Thursday, 4 February 2021

ĐẢO CHÍNH Ở MYANMAR BƯỚC SANG NGÀY THỨ TƯ (BTV Tiếng Dân)

 


Đảo chính ở Myanmar bước sang ngày thứ tư

BTV Tiếng Dân

04/02/2021

https://baotiengdan.com/2021/02/04/dao-chinh-o-myanmar-buoc-sang-ngay-thu-tu/

 

Bốn ngày sau vụ quân đội Myanmar tiến hành đảo chính, nhiều đảng phái Myanmar đòi quân đội tôn trọng kết quả bầu cử, VietNamNet đưa tin. Ông Aik Mong, Chủ tịch đảng Quốc gia Ta’ang, phát biểu: “Thay vì chú ý tới một cuộc bầu cử khác, tôi muốn giới quân sự Myanmar xem xét kỹ lưỡng về cuộc tổng tuyển cử năm 2020. Tôi muốn họ chấp nhận kết quả bầu cử”.

 

Tổng Bí thư đảng Dân chủ bang Kayah, ông Theh Reh bình luận về yêu sách của phe quân đội đòi bầu cử lại: “Sẽ rất tốn kém, và khiến người dân cùng những người tổ chức bầu cử mệt mỏi khi lại phải tổ chức một cuộc tổng tuyển cử mới trên toàn quốc. Tốt nhất hãy xem xét kết quả cuộc bầu cử, và thực hiện các hành động pháp lý ở những nơi bị nghi ngờ đã xảy ra gian lận. Sau đó chúng ta hãy suy nghĩ về việc thành lập chính phủ. Quân đội nên giải quyết vấn đề thông qua việc đối thoại với đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD)”.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/02/Img1.jpeg

Binh sĩ Myanmar phong tỏa con đường dẫn đến tòa nhà quốc hội. Ảnh: AP/VNN

 

Nhìn lại lý do dẫn tới cuộc đảo chính: Chính biến ở Myanmar xảy ra sau khi quân đội cáo buộc gian lận bầu cử, có thể thấy quân đội Myanmar đã tự tiện hành động, xem thường người dân, không khác gì những người ủng hộ ông Trump đã xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ vào ngày 6/1. Lý do “gian lận bầu cử” nhưng không cung cấp bằng chứng đã trở thành cái cớ để những kẻ có vũ khí, nhưng thừa bạo lực, tự do hành động, xem thường người dân và sự an nguy của đất nước.

 

Trong số những người ủng hộ ông Trump cũng có người của quân đội, nhưng bản thân Quân đội Mỹ không thể hành động chống lại ý chí của người dân Mỹ, bởi lời thề bảo vệ Hiến pháp Mỹ. Còn quân đội Myanmar  giống như một “nhà nước trong nhà nước”, theo kiểu Lực lượng Phòng vệ của Đế chế Đức Quốc xã. Sau cuộc đảo chính năm 1988, quân đội Myanmar cai trị đất nước bằng chế độ quân phiệt, sửa Hiến pháp, nắm quyền kiểm soát nhà nước Myanmar.

 

Do quân đội Miến Điện có quyền cai trị đất nước, thay vì độc lập như quân đội Mỹ và các nước phương Tây, nên quân đội Miến có thể đổi trắng thay đen, lấy cớ “gian lận bầu cử” để đảo chính. Sau khi đảo chính rồi còn tuyên bố sẽ điều tra cáo buộc gian lận bầu cử, báo Người Lao Động đưa tin.

 

Tổng Tư lệnh Quân đội Myanmar đã thông báo, sẽ có một “ủy ban bầu cử” mới kiểm tra dữ liệu bỏ phiếu để tìm ra kết quả chính xác và có hành động tương ứng. Đảo chính rồi, bắt giam những người thắng cử, còn lấy cớ điều tra để thay đổi dữ liệu, hợp thức hóa chuyện đảo chính?

 

Zing đưa tin: Quân đội Myanmar cho các nghị sĩ 24 giờ để rời khỏi thủ đô. Quân đội Myanmar tuyên bố, các nghị sĩ dân cử có 24 giờ để rời khỏi nhà khách của chính phủ ở thủ đô Naypyitaw. Còn theo kế hoạch trước đó, đảng NLD đã sắp xếp để những nghị sĩ này ở lại đến ngày 6/2. Thượng nghị sĩ U Aung Kyi Nyunt của đảng NLD cho biết, “các nghị sĩ đang chuẩn bị rời đi”.

 

Những kẻ hành động không minh bạch thì rất sợ công luận: Đến lượt Myanmar chặn Facebook, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Bộ Thông tin và Truyền thông Myanmar chặn truy cập vào Facebook theo chỉ thị của Chính phủ quân sự, với lý do: “Hiện đang có những kẻ gây khó khăn cho sự ổn định của đất nước. Họ đang lan truyền những thông tin giả và sai lệch trên Facebook khiến người dân hiểu lầm”. Cáo buộc “tin giả” cũng là câu chữ quen thuộc của ông Trump, là người đã kích động bạo loạn ở Điện Capitol vào ngày 6/1/2020.

 

Nhưng đây là thời buổi không dễ “bịt miệng” dân: Người Myanmar tải ứng dụng nhắn tin bluetooth trong cơn chính biến, theo báo Thanh Niên. Đó là ứng dụng Bridgefy giúp người dân có thể liên lạc với gia đình bạn bè, nhờ khả năng nhắn tin qua bluetooth, không cần kết nối mạng internet. Ông Jorge Rios, CEO Bridgefy cho biết, chỉ trong 2 ngày kể từ khi cuộc chính biến diễn ra, ứng dụng đã có hơn 1,1 triệu lượt tải mới.

 

Phản ứng của người dân: Dân Myanmar xuống đường biểu tình phản đối đảo chính, VnExpress đưa tin. Nhiều người dân ở TP lớn thứ hai nước này là Mandalay, tập trung bên ngoài ĐH Y Mandalay, giơ cao biểu ngữ “nhân dân biểu tình chống đảo chính quân sự”.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/02/Img2-1.jpg

Một nhóm cư dân ở Mandalay biểu tình phản đối đảo chính quân sự. Ảnh chụp màn hình của VnExpress từ Video: Facebook/ Democracy Vision

 

Báo Tiền Phong có bài: Nhân viên y tế tại 70 bệnh viện Myanmar đình công để phản đối đảo chính. Nhóm nhân viên y tế cùng ra tuyên bố: “Chúng tôi từ chối chấp hành bất kỳ chỉ đạo nào từ chính quyền quân sự bất hợp pháp vì họ thể hiện rằng họ không đếm xỉa gì đến những bệnh nhân nghèo”.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/02/Img3-2.jpg

Người Myanmar biểu tình trước tòa nhà LHQ ở Thái Lan để phản đối cuộc đảo chính. Ảnh: Reuters/VNE

 

“Đồng hội đồng thuyền” nên Trung Quốc chặn LHQ lên án cuộc đảo chính Myanmar, theo BBC. Chuyên gia Myanmar, Elliott Prasse-Freeman, thuộc ĐH Quốc gia Singapore, cho biết: “Thông qua chính sách ngoại giao giống như thao túng tinh thần này, Trung Quốc có vẻ như đang ra dấu sự ủng hộ ngấm ngầm, nếu không muốn nói là sự đồng thuận rõ ràng, với hành động của các tướng lãnh… Trung Quốc dường như tiếp tục hành xử như thể đây là ‘vấn đề nội bộ’ của Myanmar, và những gì chúng ta đang quan sát là một ‘cuộc cải tổ nội các’, như truyền thông nhà nước của Trung Quốc đưa tin”.

 

Báo Tuổi Trẻ có bài: Mỹ – Trung và bàn cờ thế Myanmar. Bà Suzanne DiMaggio, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế bình luận: “Myanmar là một thử nghiệm bất ngờ đối với chính quyền Biden, vốn đã nhấn mạnh nhân quyền và dân chủ là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Mỹ”. Còn phía TQ cho rằng, chính biến ở Myanmar chỉ là “đại cải tổ nội các”.

 

Tòa Bạch Ốc ra thông báo, Mỹ coi Myanmar là vấn đề ưu tiên, cảnh báo trừng phạt, theo VTC. Bà Jen Psaki, phát ngôn viên tòa Bạch Ốc, phát biểu: “Tôi không có lịch trình chính xác nhưng đó là một ưu tiên. Xem xét thẩm quyền trừng phạt và nơi cần hành động sẽ là các vấn đề được tập trung”. Tin cho biết, Mỹ “gọi động thái này của quân đội Myanmar là đảo chính. Việc đưa ra tuyên bố này đồng nghĩa Mỹ sẽ ngừng viện trợ cho chính phủ Myanmar”.

____

 

Mời đọc thêm: Quân đội Myanmar yêu cầu các nghị sĩ rời thủ đô trong 24 giờ (PLTP). – Tình hình Myanmar: Thời điểm kết thúc tạm giam bà Aung San Suu Kyi, LHQ tăng cường sức ép, HĐBA mâu thuẫn (TG&VN). – Quân đội Miến Điện cáo buộc bà Aung San Suu Kyi vi phạm luật xuất nhập khẩu (RFI). – Bà Aung San Suu Kyi có thể phải ngồi tù 3 năm (ANTĐ). – Các cuộc đảo chính quân sự làm chấn động thế giới 10 năm qua (Tin Tức).

– Trung Quốc đứng đằng sau cú đảo chính tại Miến Điện? (RFI). – Vì sao có sự phản ứng khác nhau về cuộc đảo chính ở Myanmar? (VOV). – Đảo chính ở Miến Điện: Lỗi ở phương Tây? (RFI). – Myanmar chặn Facebook (VNE). – Myanmar chặn Facebook vì nhiều tin giả (TĐ). – Ứng dụng nhắn tin được người Myanmar ồ ạt tải khi Internet bị ngắt (Zing). – Việt Nam ‘sẵn sàng’ bảo hộ công dân ở Myanmar (VOA). Mời đọc lại: Những mốc sự kiện ‘điềm báo’ cho chính biến ngày 1-2 tại Myanmar (TT). – Quốc hội Myanmar có 1/4 đại biểu quân đội (PLTP).


 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats