xóa bỏ,” Palmer,
người đã phục vụ trong Thủy quân lục chiến trong sáu năm, nói. “Chúng ta cần sự
thay đổi có tính hệ thống thực sự ở đất nước này, và tôi nghĩ rằng hành động cơ
bản, trên đường phố, hành động trực tiếp, là con đường để chúng ta đi.”
Ngoài việc ủng hộ công bằng xã hội và tôn vinh lời
thề bảo vệ Hiến pháp, nhóm “Tiếp tục Phục Vụ” hy vọng có thể chắc chắn rằng
những cựu chiến binh có cùng chí hướng biết rằng họ không đơn độc, Smith nói.
“Tôi muốn tổ chức của chúng ta phải đa dạng” Smith
kể anh lớn lên trong một gia đình “siêu bảo thủ “Tôi chỉ muốn tiến bộ xã hội,
và đối với tôi, dường như đây là những lý tưởng mà tất cả mọi người đều mong
muốn”.
Các nhóm này bắt đầu dọn dẹp và đánh giá mức độ
thiệt hại tại điện Capitol Hoa Kỳ vào ngày 7 tháng 1, một ngày sau khi hàng
trăm kẻ bạo loạn ủng hộ Trump xông vào tòa nhà.
Ashley Carothers, 34 tuổi, một cựu quân nhân thuộc binh chủng Không quân từng tham gia
chương trình “Tiếp Tục Phục Vụ” vào mùa hè, đồng ý như thế. Cô cũng vô cùng uất
giận vì cuộc bạo loạn.
“Khi biết các cựu chiến binh và các thành viên
đương nhiệm của Quốc hội tham gia tấn công điện Capitol, tôi thật sự kinh
hoàng,” cô nói. “Lời thề là điều đã ăn sâu vào bạn. Không có gì có thể xóa bỏ
lời thề đó; bạn tiếp tục những giá trị đó trong suốt cuộc đời mình."
Mặc dù đã rời quân ngũ vào năm 2013, Carothers đã
thề sẽ tiếp tục phục vụ đất nước thông qua các hoạt động tích cực và tình
nguyện.
Kể từ mùa hè, nhóm “Tiếp Tục Phục Vụ” đã phát triển
thành một cộng đồng gồm 45 cựu chiến binh, hầu hết đều sống trong phạm vi D.C.
Một số người khác từ khắp nơi trên đất nước cũng đã tình cờ gặp nhóm này trên
mạng xã hội và mặc dù ở khoảng cách khá xa, họ đã yêu cầu tham gia, như trường
hợp cô Lindsay Rousseau, 40 tuổi, một cựu chiến
binh sống ở Los Angeles, người đã kết nối với Smith vào tháng Tám. Kể từ đó,
Rousseau đã làm việc từ xa về nghiên cứu và hậu cần với nhóm “Tiếp Tục Phục
Vụ”.
“Chúng tôi muốn mọi người hiểu trong hàng ngũ cựu
chiến binh cũng có người này kẻ nọ," Rousseau nói. "Chúng tôi thực sự
ghi nhớ rằng chúng tôi đã tuyên thệ với Hiến pháp, chúng tôi không tuyên thệ
với một cá nhân nào."
Mặc dù Rosseau không thể đến Washington D.C. để
tham gia dọn dẹp điện Capitol, nhưng cô rất vui khi thấy hàng chục cựu chiến
binh đồng đội làm việc cùng nhau.
Smith hiện đang tập trung vào việc phát triển nhóm
“Tiếp Tục Phục Vụ”, với hy vọng sẽ tổ chức các cuộc họp mặt hàng tháng, bao gồm
nhiều hơn các hoạt động dọn dẹp, tiếp nhận/phân phối thực phẩm miễn phí đến
người cần giúp và các hoạt động khác để gắn kết cộng đồng cựu chiến binh lại
với nhau.
“Chúng tôi muốn đất nước mà chúng tôi đã chiến đấu
để bảo vệ trở thành nơi đúng như ý nghĩa nó đã được sinh ra,” Smith nói.
NGUỒN :
Washington Post
No comments:
Post a Comment