Monday, 8 February 2021

BỎ TẾT ÂM LỊCH, ĂN TẾT DƯƠNG LỊCH : ĐƯỢC GÌ, MẤT GÌ? (VietTuSaiGon)

 



Bỏ Tết âm lịch, ăn Tết dương lịch: Được gì, mất gì?

VietTuSaiGon  

Thứ Tư, 01/06/2021 - 03:36 — VietTuSaiGon

https://www.rfavietnam.com/node/6641

 

Những lập luận vớ vẩn, không có căn cứ

 

Cái vớ vẩn thứ nhất, chắc chắn những người nghĩ ra điều này phải là người có chữ nghĩa, có của ăn của để, chứ người lao động bình dân, người nghèo không bao giờ dám nghĩ đến chuyện này. Vì sao?

 

Vì kẻ có chữ nghĩa mới quan tâm đến lịch pháp, quan tâm đến kinh tế, văn hóa Tây – Ta. Thậm chí, người có cái ăn cái để, hay có công ty (xin lỗi các doanh nghiệp, không phải cứ ai có công ty cũng nghĩ tới bỏ Tết âm lịch) mới nghĩ tới kinh tế vĩ mô – vi mô, thậm chí nghĩ đến chuyện bỏ lơ khoản thưởng Tết, vịn vào thoát Á, thoát Tàu… Mặc dù cái sự nghĩ này còn lợn cợn, chưa đâu vào đâu.

 

Ngược lại, người nông dân chân lấm tay bùn, năm nào cũng như năm nào, đời sống dựa vào Nông Lịch (chứ không phải Âm Lịch – tức lịch Tàu - đây là mấu chốt căn bản để người Việt ăn Tết cổ truyền và đánh dấu, khởi sự mùa màng…). Người nông dân Việt nói riêng và người Việt nói chung chỉ ăn Tết khi khí trời trở nên nhẹ nhàng, ấm áp, dương khí tràn trề mặt đất, vạn vật sinh trưởng, đậm chồi nảy lộc. Đây cũng là thời điểm con người, vạn vật hồi tỉnh sau một mùa đông dài nhì nhằng với mưa lạnh, lụt bão, thiên nhiên khắc nghiệt và tai ương…

 

Vỡ đất, trồng cây, đó là động thái có từ vô thức của người Việt, có thể việc trồng cây cho mùa Tết không mang lại lợi nhuận, nhưng hành động này đóng vai trò tỉnh thức nhiều hơn là kiếm ăn thuần túy. Việc vác cuốc ra đồng của người nông dân, cài đặt lại chương trình làm việc của người trí thức và cả cài đặt lại chương trình buôn bán của người thương gia sau thời gian dài trú đông/ngủ đông đều có khởi điểm của “vỡ đất vô thức”.

 

Và đây cũng là thời điểm người ta suy nghĩ về huyết hệ, dòng tộc. Nhìn cái cây nảy mầm từ hạt, người ta suy tư về mùa cây trước và tưởng nhớ đến những bàn tay gieo trồng từ sơ thủy loài người, người ta lại miên man nhớ đến ông bà, cha mẹ, anh chị em, cả người đã khuất và người còn sống nhưng cách xa vạn dặm đường dài. Nghĩ và đi, không nói không rằng, cái chân muốn đi, muốn tìm về nguồn cội, có thể nguồn cội là khái niệm mơ hồ bởi mọi thứ đã tiêu táng theo thời gian, thời cuộc nhưng người ta vẫn cứ muốn quay về. Đương nhiên sự quay về này không phải là động thái vĩnh cửu mà chỉ khuôn giới trong hãn hữu thời gian cho phép, trong khoảnh khắc tâm thức, nó cũng giống như sự luân chuyển của bốn mùa Xuân – Hạ - Thu – Đông. Cây đến mùa xuân lại trổ hoa, dù cho phép hay không cho phép. Và cây chỉ trổ hoa theo tiếng gọi của đất trời chứ không trổ hoa theo tiếng gọi của con người.

 

Theo thời gian, có nhiều khu nghĩa trang không còn, đã bị xóa dấu, thay vào đó là những khu dân cư, khách sạn, nhà ở, thậm chí biệt phủ… Nhưng cái tâm lý Tết về thắp nhang mộ ông bà là tâm lý chung và thường hằng của người Việt. Bởi đâu phải nén nhang thắp trên mả ngôi to bằng nhà lầu hay mả hoang sè sè nắm đất bên đường là những nắm nhang mà người Việt thắp hàng ngàn năm nay. Đó chỉ là những nắm nhang hiện vật, nhìn thấy được, cái nắm tâm nhang tỏa hương thơm cay trong tâm hồn người Việt hàng ngàn năm nay mới là chuyện để bàn.

 

Những nắm nhang mang tên đại đoàn tụ gia đình, về để thắp nhang ông bà, về để xớt vạt cỏ trước sân, về để ngồi bên nồi bánh chưng bánh tét nghe cái lạnh cuối đông đang chuyện trò với bếp lửa gia đình, về để ôn lại tuổi ấu thơ trong ngôi nhà cũ, nơi mà có thể bây giờ mọi thứ đã đổi thay, không còn tranh tre vách nứa, không còn cái nghèo thê thiết ghì ôm lấy bữa cơm đạm bạc, không còn dĩa rau khoai luộc, không còn hình ảnh người xưa và không còn cả những gì gần gũi nhất… Nhưng mọi thứ chỉ gắn tại đây, tại nơi này, ngồi trên cái mới người ta chuyện trò với kỉ niệm, chuyện trò với hình hài cái cũ… Chính vì vậy mà người ta về. Bởi chỉ có Tết, thời điểm mà người nông dân dù nghèo cỡ nào, người thương gia dù giàu cỡ nào, người trí thức dù sang trọng hay kiêu mạn cỡ nào thì cũng phải thả lòng mình hòa với đất trời, cúi đầu trước tâm linh tổ tiên và cởi mở lòng mình với con trẻ. Chỉ có Tết con trẻ mới được xúng xính quần áo mới, chỉ có Tết con trẻ mới được ăn kẹo mà không bị la, chỉ có Tết con trẻ mới được lì xì và đón nhận cái giây phút mình “lớn thêm một tuổi”, cái tuổi thiêng liêng ấy, cái giây phút thiêng liêng ấy đi theo cùng năm tháng, đời người.

 

Và nói rằng Tết Tây cũng có những giây phút ấy. Chính xác, đó là với người Tây, còn với người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng, tuổi và đời người được tính theo lịch nông nghiệp, tức một loại lịch gần với lịch mặt trăng, lịch âm. Nghĩa là khi mới hoài thai, đứa trẻ đã cảm nhận, thụ lãnh mọi hạnh phúc và đau khổ từ người mẹ. Người mẹ Á Đông khác với người mẹ phương Tây, người mẹ Á Đông chịu nhiều đau khổ, thiệt thòi và vất vả, cả một đời hi sinh cho con mình bất vụ lợi. Người mẹ Á Đông ký thác niềm tin yêu, hi vọng và mơ ước, kể cả mọi giấc mơ dang dở vào bầu thai. Chính vì vậy, đứa bé Á Đông đã mang một tuổi trong bụng mẹ, hay nói khác đi, đứa bé Việt Nam có một tuổi trước khi ra đời, khi oa oa chào đời, đứa bé đang chuẩn bị nhận tuổi thứ hai. Và cái tuổi 0 của phương Tây, tức tuổi 1 của Á Đông, của người Việt khác nhau hoàn toàn, bởi từ bụng mẹ, đứa bé đã mang mọi khúc xạ số phận con người.

 

Cái chu kỳ Xuân – Hạ - Thu – Đông đối với người Á Đông là chu kỳ định mệnh, nó gắn với tâm thức nông nghiệp, với mỗi con người. Và nó không thể thay đổi, bởi đặt một giả định rằng bỏ Tết cổ truyền, ăn theo Tết Tây để: Thoát Tàu; Phát triển kinh tế; Tạo ra tác phong công nghiệp; Hiện đại hóa con người; Văn minh hơn… Thì xin thưa, tất cả những luận điểm trên đây là luận điểm cùn, không có cơ sở.

 

Ở luận điểm thứ nhất; Bỏ Tết truyền thống để thoát Tàu. Nên nhớ, Tết Việt là Tết Việt, Tết Tàu là Tết Tàu, người Việt ăn Tết Việt, thờ ông bà Việt, hướng về quê hương Việt, ăn các món ăn Việt, sinh hoạt theo truyền thống và thói quen Việt, chúc Tết bằng tiếng Việt, hành hương trên xứ Việt. Chưa bao giờ có cuộc hành hương Tết nào trong lịch sử mà người Việt lại hành hương về Tàu, (trừ những người Hoa Minh Hương, Phúc Kiến thì không dám bàn, mà chưa chắc họ đã hành hương Tết về Trung Hoa!). Như vậy, ăn Tết cổ truyền hay không ăn Tết cổ truyền có liên quan gì đến Tàu mà bỏ để thoát?!

 

Về quan điểm bỏ Tết cổ truyền để phát triển kinh tế thì chẳng hiểu tại sao người ta nghĩ được như vậy. Bởi mọi xung năng kinh tế của Việt Nam đều dồn vào dịp Tết. Đối với kinh tế trong nước, sức mua, sức bán tăng vọt, doanh thu cũng tăng vọt trong dịp này. Đối với ngành du lịch, kinh tế đối ngoại thì Tết là sản phẩm du lịch đốc đáo bậc nhất, nó hàm chứa mọi giá trị vật thể và phi vật thể của dân tộc. Mỗi cái Tết, ngành du lịch thu về một lượng tư bản không lồ. Nếu bỏ Tết, ngành du lịch mất đi một sản phẩm lớn hàng đầu và rồi sẽ phải ngồi nặn óc nghĩ ra những sản phẩm lẻ tẻ như lễ hội, Festival… Đặt giả định các doanh nghiệp Việt sẽ mất đi cơ hội và hợp đồng với đối tác nước ngoài do nghỉ Tết? Đây là cách nói lấy được. Vì thời đại internet, mọi thứ đều giao dịch dựa trên căn bản này, mọi hợp đồng giữa các tập đoàn được chốt thông qua internet, thậm chí, trong thời đại dịch cúm, các hợp đồng ký kết hầu hết qua không gian mạng, thậm chí các diễn đàn khu vực, diễn đàn quân sự giữa các quốc gia đều diễn ra trên không gian mạng. Thì hà cớ gì cứ phải bay tới bay lui? Việc chọn bay tới bay lui, ăn ở, gặp nhau, nhìn cựa, nhìn gà nhau trong kinh tế trước khi ký kết hợp đồng mới là lạc hậu, bất cập!

 

Nghỉ Tết để tạo ra tác phong công nghiệp? Càng sai! Vì tác phong công nghiệp, người sống trong thời đại công nghiệp có những kỳ nghỉ Vacation dài ngày, cả tháng trời, thậm chí hai, ba tháng trời. Điều này đâu ảnh hưởng gì đến tác phong làm việc? Tác phong công nghiệp không liên quan gì đến việc nghỉ 5 ngày, 10 ngày để sum họp gia đình. Và hơn nữa, nếu người Việt không có quãng thời gian sum họp đầu năm, không có cởi mở lòng mình với đất trời, thì việc làm quần quật, việc kiếm tiền và kiếm tiền cuối cùng để giải quyết việc gì?

 

Nói bỏ Tết cổ truyền để hiện đại hóa con người, để văn minh hơn? Vậy có nghĩa là văn minh, hiện đại đồng nghĩa với mất gốc? Bởi dù muốn hay không muốn, người Nhật hiện nay cũng đang cố gắng quay về với Tết truyền thống của họ. Sau nhiều thập kỉ ăn theo Tết Tây, chẳng phải cái giá phải trả của dân tộc Nhật là có quá nhiều người trầm cảm, tự tử bởi họ luôn luôn quấn trong công việc, mà không hiểu kiếm nhiều tiền vậy để làm gì, họ không có đời sống riêng của họ…?

 

Vì bài đã dài, tôi xin hẹn bàn tiếp ở kỳ tới, mở rộng hơn vấn đề hiện đại hay không và vấn đề lịch pháp khi nói về Tết cổ truyền.

 

VietTuSaiGon's blog

 

                                                     ***

 

Bỏ Tết cổ truyền, ăn Tết dương lịch: được gì, mất gì? (kì 2)

VietTuSaiGon

Thứ Sáu, 02/05/2021 - 08:09 — VietTuSaiGon

https://www.rfavietnam.com/node/6671

 

Bài trước tôi có đề cập vấn đề về mối liên hệ giữa tâm thức nông nghiệp của người Việt với Tết cổ truyền. Và, nói cho cùng thì trong thời điểm này, nếu có ai đó hô hào, kêu gọi bỏ Tết cổ truyền để ăn theo Tết dương lịch thì kỳ thực, đây chẳng phải là vấn đề yêu nước, thoát Trung hay chống bành trướng phương Bắc gì. Đơn giản, đó là suy nghĩ vọng ngoại ngớ ngẩn và nông cạn.

 

Hơn nữa, đó cũng là một kiểu đi trên vết xe của một số nước đã theo phương Tây, đã công nghiệp hóa hoàn toàn và thành công. Trong đó, tiêu biểu là Nhật Bản. Và, bối cảnh Việt Nam hiện nay, dù chỉ nửa bước đi theo Nhật Bản trong việc bỏ Tết cổ truyền cũng đã quá sai lầm! Đó là chưa nói đến vấn đề văn hóa, chính trị và cơ địa quốc gia.

 

Có hai vấn đề cần đặt ra ở đây: Tại sao đi theo vết xe của Nhật Bản thì Việt Nam hoàn toàn thất bại? Cơ địa quốc gia là cái gì?

 

 

Vết xe Nhật Bản…

 

Ở vấn đề thứ nhất, có rất nhiều bài viết mà các tác giả dựa trên nền tảng các phát triển của Nhật Bản để dẫn dụ đến chuyện nên bỏ Tết cổ truyền, ăn theo Tết dương lịch. Trong khi đó, Nhật Bản bỏ Tết cổ truyền của họ có phần hợp lý, còn Việt Nam thì không, thậm chí hết sức vô lý. Bởi có một thực tế rất rõ, Nhật Bản không phải là một quốc gia có nhiều diện tích nông nghiệp như Việt Nam, Nhật Bản là quốc gia không có tài nguyên. Và thiên tai, động đất đến với họ bất cứ giờ nào. Nhật Bản là một quốc gia công nghiệp hàng đầu khu vực, thậm chí hàng đầu thế giới.

 

Nói như vậy để thấy rằng nước Nhật trong quá trình công nghiệp hóa của họ, buộc phải học theo tác phong công nghiệp, nhất là giai đoạn lịch sử mà họ chọn công nghiệp hóa chưa hề có internet (cũng do đó không thể có các cuộc đàm phán hợp đồng hoặc ký kết hợp đồng thông qua internet), họ buộc lòng phải điều chỉnh cả các thói quen, tập tục và truyền thống để đảm bảo phù hợp với lịch làm việc (giao dịch trực tiếp) với/của các đối tác phương Tây, để đảm bảo không mất đối tác. Đặc biệt, với tư thế một quốc gia thua cuộc trong chiến tranh thế giới II, họ không có quyền lựa chọn nhiều, hoặc là chấp nhận thay đổi toàn triệt theo phương Tây để tồn tại, phát triển, hoặc dừng tại chỗ với một quốc gia nghèo tài nguyên, nghèo khoáng sản và hơn nữa là đầu hàng, thua trận sau chiến tranh. Chính lịch sử, lý lịch dân tộc đã buộc Nhật Bản phải lựa chọn như vậy, và họ đã lựa chọn đúng, sự lựa chọn thông minh của họ đã cho ra thành quả hôm nay.

 

Nhưng, bên cạnh sự thông minh, nhạy bén này, tính minh triết, tĩnh lặng của Nhật Bản bị lấy đi rất nhiều. Nhật Bản u mặc, trầm tĩnh bị thay thế bởi một Nhật Bản năng nộng, cuống cuồng mặc dù căn tính của họ vẫn là một dân tộc trầm tĩnh, u mặc, sâu sắc. Điều này dẫn đến hệ quả không ít thanh niên bị trầm cảm do vòng quay công nghiệp và phần lớn người Nhật muốn quay về với nếp sống truyền thống.

 

Còn Việt Nam thì sao? Hiện tại, Việt Nam là nước đang phát triển, và trong các mũi nhọn phát triển kinh tế, ngành du lịch – công nghiệp không khói – thu về nhiều tỉ USD mỗi năm. Trong mũi nhọn kinh tế mang tên Du Lịch này, Tết là sản phẩm độc đáo nhất, bởi Tết cổ truyền không diễn ra cùng lúc với Tết dương lịch và đến sau chừng một tháng, đây là thời gian để khách bên ngoài vào tìm hiểu, tham quan và khám phá tập tục, truyền thống, cảnh quan Việt Nam tốt nhất. Nói không ngoa thì chỉ riêng mùa Xuân, ngành du lịch Việt Nam đã thu về số tiền rất lớn so với các tháng còn lại của năm.

 

 

Cơ địa quốc gia…

 

Kinh tế, đó chỉ mới luận điểm nhỏ khi bàn về Tết cổ truyền, trong đó, vấn đề cơ địa quốc gia mới đáng bàn. Nếu chỉ vì thoát Trung, chúng ta bỏ Tết âm lịch thì e rằng đây là quan điểm quá cố chấp và sai lầm. Bởi văn minh, văn hóa không có ranh giới, không có biên kiến mà chỉ có đặc trưng. Tự giới hạn mình bằng cách bỏ qua, không tiếp thu và thừa kế cái hay thì e rằng, đến một lúc nào đó, phải đập bỏ cố đô Huế bởi đây là phiên bản giống hệt Tử Cấm Thành của Trung Quốc thu nhỏ, và đến một lúc nào đó lại phải đập bỏ toàn bộ phố cổ Hội An, Hà Nội, Phố Hiến… bởi nó cũng là một phiên bản khác theo kiến trúc Tàu. Xa hơn nữa, lại phải đập bỏ toàn bộ các công trình có liên quan đến Pháp bởi họ là nước đô hộ… Nói cho cùng, thì đến một lúc nào đó, ngoài bỏ Tết cổ truyền lại bỏ luôn Tết dương lịch bởi đây là loại Tết của thực dân. Nếu nói bỏ vì một lý do nào đó thì có quá nhiều lý do để bỏ. Nhưng giữ vì một lý do duy nhất là bảo tồn văn hóa thì dễ bị soi mói rằng “đó có phải là văn hóa Việt?”. Con người vốn dĩ đa đoan và cực đoan.

 

Nói như vậy để thấy rằng đôi khi căn tính dân tộc đi ngược với cơ địa dân tộc, nhưng đôi khi hòa hợp làm một. Hiện tại, căn tính người Việt đương nhiên phù hợp với cơ địa quốc gia, tuy vẫn có một số người đi ngược. Bởi cơ địa của Việt Nam, dù nói gì thì vẫn cứ là cơ địa nông nghiệp. Và cơ địa nông nghiệp là một lợi thế phát triển khi thế giới đang ngày càng biến động vì thời tiết thay đổi, dịch bệnh tràn lan và nhiều nơi trở nên khô cằn. Khi thời tiết thay đổi, nhiều nơi bị sa mạc hóa trong lúc dân số thế giới vẫn tăng phi mã thì chắc chắn khủng hoảng lương thực sẽ xảy ra trong một sớm một chiều. Lúc đó người ta mới thấy được giá trị thực thụ của nền nông nghiệp ổn định. Chỉ riêng trong đại dịch Covid-19 năm 2019 – 2020, Việt Nam bình ổn hơn nhiều nước mặc dù vẫn có nhiều ca nhiễm dịch và nhiều ổ dịch bùng phát là vì Việt Nam là nước nông nghiệp.

 

Chính vì sự ổn định trong dự trữ lương thực gia đình cộng với tính ổn định trong dự trữ lương thực quốc gia nên an ninh lượng thực Việt Nam không hề suy suyễn trong suốt một năm dịch giã. Trong khi đó, Hoa Kỳ, Trung Quốc là những quốc gia siêu cường, nhưng khi dịch bùng phát, tình trạng khan hiếm lương thực cục bộ ở một số nơi là có thật, và tình trạng hôi lương thực, cướp giật siêu thị cũng diễn ra trên nhiều nước phát triển, nước giàu. Vì họ có nhiều tiền nhưng tiền không thể ăn cứu đói khi xuất nhập khẩu đình trệ, cuối cùng họ cần lương thực. Trong thời đại hiện nay, việc ổn định nền nông nghiệp, cơ giới hóa, thậm chí số hóa nông nghiệp là hết sức cần thiết và có tính sống còn của quốc gia, dân tộc. Muốn ổn định nông nghiệp, phải ổn định các giá trị vô hình của nông nghiệp. Trong các yêu cầu ổn định nông nghiệp, giữ Tết cổ truyền là vấn đề cốt lõi.

 

Khi nói tới Tết cổ truyền, giữ hay bỏ, rồi Tết cổ truyền ảnh hưởng bởi Trung Hoa như thế nào, người ta hay bàn về lịch pháp, hay nói về âm lịch. Kỳ thực, Tết cổ truyền chả có liên quan gì đến âm lịch, còn gọi lịch âm, tức lịch Tàu. Tết cổ truyền ăn theo Nông Lịch, và Nông lịch có từ thời nhà Hạ, thời đó chẳng có nước Trung Hoa hay Trung Quốc như bây giờ, và cũng chưa có Khổng Nho, chưa có Cộng sản Trung Quốc… Hay nói khác đi là ngay cả Trung Hoa cũng lấy nông lịch làm chuẩn để ăn Tết của họ. Vì họ thấu hiểu rằng họ cũng là quốc gia nông nghiệp, mùa màng, thời vụ đều dựa vào chu kỳ mặt trăng. Đây là mấu chốt vấn đề.

 

Vấn đề thời tiết, mùa vụ và thủy triều hoàn toàn phụ thuộc vào lực hấp dẫn của mặt trăng, thủy triều lên, thủy triều xuống đều phụ thuộc chu kỳ mặt trăng, mưa gió, thời tiết, khí hậu và thiên tai cũng phụ thuộc vào chu kỳ mặt trăng. Ngay cả chu kỳ của con người cũng phụ thuộc vào chu kỳ mặt trăng. Và đương nhiên, chu kỳ trái đất bị ảnh hưởng bởi chu kỳ mặt trăng, năng lượng trái đất được bảo toàn bởi mặt trời nhưng bị méo mó hay tròn trịa lại do mặt trăng. Trong thái dương hệ, mặt trời là định tinh, mặt trăng chuyển động, trái đất chuyển động. Mọi thứ chu kỳ đều phụ thuộc vào tác nhân chuyển động, sự chuyển động gây biến động chứ không bao giờ do cái đứng yên.

 

Nói dông dài như vậy để thấy rằng việc chọn ăn Tết theo dương lịch đối với người Á Đông là bất khả thể. Bởi vì người Á Đông không có nền tảng kinh tế thương mại như người phương Tây. Nói tới người phương Tây là nói tới những chuyến thương thuyền, buôn bán, dịch vụ, thương mại khắp thế giới từ thời chưa có lịch Julius chứ đừng nói tới lịch Gregory. Và khi có tuyết, khi mùa đông tới, khi các hoạt động thương mại đóng băng là lúc người ta chọn nghỉ Tết, chọn kết thúc một năm tài khóa, một năm thương mại.

 

Điều này hoàn toàn khác với nông nghiệp. Bởi với kinh tế nông nghiệp, đặc biệt các chu kỳ kinh tế bị ảnh hưởng nặng bởi chu kỳ mặt trăng như Việt Nam và các nước Á Đông thì việc ngủ đông chỉ là tạm thời, tránh thiên tai, để rồi khắc phục. Và lương thực, tiền tệ dự trữ cho ngủ đông không thể là khoản để ăn Tết được. Chỉ sau khi mùa màng phục hồi, sau khi ổn định sản xuất, có thể làm lụng kiếm cái ăn, người ta mới đón Tết được. Hơn nữa, vạn vật sau khi ngủ đông, đất đai được vỡ, được cày bừa, gieo trồng, cây đâm chồi nảy lộc lấy lại sự sống, thời tiết ấm áp, cây đơm hoa kết quả thì người ta mới đón Tết. Cái Tết là một nụ hoa khác trong tâm thức nhân quần, nó nở cùng với đóa hoa tự nhiên. Đây là điểm khác biệt cơ bản của Tết cổ truyền Việt Nam với Tết dương lịch.

 

Và ngay cả trong thời công nghiệp hóa, việc ngủ đông cho công nghiệp tại Việt Nam và các nước Á Đông vẫn phải diễn ra, vì khi thiên tai, lụt lội, người ta buộc phải dừng tạm thời qui trình sản xuất để đợi thời tiết vãn hồi.

 

Có người luận giải theo lịch pháp, bảo rằng một năm 365 cộng ¼ ngày của dương lịch phù hợp với chu kỳ trái đất quay quanh mặt trời hơn chu kỳ lịch âm có tháng nhuận mỗi bốn năm. Lập luận kiểu này thì rõ ràng không biết gì về lịch pháp. Bởi thời tiết, thời vụ và thiên tai không theo chu kỳ trái đất quay quanh mặt trời mà biến động theo chu kỳ mặt trăng quay quanh trái đất. Nếu nói thời tiết biến động theo chu kỳ trái đất quay quanh mặt trời thì đến Tết dương lịch phải là mùa xuân, cây đâm chồi nảy lộc, hoa trái bắt đầu đơm bông, vạn vật bừng tỉnh… Nhưng thử nghĩ có Tết dương lịch nào có được thời tiết, không khí như Tết cổ truyền – Tết Nông Lịch – chưa?! (Kể cả Tết dương lịch ở các nước phương Tây).

 

Vấn đề còn rất dài, nhưng tôi chỉ xin dừng ở những luận điểm ngắn và khái quát về vấn đề cái lợi, cái hại trong chọn ăn Tết theo lịch dương và bỏ đi Tết cổ truyền. Và với Việt Nam, giả sử như bỏ thêm 10 ngày ăn Tết thì mất gì? Và đổi 10 ngày ăn Tết đó để tiếp tục lao vào làm việc thì được gì? Chắc câu trả lời đã rõ, không cần bàn thêm!

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats