Thursday, 18 February 2021

BIDEN MUỐN LẬP KẾ HOẠCH "TẬP THỂ", "CÓ TỔ CHỨC" ĐỐI PHÓ TRUNG QUỐC (Thu Hằng - RFI)

 



Biden muốn lập kế hoạch “tập thể”, “có tổ chức” đối phó Trung Quốc

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 18/02/2021 - 14:47

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210218-biden-lap-ke-chong-trung-quoc-co-to-chu-va-tap-the

 

“Ransomwares”, tin tặc bằng mã độc và đòi tiền chuộc, trong đó Pháp trở thành đối tượng trong thời gian gần đây ; Bruxelles tung chiến dịch đối phó với các biến thế virus corona ; Là người da đen tại Pháp… là một số chủ đề trên trang nhất của các nhật báo lớn tại Pháp ngày 18/02/2021.

 

https://s.rfi.fr/media/display/8d183510-6c66-11eb-8c8d-005056bf87d6/w:980/p:16x9/2021-02-11T042506Z_247102557_RC24QL9IR87Z_RTRMADP_3_USA-CHINA.webp

Ảnh minh họa : Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) và phó tổng thống Mỹ Joe Biden (T) tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 04/12/2013. REUTERS - POOL New

 

Tái lập cân bằng quyền lực Trung-Mỹ là chủ trương của tổng thống Joe Biden, được báo Le Figaro dành hai trang đề cập. Nhật báo thiên hữu nhận định chủ trương cứng rắn của tổng thống tiền nhiệm Donald Trump sẽ vẫn được ông Joe Biden duy trì nhưng bằng một chiến lược khác.

 

Theo Le Figaro, từ khi lên nhậm chức, ông Joe Biden thể hiện ít nhất ba điểm khác biệt với người tiền nhiệm.

 

Thứ nhất, ông không vồ vập gọi điện ngay cho chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình như tổng thống Trump từng làm, nhằm giữ khoảng cách với với nhà lãnh đạo từng bị ông gọi là “tên du côn” khi vận động tranh cử. Ba tuần, sau khi gọi điện hết cho các đồng minh, đối tác trên thế giới, ông gọi điện nguyên thủ Trung Quốc vào ngày 12/02, nhân dịp Tết Nguyên đán.

 

Mọi bất đồng đều được ông Biden nêu trong cuộc điện đàm dài hai tiếng. Washington đề cao “bảo vệ an ninh, sự phồn vinh, cách sống của dân tộc Mỹ”, duy trì một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương “tự do và mở” trong khi Trung Quốc liên tục tiến các quân cờ ở châu Á. Hoa Kỳ “quan ngại sâu sắc” về “các biện pháp đối xử bất công và cưỡng bức” của Trung Quốc, trấn áp ở Hồng Kông, “vi phạm nhân quyền” ở Tân Cương…

 

Chủ tịch Trung Quốc công nhận “những bất đồng” nhưng nhắc đến “hợp tác” và “tôn trọng lẫn nhau”, đồng thời đặt ra vài lằn ranh đỏ mà Washington phải “thận trọng” : Hồng Kông, Đài Loan, Tân Cương là “chuyện nội bộ” của Trung Quốc.

 

Thứ hai, thời gian ba tuần còn được giải thích ở việc tổng thống Mỹ muốn tham khảo ý kiến của các đồng minh và đối tác về kế sách đối phó với Trung Quốc. Nói một cách khác, ông Joe Biden muốn có sức mạnh “tập thể” và phương sách “có tổ chức”, khác với thái độ khó lường, bốc đồng của ông Donald Trump.

 

Một mặt trận quốc tế chống Bắc Kinh về thương mại, công nghệ, quân sự đã được ông Biden phác họa sau các cuộc điện đàm với nhiều nhà lãnh đạo, như thủ tướng Đức Angela Merkel, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga hay thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

 

Ngoài ra, theo Le Figaro, ông Joe Biden cũng sẽ chú ý đến ngoại giao cá nhân nhưng phải biết rõ đối thủ của mình. Theo tổng thống Mỹ, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một người “rất cứng rắn, rất thông minh” và “không có một chút dân chủ nào ở trong người”.

 

Cuối cùng, chính quyền Mỹ hiện nay đồng tình về chính sách phải “cứng rắn” với Bắc Kinh của tổng thống Donald Trump, nhưng hứa đưa ra một “phương pháp” dù tạm thời vẫn “kiệm lời về những chi tiết liên quan đến chiến lược châu Á”, theo quan sát của báo Le Figaro.

 

Tuy nhiên, đội ngũ quan chức đảm nhiệm các trọng trách liên quan đến Trung Quốc có thể khẳng định quyết tâm phòng thủ của Washington. Ngoài ra, chính quyền Biden còn muốn chứng tỏ một điều : “Sẽ không lặp lại sai lầm dưới thời chính quyền Obama”, theo nhận định của bà Bonnie Glaser, chuyên gia của trung tâm CSIS tại Washington. Ông Obama là người đưa ra chiến lược “xoay trục sang châu Á”, nhưng Tập Cận Bình đã nhanh chân hơn ở Biển Đông, xây 7 đảo nhân tạo và đòi chủ quyền ở vùng biển chiến lược này.

 

Về phản ứng từ phía Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc, khẳng định : “Không một thế lực nào có thể ngăn được sự phát triển của Trung Quốc”.

 

Nhìn vào quyết tâm được cả Washington và Bắc Kinh thể hiện, có ít chỗ cho thỏa hiệp, Le Figaro kết luận.

 

 

“Đối với Mỹ, Trung Quốc là một thách thức lớn hơn cả Liên Xô”

 

Cuộc đối đầu Mỹ-Trung ở Đông Nam Á khiến Singapore lo ngại leo thang căng thẳng. Trả lời phỏng vấn nhà báo Sébastien Falletti của Le Figaro, ngoại trưởng Singapore nhận định “đối với Mỹ, Trung Quốc là một thách thức chiến lược còn vượt xa cả Liên Xô, thậm chí mạnh hơn cả thời Chiến tranh lạnh”. Nếu hai bên không tìm được một thỏa hiệp, một phần lớn thịnh vượng và hòa bình mà chúng ta đang có sẽ bị đe dọa.

 

Ngoại trưởng Singapore nhắc lại Đông Nam Á không phải là một “chiến trường” nhưng là một “đấu trường của cơ hội”. Cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều có những cơ hội quan trọng ở Đông Nam Á và “sẽ không khôn ngoan nếu tìm cách biến chúng tôi thành chư hầu hay bắt chúng tôi chọn phe”, theo cảnh báo của ngoại trưởng Singapore.

 

 

Phương Tây bị cuốn vào chuyện cổ tích dân chủ ở Miến Điện

 

Cuộc đảo chính ở Miến Điện tiếp tục là chủ đề được các báo Libération, Le Figaro, Le Monde đề cập.

 

Le Monde ví cuộc đời của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi là “một thảm kịch không hồi kết”. Bà bị phương Tây chỉ trích vì thỏa hiệp với tập đoàn quân sự, không lên tiếng bảo vệ người Hồi Giáo Rohingya bị truy bức, bị đòi thu lại giải thưởng Nobel Hòa Bình danh giá. Nhưng đối với người dân trong nước, bà vẫn là một hình tượng. Bà sống một phần cuộc đời trong giam lỏng và giờ lại bị tạm giam, ít nhất đến ngày 01/03 để ra hầu tòa.

 

Nhật báo Kinh tế Les Echos trở lại những cuộc biểu tình tại Miến Điện và chiến lược bịt miệng thông tin của quân đội bằng cách cắt internet, triển khai lực lượng trên thực địa để đe dọa người biểu tình. Les Echos cho rằng “Tại Miến Điện : Người biểu tình và quân đội gần điểm tan vỡ”.

 

Riêng Libération đăng bài phỏng vấn chi tiết với nhà sử học Thant Myint-U, từng làm cố vấn tổng thống, về mối quan hệ căng thẳng giữa bà Aung San Suu Kyi và giới tướng lĩnh, đặc biệt là với phe của thống tướng Min Aung Hlaing hiện nay.

 

Theo nhà sử học, bà Aung San Suu Kyi không đánh giá thấp giới tướng lĩnh nhưng có lẽ đặt niềm tin vào việc hòa giải với quân đội. Và đây chính là điểm mà phương Tây đã không hiểu được. Phương Tây đã không hiểu được các bước chuyển biến hướng đến một chính phủ cởi mở hơn sau năm 2010 bấp bênh đến mức nào. Phương Tây bị lôi cuốn vào câu chuyện cổ tích về nền dân chủ mà không tính đến thực tế Miến Điện phải chịu nội chiến trong 75 năm, với vài trăm tổ chức vũ trang không chính quy và các lực lượng ly khai, một nền công nghiệp ma túy lên đến 75 tỉ đô la hàng năm và đã sống trong suốt 5 thập niên dưới thời độc tài và bị cô lập với thế giới.

 

Về khả năng trừng phạt nhắm vào giới tướng lĩnh và các doanh nghiệp liên quan đến quân đội, được nhiều nước nêu lên, ông Thant Myint-U cho rằng đó không phải là một giải pháp hay vì các biện pháp trừng phạt trong suốt 20 năm chỉ mang lại kết quả thảm hại. Hàng triệu người dân bị nghèo đi, bươn chải kiếm sống qua ngày. Theo ông, cần phải khẩn trương phát triển, cổ vũ tự do chính trị và tôn trọng nhân quyền. Quốc tế đã bỏ lỡ thời điểm vàng để hòa giải, vào tháng 11, tháng 12/2020 khi căng thẳng bắt đầu dâng cao. Còn hiện tại, mọi ý định hòa giải có rất ít cơ may thành công.

 

 

Bruxelles tung chiến dịch chống các biến thể của virus corona

 

Sau khi bị chỉ trích vì chiến dịch tiêm phòng bị chậm, vac-xin bị thiếu, Ủy Ban Châu Âu muốn thể hiện vai trò tuyến đầu đối phó với những biến thể của virus đang lan rộng.

 

“Xét nghiệm, nghiên cứu, vac-xin : Bruxelles sẵn sàng chống lại các biến thể” của virus corona, theo báo Les Echos. Kế hoạch mang tên “Hera incubator” được chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen trình bày ngày 17/02 và dự kiến hoạt động vào đầu năm 2023. Dự án sẽ tập trung vào việc cung cấp tài chính để tìm hiểm sâu hơn về những biến thể này. Châu Âu cũng muốn tạo thuận lợi và phát triển thử nghiệm lâm sàng để các nhà sản xuất có thể có những điều kiện tốt hơn để thích ứng các loại vac-xin.

 

Le Figaro đi sâu hơn vào ba điểm chính của kế hoạch trong bài : “Liên Hiệp Châu Âu trang bị chống biến thể” : phát hiện sớm các biến thể, tăng tốc cấp giấy phép các vac-xin thích ứng, gia tăng sản xuất vac-xin tại châu Âu.

 

Bruxelles hiện ký 6 hợp đồng với các nhà sản xuất. Một số điều khoản được sửa đổi liên quan đến các biến thể mới. Ngoài ra sẽ có thêm nhiều hợp đồng cung ứng vac-xin sẽ được ký. Tổng cộng Liên Hiệp Châu Âu đã ký mua 2,6 tỉ liều vac-xin chống Covid-19. “Vac-xin thứ tư đang được nghiên cứu cho châu Âu”, theo thông tin của La Croix. Tập đoàn dược phẩm Johnson & Johnson đã nộp giấy xin phép lên Cơ quan Dược phẩm châu Âu. Kết quả sẽ được đưa ra vào khoảng giữa tháng Ba.

 

 

Pháp vũ trang chống tin tặc

 

Nhiều doanh nghiệp, bệnh viện tại Pháp trở thành đối tượng tin tặc đòi trả tiền chuộc, trong đó vụ mới nhất là bệnh viện Villefrance-sur-Saône (tỉnh Rhône). Nhật báo Le Monde có bài điều tra : “Pháp đối phó với tình trạng tin tặc mã độc như thế nào ?”. Còn Le Figaro đưa tin : “Để đối phó với hàng loạt vụ tấn công, Pháp tăng tốc chiến lược an ninh mạng”.

 

Số vụ tấn công tin tặc tăng chóng mặt trong năm 2020, lên đến 192 vụ so với 54 vụ trong năm 2019, theo số liệu của Cơ quan an ninh hệ thống tin học quốc gia Pháp (Anssi). Một chuyên gia, được trích dẫn trong bài điều tra của báo Le Monde, nhận định những kẻ tin tặc cho rằng “nếu họ tấn công một bệnh viện vào thời dịch Covid-19, Nhà nước sẽ trả tiền chuộc”. Ngoài ra, đại tá Fabienne Lopez, phụ trách C3N, đơn vị chuyên trách của Hiến Binh Pháp, còn nhận thấy : “Năm 2020, có rất nhiều gia đình (mã độc) hung hăng hơn. Chúng tôi có cảm giác là đằng sau là cả một nhóm có tổ chức hơn, nhắm vào nhiều công ty lớn hơn với những khoản tiền chuộc lên đến vài triệu euro”. Nếu đe dọa đòi tiền chuộc không thành công, những nhóm tin tặc dọa mang bán đấu giá dữ liệu đánh cắp được. Và nhiều công ty đã phải trả tiền.

 

Ai là thủ phạm ? Rất khó xác định được do “các cuộc tấn công đều được tiến hành từ nhiều nước, thậm chí chính quyền nước đó còn bảo vệ tin tặc”, theo phát biểu của ông Guillaume Poupard, giám đốc Anssi trong một buổi họp báo.

 

Các nhà điều tra của Pháp đã có những tiến bộ quan trọng trong năm 2020, theo phóng sự của Le Monde. Tuy nhiên, “Trước các vụ tấn công liên tiếp, Pháp tăng tốc chiến lược an ninh mạng”. Le Figaro cho biết chính phủ sẽ đầu tư thêm 1 tỉ euro từ giờ đến năm 2025 để nâng cấp chung toàn bộ hệ thống bảo mật và tăng tốc phát triển nhánh công nghiệp Pháp trong lĩnh vực chiến lược này.

 

                                                         ***

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Biden : Mỹ « cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc nhưng không để xẩy ra xung đột »

 

Trung Quốc : Thách thức đối ngoại hàng đầu của Joe Biden

 

Mỹ-Trung : Tập Cận Bình chúc mừng Joe Biden

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats