Thursday, 4 February 2021

CHÍNH QUYỀN BIDEN BƯỚC ĐẦU THỂ HIỆN SỰ CỨNG RẮN ĐỐI VỚI TRUNG QUỐC (Financial Times)

 



Chính quyền Biden bước đầu thể hiện sự cứng rắn với Trung Quốc

Financial Times  

Trần Hùng biên dịch

05/02/2021

http://nghiencuuquocte.org/2021/02/05/chinh-quyen-biden-buoc-dau-the-hien-su-cung-ran-voi-trung-quoc/

 

Sau nhiều tháng Đảng Cộng hòa lo ngại rằng Joe Biden sẽ mềm mỏng với Bắc Kinh, tân Tổng thống Mỹ đã nhận được lời khen ngợi bất ngờ từ một nhân vật diều hâu chống Trung Quốc hàng đầu sau chưa đầy hai tuần ở Nhà Trắng.

 

Robert O’Brien, cố vấn an ninh quốc gia cuối cùng của Donald Trump phát biểu tại một sự kiện của Viện Hòa bình Hoa Kỳ với người kế nhiệm, Jake Sullivan, rằng “Tổng thống Biden [và nhóm của ông] đang có một khởi đầu tuyệt vời trong vấn đề Trung Quốc”.

 

Sau bốn năm chính sách đầy biến động, các thành viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa kỳ vọng sẽ có một cách tiếp cận mang tính cấu trúc hơn dưới thời Biden. Tuy nhiên, các chuyên gia đang theo dõi sát sao các dấu hiệu cho thấy ông sẽ có thái độ diều hâu đến đâu trong mối quan hệ song phương quan trọng nhất của Hoa Kỳ.

 

“Sự lo lắng về chính sách Trung Quốc của Biden là rất lớn. Điều này đặc biệt đúng ở Washinton khi nhiều người lo lắng rằng Biden có thể quay lại cách tiếp cận của Obama những năm giữa thập niên 2010,” theo lời Eric Sayers, một chuyên gia an ninh châu Á tại viện American Enterprise Institute. Sayers nói Nhật Bản và Đài Loan cũng rất lo lắng.

 

Nhà Trắng cho biết Biden sẽ có “sự kiên nhẫn” khi ông xây dựng chính sách Trung Quốc của mình. Tuy nhiên, ông đã đưa ra chỉ dấu về hướng đi trong tương lai thể hiện qua phản ứng của chính quyền đối với các sự kiện ở châu Á và cách một số ứng viên nội các của ông trả lời trong các phiên điều trần bổ nhiệm tại Thượng viện.

 

Một ví dụ rõ ràng là ở Đài Loan. Trước khi đặt chân vào Nhà Trắng, Biden đã mời Hsiao Bi-khim (Đại diện Đài Loan tại Mỹ – NBT) trở thành đại diện đầu tiên của Đài Loan từng dự một lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ.

 

Ba ngày sau, bộ ngoại giao Mỹ cảnh báo Trung Quốc ngừng cố gắng đe dọa Đài Loan sau khi máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của Trung Quốc tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan và mô phỏng các cuộc tấn công vào một tàu sân bay Mỹ gần đó.

 

Trong phiên điều trần bổ nhiệm mình, ngoại trưởng Antony Blinken nói rằng ông Trump đã đúng khi cứng rắn hơn với Trung Quốc. Sau đó, ông đồng ý rằng sự đàn áp của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương là một “tội ác diệt chủng”.

 

Tại Viện Hòa bình Hoa Kỳ, Sullivan cho biết Biden sẽ làm việc với các đồng minh về vấn đề Trung Quốc. Tuy nhiên, ông nói rằng ông sẵn sàng “áp đặt các chi phí lên những gì Trung Quốc đang làm ở Tân Cương, ở Hồng Kông, cũng như những sự hiếu chiến và đe dọa mà Trung Quốc đang nhắm vào Đài Loan”.

 

Những lời này là dấu hiệu cho thấy Biden sẽ cứng rắn hơn so với thời làm phó tổng thống trong chính quyền Obama, khi các quan chức thường nói về việc khuyến khích Bắc Kinh trở thành một “bên liên quan có trách nhiệm”.

 

Lindsay Gorman, chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ Marshall của Mỹ, cho biết: “Giả thuyết cho rằng sự can dự kinh tế nhiều hơn với Trung Quốc sẽ biến nước này thành một bên liên quan có trách nhiệm trên trường thế giới đã được chứng minh là sai lầm – thời đại hoạch định chính sách kiểu đó của Mỹ đã qua”.

 

“Những kỳ vọng về việc chính sách Biden ‘mềm mỏng đối với Trung Quốc’ không phù hợp với thực tế trong bối cảnh các nền dân chủ phải đối mặt với các mối đe dọa từ các chế độ độc tài trên toàn thế giới”.

 

Trong khi ông Biden đã có những hành động được một số nhân vật diều hâu hoan nghênh, nhóm của ông cũng gây lo ngại.

 

Trong phiên điều trần xác nhận việc bổ nhiệm mình, Gina Raimondo, ứng cử viên bộ trưởng thương mại, đã từ chối cam kết giữ nguyên Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc, trong “danh sách thực thể” – điều khiến các công ty Mỹ rất khó xuất khẩu công nghệ cho các công ty nằm trong danh sách.

 

Michael McCaul, thành viên Đảng Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cho biết việc Raimando không đưa ra cam kết trên là điều “đáng chú ý và thực sự đáng lo ngại”. Tại Thượng viện, Marco Rubio và một số nhân vật diều hâu khác của Đảng Cộng hòa, bao gồm cả Tom Cotton, cũng đã lên tiếng, báo hiệu một  trở ngại lớn đối với việc xác nhận bà đảm nhận vị trí này.

 

Một cựu quan chức cấp cao cho biết ông Biden sẽ phải đối mặt với sự phản đối gay gắt từ các quan chức chuyên nghiệp lâu năm nếu ông có cách tiếp cận mềm mỏng hơn đối với Trung Quốc trong các vấn đề như Huawei, nói rằng sẽ có sự “bất đồng mạnh mẽ”.

 

Một số nhà phê bình cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo khi ông Biden chưa đưa ra lệnh cấm – do chính quyền Trump đề xuất – đối với các công ty Mỹ đầu tư vào các công ty Trung Quốc bị cáo buộc có quan hệ với quân đội nước này. Nhưng một số chuyên gia nói rằng nhóm của ông muốn có thêm thời gian để làm rõ một chính sách vốn đã tạo ra sự bối rối trên thị trường tài chính và nói rằng ông ít khả năng sẽ đảo ngược hướng đi vì áp lực từ Quốc hội.

 

Paul Haenle, cựu giám đốc phụ trách Trung Quốc trong Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) dưới thời George W Bush và Barack Obama, cho biết Biden cho đến nay đã “làm đúng” trong vấn đề Trung Quốc.

 

“Chính quyền Trump đã đúng khi thực hiện một sự thay đổi, nhưng cách họ thực hiện lại tự chuốc lấy thất bại, rất không mạch lạc và mang tính phân tán,” Haenle nói và bổ sung rằng chính quyền mới cũng sẽ phải đối mặt với việc Quốc hội ủng hộ một cách tiếp cận cứng rắn hơn để đối phó với Trung Quốc.

 

“Sự thay đổi ở Quốc hội dựa trên đồng thuận lưỡng đảng. Có những thành viên Đảng Dân chủ không muốn một cách tiếp cận mềm mỏng hơn, ”ông nói. “Điều cốt yếu là phải có một cách tiếp cận thông minh phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ.”

 

Một số thành viên Đảng Dân chủ lo lắng rằng John Kerry, người phụ trách vấn đề khí hậu quốc tế và là bạn hữu của ông Biden, có thể thúc đẩy tổng thống thỏa hiệp với Trung Quốc để đạt được các thỏa thuận về khí hậu. Điều này khiến vị cựu ngoại trưởng phải lên tiếng thanh minh: “Tôi biết một số người đã lo ngại. Nhưng sẽ không có sự đánh đổi giữa vấn đề này với vấn đề khác,” ông nói.

 

Mối quan ngại đó cũng đã được xoa dịu phần nào nhờ việc chỉ định Kurt Campbell, một nhân vật diều hâu chống Trung Quốc, làm người điều phối chính sách châu Á trong Hội đồng An ninh Quốc gia, và việc bổ nhiệm một nhóm chuyên gia Trung Quốc thế hệ tiếp theo, những người được coi là có quan điểm diều hâu hơn về Trung Quốc, bao gồm Laura Rosenberger tại Hội đồng An ninh Quốc gia, và Kelly Magsamen và Ely Ratner tại Lầu Năm Góc.

 

Sayers nói: “Một thế hệ chuyên gia châu Á mới đã xuất hiện trong Đảng Dân chủ, những người có cách tiếp cận mang tư duy cạnh tranh hơn đối với Bắc Kinh. Đây là nhóm hiện đang chuyển sang các vị trí quản lý cấp trung trong khắp chính quyền và đây là điều khiến tôi cảm thấy yên tâm”.

 

----------

 

Nguồn: Biden shows his hawkish side on China”, Financial Times, 31/01/2021

 

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats